Kiểm soát nhập siêu để phát triển bền vững

ThS. Trần Việt Dũng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
22:34, ngày 10-11-2014
TCCSĐT - Kiểm soát nhập siêu, ổn định cán cân thương mại là một trong những biện pháp thực hiện mục tiêu Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Kiểm soát nhập siêu, cân đối cán cân thương mại sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Từ nhập siêu đến xuất siêu

Trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi nước ta gia nhập WTO, cán cân thương mại Việt Nam luôn ở trong tình trạng thâm hụt với mức độ ngày càng lớn. Nếu như trong giai đoạn 2000-2006, mức thâm hụt cán cân thương mại trung bình hàng năm khoảng 5 tỷ USD thì từ năm 2007, nhập siêu đã tăng lên ở mức đáng báo động. Năm 2007, nhập siêu của Việt Nam là 12,4 tỷ USD, bằng 25,7% kim ngạch xuất khẩu; năm 2008 là 18 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu; năm 2009 mức nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu tương ứng là 12,9 tỷ USD và 22,5%. Năm 2010, nhập siêu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 12 tỷ USD, bằng khoảng 17,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu cả năm 2011 là 9,844 tỷ USD, giảm khoảng 22% so với năm 2010 và bằng 10,15% kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ. Năm 2012, sau nhiều năm liên tục gia tăng nhập siêu, Việt Nam xuất siêu khoảng 284 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đã chính thức khép lại với con số ấn tượng: 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, xuất siêu ở mức 863 triệu USD. Đây là năm thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đạt thặng dư thương mại.

Trong 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ và tương đương tăng 14,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Với đà tăng trưởng này, Bộ Công Thương dự đoán, trong năm 2014 Việt Nam có thể xuất siêu vào khoảng 1,5 tỷ USD, là con số đạt cao kỷ lục từ trước đến nay.

Ngay trong lúc xuất siêu, vẫn “nhập siêu” từ Trung Quốc

Năm 2013, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các châu lục đều tăng cao ở mức hai con số. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 đạt 264,26 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2012. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu với châu Á đạt 176,77 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012. Tiếp theo là với châu Âu đạt 39,55 tỷ USD, tăng 15,7%; châu Mỹ: 37,84 tỷ USD, tăng 19,4%; châu Đại Dương: 5,82 tỷ USD, tăng 3,9%; châu Phi: 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm trước.

Trong số các thị trường, có 3 thị trường xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu) là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và 3 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 52% trong tổng kim ngạch nhập khẩu) là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Kết thúc năm 2013, số thị trường Việt Nam xuất siêu đã tăng lên 16 thị trường. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 18,64 tỷ USD. Thị trường các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đạt được thặng dư thương mại lớn thứ 2 với 3,81 tỷ USD (do thị trường này là đầu mối xuất khẩu điện thoại các loại & linh kiện tăng cao tới 1,92 tỷ USD so với năm 2012). Tiếp theo là Anh: 3,13 tỷ USD, Hồng Kông: 3,06 tỷ USD, Campuchia: 2,42 tỷ USD, Hà Lan: 2,26 tỷ USD...

Có 6 thị trường mà Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 thị trường thuộc châu Á. Dẫn đầu mức thâm hụt là thị trường Trung Quốc với 23,69 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc: 14,07 tỷ USD, Đài Loan: 7,21 tỷ USD, Thái Lan: 3,45 tỷ USD, Singapore: 3,09 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 50,21 tỷ USD, tăng 22% trong năm 2013. Nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh (tăng 28,4%), đạt trị giá là 36,95 tỷ USD, chiếm 28% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này đạt 13,26 tỷ USD, tăng 7% và chiếm 10% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng trưởng nhưng nhập siêu vẫn trong xu hướng gia tăng do chênh lệch về tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường này khá lớn (năm 2013, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 28,4%, xuất khẩu chỉ tăng 7% nên nhập siêu là 23,76 tỷ USD, tăng 44,5% so với năm 2012).

Trong xu hướng chung đó, từ khi vấn đề căng thẳng ở Biển Đông nổ ra, xu thế kiểm soát nhập siêu với thị trường Trung Quốc càng tỏ ra bất lợi. Các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung trong ba tháng gần đây đã đạt gần 38,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ, chỉ tăng vỏn vẹn 4,3%. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường thế giới trong cùng kỳ đạt 36,9 tỷ đô la Mỹ và tăng 11,1%, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt gần 10,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,5%. Như vậy, cặp chỉ số nhịp độ tăng trưởng xuất và nhập khẩu với thị trường thế giới nói chung trong ba tháng qua nghiêng nhiều hơn về phía xuất khẩu, nhưng riêng với thị trường Trung Quốc lại lệch hoàn toàn về phía nhập khẩu. Chính vì vậy, trong rổ hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 9,6% hàng xuất khẩu nhưng lại chiếm tới 28,8% hàng nhập khẩu. Vấn đề nhập siêu với thị trường Trung Quốc không những không được hạn chế, trái lại, còn càng trầm trọng thêm.

