TCCSĐT - Tổng thống Pháp E. Macron đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 08 đến 10-01-2018. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2018 và cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông E. Macron trên cương vị Tổng thống Pháp.

Giai đoạn “đơm hoa kết trái” trong quan hệ Pháp - Trung

 
 Tổng thống Pháp E. Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: europe1.fr

Bước sang năm 2018, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, Tổng thống Pháp E. Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, kêu gọi châu Âu tham gia vào dự án hồi sinh “Con đường tơ lụa” của Bắc Kinh, cũng như hối thúc hai bên hợp tác trong chống biến đổi khí hậu.

Trong cuộc hội đàm ngày 09-01 tại thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống E. Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đã định hướng chiến lược cho quan hệ Trung - Pháp nhằm nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, hai bên cần đáp ứng các lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn, giải quyết thỏa đáng các khác biệt nhằm bảo đảm mối quan hệ phát triển đúng hướng, đồng thời kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ, cũng như các lĩnh vực mới nổi như nông nghiệp, lương thực, y tế, phát triển bền vững đô thị.

Trước những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và khủng bố, hai bên cam kết duy trì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - một cam kết quan trọng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhất trí hợp tác với Pháp chuẩn bị cho hội nghị sắp tới nhằm đối phó với vấn đề tài trợ khủng bố. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng, “chỉ có giải pháp chính trị” mới có thể giải quyết các cuộc xung đột ở châu Phi, Syria và Iraq.

Diễn ra gần 2 tuần trước khi hai nước kỷ niệm 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công du của ông E. Macron được xem là cơ hội để tạo xung lượng mới trong sự phát triển quan hệ song phương, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Pháp nói riêng và giữa Trung Quốc và EU nói chung.

Đối với ông E. Macron, chuyến thăm này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Paris trên trường quốc tế. Việc lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á kể từ khi nhậm chức, cho thấy nhà lãnh đạo Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với kết quả về kinh tế, thương mại của chuyến thăm thực sự rất ấn tượng, cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia là hết sức to lớn trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện hạt nhân, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng... Phát huy lợi thế nguồn vốn dồi dào, Trung Quốc có đủ năng lực hỗ trợ Pháp và các nước châu Âu khắc phục khó khăn, đối phó với những tác động khủng hoảng tài chính. Vì vậy, tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với sáng kiến chiến lược “vành đai và con đường”, Trung Quốc mong muốn có thể kết hợp giữa thiết bị và năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của các nước EU trong đó có Pháp, phát triển sang thị trường thứ 3.

Trước tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Paris và Bắc Kinh đều ý thức được rằng, việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Đàm phán liên Triều: Tín hiệu tích cực sau hơn 2 năm gián đoạn

 
 Quang cảnh buổi đàm phán. Ảnh: TTXVN

Ngày 09-01-2018, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã kết thúc cuộc đàm phán cấp cao tại Ngôi nhà Hòa Bình trong làng đình chiến Panmunjom với những tín hiệu tích cực nhằm thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Đây là cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn.

Trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cuộc đàm phán cấp cao liên Triều đã đạt được kết quả đột phá. Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã tập trung thảo luận việc CHDCND Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, sẽ nỗ lực hết sức để biến kỳ thể thao này thành lễ hội hòa bình và trở thành bước đi đầu tiên hướng tới cải thiện mối quan hệ liên Triều. Phía Hàn Quốc đã đề nghị hai bên cùng diễu hành dưới một lá cờ thống nhất vào lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội diễn ra vào tháng tới, và CHDCND Triều Tiên cũng sẽ cử đội cổ động tới sự kiện này. Ngoài ra, Seoul cũng đề nghị tổ chức một cuộc họp để thảo luận vấn đề đoàn tụ các gia đình bị phân ly do cuộc chiến tranh liên Triều 1950 - 1953 vào khoảng tháng 02-2018.

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã nhất trí nối lại một đường dây nóng quân sự, chưa đầy một tuần sau khi một đường điện thoại dân sự liên Triều được nối lại. Theo đó, CHDCND Triều Tiên thông báo một đường dây ở khu vực phía Tây của biên giới hai miền đã được hoạt động trở lại, bắt đầu từ 8 giờ sáng 10-01.

Ý tưởng về sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong Thông điệp năm mới khẳng định hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ, Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, giống như một “nhành ô liu” hưởng ứng chủ trương đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bình Nhưỡng, bởi lâu nay CHDCND Triều Tiên dường như vẫn “phớt lờ” đề xuất của Seoul về đối thoại hai miền, bất chấp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái đã nhiều lần gợi ý Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên giải quyết căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên trên bàn đàm phán. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng bày tỏ hy vọng về một “giải pháp hòa bình” và một lần nữa muốn khẳng định rằng, CHDCND Triều Tiên là một quốc gia “hành xử có trách nhiệm”.

