Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-11-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
00:10, ngày 22-11-2016

TCCSĐT - Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Chính thức tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot). Trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31-12-2017.

Hiệp định VPA/FLEGT: "Giấy thông hành" cho gỗ Việt Nam vào EU

Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tính hợp pháp của tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là thị trường EU và nâng cao thương hiệu và hình ảnh nghề chế biến gỗ của Việt Nam. Đây là một dấu ấn mới trong việc hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống khai thác gỗ trái phép, tăng cường quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp.

Nội dung quan trọng nhất của hiệp định là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của EU về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN giai đoạn 2016 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN đồng thời, bảo đảm 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Theo cơ chế này, một trong các giải pháp thực hiện kế hoạch là hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính, trong đó xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với thủ tục hành chính trong nước và các nước, khối-cộng đồng kinh tế.

Anh lọt tốp 10 nước có cơ chế thuế thân thiện doanh nghiệp nhất


Bảng xếp hạng các nước có cơ chế thuế thân thiện với doanh nghiệp nhất năm 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) và công ty tài chính PwC công bố, cho thấy nước Anh đã nhảy 5 bậc lên vị trí thứ 10, một tín hiệu rõ ràng cho thấy xứ sở Sương mù đang mở rộng cửa cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Những nước và vùng lãnh thổ khác nằm trong tốp 10 là Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cùng chia sẻ vị trí đầu tiên, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc), Bahrain, Ireland, Kuwait, Đan Mạch, Singapore và Macedonia. Việc lọt vào tốp 10 nền kinh tế có môi trường thuế thân thiện với doanh nghiệp nhất thế giới phản ánh kết quả tích cực của chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp mà cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne công bố trước đây, nhằm giảm gánh nợ về thuế cho các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng sức cạnh tranh và góp phần thể hiện chủ trương rằng nước Anh luôn tạo môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng của WB được thực hiện dựa trên đánh giá về chi phí thuế và sự tuân thủ thuế của các nhà máy chế tạo cỡ vừa tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự thăng hạng của nước Anh trong bảng xếp hạng năm nay cũng cho thấy nền kinh tế này ghi điểm ở các chỉ số mới vốn được lấy làm cơ sở để xếp hạng như mức độ thuận tiện trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng VAT, sửa lỗi sai trong các đơn khai nộp thuế và tuân thủ quy định về kiểm tra hoàn thuế.

Conference Board: Kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ trong năm thứ 6

Những căng thẳng địa chính trị, sự dao động của thị trường tài chính và những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ khiến nền kinh tế thế giới tiếp tục năm thứ 6 trì trệ và xu hướng này sẽ kéo dài sang cả năm 2017. Đây là nhận định không mấy lạc quan do Conference Board đưa ra tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2017 ngày 16-11.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới này dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2016, và nhích đôi chút lên 2,8% trong năm 2017. Dự báo này là rất thấp so với mức tăng trưởng hằng năm, (thường đạt trên 4%) của những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và tốc độ tăng trưởng trung bình 3,1% trong giai đoạn 2010 - 2014, cũng như mức tăng 3% của năm 2015.

EC "tuýt còi" 6 quốc gia có nguy cơ lạm chi quá quy định

Ngày 16-11, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo Italy và 5 quốc gia khác đang đứng trước nguy cơ phá vỡ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về cắt giảm nợ công cũng như thâm hụt ngân sách trong năm 2017. Phát biểu trước báo giới, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis thông báo các dự thảo ngân sách năm 2017 tuân thủ đầy đủ nhất các quy định ngân sách của EU là của Ireland, Latvia, Cộng hòa Malta và Áo. Năm nước khác cũng đáp ứng tiêu chuẩn là Đức, Estonia, Luxembourg, Slovakia và Hà Lan. Tuy nhiên, dự thảo ngân sách của 6 quốc gia gồm Italy, Bỉ, Cộng hòa Síp, Lítva, Slovenia và Phần Lan đang có nguy cơ vi phạm kỷ luật tài chính của khối.

Theo quy định, các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung Eurozone buộc phải cắt giảm thâm hụt theo cơ cấu ít nhất 0,5% GDP/năm cho đến khi cân bằng được ngân sách hoặc thặng dư. Dự báo của EC hồi tuần trước cho hay, thâm hụt ngân sách của Italy đã liên tục tăng kể từ năm 2014, ở mức 1,6% GDP vào năm 2016 và dự kiến sẽ là 2,2% vào năm 2017 và 2,4% vào năm 2018 nếu như Rome không có điều chỉnh. Tuy nhiên, chính phủ Italy cũng giải thích tình trạng trên là do tác động của khủng hoảng di cư, phí tổn tái thiết một số khu vực sau động đất và tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo. Hiện EC cho biết sẽ lưu ý những vấn đề trên để đưa ra quyết định phù hợp./.