Tăng trưởng xanh để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh
Kinh tế xanh có mục đích tăng cường tài sản xã hội, cải thiện đời sống con người, đồng thời, giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên; được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế như: Nông-lâm-ngư nghiệp, sản xuất, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch sinh thái và các lĩnh vực khác của đời sống. Đó là sự kết hợp giữa 3 thành tố: kinh tế, xã hội, môi trường. Kinh tế xanh bao hàm những hoạt động kinh tế tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội, con người, đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường (đây là thành tố quan trọng). Những yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.
Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Khái niệm kinh tế xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, và xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích.
Có thể xem kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Kinh tế xanh là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học; nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.
Phát triển kinh tế xanh là một cách tiếp cận phát triển mới, được xuất hiện gắn liền với bối cảnh tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt, to lớn của biến đổi khí hậu và đang được nhiều quốc gia quan tâm áp dụng trong hoạch định chiến lược phát triển của mình. Kinh tế xanh vừa góp phần cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
Kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh sử dụng tài nguyên và khai thác môi trường. Kinh tế xanh lấy mục tiêu môi trường làm mục tiêu hàng đầu; tài nguyên và môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Phát triển kinh tế xanh là sự phát triển trong đó nhiệm vụ hàng đầu là việc sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường; coi bền vững về môi trường là tâm điểm của phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế xanh sẽ tác động lên chính sách công, các quy định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quy định hành vi xã hội trên cả phạm vi vĩ mô lẫn vi mô; gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, thông tin, năng lượng, vốn cho phát triển. Kinh tế xanh góp phần điều tiết các chính sách, công cụ quản lý nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa của môi trường sống; đảm bảo an ninh năng lượng, tài nguyên,...
Đặc thù của quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh bao gồm: i). Nền kinh tế xanh ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, kết cấu sống của hành tinh. Đa dạng sinh học đóng góp cho phúc lợi của con người và cung cấp cho các nền kinh tế nguồn tài nguyên đầu vào có giá trị cũng như các dịch vụ điều hòa hướng tới một môi trường an toàn. ii). Nền kinh tế xanh là trụ cột để giảm nghèo. Đây là một đặc tính quan trọng của nền kinh tế xanh, nó cung cấp các cơ hội đa dạng cho phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo mà không làm cạn kiệt hoặc làm xói mòn tài sản tự nhiên của quốc gia. Điều này đặc biệt cần thiết ở các nước có thu nhập thấp, nơi sinh kế chủ yếu của cộng đồng nghèo nông thôn là hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái. iii) Nền kinh tế xanh tạo ra việc làm và cải thiện công bằng xã hội. Thực tế, các nước tiến tới một nền kinh tế xanh đã nhìn thấy khả năng tạo việc làm và tiềm năng có thể được nhân lên khi tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Vì vậy, họ đã đưa ra những gói kích thích tài chính tăng cường việc làm với các hợp phần “xanh” quan trọng. iv) Nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ngày càng tăng sẽ giảm những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đạt được lợi ích giảm phát thải khí nhà kính vì hệ thống năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện nay là gốc rễ của phát thải khí nhà kình, một nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng biến đổi khí hậu. v). Một nền kinh tế xanh hướng tới lối sống đô thị bền vững và khí thải các-bon thấp. Khu vực thành thị ngày nay là nơi cư trú của hơn 50% dân số thế giới, tiêu thụ 50% - 60% năng lượng và phát thải 75% tổng lượng khí thải nhà kính. Đô thị hóa nhanh chóng làm gia tăng áp lực cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và y tế cộng đồng, thường gây nên tình trạng quá tải của kết cấu hạ tầng, suy giảm điều kiện môi trường và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe công cộng. Trong bối cảnh đó, lối thoát cho các thành phố là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải cũng như rác thải, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu thông qua các phương thức giao thông cải tiến, các-bon thấp, giúp tiết kiệm tiền, đồng thời cải thiện năng suất và công bằng xã hội.
Mô hình tăng trưởng xanh là định hướng thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng “Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này.”
Như vậy, tăng trưởng xanh làm cho các quá trình tăng trưởng trở nên hiệu quả về mặt tài nguyên, sạch hơn và chóng phục hồi hơn; điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được tăng trưởng xanh thì không thể không có kinh tế xanh và ngược lại.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay
Mô hình kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người). Theo báo cáo Hướng tới nền kinh tế xanh của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP năm 2011, với kịch bản đầu tư xanh, có số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (tương đương 1.300 tỷ USD) thì các mô hình kinh tế vĩ mô tính toán và đều chỉ ra rằng trong dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu trên cơ sở duy trì và phục hồi được các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.
Các nước trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu và khu vực Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào chiến lược tăng trưởng xanh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong quá trình đưa ra các gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế những năm trước đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (của Trung Quốc là 35%, của Hàn Quốc lên đến 80%), tập trung đầu tư cho các lĩnh vực như năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...
