TCCSĐT - Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thương mại hai chiều đã tăng mạnh mẽ từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2020.

Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thương mại hai chiều đã tăng mạnh mẽ từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc.

Hơn nữa, Hàn Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại...

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc các mặt hàng thuộc Nhóm hàng linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải các loại, máy móc, thiết bị phụ tùng khác, hóa chất, phân bón...

Theo số liệu thống kê, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 61,5 tỷ USD, tăng 41,3% so với năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30%, kim ngạch nhập khẩu đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3%.

Riêng hai tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Hàn Quốc đạt 10,3 tỷ USD, tăng 32,4%, trong đó xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 45,6%, nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2017.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 20-3 cho biết Việt Nam sẽ vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020 nhờ việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA).

Theo báo cáo trên, trong năm 2017, Việt Nam đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ, tăng 3 bậc so với năm 2014. KITA cho biết thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2020, qua đó đưa Việt Nam thành điểm đến lớn thứ hai của các loại hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong hơn 10 năm qua luôn gia tăng. Hàng xuất khẩu của Hàn Quốc chiếm 8,5% trong tổng số hàng nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2007 nhưng tỷ lệ này đã tăng lên mức kỷ lục 22,1% trong năm 2017.

Trong vòng 2 năm kể từ thời điểm FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng 60,5%, trong khi nhập khẩu cũng tăng hơn 61%.

Mặc dù tổng lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã sụt giảm trong hai năm liên tiếp (là 2015 và 2016) nhưng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sang Việt Nam đã tăng lần lượt là 24,2% và 17,5%. Trong năm 2017, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đối với Việt Nam lên mức 31,6 tỷ USD.

Hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD

Chiều 22-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi hội đàm với ông Paik Un Gyu, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) nhân dịp ông Paik Un Gyu tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm chính thức Việt Nam.

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc và Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao sẽ thắt chặt hơn nữa và phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước, hướng tới mục tiêu nâng cấp mối quan hệ hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2019.

Đặc biệt, hai Bộ trưởng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch thương mại năm 2017 và hai tháng đầu năm 2018 vừa qua, đồng thời khẳng định đây chính là kết quả của sự hợp tác thực chất giữa hai Bộ. Hai bên đã thảo luận cởi mở trên tinh thần tương trợ theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi những giải pháp căn cơ nhằm duy trì hoạt động hợp tác kinh tế thương mại hiện tại và để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng hơn. Hai Bộ trưởng cùng thống nhất cần hợp tác chặt chẽ, xây dựng chương trình hành động chung trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng.

Hai bộ trưởng nhất trí sẽ cùng nhau thiết lập cơ chế hợp tác 4 bên giữa hai Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp hai nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Hàn Quốc nhằm góp phần giảm bớt nhập siêu từ Hàn Quốc.

Không những thế, Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và chính sách đầu tư, phát triển của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như ôtô, điện/điện tử, dệt may, da giày. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác điện lực, hợp tác toàn diện về an toàn năng lượng, hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu. Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, hai nước mở rộng hợp tác về phòng vệ thương mại trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng và phải đối phó ngày càng nhiều với các biện pháp tự vệ của các nước...

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mong muốn nâng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn – Việt lên tầm cao mới

Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông rất vui khi được quay trở lại thăm Việt Nam sau 4 tháng kể từ chuyến thăm Đà Nẵng nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 năm ngoái. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ông đến thăm trong năm nay.

Lý do ông thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam là bởi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam vô cùng đặc biệt. Hai nước Hàn Quốc và Việt Nam sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, bằng sự nỗ lực chung hai nước đã đạt được nhiều bước phát triển đáng kinh ngạc trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân... Đặc biệt, kể từ năm 2009, hai nước đang ngày càng phát triển và làm sâu sắc hơn nữa "mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược". Trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, hai nước đã phát triển mối quan hệ hợp tác trở thành kiểu mẫu trên thế giới.

Quy mô trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh chóng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Hàn - Việt có hiệu lực từ cuối năm 2015. Đến năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 63,9 tỷ USD, nhờ đó Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với lũy kế vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đã lên tới 57,9 tỷ USD và Việt Nam là nước đầu tư trọng điểm của Hàn Quốc khi số doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực ASEAN (trong tổng số 8.600 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào ASEAN, có 5.500 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam).

Ngoài ra, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác viện trợ ODA lớn thứ 2 của Việt Nam. Do đó, trong suốt 30 năm qua, Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam với tổng quy mô vốn ODA là 1,65 tỷ USD.

Mặt khác, Việt Nam cũng là nước ASEAN có quy mô giao lưu nhân dân với Hàn Quốc lớn nhất. Năm 2017, khoảng 2,7 triệu người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau. Hiện nay có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi đó khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam.

