Vai trò điều tiết thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Lan TS, Đại học Ngoại thương
22:11, ngày 19-10-2017

TCCS - Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt vai trò điều tiết thị trường ngoại tệ, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động như hiện nay, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa việc quản lý thị trường ngoại tệ. Để có thể đạt hiệu quả cao nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có quyết định, lộ trình và bước đi phù hợp.

Sự điều tiết thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế và hướng tới việc điều hành tỷ giá phù hợp với quy luật của thị trường, ổn định thị trường ngoại tệ, từ năm 2012 đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực sau đây:

1-Kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức hợp lý

Để kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức hợp lý, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN, ngày 8-3-2012, thu hẹp các trường hợp được vay vốn bằng ngoại tệ. Theo đó, khách hàng chỉ được vay ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, những trường hợp khác phải có sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN. Đến cuối năm 2012, giá USD mua vào tại các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm trung bình 1% so với cuối năm 2011, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các NHTM, tạo điều kiện cho NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

2- Áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm duy trì tỷ giá trong biên độ đã cam kết

Trong năm 2013, NHNN đề ra mục tiêu duy trì tỷ giá trong biên độ không quá 2% - 3% nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của VND, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Để đạt mục tiêu đề ra, NHNN tiếp tục quản lý thị trường ngoại tệ và điều hành tỷ giá chặt chẽ theo tín hiệu thị trường, phù hợp với các cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán quốc tế, thực hiện các biện pháp tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Thị trường ngoại tệ trong năm 2013 diễn biến khá tích cực với sự ổn định của tỷ giá trong suốt gần 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6-2013, áp lực tỷ giá tăng nhẹ theo diễn biến trên thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Để giảm áp lực lên tỷ giá, ngày 27-6-2013, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên mức 21.036 VND/USD (áp dụng từ ngày 1-7-2013), sau 1,5 năm ổn định ở mức 20.828 VND/USD, đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm ổn định tỷ giá như định hướng đề ra từ đầu năm. Nhờ chính sách ổn định tỷ giá và chủ động can thiệp trong trường hợp cần thiết, thị trường ngoại tệ năm 2013 giữ được sự ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, không có đột biến về nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ “đô-la hóa” (tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi) giảm từ mức 20,3% vào cuối năm 2011 xuống mức 14,5% vào cuối năm 2013(1).

Năm 2014, thị trường ngoại tệ tiếp tục diễn biến khá tích cực với nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào (chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và kiều hối), làm cho dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng (tổng mức ngoại tệ mua ròng của NHNN trong năm 2014 là khoảng 11 tỷ USD, đưa quy mô dự trữ ngoại tệ lên tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu). Diễn biến tích cực này đã tạo điều kiện để tỷ giá được duy trì ổn định. Để bảo đảm ổn định tỷ giá USD/VND, NHNN đã phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, đó là: Thứ nhất, đưa ra định hướng mức biến động tỷ giá cả năm không quá 2% nhằm ổn định kỳ vọng thị trường. Thứ hai, trên cơ sở mức biến động tỷ giá định hướng, NHNN điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với diễn biến cung, cầu thị trường. Theo đó, ngày 19-6-2014, NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và giữ nguyên biên độ tỷ giá +/-1%. Thứ ba, cùng với việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, hoạt động mua bán ngoại tệ của NHNN được thực hiện một cách linh hoạt góp phần ổn định thị trường, hỗ trợ thanh khoản, cải thiện cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thứ tư, điều hành tỷ giá được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với điều hành lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc và các biện pháp khác theo hướng nâng cao vị thế, củng cố lòng tin vào VND, điều hòa vốn khả dụng giữa tiền đồng và ngoại tệ. Thứ năm, chính sách truyền thông về tỷ giá đã được NHNN sử dụng một cách chủ động, tích cực nhằm ổn định kỳ vọng thị trường.

Những biện pháp đồng bộ nói trên của NHNN đã góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và hỗ trợ xuất khẩu trong những tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau khi điều chỉnh, NHNN tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới. Tính đến cuối tháng 12-2014, tỷ giá điều chỉnh chính thức của NHNN chỉ ở mức 1%, tỷ giá liên ngân hàng tăng gần 1,5% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 1,9% so với cuối năm 2013. Tỷ giá ổn định, niềm tin đối với tiền đồng được củng cố, về cơ bản, tình trạng đô-la hóa nền kinh tế đã được giảm bớt, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ/tổng tiền gửi giảm từ 14,5% (năm 2013) xuống 13,2% (tháng 11-2014).

Bước sang năm 2015, một năm đầy biến động và nhiều thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng của NHNN trong bối cảnh đồng USD liên tục lên giá do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh làm giảm mạnh giá đồng nhân dân tệ (CNY), kéo theo làn sóng giảm mạnh giá các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Trước việc đồng CNY mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 của tháng tám, ngay trong tuần, NHNN đã chủ động nới biên độ tỷ giá từ 2% lên 3%, cùng với điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, trong tuần tiếp theo. Theo đó, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng 3%, xấp xỉ mức mất giá của đồng CNY cũng như mức mất giá trung bình của đồng tiền ở 8 nền kinh tế châu Á(2) trong tháng tám.

3- Áp dụng mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD

Bên cạnh biện pháp điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ dao động, nhằm duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, trong năm 2015 NHNN đã áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Cụ thể, ngày 25-9-2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 1938/QĐ-NHNN, về áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo đó, từ ngày 28-9-2015 lãi suất tiền gửi bằng USD với tổ chức giảm xuống còn 0%/năm, còn đối với các cá nhân là 0,25%. Tiếp theo, ngày 17-12-2015, Quyết định số 2589/QĐ-NHNN được ban hành, trong đó quy định từ ngày 18-12-2015 lãi suất tiền gửi của cá nhân cũng được hạ xuống mức 0%/năm. Đồng thời, ngày 2-10-2015, NHNN ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN, theo đó chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Đồng thời với các giải pháp trên, NHNN còn đưa ra cam kết sẽ duy trì ổn định mức tỷ giá này đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những biện pháp trên vẫn chưa đủ để bình ổn thị trường ngoại tệ. Trong những tháng cuối năm 2015, tỷ giá USD/VND giao dịch thực tế giữa các NHTM đều kịch trần (22.547 VND/USD), còn tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt trần khoảng 100 đồng - 200 đồng/USD. Tính chung cả năm, VND giảm giá 5% so với đầu năm.

4- Công bố tỷ giá trung tâm

Để ứng phó với những biến động bất thường trên thị trường quốc tế, ngày 31-12-2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác. Trước mắt, NHNN lựa chọn 8 đồng tiền làm căn cứ tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm, bao gồm: USD, EURO, CNY, yên Nhật (JPY), đô-la Xin-ga-po, won Hàn Quốc (KRW) và Đài tệ (Đài Loan), Bath Thái Lan (THB). Cách thức điều hành mới này của NHNN nhằm mục tiêu giúp thị trường ngoại tệ Việt Nam tăng khả năng thích ứng với các cú sốc bên ngoài và giảm thiểu những tác động bất lợi đến tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, cách thức điều hành tỷ giá này còn khuyến khích cá nhân và tổ chức bán ngoại tệ mua VND để hưởng lợi tức, hạn chế được tình trạng găm giữ ngoại tệ của dân cư do tỷ giá có thể biến động theo cả hai chiều tăng/giảm, chứ không chỉ biến động theo một chiều tăng như trước đây.

Bước sang năm 2016, sau khi trải qua năm 2015 đầy biến động, để duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, NHNN phải bán ra một số lượng ngoại tệ đáng kể để can thiệp vào thị trường, thị trường ngoại hối năm 2016 của Việt Nam nhìn chung là khá ổn định, bất chấp bối cảnh thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự gia tăng các yếu tố bất định từ các sự kiện địa chính trị xảy ra bất ngờ như việc nước Anh rời EU (Brexit), kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như việc Thủ tướng Ý tuyên bố từ chức sau trưng cầu dân ý thất bại, thêm vào đó là kỳ vọng FED tăng lãi suất thúc đẩy luồng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, tỷ giá các đồng tiền liên tục biến động. Chính sách thông báo tỷ giá trung tâm hằng ngày của NHNN bước đầu phát huy tác dụng, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, giảm tâm lý đầu cơ của các nhà đầu tư. Đồng thời, điều này cũng góp phần ngăn chặn quá trình “đô-la hóa” đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam.

5- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác thể hiện sự nhất quán ổn định thị trường

Bên cạnh việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN còn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, NHNN liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng bán ra USD để bình ổn thị trường, bác bỏ tin đồn không căn cứ cũng như cảnh báo rủi ro đối với hoạt động đầu cơ tỷ giá để người dân và doanh nghiệp nắm được tình hình. Đi cùng với truyền thông là các biện pháp cụ thể khẳng định cam kết đã đưa ra như việc NHNN niêm yết tỷ giá bán và bán ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng với tỷ giá thấp hơn tỷ giá trần, qua đó giúp củng cố lòng tin của thị trường vào điều hành của NHNN. Các công cụ chính sách tiền tệ cũng được phối hợp đồng bộ, kịp thời nhằm giảm bớt áp lực trên thị trường ngoại tệ như mở rộng kỳ hạn phát hành tín phiếu NHNN và nâng nhẹ lãi suất phát hành để thu tiền đồng về, giảm động lực đầu cơ ngoại tệ ngắn hạn trên thị trường trong khi vẫn tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN kịp thời ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, ngày 15-11-2016, về cho vay bằng ngoại tệ, trong đó cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN và Thông tư số 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017, cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá ở mức phù hợp.

Nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ nói trên của NHNN, thị trường ngoại tệ năm 2016 nhìn chung khá ổn định, bất chấp đồng USD có những biến động mạnh so với các ngoại tệ khác trên thị trường tài chính thế giới. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù tỷ giá có tăng theo xu hướng thế giới vào những tháng cuối năm 2016, nhưng mức biến động thấp hơn so với các đồng tiền trong khu vực và vẫn thấp hơn tỷ giá trần cho phép 50 đồng. Đến cuối năm 2016, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá thị trường chỉ tăng 1,2% so với cuối năm 2015. Điều quan trọng là, mặc dù tỷ giá tăng nhưng thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng căng thẳng như tại một số thời điểm ở các năm trước do nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ hoạt động kiều hối, đầu tư nước ngoài và hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ đã giảm bớt đáng kể. Nhờ đó, hệ thống các NHTM mua được lượng lớn ngoại tệ từ khách hàng, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, đưa quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao kỷ lục là 40 tỷ USD.

6- Điều chỉnh tỷ giá tăng dần nhằm tránh những cú sốc

Bước sang năm 2017, tỷ giá VND/USD tại các NHTM có xu hướng giảm trong tháng 1-2017, sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2, luôn tiệm cận sát với mức trần do NHNN công bố và hiện nay đang trong xu hướng giảm. Tính đến ngày 20-4-2017, tỷ giá giao dịch tại các NHTM xoay quanh mức 22.740 đồng/USD, giảm 0,12% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do trong nửa đầu tháng 2 cũng có mức tăng đột biến, có những thời điểm đã lên trên mức 23.000 VND/USD nhưng ngay sau đó đã hạ nhiệt (giảm 1,52% so với đầu năm) và hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tính đến ngày 20-4-2017 đã điều chỉnh tăng 0,77%. Động thái này cho thấy những bước điều chỉnh tỷ giá tăng dần của NHNN nhằm tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới.

Đánh giá thành công của NHNN trong việc điều tiết thị trường ngoại tệ thời gian qua

1- Chủ động điều hành tỷ giá bảo đảm tỷ giá ổn định không biến động lớn trước diễn biến của kinh tế thế giới. Thực tế cho thấy, NHNN đã dự báo khá sát diễn biến của thị trường cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô, từ đó chủ động điều chỉnh lãi suất, tỷ giá theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Nhờ đó mà diễn biến tỷ giá ổn định, lòng tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng cao, các tổ chức, cá nhân tiếp tục bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, NHNN có thể mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần nâng cao năng lực tài chính và vị thế quốc gia.

2- Thực hiện cơ chế tỷ giá hiện đại, tách rời sự neo buộc với đồng USD, gắn liền với một rổ tiền tệ và theo sát diễn biến trong nước và quốc tế. Việc NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, được xác định trên cơ sở tham chiếu tỷ giá của một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền của các nước là những đối tác kinh tế - thương mại lớn của Việt Nam trên thị trường bình quân liên ngân hàng trong nước và thị trường tiền tệ quốc tế, bảo đảm cho tỷ giá phản ứng linh hoạt hơn, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế.

3- Thiết lập một kỷ luật thị trường chặt chẽ, hạn chế đáng kể tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế. Với việc thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm chống “đô-la hóa”, NHNN đã thiết lập một kỷ luật thị trường chặt chẽ, hạn chế đáng kể tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế. Điều này thể hiện ở tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ/tổng tiền gửi giảm mạnh qua các năm, từ mức 20,3% (năm 2011) và giảm liên tục xuống các mức 15,3% năm 2012, 14,5% năm 2013, 13,2% năm 2014, 12,9% năm 2015 và dưới 12% năm 2016.

4- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác thể hiện sự nhất quán ổn định thị trường. Đồng thời với việc điều hành tỷ giá trung tâm một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN còn chủ động thực hiện nhiều giải pháp khác mang tính hỗ trợ để ổn định thị trường, như trấn an tâm lý dân chúng thông qua phương tiện truyền thông, cam kết trên thị trường mở, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM... Những biện pháp này thể hiện sự quyết tâm và nhất quán của NHNN trong việc ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao lòng tin của dân chúng vào sự điều hành của NHNN.

