Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến 28-5-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:35, ngày 30-05-2017

TCCSĐT - Theo nội dung một văn bản của Liên minh châu Âu (EU), sự kiện Brexit đã buộc EU phải cân nhắc lại dự án liên minh thị trường vốn (CMU) quan trọng của mình và khẩn trương tìm cách tạo lập một trung tâm tài chính mới thay thế London.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững

Sáng 23-5, tiếp đoàn đại biểu doanh nghiệp có nhiều đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chương trình “Doanh nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia” là hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ngày Môi trường thế giới nhằm chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức của các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh.

Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt coi trọng. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược Tăng trưởng xanh, Phòng chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án cụ thể. Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra ở Việt Nam, mà quan trọng nhất là nhận thức về nội hàm kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn khác nhau.

Việc phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng xanh song song với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, trong điều kiện nguồn lực hạn chế cũng còn nhiều khó khăn. Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ứng dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại, Việt Nam vẫn đang phát triển dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và chi phí nhân công giá rẻ.

Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh là tất yếu. Đại diện doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách, cơ chế của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế xanh. Triển khai những cơ chế, chính sách này, cộng với nhận thức của bản thân mỗi doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng loại bỏ những công nghệ cũ, lỗi thời để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, từ đó sản xuất ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, thân thiện môi trường.

Các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần có các quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để doanh nghiệp có lộ trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần có các quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ; kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp; chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ; kiến nghị nhà nước cần có quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, phát triển thị trường.

Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. “Doanh nghiệp là người tiên phong trong việc tạo ra sản phẩm xã hội, áp dụng các công nghệ mới, đổi mới quản lý, sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng chất lượng, thân thiện với môi trường”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam luôn đặt mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục nâng cao năng lực của mình, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Phó Thủ tướng khẳng định với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển kinh tế xanh bền vững, tạo ra không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế.

Bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Chiều tối 22-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2017 và trong Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng 22-5, Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.

Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 10,5%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài.

Vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2017 có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đạt được mục tiêu 6,7% đề ra cho năm 2017 để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo và các Bộ ngành, đặc biệt là các Bộ quản lý sản xuất như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông và Vận tải báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện từng chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực tại các Phiên họp Chính phủ hằng tháng. Các bộ, ngành tổng hợp như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 đã đề ra, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để tập trung triển khai thực hiện.

Diễn biến thị trường thế giới trước thông tin Fed sẽ tăng lãi suất

Ngày 24-5 ghi nhận nhiều diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, thị trường Mỹ lên điểm phiên thứ năm liên tiếp trong khi chỉ số S&P 500 chạm mức cao kỷ lục mới nhờ những phản ứng tích cực từ các nhà đầu tư sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất.

Đóng phiên ngày 24-5, tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều tăng 0,4% lên lần lượt là 21.012,42 điểm và 6.163,02 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 2.404,39 điểm, mức cao chưa từng có từ trước tới nay.

Đà tăng cũng xuất hiện ở hầu hết các thị trường châu Á. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán châu Âu phần lớn đi ngang. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3% xuống 3.583,60 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hạ 0,1% xuống 12.642,87 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) cũng giảm 0,1% xuống 5.341,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số FTSE 100 giao dịch tại London tăng 0,4% lên 7.514,90 điểm.

Ngoài ra, giá trị của đồng USD so với các đồng tiền chính khác cũng giảm sau thông tin trên từ Fed. Chỉ số USD- đơn vị đo giá trị "đồng bạc xanh" so với 6 đồng tiền lớn khác, giảm 0,17% xuống còn 97,185 điểm trong phiên giao dịch cuối ngày 24-5.

Các chỉ số chứng khoán liên quan tới dầu mỏ cũng giảm dù chính quyền Mỹ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô dự trữ chiến lược. Một số mã giao dịch dầu mỏ như Exxonmobil giảm 0,4%, Royal Dutch Shell giảm 0,2% và Chevron cũng giảm xấp xỉ 0,1%.

Biên bản cuộc họp chính sách vừa qua của Fed cho thấy thời điểm thích hợp để tăng lãi suất sắp đến. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán quyết định này sẽ được thông qua trong cuộc họp diễn ra ngày 13 và 14-6 tới.

Liên minh châu Âu muốn kiến lập một trung tâm tài chính mới

Theo nội dung một văn bản của Liên minh châu Âu (EU), sự kiện Brexit đã buộc EU phải cân nhắc lại dự án liên minh thị trường vốn (CMU) quan trọng của mình và khẩn trương tìm cách tạo lập một trung tâm tài chính mới thay thế London.

London của Vương quốc Anh hiện vẫn là thị trường tài chính lớn nhất của EU. Tuy nhiên, việc nước Anh sẽ rời EU (Brexit) vào năm 2019 đang là thách thức đối với dự án CMU, đã được tiến hành trước thời điểm diễn ra trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6-2016.

