TCCSĐT - Việc tỷ phú Đô-nan Trăm trở thành Tổng thống Mỹ và các quyết định gây nhiều tranh cãi của ông ngay sau khi nắm quyền đang là tâm điểm dư luận thế giới. “Một nước Mỹ vĩ đại” theo khẩu hiệu của ông Đ. Trăm sẽ như thế nào theo cách điều hành đất nước được cho là “không giống ai” của tân Tổng thống.

Điều khó tin thành sự thật

Chiến thắng vừa qua tại cuộc bầu cử Mỹ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Đ. Trăm, nằm ngoài hầu hết các dự đoán. Trước khi đắc cử Tổng thống, ông Đ. Trăm được cho là có nhiều yếu điểm so với đối thủ chính, ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hi-la-ry Clin-tơn, người có 20 năm hoạt động chính trị, từng kinh qua các vị trí Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sĩ bang New York, Đệ nhất phu nhân. Ông Đ. Trăm cũng trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên không phải là chính trị gia.

Chiến thắng của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm được giới phân tích cho là do: Thứ nhất, đó là những quy định của hệ thống bầu cử tổng thống tại Mỹ với nguyên tắc lá phiếu đại cử tri quyết định. Mặc dù, bà Hi-la-ry Clin-tơn dẫn trước ông Đ. Trăm số phiếu phổ thông, song ông Đ. Trăm vẫn giành chiến thắng chung cuộc với 306 phiếu đại cử tri, trong khi bà Hi-la-ry Clin-tơn chỉ dành 232 phiếu. Thứ hai, thông điệp tranh cử “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Đ. Trăm đã tác động mạnh vào tâm lý một bộ phận dân chúng Mỹ, những người vốn hoài niệm thời kỳ Mỹ đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và sức mạnh quân sự không đối thủ. Bằng thông điệp này, ông Đ. Trăm đã khơi dậy thành công tâm lý mong muốn thay đổi của các cử tri có xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Thứ ba, là sự thành công trong phương thức tranh cử. Đội ngũ tranh cử của Đ. Trăm đã sử dụng số tiền tiến hành chiến dịch vận động tranh cử một cách sáng tạo và hiệu quả, trong đó không thể không kể đến vai trò của G. Kuy-xnơ, con rể tỷ phú Đ. Trăm. G. Kuy-xnơ đã điều hành bộ máy tranh cử thành công bằng cách định hình chiến lược tranh cử tập trung vào các bang nhỏ, giúp ông Đ. Trăm dành nhiều phiếu đại cử tri hơn trong khi vẫn thua bà Hi-la-ry Clin-tơn về số lượng phiếu phổ thông.

Người mừng vui, kẻ lo lắng

Lên nắm quyền chỉ trong một ngày, tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã có những quyết định được cho là bị ảnh hưởng phong cách doanh nhân. Ông Đ. Trăm nhìn nhận nước Mỹ đang đầu tư quá nhiều vào “quảng bá hình ảnh” khi tham gia sâu vào các vấn đề quốc tế trong khi bỏ lơ các yếu tố “sản xuất” như kinh tế, khoa học - công nghệ. Sắc lệnh Tổng thống Đ. Trăm ký sau khi lên nắm quyền đã quyết định “cắt giảm chi phí” bằng cách ngừng tuyển dụng trong khối nhà nước, xóa bỏ chương trình cung cấp dịch vụ y tế giá rẻ Obamacare, giảm lượng người tị nạn Mỹ hằng năm…; đồng thời, “nâng cao năng suất” bằng cách đơn giản hóa quy định thủ tục, nới lỏng chính sách về môi trường cho các doanh nghiệp, phê duyệt các dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, tạm cấm nhập cảnh đối với công dân bảy quốc gia có số lượng người Hồi giáo lớn, xây dựng bức tường dọc biên giới với Mê-xi-cô,…

