Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-02-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:12, ngày 14-02-2018

TCCSĐT - Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Một vừa qua đạt 524.000 tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng mạnh 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước đó.

Thực hiện kế hoạch báo cáo tình hình doanh nghiệp cho Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tổng hợp, báo cáo tình hình cơ cấu lại, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật rà soát, thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo về tình hình doanh nghiệp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ, chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính định kỳ hằng quý, năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tình hình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm; đánh giá, phân tích tình hình thực trạng tài chính của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dân doanh, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp của các thành phần kinh tế trên phạm vi các nước và định kỳ hằng quý, năm chủ trì, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình phát triển doanh nghiệp FDI trong phạm vi cả nước; tình hình phát triển doanh nghiệp dân sinh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi cả nước; tình hình sắp xếp, phát triển doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác trên phạm vi cả nước theo cơ sở dữ liệu, tình hình doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi và các báo cáo của Bộ Tài chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hằng quý, năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình đổi mới, sắp xếp công ty lâm nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời gửi Bộ Tài chính.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin báo cáo định kỳ và hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phân tích, đánh giá, lập báo cáo, đề xuất về tình hình doanh nghiệp nói chung trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc ngay từ quý 1


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Một vừa qua đạt 524.000 tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng mạnh 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước đó.

Đáng chú ý, sau khi Việt Nam trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia, giá gạo trong nước và xuất khẩu có xu hướng tăng lên. Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Vinafood 2 nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam và Thái Lan cùng đấu thầu gạo mà Việt Nam lại trúng thầu với giá cao hơn.

Cụ thể, Vinafood 2 đã trúng thầu với mức giá 475 USD/tấn (giá CIF) và là mức giá cao nhất trong đợt đấu thầu này, trong khi Thái Lan chỉ ở mức 471-473 USD/tấn. Kết quả này cũng khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Giá gạo 5% tấm đã tăng khoảng 35-40 USD/tấn, từ mức 405-410 USD/tấn trong tháng 12-2017 lên 440-450 USD/tấn từ cuối tháng Một vừa qua đến nay.

Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực-thực phẩm Long An, giá gạo nếp cũng có xu hướng tăng trong tháng đầu năm nay, lên mức 520-530 USD/tấn, tăng tới 50 USD/tấn so với cuối năm 2017.

Hiện thị trường nhập khẩu nếp của Việt Nam không chỉ có riêng Trung Quốc mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp Indonesia và Philippines. Điều này góp phần giảm rủi ro trong vấn đề xuất khẩu gạo nếp do ít lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi xuất khẩu nếp trong năm 2017 lên đến trên 1,4 triệu tấn. Theo dự đoán của các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước sẽ có xu hướng giảm trong tháng Hai này khi vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy vậy, giá lúa gạo vẫn sẽ ở mức cao so với những năm trước đó.

Với tình hình nhu cầu thị trường và giá gạo nội địa hiện nay, các dự báo cũng cho thấy vụ Đông Xuân 2017 - 2018 sẽ là năm thứ ba liên tiếp không phải thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo.

Số liệu của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thấy, tính đến đầu tháng Hai này, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân với diện tích khoảng 160.000ha trong tổng 1.550ha diện tích lúa đã xuống giống. Dự kiến, cuối tháng Hai này, đầu tháng Ba tới sẽ bắt đầu vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân.

Chính quyền ông Trump hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3%


Ngày 10-02, một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết cùng với việc cắt giảm thuế và kế hoạch chi tiêu ngân sách liên bang, dự luật ngân sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng giúp nền kinh tế Mỹ đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong thập kỷ tới.

Chính quyền Tổng thống D.Trump dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ tăng 2,5% trong năm 2018, 2,8% trong năm 2019 và ổn định ở mức 3% trong một thời gian dài.

Ngay sau khi các biện pháp tài khóa được đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra những dự báo khả quan hơn về nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

Khoản chi ngân sách 300 triệu USD cho hai năm tới - một phần của Dự luật chi tiêu ngân sách Liên bang cùng với dự luật cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử của Mỹ được thông qua vào tháng 12-2017, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, mức tăng kinh tế bền vững 3% sẽ vẫn là thách thức đối với chính quyền Tổng thống Trump trong bối cảnh những ngày gần đây thị trường chứng khoán tụt dốc do có tâm lý lo ngại sự tăng trưởng sẽ thúc đẩy lạm phát, gây sức ép lên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tăng mức lãi suất nhanh hơn.