Năm 2015: Nhập siêu quay trở lại?

Mặc dù có thể đạt được mức xuất siêu rất ấn tượng của năm 2014, nhưng Bộ Công Thương nhận định năm 2015 có khả năng nước ta sẽ quay trở lại với mức nhập siêu 6 - 8 tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, trong 3 năm qua, khối các doanh nghiệp FDI đóng góp chủ yếu trong cải thiện cán cân thương mại. Cán cân xuất siêu của khối các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài không những khắc phục tình trạng nhập siêu của nền kinh tế mà còn đạt được xuất siêu trong những năm qua. Tuy nhiên, thời gian tới, việc xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI sẽ tăng trưởng chậm lại. Xu hướng này thể hiện rõ qua các số liệu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI: Năm 2012 là 31%, đến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của khối này chỉ tăng 22% và 10 tháng năm 2014 là 12%. Nghĩa là, phần lớn các doanh nghiệp FDI đã đạt được công suất thiết kế, đạt ngưỡng tăng trưởng sản xuất, đồng thời là ngưỡng xuất khẩu, đảm bảo được lợi nhuận đã đề ra. Với đà giảm này, trong năm 2015, nhiều khả năng tăng trưởng về xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sẽ còn chậm hơn nhiều so với những năm trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước từ trước đến nay vẫn đang trong tình trạng nhập siêu.

Nguyên nhân thứ hai, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sau thời gian dài tăng trưởng liên tục với tốc độ cao đã đạt ngưỡng về khối lượng (nông sản, thủy sản,…), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, năng lực chế biến, tiếp thị, xúc tiến thương mại nhằm tăng cường giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chưa có cải thiện đáng kể, vì vậy, rất khó có tốc độ tăng trưởng cao của nhóm những mặt hàng này.

Kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do của nước ta với các đối tác sắp được ký kết (Việt Nam-EU, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh Thuế quan… hay tương lai gần là TPP), làm cho Việt Nam trở nên “hấp dẫn” đầu tư hơn. Bối cảnh đó góp phần làm cho nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ các hiệp định sắp được ký kết sẽ gia tăng. Đây là nguyên nhân thứ ba làm gia tăng giá trị nhập siêu, vì các doanh nghiệp mới vào đầu tư sẽ phải triển khai dự án, tập trung nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị.

Hưởng ứng chủ trương mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, để không quá phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong nước chuyển hướng, nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nhiều quốc gia khác với chất lượng hàng hóa tốt hơn, đồng nghĩa với giá thành cao hơn, dẫn tới tổng kim ngạch nhập khẩu tăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng kim ngạch nhập khẩu, tăng khả năng nhập siêu.

Giá trị nhập khẩu tăng trong năm 2015 còn có ảnh hưởng của việc chuyển dịch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài từ các quốc gia khác vào Việt Nam, trước triển vọng phát triển xuất khẩu sau các Hiệp định Thương mại tự do FTA sắp được ký kết hay TPP. Chính các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị để đón bắt cơ hội đón đầu các hiệp định.

Ngoài ra, trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu than vì nguồn cung than trong nước không đáp ứng đủ. Trong lĩnh vực dầu khí, mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, nhưng trong thời gian tới, ngoài việc giảm lượng xuất khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thay cho việc nhập khẩu trực tiếp.

Từ các nguyên nhân nêu trên, Bộ Công Thương nhận định, mặc dù năm 2015, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cỡ 163 tỷ USD (tăng 10%) so với năm 2014 nhưng kim ngạch nhập khẩu sẽ phải tăng nhiều hơn, do đó mức dự báo nhập siêu sẽ ở trong khoảng 6 - 8 tỷ USD.

Nhập siêu và những hệ lụy

Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhập siêu đối với mỗi quốc gia mang cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Điều này tùy thuộc cơ cấu xuất nhập khẩu theo mặt hàng cũng như thị trường, nguyên nhân đích thực dẫn đến nhập siêu. Với các quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nước ta, nếu nhập máy móc, thiết bị, công nghệ nguồn để phát triển sản xuất, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, nguồn hàng hóa xuất khẩu trong tương lai thì nhập siêu có thể coi là tình huống tích cực, thể hiện trạng thái năng động của nền kinh tế. Đó chỉ là giai đoạn nhất định trong một chu trình đầu tư.