Những chính sách này đã ngay lập tức làm nổ ra nhiều phản đối trên toàn nước Mỹ, cũng như với các nước liên quan, thậm chí còn được cho là đã làm lung lay các giá trị mà nước Mỹ vẫn tự hào về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Đối với chính sách đối ngoại, ông Đ. Trăm dường như cũng hành xử theo triết lý của một doanh nhân. Theo đó, bất kỳ vấn đề quốc tế nào mà Mỹ tham gia tuy có thể đem lại lợi ích cho nhiều nước hoặc cho cả cộng đồng thế giới nhưng phần lớn nhất phải thuộc về Mỹ. Xét theo khía cạnh trên, các hiệp định hợp tác đa phương đã ký như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay chưa ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều bị Tổng thống Đ. Trăm coi là thất bại, bởi người hưởng lợi ích lớn nhất không phải Mỹ mà là các quốc gia khác. Thay vào đó, ông Đ. Trăm ưu tiên thúc đẩy các hiệp định song phương. Điều này cũng có nghĩa, Mỹ tận dụng sức mạnh của nước lớn để gây sức ép lên các nước nhỏ trong đàm phán, tương tự những gì mà Tập đoàn Đ. Trăm đã từng làm với các đối thủ nhỏ hơn. Quan điểm thực dụng này của Tổng thống Đ. Trăm còn thể hiện trong cách nhìn đối với chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ khi ông hoài nghi về tính hiệu quả của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay sự bảo hộ quân sự của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đem lại lợi ích cho Mỹ, cho rằng các hoạt động bên ngoài lãnh thổ này cần được các nước thành viên NATO, cũng như các quốc gia đồng minh khác cùng gánh vác chứ không thể dựa vào nguồn tài trợ từ Mỹ.

Khác biệt và tương đồng

Chính sách đối nội mới mẻ và quyết liệt, đường lối đối ngoại bảo hộ và cứng nhắc của Tổng thống Đ. Trăm đang bị coi là đối đầu với xu thế hiện đại, như hội nhập quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đã có không ít dư luận chỉ trích các chính sách này với lo ngại chúng sẽ cản trở sự phát triển thế giới; tạo lỗ hổng gây nguy cơ xảy ra các vấn đề an ninh phi truyền thống; khả năng mất kiểm soát nếu làn sóng phản đối dâng cao… Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời kỳ “trăng mật” của các Tổng thống Mỹ trước đây, tức 100 ngày đầu sau khi lên nắm quyền, phương hướng điều hành đất nước của Tổng thống Đ. Trăm sau khi lên nắm quyền vẫn có sự tương đồng. Một là, các tân Tổng thống đều bắt đầu xử lý các vấn đề nội bộ, đặc biệt là kinh tế rồi đến các vấn đề đối ngoại. Hai là, theo lịch sử nước Mỹ, có hai xu hướng chính là tập trung phát triển sức mạnh bên trong hoặc vươn ra ngoài. Khi nước Mỹ tập trung quá nhiều vào một hướng, sẽ có những điều chỉnh để cân bằng. Trong 16 năm trở lại đây, các chính quyền tiền nhiệm của ông Đ. Trăm đều tập trung nhiều vào việc can dự vào các vấn đề bên ngoài, như cuộc chiến tranh I-rắc và Áp-ga-ni-xtan dưới thời Tổng thống G. Bu-sơ, Xy-ri và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Nếu nhìn theo khía cạnh này, việc ông Đ. Trăm đưa nước Mỹ trở lại tập trung phát triển sức mạnh bên trong đang đúng quỹ đạo lịch sử chính trị Mỹ và cũng là vấn đề mà các cử tri Mỹ mong muốn.

