Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-02-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:02, ngày 13-02-2017

TCCSĐT - Chile đã mời 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Trung Quốc tham dự Hội nghị thúc đẩy thương mại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào giữa tháng Ba tới.

Thông tư 36, "cởi trói" cho doanh nghiệp về dán nhãn năng lượng

Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07-2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, theo hướng bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10-02.

Thông tư mới sẽ thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng, trong đó sẽ áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn. Bên cạnh đó, Thông tư 36 cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

Thông tư còn cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập. Đáng chú ý, Thông tư 36 sẽ bãi bỏ toàn bộ chương II của Thông tư số 07-2002 về quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm, đồng thời quy định phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 5 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP đối với doanh nghiệp trong nước và phải được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC) đối với tổ chức nước ngoài. Như vậy, đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận.

Các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương.

Thuế biên giới mà ông Trump đang xem xét có thể tác động Việt Nam


Thuế biên giới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc hội nước này đang xem xét áp dụng có thể có ảnh hưởng lớn đối với thương mại toàn cầu. Việt Nam cùng những nước có kim ngạch thương mại lớn với Mỹ như Mexico, Canada, Malaysia... có khả năng chịu thiệt hại không nhỏ.

Ngân hàng Deutsche Bank của Đức mới đây đã thực hiện báo cáo ước tính mức thiệt hại về kim ngạch thương mại ròng với Mỹ mà các quốc gia có thể phải hứng chịu, nếu bị áp thuế biên giới 20%. Theo đó, Mexico, quốc gia láng giềng phía Nam của Mỹ, được dự báo sẽ gánh thiệt hại nặng nhất, có thể sẽ lên tới gần 7% GDP. Mức thiệt hại rơi vào Việt Nam được báo cáo nói trên dự báo lên gần 5% GDP, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thiệt hại nhiều thứ hai, chỉ sau Mexico. Canada được dự báo sẽ là quốc gia thiệt hại nhiều thứ ba, với mức thiệt hại kim ngạch thương mại ròng giữa nước này với Mỹ có thể vượt 4% GDP.

Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á khác cũng được dự báo sẽ chịu thiệt hại lớn vì thuế biên giới của Mỹ, như Malaysia, Thái Lan, Singapore...

Giá dầu và vàng tăng, giảm trái chiều

Giá dầu trên thị trường châu Á đã tăng trong phiên giao dịch chiều ngày 10-02 nhờ lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ở mức cao và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang được thực thi.

Tại thị trường Singapore, vào lúc 15 giờ 7 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc đã nhích thêm 5 xu Mỹ lên 55,68 USD mỗi thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đứng ở mức 53,03 USD mỗi thùng, tăng 3 xu so với cuối phiên trước.

Theo các nhà giao dịch, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ở mức cao đã hỗ trợ giá dầu trong phiên này. Trong tháng Một, Trung Quốc đã nhập 34,03 triệu tấn dầu, hay 8,01 triệu thùng mỗi ngày, tăng 27,5% so với dùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện nhu cầu dầu mỏ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khá mạnh. Tuy nhiên, tình trạng dư cung trên thị trường thế giới vẫn tiếp diễn trong lúc các kho dự trữ, đặc biệt tại Mỹ, đang đầy lên. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về việc tăng cường hoạt động khai thác dầu mỏ tại Mỹ sẽ đẩy sản lượng lên cao hơn.

Trong khi đó, đến chiều ngày 10-02 giá vàng đã đi xuống tại thị trường châu Á, trong khi đồng USD mạnh lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn sẽ sớm công bố kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp.

Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), vào lúc 14 giờ 11 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm 0,5% xuống 1.223,93 USD mỗi ounce. Nhà Trắng cho biết, trong vài tuần tới, Tổng thống Trump sẽ công bố một kế hoạch cải cách thuế tham vọng nhất kể từ thời cựu Tổng thống Reagan đến nay. Thông tin này đã khiến giá cổ phiếu và đồng USD đồng loạt đi lên do giới đầu tư hy vọng thuế doanh nghiệp sẽ được cắt giảm.

