Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08 đến 14-01-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
23:53, ngày 16-01-2018

TCCSĐT - Chiều 08-01, tại buổi họp thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt tỷ lệ 18,17% so với năm 2016.

Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh 100% vốn Nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel).

Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Viettel được Nghị định quy định rõ về quốc phòng, an ninh, Viettel trực tiếp xây dựng quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông bảo đảm hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel làm nhiệm vụ dự phòng cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và chuyển sang phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống; sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc khi có yêu cầu và đảm bảo nhiệm vụ thông tin quân sự khác; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa sản phẩm, trang thiết bị, khí tài, vật tư quốc phòng theo yêu cầu, nhiệu vụ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao.

Về sản xuất kinh doanh, Viettel trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề được giao, kết hợp với chức năng đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật; đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết ở trong nước và nước ngoài; chi phối với các công ty con thông qua vốn, nghiệp vụ, công nghệ, thương hiệu, thị trường hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn của Viettel tại các công ty con, công ty liên kết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của Viettel theo hợp đồng liên kết đối với các công ty tự nguyện liên kết.

Vốn điều lệ của Viettel tại thời điểm ngày 05-01-2018 là 121.520 tỷ đồng; vốn điều lệ của Viettel giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỷ đồng.

Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các hoạt động của Viettel theo quy định của pháp luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ có liên quan thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Viettel theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; Chủ tịch Viettel trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Viettel theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Nghị định quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Viettel; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Viettel và phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Cơ cấu tổ chức quản lý của Viettel gồm: Chủ tịch; Tổng Giám đốc; các Phó Tổng Giám đốc; Kiểm soát viên; Kế toán trưởng; Bộ máy tham mưu giúp việc, kiểm soát nội bộ. Chủ tịch Viettel kiêm Tổng Giám đốc Viettel.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 18,17% trong năm 2017

Chiều 08-01, tại buổi họp thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2017 tăng trưởng tín dụng đạt tỷ lệ 18,17% so với năm 2016. Cũng theo ông Tần, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch rất rõ nét theo hướng chất lượng và an toàn. Đặc biệt, tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017, không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước đây. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có được những kết quả tích cực khi tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, chất lượng tốt hơn.

Tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). Trong đó, tín dụng tăng trưởng rất mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với mức tăng trên 23%; tín dụng với công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%, tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, tín dụng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng năm trước đạt 14,03%; với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 11,53%. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán đã được kiểm soát với tốc độ chậm lại.

Đối với mục tiêu trong năm 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. Bà Hồng cho biết thêm, dựa vào chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng tổ chức tín dụng, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả.

Bộ Tài chính: Nợ công Việt Nam năm 2017 ở mức 61,3% GDP


Tình hình nợ công đã được cải thiện rõ nét khi nợ công Việt Nam tính tới 31-12-2017 ước khoảng 61,3% GDP, thấp hơn con số được ước tính trước đó. Con số trên vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 08-01.

Trước đó, báo cáo về tình hình nợ công gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa 14, Chính phủ đã dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công có thể ở mức 62,6% GDP.

Có mặt tại buổi tổng kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại một trong những kỷ lục trong năm 2017, đó là mức tăng trưởng đạt 6,81% GDP. Điều này theo Thủ tướng đã giúp GDP trong năm qua đạt khoảng 5,1 triệu tỷ đồng. Con số trên theo người đứng đầu Chính phủ là quan trọng bởi từ đó, nợ công tính ra còn 61,3% GDP. Thủ tướng Chính phủ cũng nhớ tới thời điểm đầu năm 2016 khi nợ công lên tới khoảng 64,5% GDP, gần kịch trần. Khi đó, nhiều ý kiến đã lo lắng về nợ công có thể đe dọa nền tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, với kết quả hiện tại, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, GDP đạt con số 5,1 triệu tỷ đồng là cố gắng lớn và con số này quan trọng với an toàn nợ công.

Thủ tướng cũng lưu ý, theo quy định, Bộ Tài chính là “chủ công” trong thời gian tới về quản lý nợ công nên bộ cần nghiên cứu để có nguồn vốn vay đồng thời quản lý hiệu quả, an toàn.

Giá lương thực toàn cầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 12-01 công bố số liệu cho thấy giá lương thực toàn cầu trong năm 2017 tăng 8,2% so với năm trước đó. Theo FAO, chỉ số giá lương thực trong năm ngoái đạt trung bình 174,6 điểm. Đây là mức trung bình cả năm cao nhất kể từ năm 2014. Báo cáo của FAO cho thấy tính trong cả năm 2017, giá tất cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng, trừ đường.

Các sản phẩm làm từ sữa tăng mạnh nhất, với 31,5% so với năm trước đó. Giá dầu thực vật tăng 3%, ngũ cốc tăng 3,2% và thịt tăng 9% so với năm 2016. Trong khi đó, giá đường trong năm ngoái lại giảm 11,2% so với mức trung bình năm trước đó do nguồn cung dư thừa từ Brazil - quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO, ông Abdolreza Abbassian ngày 11-01 dự báo giá lương thực thế giới trong năm nay sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng mạnh, dù tình hình chính trị ở các nước sản xuất dầu mỏ và các khó khăn trong đàm phán thương mại quốc tế có thể là “điềm báo” cho nhiều bất ổn hơn trong tương lai.