5- Chủ động mua vào ngoại tệ để củng cố dự trữ ngoại hối. Ngay từ đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào do thặng dư thương mại tiếp tục nới rộng, vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực và dòng ngoại tệ chảy về nước từ hoạt động kiều hối gia tăng; trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ không tăng nhiều do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng chậm và tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ giảm bớt đáng kể. Trong bối cảnh này, NHNN đã liên tục mua vào USD để củng cố dự trữ ngoại hối và tăng tiềm lực nhằm có thể can thiệp thị trường khi cần thiết. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (40 tỷ USD).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận nói trên, việc quản lý thị trường ngoại hối của NHNN vẫn tồn tại một số bất cập, như:

- Việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn chưa theo kịp biến động của thị trường và có độ trễ nhất định.

- Trong nhiều giai đoạn, tỷ giá trên thị trường tự do dẫn dắt tỷ giá trên thị trường chính thức.

- Hiện tượng tỷ giá giao dịch của NHTM ở mức kịch trần và sự chênh lệch lớn so với tỷ giá thị trường tự do xảy ra trong một thời gian khá dài, từ đó mới kéo theo sự điều chỉnh của NHNN.

Một số kiến nghị và giải pháp

Để nâng cao vai trò của NHNN trong phát triển thị trường ngoại tệ, cần thực hiện hệ thống giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục kiên định và nhất quán thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt, theo hướng thị trường, chủ động can thiệp khi cần thiết. Trong giai đoạn trước mắt thì các biện pháp quản lý thị trường ngoại hối còn cần thiết nhưng về lâu dài cần phải nới lỏng từng bước theo hướng tôn trọng thị trường, NHNN nên chủ động can thiệp bằng các công cụ gián tiếp tránh xảy ra các cú sốc cho nền kinh tế.

Hai là, nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái. Một biên độ đủ rộng vừa giảm sức ép lạm phát, cho phép NHNN sự linh hoạt và độc lập nhất định trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường tự điều chỉnh theo quan hệ cung, cầu ngoại tệ. Hiện nay, biên độ dao động tỷ giá của Việt Nam là ±3%, thị trường ngoại hối Việt Nam hiện nay đang tương đối ổn định, NHNN có thể thực hiện mở rộng biên độ dần lên 4%, sau đó là 5%. Sau khi nới rộng biên độ, NHNN cần giám sát và theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thị trường. Trường hợp thị trường ngay lập tức sử dụng hết biên độ cho phép, điều này hàm ý rằng tỷ giá hiện tại đang quá thấp so với tỷ giá cân bằng, do đó NHNN cần tiến hành điều chỉnh tăng dần tỷ giá giao dịch một cách hợp lý để tránh sự xáo trộn cho thị trường. Trường hợp thị trường không sử dụng hết biên độ cho phép, chứng tỏ tỷ giá hiện tại phản ánh tương đối khách quan quan hệ cung - cầu trên thị trường.

Ba là, hoàn thiện các sản phẩm ngoại hối phái sinh. Các giao dịch ngoại hối phái sinh tuy đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng vẫn còn sơ khai, chưa phát triển và chưa hoàn toàn phù hợp với những tập quán quốc tế. Vì vậy, NHNN cần tiếp tục hoàn hiện khuôn khổ pháp lý cho các công cụ ngoại hối phái sinh, tạo ra một môi trường pháp lý và thị trường lành mạnh để phát triển, phù hợp với các thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho mọi tổ chức và cá nhân được tham gia thị trường một cách công khai, dễ dàng.

Bốn là, quản lý tốt dự trữ ngoại hối, tăng tích lũy ngoại tệ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều hành thị trường ngoại tệ trong điều kiện NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt theo cơ chế thị trường. Do đó, yêu cầu đặt ra là NHNN phải có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn, đủ mạnh để sẵn sàng điều tiết thị trường. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù dự trữ ngoại tệ của Việt Nam năm 2016 đang ở mức kỷ lục từ trước tới nay, nhưng nếu so với thông lệ quốc tế thì mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam mới đạt được mức tối thiểu so với yêu cầu của thông lệ quốc tế (khoảng 12 tuần nhập khẩu), do đó khó có thể can thiệp khi tình hình xấu xảy ra. Như vậy, NHNN cần phải có biện pháp tích cực hơn nữa trong việc tăng khối lượng dự trữ ngoại tệ bằng mua lại USD của các doanh nghiệp và các giải pháp tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm nhập siêu, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra nước ngoài...

Ngoài các biện pháp cơ bản nói trên, NHNN cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp, như điều hành chính sách tỷ giá có sự kết hợp đồng bộ với chính sách vĩ mô khác; minh bạch hóa các thông tin trên thị trường và khuyến khích thành lập các công ty môi giới, tư vấn; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, giám sát tỷ giá.../.

---------------------------------------------------------

(1) Tác giả tự tính toán dựa trên “Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015” của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
(2) Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Xin-ga-po, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a