Những số liệu lạc quan của nền kinh tế Mỹ cũng củng cố cho xu hướng tăng giá của “đồng bạc xanh.” Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần trước đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 43 năm qua.

Chỉ số USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này đứng vững ở mức 100,6. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Barnabas Gan của trung tâm OCBC, giá vàng vẫn có thể tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2017 do tâm lý tránh rủi ro của nhà đầu tư và tình hình bất ổn trên thế giới.

TPP-1 và nỗ lực đầu tiên để thúc đẩy thương mại tự do


Chile đã mời 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Trung Quốc tham dự Hội nghị thúc đẩy thương mại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào giữa tháng Ba tới.

Đại sứ Chile tại Canada Alejandro Marisio cho biết hiện đã có 8 nước được mời xác nhận sẽ tham dự hội nghị, gồm Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Colombia, Peru và New Zealand.

Theo lời quan chức trên, đây là nỗ lực đầu tiên trong việc thúc đẩy thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP. Dự kiến, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-3 ở Vina del Mar. “Mục tiêu của hội nghị là tạo ra một cuộc thảo luận mở về những sáng kiến thương mại khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và để xác định sự đóng góp của các nước cho cấu trúc thương mại quốc tế thế kỷ 21”, Đại sứ Marisio khẳng định.

Chính phủ Canada xác nhận Bộ trưởng Thương mại Quốc tế François-Philippe Champagne sẽ tham dự hội nghị. Hiện chưa rõ Chính quyền Donald Trump có cử phái viên tham dự hội nghị hay không, trong khi Bộ trưởng Thương mại Australia bóng gió về khả năng tham dự để thúc đẩy ý tưởng “TPP-1”, ám chỉ không có Mỹ.

Liên minh châu Âu tuyên bố viện trợ cho Gambia 225 triệu euro

Cao ủy phụ trách hợp tác quốc tế và phát triển của Liên minh châu Âu (EU) Neven Mimica ngày 09-02 tuyên bố EU sẽ viện trợ cho Gambia 225 triệu euro. Ông Mimica khẳng định EU cam kết hợp tác đầy đủ với Tổng thống Adama Barrow, người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 12-2016, đồng thời hoan nghênh sự thay đổi hòa bình và dân chủ tại Gambia.

EU đã "đóng băng" viện trợ cho Gambia hồi tháng 12-2014. Theo thông cáo của EU, Gambia sẽ được nhận khoản viện trợ tài chính ngay lập tức trị giá 75 triệu euro để giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực, thất nghiệp và những điều kiện khó khăn do tình trạng xấu của hệ thống đường bộ. Khoản viện trợ thứ hai trị giá 150 triệu euro sẽ được giải ngân trong chuyến thăm Gambia sắp tới của phái đoàn châu Âu.

Tại lễ ký thỏa thuận, Tổng thống Barrow khẳng định dự trữ ngoại hối của nước này chỉ còn đủ dùng trong 2 tháng và Gambia đang ở trong tình trạng gần như phá sản và cần cứu trợ ngay lập tức. Ông Barrow cho biết phần lớn các doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ nần và hoạt động dưới công suất kể cả ngành năng lượng, thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao.

Ngày 26-01, Tổng thống Gambia Adama Barrow đã trở về thủ đô Banjul từ Senegal, nơi ông lưu lại từ ngày 15-01 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp-châu Phi tại Mali với tư cách là khách mời đặc biệt. Là một doanh nhân, thủ lĩnh của liên minh các đảng phái chính trị đối lập, ông Barrow đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Gambia tháng 12 vừa qua với 43,3% số phiếu ủng hộ, so với con số 39,64% của đối thủ là cựu Tổng thống Yahya Jammeh./.