Tuy nhiên, cách thức thực hiện mục tiêu đưa nước Mỹ trở lại của ông Đ. Trăm đã gây nhiều tranh cãi với lo ngại về một sự phản tác dụng khi chúng được mang đậm dấu ấn cá nhân của Tổng thống. Những gì diễn ra trong một tháng qua cho thấy, ông Đ. Trăm tự tin vào chính sách đối ngoại thực dụng và thiên về kinh tế, trong đó có thể kể đến quyết định đưa ông R. Tai-lơ-sơn, cựu CEO của Tập đoàn Exxon Mobile, người chưa có kinh nghiệm chính trị nắm giữ vị trí Ngoại trưởng hay việc ông cách chức Quyền Bộ trưởng Tư pháp X. I-a-tét sau khi bà tuyên bố phản đối và từ chối bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh nhằm vào công dân bảy nước Hồi giáo.

Ngày 03-02, chỉ sau hai tuần kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, theo thăm dò dư luận của CNN, tỷ lệ không ủng hộ cách ông Đ. Trăm điều hành đất nước chiếm 53%, mức không ủng hộ cao nhất đối với một tân Tổng thống Mỹ trong lịch sử. Đáng chú ý, sự chia rẽ giữa hai đảng lớn nhất nước Mỹ cũng sâu sắc nhất từ trước đến nay khi 90% những người thuộc phe Cộng hòa ủng hộ ông Đ. Trăm, trong khi con số này bên phía Đảng Dân chủ chỉ là 10%.

Trong bối cảnh các quyết định được ông Đ. Trăm đưa ra từ sau khi lên nắm quyền đã vấp phải sự phản đối gay gắt chưa từng có trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, ông Đ. Trăm sẽ gặp không ít khó khăn để thi hành các quyết định này. Nước Mỹ đang chứng kiến cuộc chiến pháp lý chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền Oa-sinh-tơn và hệ thống tư pháp tại các bang liên quan đến sắc lệnh do Tổng thống Đ. Trăm vừa ban hành, theo đó, tạm cấm nhập cảnh đối với công dân bảy nước có đa số dân là người Hồi giáo, gồm I-ran, I-rắc, Li-bi, Xô-ma-li, Xu-đăng, Xy-ri và I-ê-men. Sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối không chỉ của công chúng mà còn của chính giới, một điều rất hiếm gặp trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi bị thẩm phán liên bang của thành phố Xít-tơn G. Rô-bát ngăn chặn, sắc lệnh gây tranh cãi này tiếp tục bị Tòa án phúc thẩm liên bang thành phố Xan Phran-xít-xcô, bang Ca-li-phóoc-ni-a đưa ra điều trần đầu tiên để xem xét khả năng thực thi. Trước đó, khoảng 100 tập đoàn và doanh nghiệp ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft, đã cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Đ. Trăm với lý do quyết định này ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ. Người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô Oa-sinh-tơn cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống lại lệnh cấm nhập cảnh này.

Trong hệ thống tam quyền phân lập chính trị Mỹ, quyền lực của Tổng thống vẫn chịu sự kiểm soát bởi hai cơ quan lập pháp và tư pháp. Điều này cũng thể hiện rõ trong quá trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn các đề cử nội các của Tổng thống Đ. Trăm. Chẳng hạn như việc bà B. Đa-vốt, ứng cử viên Bộ trưởng Giáo dục, không chỉ nhận công kích từ Đảng Dân chủ mà còn khiến hai thượng nghị sĩ Cộng hòa L. Muy-kốp-xki (bang A-lát-xca) và S. Cô-lin (bang Me-nơ) tuyên bố không ủng hộ dù quyết định này đi ngược với mong muốn của Tổng thống đảng mình.

Theo như P. Ken-nơ-đi, tác giả cuốn “Sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc” thì việc một quốc gia giữ vững vị thế cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước nhằm gia tăng các lợi thế trên ba lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ. Lịch sử chính trị Mỹ đã minh chứng chỉ có lợi ích của quốc gia là không thay đổi và mục tiêu của tân Tổng thống Mỹ cũng chỉ rõ điều này, tuy nhiên, cách thức của mỗi Tổng thống nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó dấu ấn cá nhân đang thể hiện rất rõ ở “triều đại Đ. Trăm”, với một chính sách thực dụng “realpolitik” chiếm thế chủ đạo./.