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam - một đối tác trọng tâm và cũng là một nước bạn bè quan trọng của Hàn Quốc, trước hết Tổng thống Hàn Quốc mong muốn củng cố hơn nữa tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau trong khuôn khổ cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trên nền tảng đó, ông hy vọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc mong rằng hai nước sẽ cùng đón đợi nhiều thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành chủ đề quan tâm trên toàn thế giới và tạo ra động lực tăng trưởng tương lai để qua đó đặt nền móng vững chắc nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác bổ trợ lẫn nhau và cùng hướng tới tương lai.

Đồng thời, thông qua chuyến thăm này, Tổng thống Hàn Quốc mong muốn được gặp gỡ với các doanh nghiệp Việt Nam, gia đình đa văn hóa Hàn - Việt và người dân Việt Nam để tăng cường sự đồng cảm và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; đồng thời, thông qua chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Hàn Quốc muốn phác thảo sự phát triển tương lai của "Cộng đồng tương lai ASEAN - Hàn Quốc" thông qua mối quan hệ hợp tác Hàn - Việt đang phát triển mẫu mực trên mọi mặt.

Về phương hướng mở rộng hợp tác kinh tế Hàn - Việt trong tương lai, Tổng thống Moon Jae-in cho biết hai từ khóa mà ông nghĩ đến khi nói về sự hợp tác kinh tế Hàn - Việt là "sự hợp tác hai bên cùng có lợi" để hỗ trợ lẫn nhau và "sự hợp tác tăng trưởng tương lai" để cùng chuẩn bị cho tương lai.

Về "sự hợp tác cùng có lợi", sự hợp tác kinh tế phải tạo ra lợi ích cho cả hai phía thì mới có thể bền vững được. Do đó, ông mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam theo cách thức cùng có lợi, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cả hai nước.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm ngoái đạt 63,9 tỷ USD, tăng 40% chỉ sau một năm. Qua đó, Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước hiện nay diễn ra hết sức sôi nổi, như mục tiêu "đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020" đang được hai nước triển khai thuận lợi, lũy kế vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 57,6 tỷ USD giúp Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Mặt khác, Tổng thống Hàn Quốc cũng mong muốn sẽ giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước thông qua hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, phụ tùng và nhiều dự án hợp tác khác, như tăng cường năng lực xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam được triển khai trong khuôn khổ tăng cường năng lực ngành công nghiệp cùng có lợi giữa hai nước.

Về "sự hợp tác tăng trưởng tương lai", Tổng thống Hàn Quốc cho rằng việc cùng ứng phó với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và cùng nỗ lực tạo ra động lực tăng trưởng tương lai vô cùng quan trọng và mong rằng hai nước sẽ tăng cường nền tảng để sự hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển theo hướng hướng tới tương lai thông qua sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới như đô thị thông minh, ICT... Và lễ khởi công Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) chính là dự án hợp tác điển hình bao hàm cả hai từ khóa "sự hợp tác cùng có lợi" và "sự hợp tác tăng trưởng tương lai". Cách đây khoảng 50 năm, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST), hình mẫu của Viện VKIST, được thành lập khi Chính phủ Hàn Quốc chủ trương đầu tư nguồn vốn viện trợ nước ngoài cho "ước mơ" và "tương lai", là phát triển công nghệ công nghiệp và khoa học công nghệ thay vì đầu tư vào lương thực để giải quyết nạn đói trước mắt. Sau đó, Viện KIST vươn lên trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân tài đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Hàn Quốc như ô tô, điện tử, công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất, đồng thời là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Về giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào (trong đó có du học sinh) của nước này tại nước kia, Tổng thống Moon Jae-in đánh giá: Việt Nam "là nước ASEAN giao lưu nhân dân sôi động nhất với Hàn Quốc" và "là nước ASEAN có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhất". Người dân và doanh nghiệp hai nước giao lưu và hợp tác với nhau sôi động như vậy vừa đóng vai trò là động lực và vừa là cầu nối góp phần giúp hai nước xây dựng mối quan hệ đối tác thân thiết.

Năm 2017, số lượng người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau đạt hơn 2,7 triệu người. Hiện nay có khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và khoảng 170.000 người Việt Nam cư trú tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đầu tư số 1 của các doanh nghiệp Hàn Quốc, đến nay có khoảng 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

Hơn nữa, tại Hàn Quốc hiện đang có khoảng 70.000 gia đình đa văn hóa Hàn - Việt. Bằng dòng máu chung, họ đang góp phần quan trọng trong việc kết nối mối quan hệ “từ thông gia trở thành gia đình” và tiến xa hơn là thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Số du học sinh Việt Nam học tập tại Hàn Quốc ngày càng tăng nhanh, cụ thể là tăng gấp đôi từ 7.000 người năm 2016 lên 14.000 người năm 2017. Chuyên ngành học cũng ngày càng trở nên đa dạng. Bày tỏ hài lòng khi nhận thấy số du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và chuyên ngành học của các em ngày càng gia tăng và Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và triển khai những hỗ trợ cần thiết để sau này các em sẽ trở thành trụ cột thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ đối tác hướng tới tương lai giữa hai nước Việt - Hàn./.