Quảng Trị: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới

Trần Văn Toàn Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng trị
22:07, ngày 20-05-2014
TCCSĐT - Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để chương trình đạt đươc hiệu quả cao, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước bởi công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong xây dựng nông thôn mới.

Xác định công tác tuyên truyền có vị trí và vai trò quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của chương trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã, các cấp, ngành, đoàn thể tùy vào nội dung, lĩnh vực chuyên môn cụ thể của mình để thực hiện việc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Công tác tuyên truyền đi trước một bước

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được tổ chức triển khai, thực hiện thường xuyên, liên tục, đúng định hướng, đa dạng, phong phú sáng tạo về hình thức, chú trọng vào thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng, làm rõ yêu cầu cấp thiết, những đặc trưng, nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp huy động nguồn lực và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới, góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã xây dựng trang web “nông thôn mới Quảng Trị”, mở các chuyên mục tuyên truyền trên Báo Quảng Trị, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện, đặc biệt, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý chương trình nông thôn mới ở hầu hết các xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền chương trình này qua hệ thống loa truyền thanh ở các thôn làng, tờ rơi, bảng hiệu,...; tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp, hội nghị, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về các hoạt động cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, mỗi Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với viêc xây dựng nông thôn mới để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cũng như kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên phải là mỗi tấm gương, là người đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện các phong trào ở khu dân cư như: “Thi đua Dân vận khéo”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong với xây dựng nông thôn mới”,.... Nhờ làm tốt công tác dân vận và phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở và sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên nên chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới ngày càng thấm vào lòng dân, được nhân dân tích cực hưởng ứng.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị, trong năm 2013, tỉnh đã phát hành 17 số báo và 01 đặc san nông thôn mới; 38 chuyên mục, phóng sự trên Đài truyền hình tỉnh; phát hành 220 số Báo Nông Nghiệp Việt Nam cung cấp cho 117 xã; có hơn 300 lượt người/ngày truy cập vào website “nông thôn mới”. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho trên 6.000 cán bộ các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; trên 20.000 cán bộ các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện và lồng ghép các nội dung tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với trên 8.000 lượt người tham gia.

Nhờ công tác “tuyên truyền đã đi trước một bước”, sau ba năm xây dựng nông thôn mới, Quảng Trị huy động được hàng nghìn ngày công, hàng trăm héc-ta đất, hàng chục tỷ đồng của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh… với nhiều cách làm hay, sáng tạo được lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, hiện trạng nông thôn mới tại Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc: 100% xã hoàn thành tiêu chí quy hoạch; xã dẫn đầu đạt 16 tiêu chí; 31/117 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, nhiều xã đạt được những tiêu chí quan trọng về giao thông nông thôn, y tế, môi trường… Từ thực tế trên có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần quan trọng đưa phong trào “xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh thực sự trở thành “cuộc cách mạng” về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là: Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tuy sớm được triển khai tương đối đồng bộ song chưa thực sự có chiều sâu và vẫn mang tính một chiều. Công tác tuyên truyền ở một số thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa sâu rộng; một bộ phận nhân dân chưa thực sự tự giác trong việc hưởng ứng thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Các hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trực quan chưa phong phú. Kiến thức, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền còn hạn chế; thời lượng thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; kinh phí thực hiện, phương tiện, công cụ hỗ trợ (hệ thống trạm, loa truyền thanh thôn bản,... ) chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác tuyên truyền, phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Quảng Trị cần nhận được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo kịp thời và sâu sát của các cấp ủy, chính quyền về công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên xem công tác tuyên truyền là nhiệm vụ của chính mình.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa, nâng dần tính hấp dẫn. Đặc biệt, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các loại hình tuyên truyền với phương châm “tuyên truyền phải đi trước một bước”, có như thế thì công tác tuyên truyền mới đi vào chiều sâu, hiệu quả. Một trong những nội dung quan trọng của công tác này là cần làm cho nhân dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời họ cũng chính là người được thụ hưởng thành quả đó.

Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phải gắn với từng vùng, từng địa phương, chú trọng ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm, nắm chắc về nội dung, phương pháp tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu rõ được mục tiêu cụ thể của nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện, qua đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, đồng thời đôn đốc những đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động./.