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào”.

Những nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên lần này cũng ghi nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Mỹ D. Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ - Hàn theo đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều đạt kết quả. Do đó, việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đạt được bước đột phá tại cuộc đàm phán liên Triều ngày 09-01 được cho là sẽ mở ra hy vọng cho những lần đàm phán tiếp theo.

Điểm khởi đầu trong điều chỉnh hệ thống nhập cư của Mỹ

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lập pháp về chính sách nhập cư tại phòng Nội các của Nhà Trắng, ngày 09-01-2018. Ảnh: Gettyimage

Nhằm tăng cường siết chặt nhập cư, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa Mỹ đã công bố một dự luật nhập cư mới. Dự luật này sẽ thực thi chính sách nhập cư của Tổng thống D. Trump và đây là điểm khởi đầu nhằm điều chỉnh hệ thống nhập cư của Mỹ.

Ngày 11-01-2018, các nhà lập pháp Cộng hòa đã công bố một dự luật nhập cư mới, trong đó gồm các nội dung siết chặt an ninh khu vực biên giới, chấm dứt dòng người di cư và cấp kinh phí cho kế hoạch của Tổng thống D. Trump xây bức tường biên giới với Mexico.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, B. Goodlatte cho biết dự luật có tên Đạo luật Bảo vệ tương lai nước Mỹ này sẽ cấp kinh phí cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện hệ thống quản lý nhập cư tại Mỹ, trong đó có kế hoạch xây tường biên giới với Mexico, tăng cường các chốt kiểm tra dọc biên giới phía Nam, đồng thời siết chặt tình trạng người nhập cư đưa người thân vào Mỹ, hay còn gọi là “di cư dây chuyền”, và sớm chấm dứt hệ thống xổ số thẻ xanh, vốn cho phép một chương trình cấp visa định cư (thẻ xanh) hay còn gọi là xổ số thẻ xanh chọn ngẫu nhiên 55.000 người nhập cư nước ngoài mỗi năm.

Bên cạnh đó, dự luật còn trao quyền ưu tiên cho cơ quan chức năng can thiệp mạnh mẽ vào các “thành phố trú ẩn” - nơi chính quyền địa phương theo đuổi chính sách bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp bằng cách không truy tố những người này, đồng thời có biện pháp ngăn chặn thế hệ “Dreamer”, những người nhập cư được bố mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ và được phép ở lại theo “Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư tới Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) của cựu Tổng thống B. Obama, thực hiện các thủ tục xin quốc tịch Mỹ.

Đạo luật Bảo vệ tương lai nước Mỹ được đưa ra chỉ ít phút sau khi Tổng thống D. Trump cảnh báo mọi cá nhân, tập thể bảo vệ người di cư bất hợp pháp sẽ phải đóng góp tài chính cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa nước này với Mexico. Hiện tại, phe Cộng hòa và Dân chủ đang chạy đua với thời gian để cùng tiến tới một dự luật cuối cùng liên quan đến số phận của hàng triệu người trong chương trình DACA trước ngày 19-01, thời điểm ngân sách liên bang sẽ hết hiệu lực. Trước đó, ngày 09-01, Tổng thống D. Trump đã hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng thống nhất một dự luật nhập cư liên quan tới số phận của hàng triệu người nhập cư thiếu giấy tờ tới Mỹ từ khi còn trong độ tuổi trẻ em thuộc diện đi theo bố mẹ.

Xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung khu vực Mekong - Lan Thương

 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương. Ảnh: TTXVN

Ngày 10-01, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ hai diễn ra tại Phnompenh, Campuchia với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp với việc các nhà lãnh đạo nhất trí các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Với chủ đề “Dòng sông hòa bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị do Campuchia và Trung Quốc chủ trì tổ chức đã tiến hành rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ nhất tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào tháng 3-2016 và thảo luận các phương hướng hợp tác thời gian tới. Hội nghị đánh giá, sau hai năm hoạt động, hợp tác Mekong - Lan Thương đã có những bước tiến quan trọng cả về xây dựng cơ chế hoạt động và triển khai dự án cụ thể, và đạt được một số kết quả đáng chú ý, như hoàn thành nhiều dự án thu hoạch sớm; thành lập các trung tâm hợp tác về môi trường, nguồn nước, nghiên cứu Mekong; hình thành và vận hành Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương.

Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí hợp tác Mekong - Lan Thương cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về hợp tác nguồn nước, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước thông qua các hoạt động như: đối thoại chính sách; xây dựng và cải thiện hệ thống theo dõi chất lượng nguồn nước; chia sẻ thông tin và số liệu thủy văn; hợp tác kỹ thuật, triển khai các nghiên cứu chung và các dự án thí điểm liên quan đến nguồn nước sông Mekong - Lan Thương; nâng cao năng lực trong quản lý nước; hợp tác trong quản lý lũ lụt và hạn hán và nghiên cứu sớm thiết lập đường dây liên lạc trong các tình huống khẩn cấp.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnompenh và Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2018 - 2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác. Trên cơ sở đó, các Nhóm công tác chuyên ngành sẽ xây dựng kế hoạch hành động riêng cho lĩnh vực ưu tiên gồm nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất và hợp tác kinh tế qua biên giới.

Với mục tiêu bao trùm của hợp tác Mekong - Lan Thương là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng, việc các nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các trụ cột hợp tác chính tại hội nghị cấp cao lần này khẳng định sự củng cố lòng tin, hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu, tăng cường tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới tại Syria

 
 Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tiếp tục chiến dịch “Lá chắn Euphrates” bên trong lãnh thổ Syria. Ảnh: Pinterest

Ngày 09-01, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tiếp tục chiến dịch “Lá chắn Euphrates” bên trong lãnh thổ Syria cũng như chuẩn bị mở cuộc tấn công nhằm vào người Kurd tại đây. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới tại Syria đang tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi chưa được phép của chính quyền nước này.

Trước đó, ngày 07-01, kênh truyền hình al-Mayadeen TV đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công nhằm vào khu vực Afreen do người Kurd kiểm soát tại miền Bắc Syria. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập các bệnh viện dã chiến tại vùng biên giới Kumlu của nước này tiếp giáp tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria, nhằm chuẩn bị phát động cuộc tấn công vào Afreen, ngoại ô tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria. Al-Mayadeen TV dẫn lời các nguồn tin cho hay 15.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung tại vùng Kilis của nước này để tham gia cuộc tấn công.

Trước khi tuyên bố mở chiến dịch quân sự mới vào Syria, ngày 09-10-2017, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tiến sâu vào tỉnh Idlib, miền Bắc Syria và triển khai kế hoạch thiết lập khu vực giảm căng thẳng tại đây. Hồi năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch quân sự “Lá chắn Euphrates” bên trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như ngăn chặn bước tiến của các tay súng thuộc YPG, cánh quân sự của đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD), vốn bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Tháng 4-2017, Thổ Nhĩ Kỳ từng thông báo nước này đã hoàn tất chiến dịch, nhưng Ankara vẫn duy trì hiện diện quân sự để bảo đảm an ninh tại các thị trấn ở Bắc Syria, hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập ủng hộ Ankara ở Syria.

Chính quyền Syria cho rằng, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria sẽ khiến chiến trường Syria tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, mục đích chính của chiến dịch quân sự mới không phải là nhằm xung đột với quân đội Syria hay các lực lượng địa phương trong khu vực, mà chỉ nhằm bảo đảm an ninh tại khu vực nơi mà những cuộc xung đột bạo lực nhất đang diễn ra.

Mặc dù vậy, hành động can dự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lâu nay vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính quyền Damascus. Rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria mà chưa được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus. Chính quyền Syria đã liên tục chỉ trích mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân trái phép vào lãnh thổ Syria là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này.

Trong khi đó, liên quan đến các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib được thực hiện theo kế hoạch thiết lập 4 khu vực giảm căng thẳng mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thiết lập ở phía Tây Syria sau nhiều năm xung đột, ngày 09-01, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát các nhóm vũ trang ở vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Syria hôm 06-01.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự tại vùng giảm căng thẳng, nhấn mạnh thỏa thuận Astana nhằm giảm thù địch cần phải được tôn trọng. Liên quan đến vụ việc, Đại sứ Iran, một trong 3 nước bảo trợ cho cơ chế ngừng bắn ở Syria, cũng bị Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu đến. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nước này đã đề nghị các đại sứ Nga và Iran kêu gọi Damascus chấm dứt những vụ vi phạm như vậy.

Rõ ràng, vào thời điểm hiện nay, bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên liên quan đều có thể khiến tình hình chiến sự tại Syria càng trở nên phức tạp hơn. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, nếu không có sự phối hợp hài hòa với các bên, chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường./.