Tuy nhiên, nhập siêu lớn trong thời gian dài cũng như cơ cấu nhập siêu bất lợi, tập trung vào thị trường Trung Quốc, tác động bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, nếu phân tích cơ cấu thị trường cũng như hàng xuất nhập khẩu thì thấy nhập siêu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh tài chính quốc gia cũng như an ninh kinh tế nói chung. Vì vậy, kiểm soát nhập siêu là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay, được Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm.

Nguyên nhân của tình trạng nhập siêu ở nước ta có nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là do yếu kém về quản lý nhà nước dẫn đến (i) tình trạng yếu kém của nền kinh tế do duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng làm cho năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp chậm được cải thiện, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn thấp; (ii) quản lý nhập khẩu còn nhiều bất cập (nhập khẩu công nghệ trung gian, hàng xa xỉ, trong nước sản xuất được…); hiện tương gian lận thương mại (buôn lậu, trốn thuế…) và tham nhũng chưa được ngăn chặn…

Có thể liệt kê những hạn chế trong quản lý nhà nước về nhập khẩu, dẫn đến không kiểm soát được nhập siêu như:

- Hiệu lực thực thi và hiệu quả của hệ thống chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, các chế tài xử phạt vi phạm trong thực tiễn còn yếu kém;

- Các biện pháp kinh tế, kỹ thuật trong quản lý chưa được chú ý và áp dụng đúng mức, thiếu các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra. Nhiều dự án đầu tư công vẫn nhập khẩu những trang thiết bị đắt tiền, gây lãng phí ngân sách nhà nước do không sử dụng hết công suất;

- Quản lý nhà nước đối với hoạt nhập khẩu còn phân tán và thiếu đồng bộ, chưa kiểm soát hiệu quả các hành vi gian lận thương mại, thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, gây ách tắc và làm tăng chi phí của doanh nghiệp;

- Còn có những biểu hiện của tư duy cục bộ, tầm nhìn ngắn hạn ở một số cá nhân, địa phương trong quản lý nhập khẩu. Kết quả là nhiều mục tiêu của quản lý nhà nước đối với nhập khẩu không hoàn thành (chuyển dịch cơ cấu hàng hóa và thị trường nhập khẩu, giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại...).

Nhìn chung, vấn đề nhập siêu là tình trạng phổ biến đối với các nước mới công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, nếu phân tích tính chất tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta trong những năm gần đây sẽ thấy tình trạng: Hiệu quả sử dụng vốn thấp, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên đáng kể, đầu tư vào những ngành cần nhiều vốn và mức sinh lời thấp, thay thế nhập khẩu. Sản xuất chủ yếu mang tính gia công. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp và chậm được cải thiện. Quá trình xây dựng các thể chế của kinh tế thị trường diễn ra chậm. Nhập siêu nhiều từ thị trường Trung Quốc bên cạnh nguy cơ phụ thuộc kinh tế còn cho thấy cơ cấu hàng nhập khẩu bất hợp lý, nhập khẩu nhiều công nghệ trung bình, lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên vật liệu và ảnh hưởng tới môi trường.

Kiểm soát nhập siêu

Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được, kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại cũng như khắc phục tình trạng nhập siêu đối với một số thị trường,... nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Do đó, để kiểm soát tốt nhập siêu, trước hết cần phải tăng cường quản lý nhà nước.

Hoạt động quản lý nhà nước nhằm kiểm soát nhập siêu trước hết cần tập trung vào việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành sản phẩm, vùng kinh tế theo lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh dựa trên mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp đến là tăng cường hoạt động quản lý nhập khẩu theo hướng nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, ngăn chặn nhập lậu, gian lận thương mại, tham nhũng… Cuối cùng là tổ chức lại bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát…

Kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng để cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, nếu thực thi một cách quyết liệt sẽ tác động rất lớn đến quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc hoàn thiện và đổi mới chính sách nhập khẩu để khuyến khích nhập khẩu cạnh tranh nhằm đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và hàng sản xuất thay thế nhập khẩu có thể xem là hướng đi - định hướng hợp quy luật trong bối cảnh hiện nay.

Một số định hướng chủ đạo trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu:

- Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường nhập khẩu thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định tự do thương mại, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào một số thị trường. Chú trọng định hướng vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản - những thị trường có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường.

- Đặc biệt chú trọng khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm từng bước giảm nhập khẩu.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật; mở rộng hợp tác khu vực để hài hòa hóa tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường,…. Tăng cường kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ việc nhập khẩu công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường./.