Trước đó, theo kết quả cuộc khảo sát do Bloomberg tiến hành vào đầu tháng Một, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2018, sau đó giảm xuống 2,3% vào năm 2019, và tiếp tục giảm xuống còn 2% vào năm 2020.

Trung Quốc liên tiếp tung ra các "đòn thương mại" với EU và Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 05-02 cho biết nước này sẽ xem xét lại việc đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng bột khoai tây nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vốn sắp hết hiệu lực. Động thái này được tiến hành theo kiến nghị của Hiệp hội Công nghiệp Tinh bột Trung Quốc sau khi có những lo ngại rằng mức thuế này có thể bị dỡ bỏ và các nhà sản xuất trong nước sẽ chịu thiệt hại.

Tiến trình xem xét lại nói trên sẽ được bắt đầu từ ngày 06-02 và có thể kéo dài đến 1 năm. Trong thời gian đó, mức thuế chống bán phá giá hiện tại vẫn tiếp tục được áp dụng.

Theo quyết định ngày 05-02-2013 của MOC, tinh bột khoai tây nhập khẩu từ EU bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 12,6% đến 56,7%. Vào tháng 9 năm ngoái, MOC đã gia hạn đánh thuế chống trợ giá đối với tinh bột khoai tây nhập khẩu từ EU trong 5 năm. Tinh bột khoai tây được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm như là chất chuyển thể sữa hay làm nguyên liệu sản xuất mỳ ăn liền.

Hôm 04-02 vừa qua, MOC cũng tuyên bố tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa miến (hạt kê) nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này của MOC diễn ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt những quy định thuế quan mới nhất đối với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù không công bố bất kỳ mức thuế mới nào đối với mặt hàng nói trên, nhưng MOC cho biết kết quả cuộc điều tra sẽ được công bố vào ngày 12-02.

Một quan chức của MOC cho biết từ năm 2013 đến nay, Chính phủ Mỹ đã và đang trợ giá cho mặt hàng kê của nước này, làm ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất kê của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm lương thực từ Mỹ như kê, đậu nành, và việc áp đặt thuế suất đối với các mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mỹ. Lượng kê Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn tới 50% lượng kê thu hoạch của nước này từ năm 2013. Năm ngoái, 4,8 triệu tấn kê của Mỹ trị giá gần 1 tỷ USD đã được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Châu Âu sẽ công bố kế hoạch áp thuế mới với các tập đoàn công nghệ


Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici trong một phát biểu mới đây cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra kế hoạch cải tổ các quy định về thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn vào cuối tháng Ba tới.

Trả lời Radio J (Pháp), ông Moscovici nhận định đề xuất trên của ông sẽ tạo ra một "cú sốc điện" đối với việc đánh thuế vào nguồn thu của kinh tế số.

Theo luật của EU, những “gã khổng lồ” trong làng công nghệ như Google và Facebook có thể lựa chọn để báo cáo thu nhập tại bất cứ quốc gia thành viên nào trong khối. Quy định này đã khiến nhiều tập đoàn chọn các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg để đóng thuế.

Theo một ước tính năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy định trên khiến các chính phủ trên thế giới thất thu tới 240 tỷ USD (193 tỷ euro)/năm.

Theo ông Moscovici, để xác định được hoạt động của các tập đoàn công nghệ, châu Âu cần một loạt chỉ số từ số lượt tương tác, số lượng địa chỉ IP, số lượng quảng cáo và doanh thu. Với các chỉ số này, các nhà chức trách có thể tìm ra phương án để tính thuế.

Ông Moscovici cho hay các quy định mới sẽ được áp dụng cho các tập đoàn lớn như Google, Apple, Facebook, Amazon và các đơn vị cung cấp dịch vụ như AirBnB và Booking.com.

Ông Moscovici nhấn mạnh thêm rằng mức thuế trung bình các tập đoàn công nghệ đang đóng tại châu Âu là 9%, thấp hơn nhiều mức thuế doanh nghiệp trung bình 23%./.