Hiện nay, trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập sâu quốc tế, chủ đề tăng trưởng xanh thu hút được sự quan tâm trong các chương trình nghị sự song phương và đa phương. Tại khu vực châu Á, Diễn đàn khí hậu Ðông Á được tổ chức tại Hàn Quốc tháng 5-2009 đã thông qua Sáng kiến Seoul về tăng trưởng xanh Ðông Á. Tại khu vực Ðông Nam Á, tháng 7-2010, ASEAN ra tuyên bố chung nhấn mạnh đến hình mẫu phát triển Giảm carbon - Tăng trưởng xanh. Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức đề xuất sáng kiến hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh và đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên ASEM. Tháng 10-2011, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh với chủ đề Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh được tổ chức tại Việt Nam để tìm các cơ chế hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh giữa các nước. Tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2011, Tuyên bố chung được thông qua, trong đó xác định APEC cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh.
Ở cấp độ toàn cầu, Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu lần thứ nhất diễn ra tại Ðan Mạch tháng 10-2011 với chủ đề thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua cơ chế hợp tác công - tư giữa các chính phủ với khối doanh nghiệp. Hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tháng 6-2012 tại Bra-xin đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường và đã đưa ra một số cơ chế mới để phát triển bền vững và lộ trình để phát triển kinh tế xanh...
Mức độ quan tâm thể hiện qua một loạt các hội nghị, diễn đàn ở các cấp độ quốc tế khác nhau được tổ chức trong những năm gần đây cho thấy xu hướng nhận thức chung của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đều đồng thuận là phải thúc đẩy tăng trưởng xanh và áp dụng mô hình kinh tế xanh.
Định hướng phát trển kinh tế xanh ở Việt Nam
Nếu xem xét từ khía cạnh môi trường, mô hình tăng trưởng hiện nay của nước ta vẫn chủ yếu dựa trên việc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ảnh hưởng đến môi trường và gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ càng làm tài nguyên thiên nhiên suy giảm, lượng phát thải CO2 tăng lên. Theo dự đoán của cơ quan Thông tin Năng lượng, mức phát thải khí CO2 sẽ tăng từ hơn 113 triệu tấn trong năm 2010 lên tới gần 471 triệu tấn vào năm 2030. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu phát triển theo mô hình nền “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Rõ ràng, Việt Nam cần phải có các biện pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Hướng chuyển dịch sang mô hình nền “kinh tế xanh” là phương án lựa chọn tối ưu cho sự phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.
Để tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xem “Tăng trưởng xanh và ít carbon” là động lực chủ chốt cho phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu đề xuất phương hướng chuyển dịch sang nền kinh tế xanh theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế những ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hóa, dịch vụ môi trường và năng lượng sạch… Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, sinh học, tái sinh rừng tự nhiên… Đồng thời, định hình những khó khăn trước mắt và lâu dài, khách quan và chủ quan để sớm thay đổi nhận thức, thiết lập hành lang pháp lý, chính sách mở đường cho kinh tế xanh, nhất là nhận thức của việc chuyển sang mô hình kinh tế xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế của đất nước.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam được xây dựng và cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam đã có những bước đi ban đầu như đã và đang xây dựng, đưa vào vận hành nhiều công trình thủy điện nhỏ, phong điện, sử dụng khí ga ở bãi chôn lấp rác để phát điện, sử dụng ni-lông phế thải trong xây dựng, áp dụng cơ chế phát triển sạch, sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí sinh học trong chăn nuôi, phụ phẩm rơm, rạ, phân hữu cơ, tăng cường trồng và tái sinh rừng, kiểm soát nhằm hạn chế phá rừng,...
Năm 2011, Chính phủ đã tiến hành xây dựng Khung chiến lược tăng trưởng xanh. Mục tiêu tổng quát mà khung chiến lược đề xuất là Việt Nam hình thành về cơ bản cơ sở kinh tế, xã hội và khoa học, công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, ít các-bon, xây dựng cơ cấu kinh tế hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được đề ra, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế: (i) giảm khí thải nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) xanh hóa sản xuất; (iii) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để phổ biến và thực hiện triệt để các phương thức tăng trưởng xanh. Chiến lược cũng xác định một số chỉ tiêu định lượng như tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong nông nghiệp; sản xuất sạch hơn; tỷ lệ phần trăm đầu tư cho môi trường; GDP xanh. Các giải pháp, lựa chọn chính sách được đề ra như tái cấu trúc kinh tế, công nghệ, tài chính; tổ chức chỉ đạo, giám sát, xử lý vi phạm, lồng ghép… sẽ được thực hiện. Khung chiến lược tăng trưởng xanh sẽ mở ra triển vọng và đặt nền móng cho phát triển nền “kinh tế xanh” ở Việt Nam./.
Những nội dung chính trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng Ba  (30/03/2016)
Việt Nam đề nghị Samsung giúp phát triển công nghiệp phụ trợ  (30/03/2016)
Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam đối phó hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long  (30/03/2016)
Sớm kiện toàn bộ máy Nhà nước để hoạt động có hiệu quả  (30/03/2016)
WB đánh giá cao kết quả của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội  (30/03/2016)
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika  (30/03/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên