Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai trong thời kỳ hội nhập
Vùng kinh tế động lực quan trọng của Lào Cai
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được quy hoạch và xây dựng theo Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg, ngày 26-5-1998, của Thủ tướng Chính phủ Về áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai và thực sự đi vào hoạt động từ năm 2001. Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14-3-2008, của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có lợi thế là cửa khẩu, nằm trong một thành phố trực thuộc tỉnh nên có cả hệ thống dịch vụ của một thành phố phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - thương mại, xuất-nhập khẩu. Hơn nữa, với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là cửa ngõ quan trọng, điểm trung chuyển hàng hóa với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam và các nước trong khu vực (qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam - Trung Quốc và thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội tới các nước ASEAN)...
Xác định mục tiêu đẩy mạnh việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tỉnh Lào Cai đã và đang đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, thông thoáng về quản lý và đầy đủ về dịch vụ. “Cú hích” đầu tiên là Lào Cai đã thực hiện quy hoạch và di chuyển trung tâm hành chính tỉnh lỵ về đô thị mới ngoài khu kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất, cơ chế cho phát triển thương mại, dịch vụ trong khu kinh tế cửa khẩu. Đến nay, tỉnh đã hình thành 4 cụm kinh tế trọng điểm: Khu cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, diện tích 50ha, với cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu, cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu và cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành (Lào Cai), là khu vực hoạt động xuất nhập cảnh, xuất-nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ; Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, diện tích 156ha, bố trí các kho hàng, chợ cửa khẩu, dịch vụ phục vụ hoạt động xuất-nhập khẩu hàng hóa, vui chơi, giải trí và áp dụng cơ chế bảo thuế; Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải, diện tích 304ha; Cụm công nghiệp Đông Phố Mới diện tích 146ha khu công nghiệp tập trung, phát triển công nghiệp sạch, gia công, tái chế hàng xuất khẩu, kho trung chuyển hàng hóa.
Công tác xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu tỉnh Lào Cai được quan tâm đầu tư, hoàn thiện qua các năm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2001 - 2012, tỉnh đã đầu tư trên 2.200 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu của Trung ương. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng, phục vụ tốt hơn nhu cầu hoạt động xuất-nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lào Cai, trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế cửa khẩu.
Những năm gần đây, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác thương mại thông qua việc mở cửa biên giới. Hoạt động thương mại của các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua các cửa khẩu, đã góp phần nâng cao kim ngạch xuất-nhập khẩu của cả hai nước. Tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xuất-nhập khẩu, du lịch qua cửa khẩu Lào Cai. Từ tháng 7-2004, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đã thực hiện kéo dài thời gian mở cửa khẩu tất cả các ngày trong tuần: đường bộ từ 7h đến 22h, đường sắt 24h/24h. Hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam thỏa thuận xe ô-tô chở hàng của Việt Nam được vào toàn bộ châu Hồng Hà, xe chở hàng của Trung Quốc được vào toàn bộ phạm vi tỉnh Lào Cai. Về thanh toán biên mậu, các ngân hàng thương mại Lào Cai đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Kiến thiết, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương Vân Nam - Trung Quốc về thanh toán biên mậu với hình thức tín dụng thư (L/C) bằng đồng bản tệ. Đây là điều kiện thuận lợi, bảo đảm cho hoạt động buôn bán, tránh rủi ro và tháo gỡ khó khăn về điều kiện áp giá tính thuế theo hợp đồng.
Đặc biệt, hằng năm, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam thường xuyên cử các đoàn đại biểu cấp tỉnh sang thăm và hội đàm, trao đổi hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và xây dựng biên giới hòa bình, ổn định. Quan hệ hợp tác thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam là điều kiện, là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên tích cực xúc tiến đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Hoạt động xuất-nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai ngày càng sôi động. Giai đoạn 2001 - 2012, giá trị hàng hóa xuất-nhập khẩu tăng bình quân 20%/năm. Nếu năm 2001, kim ngạch xuất-nhập khẩu chỉ đạt con số khiêm tốn 210 triệu USD, đến năm 2010 đã đạt 800 triệu USD, thì năm 2012 vượt qua con số 1,2 tỷ USD.