Dự thảo trên của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định “chương trình cải cách CMU cần phải được cập nhật để nền kinh tế chung của 27 nước còn lại có thể ứng phó với các thách thức trong việc tạo lập một thị trường tài chính độc lập hơn”.

Dự án CMU được triển khai nhằm khuyến khích các công ty thu hút thêm vốn đầu tư từ thị trường và giảm bớt sự lệ thuộc nặng nề vào các khoản vay vốn ngân hàng.

Văn kiện trên nhận định mặc dù Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May mong muốn có được một thỏa thuận thương mại tự do với EU, sẽ bao gồm cả các dịch vụ về tài chính, nhưng khối này lại mong muốn kiến tạo một trung tâm tài chính mới càng giống London càng tốt.

Dự thảo trên, sẽ được EC thảo luận vào ngày 07-6 trước khi công bố chính thức, nói sự kiện Brexit đã cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo được rằng các công ty của EU vẫn có thể tiếp cận tới các thị trường tài chính lành mạnh.

“London lâu nay thường xuyên góp phần vào việc đảm bảo khả năng thanh khoản và đưa ra các dịch vụ quản lý rủi ro cho phần còn lại của EU. Việc Vương quốc Anh rời bỏ thị trường chung châu Âu càng củng cố hơn nữa sự cần thiết và tính cấp bách của việc phát triển và hội nhập sâu hơn của thị trường tài chính EU”. Việc “tái thiết kế sâu” hệ thống tài chính thực sự (tức là “tìm ra cách thức kết hợp, dung nạp và bảo đảm tính ổn định bền vững vào nội dung các quy định và khung chính sách tài chính của EU”) là cần thiết, và để mở rộng “tầm vươn về mặt địa lý của các thị trường tài chính”.

Ngoài ra, EC thông báo sẽ đưa ra một dự thảo luật trong tháng tới nhằm thắt chặt hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán bằng đồng tiền euro, vấn đề hiện thời vẫn do London chi phối. Bản dự thảo đưa ra một loạt các kiến nghị nhằm cải thiện thị trường tài chính của EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư của các cơ quan hay tổ chức, lương hưu và hoạt động niêm yết trên các thị trường chứng khoán.

“Đạo luật các công ty niêm yết nhỏ EU” cũng có thể được đưa ra trong quý II-2018 để giúp khối này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các công ty có ý định niêm yết trên thị trường. Cũng có thể có một dự thảo luật khác đề xuất thành lập một quy chế chung của EU nhằm kiểm soát, quản lý các trái phiếu, dự kiến sẽ được đưa ra trong quý I-2018.

Tổng thống Mỹ đề xuất phương án cân bằng ngân sách trong 10 năm tới

Trong kế hoạch cân bằng ngân sách trong 10 năm tới của Chính phủ Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn bán một nửa lượng dầu dự phòng để dùng trong tình huống khẩn cấp và mở cửa cho hoạt động thăm dò khai thác dầu mỏ tại Alaska.

Trong bản dự thảo ngân sách 2018, chính quyền của Tổng thống Trump đề xuất bán lượng dầu dự trữ chiến lược (SPR) để thu về khoảng 500 triệu USD trong tài khóa bắt đầu từ ngày 01-10-2018.

Doanh thu từ bán dầu sẽ tăng dần trong các năm tài chính tiếp theo với mức đỉnh gần 3,9 tỷ USD vào tài khóa 2027. Theo ước tính, tổng lượng dầu bán ra từ năm 2018 - 2027 sẽ giúp Mỹ thu về khoảng 16,6 tỷ USD.

Việc tăng cường thăm dò và khai thác tại Alaska sẽ làm tăng sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ. Các chính trị gia Mỹ đã bàn thảo về việc mở cửa Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia tại Alaska (ANWR) để khai thác dầu khí từ những năm 1970. Song nhiều người chỉ trích cho rằng quyết định này sẽ đặt ra những nguy cơ và rủi ro như sự cố tràn dầu, đồng thời làm xấu đi tình trạng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, bản dự thảo ngân sách của ông Trump cũng đề xuất tái khởi động quỹ về chất thải hạt nhân, với ước tính sẽ mang về cho ngân sách hơn 3 tỷ USD vào năm 2027. Năm 2014, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã ngừng thu phí từ các cơ sở năng lượng hạt nhân ở nước này.

Mỹ có kho dầu dự trữ chiến lược lớn nhất thế giới với khoảng 668 triệu thùng, được lưu giữ trong các hầm chứa dưới lòng đất tại bang Louisiana và Texas. Quốc hội Mỹ đã xây dựng SPR năm 1975, sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Arab làm dấy lên những lo ngại rằng tình trạng giá nhiên liệu tăng cao trong dài hạn sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ./.