Theo ông Abbassian, triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện đã góp phần thúc đẩy nhu cầu ở hầu hết các quốc gia, nhưng vẫn còn quá sớm để dự báo tình hình thời tiết có thể tác động đến mùa vụ, có nghĩa là lượng cung có thể còn vượt cả dự đoán. Bên cạnh đó, giá dầu cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến giá lương thực vì chỉ cần một vài diễn biến bất ngờ tại một trong số các quốc gia sản xuất dầu lớn cũng có thể khiến giá dầu tăng nhanh, từ đó tác động đến giá các loại hàng hóa khác. Nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học trong bối cảnh giá dầu mỏ phục hồi cũng có thể sẽ làm gia tăng giá trị của các mặt hàng như dầu thực vật, đường và ngô.

Ông Abbassian cũng nhận định rằng trong năm nay, thị trường sẽ phải đối mặt với những hậu quả thực sự từ một số vấn đề còn chưa dứt điểm trong năm 2017, như việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Công khai các giao dịch, Thụy Sĩ không còn là "thiên đường thuế"

Bắt đầu từ ngày 01-01, những thông tin về giao dịch của công dân nước ngoài trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ sẽ không còn được giữ bí mật theo một thỏa thuận chia sẻ thông tin tự động mà Thụy Sĩ đã ký với nhiều nước.

Thỏa thuận “Hiệp ước đa phương về hỗ trợ hành chính tương hỗ đối với các vấn đề về thuế” với sự tham gia của hơn 100 quốc gia buộc Thụy Sĩ phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới nghĩa vụ thuế. Theo đó, các thông tin về những tài khoản ngân hàng của các công dân nước ngoài tại Thụy Sĩ sẽ được tự động chia sẻ hằng năm.

Thụy Sĩ đã tập hợp thông tin khách hàng từ năm 2017 và sẽ bắt đầu tiến trình chia sẻ này với một số quốc gia như Áo, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc từ năm 2018. Với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Mexico, Argentina, Nam Phi, tiến trình chia sẻ thông tin sẽ được bắt đầu từ năm 2019. Với các nước nghèo hơn, tiến trình chia sẻ thông tin sẽ không được triển khai do bị xem là thiếu nguồn lực để chia sẻ tự động thông tin một cách an toàn. Những dữ liệu mà Thụy Sĩ cung cấp sẽ chỉ phục vụ cho mục đích khai thuế và được bảo mật.

Để không đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu, năm 2014, Thụy Sĩ đã ký vào công ước trên và Quốc hội nước này phê chuẩn thông qua vào 2 năm sau đó.

Trước đây, Thụy Sĩ chỉ cung cấp các thông tin ngân hàng cho nước khác nếu được yêu cầu và chỉ với những nước mà hai bên ký thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng của ngân hàng Thụy Sĩ, nước này từ chối hợp tác nếu những bằng chứng về việc trốn thuế dựa trên những thông tin bị đánh cắp.

WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tốt nhất trong bảy năm

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, so với mức tăng 3% của năm 2017 và sẽ là mức tốt nhất trong bảy năm. Trong các năm 2019 và 2020, WB đưa ra con số dự báo tăng tương ứng là 3% và 2,9%.

Theo ngân hàng trên, hầu hết đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đến từ các nền kinh tế mới nổi, nhất là từ các nhà xuất khẩu hàng hóa, với mức tăng trưởng ước tính khoảng 4,5% trong năm 2018 và trung bình 4,7% trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ chậm lại và ước tăng 2,2% trong năm 2018, so với mức 2,3% năm 2017.

WB nhận định khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ là Đông Á và khu vực Thái Bình Dương; trong đó Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,3% vào năm tới.

Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong thời gian 2019 - 2020.

Đối với Mỹ, GDP dự kiến tăng trưởng 2,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Sáu tới, song nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng chậm lại ở mức 2,2% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020.

Tăng trưởng của Eurozone được điều chỉnh lên 2,4% năm 2017 và lên 2,1% năm nay. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế khu vực Eurozone và châu Âu năm 2018 có nguy cơ bị đe dọa nếu nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được một thỏa thuận êm đẹp về việc Vương quốc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.

Tại các quốc gia nghèo hơn tại châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á, nhịp độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ ở mức 5,4% trong năm nay, nhờ giá hàng hóa gia tăng.

Đáng chú ý Ghana sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi, với GDP dự kiến mở rộng 8,3% trong năm 2018; tiếp theo là Ethiopia với mức tăng trưởng khoảng 8,2%. Tại Mỹ Latinh, Panama được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất với mức dự kiến là 5,6%.

Trong báo cáo công bố ngày 09-01, WB đã bày tỏ sự tin tưởng vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch, với hoạt động đầu tư, sản xuất và trao đổi thương mại đều gia tăng.

Tuy nhiên, WB kêu gọi các nước cần tiến hành đầu tư để cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhất là vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và cảnh báo về những nguy cơ, trong đó phải kể đến tiến trình nâng lãi suất của Fed (Ngân hàng trung ương Mỹ) và một số ngân hàng trung ương khác.

Theo WB, chi phí vay mượn gia tăng có thể gây sức ép đối với hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng lưu ý về nguy cơ đến từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị./.