Hoạt động xuất-nhập cảnh ngày càng sôi động. Giai đoạn 2001 - 2012, trung bình hằng năm có gần 650 nghìn lượt người tham gia hoạt động xuất (hoặc nhập) cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tính chung cả xuất cảnh và nhập cảnh là gần 1,3 triệu lượt người), góp phần quan trọng cho hoạt động du lịch. Năm 2001, tỉnh Lào Cai mới chỉ đón được 212 nghìn lượt khách với doanh thu du lịch đạt 59 tỷ đồng thì đến năm 2012, đã đón gần 948 nghìn lượt khách (tăng 347% so với năm 2001), doanh thu du lịch đạt 1.844 tỷ đồng; từng bước khẳng định vai trò, ảnh hưởng của Lào Cai trong sự phát triển du lịch của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Hoạt động đối ngoại và thu hút đầu tư cũng đạt kết quả rất khả quan. Tính đến hết năm 2012, trong Khu kinh tế cửa khẩu đã có gần 170 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 279 triệu USD, trong đó có 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 57,28 triệu USD. Hiện nay, thường xuyên có trên 500 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế qua biên giới và tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Kết quả tổng hợp và quan trọng nhất là số thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế cửa khẩu. Giai đoạn 2001 - 2012 đạt bình quân trên 350 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 25%/năm. Từ một tỉnh nghèo, song nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần đưa Lào Cai vươn lên gia nhập “câu lạc bộ” các tỉnh có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2012, kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất-nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai đạt 1.074 tỷ đồng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Những khó khăn, thách thức
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai nằm trong chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung. Tuy nhiên, công tác quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chưa được triển khai xây dựng. Do đó, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với mục tiêu chất lượng, có tính khả thi cao, bảo đảm yếu tố liên kết vùng mạnh mẽ, cũng như tạo động lực lan tỏa ra các địa phương lân cận gặp nhiều khó khăn.
Một khó khăn lớn là việc huyết mạch giao thông tuyến Hà Nội - Lào Cai (nhất là quốc lộ 70, đoạn Yên Bái - Lào Cai) thường xuyên ách tắc, do hệ thống đường quá chật hẹp, địa hình quanh co, không đủ công năng phục vụ cho xe hạng nặng chuyên chở hàng hóa. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được các địa phương tích cực triển khai thi công nhưng tiến độ còn chậm. Quá trình nâng cấp tuyến đường sắt (khổ 1m) Hà Nội - Lào Cai chưa bảo đảm tiến độ đề ra, năng lực vận chuyển đường sắt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu dịch vụ vận chuyển quá cảnh cho miền Tây Nam Trung Quốc.
Thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện một số ưu đãi cho các khu kinh tế cửa khẩu biên giới còn những khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, việc cho phép phương tiện vận tải hàng hóa của nước láng giềng và nước thứ ba được vào khu kinh tế cửa khẩu theo các hợp đồng kinh doanh của đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Theo quy định này, phương tiện vận tải hàng hóa vào khu kinh tế cửa khẩu không phải cấp phép vận tải quốc tế trong khi Hiệp định thư, Nghị định thư về vận tải đường bộ được ký kết giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa được sửa đổi. Bởi, theo quy định của Hiệp định thư và Nghị định thư, phương tiện vận tải qua lại biên giới phải được cơ quan quản lý vận tải mỗi bên cấp phép và phù hiệu vận tải quốc tế. Do vậy, quy định này đến nay chưa thực hiện được. Một số chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới chưa bảo đảm tính hợp lý, hợp lệ, có điểm còn chưa phù hợp với các điều ước quốc tế.
Một thách thức khác là nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất-nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu còn thiếu thông tin và ít hiểu biết về luật lệ, chính sách của nước bạn. Nhiều loại hàng hóa mang tính thời vụ, như rau quả, thủy hải sản hoàn toàn phụ thuộc vào đầu mối nhập khẩu của nước bạn, do đó, dễ dàng bị phía đối tác gây sức ép; thiếu hẳn tầm nhìn dài hạn và chưa xây dựng được mạng lưới tiêu thụ mang tính lâu dài, ổn định tại thị trường Trung Quốc.
Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cho các khu kinh tế cửa khẩu, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Để đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai
Để phát triển mạnh mẽ Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, góp phần quan trọng đưa tỉnh Lào Cai trở thành vùng kinh tế trọng điểm, là đầu tàu kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế liên vùng, liên quốc gia, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, để Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai phát triển mạnh, yêu cầu cấp bách hiện nay là các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế hiện đại, phù hợp cho sự vận hành của khu kinh tế cửa khẩu. Trong quá trình ban hành cơ chế, chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu, cần chú trọng tính ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các quy định ưu đãi về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, nhất là đối với các tỉnh biên giới còn gặp nhiều khó khăn như Lào Cai để thu hút các dự án đầu tư vào nơi đây có hiệu quả, mang tính khả thi cao. Cần có cơ chế để lại một phần số thu hợp lý từ khu kinh tế cửa khẩu cho địa phương để Lào Cai có đủ nguồn lực đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng và xây dựng diện mạo cửa khẩu tương xứng với vị thế cửa khẩu quốc gia, quốc tế. Theo chúng tôi, con số hợp lý là để lại ít nhất là 50% (thực tế khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được áp dụng chính sách để lại 50% số thực thu ngân sách nhà nước hằng năm tại Khu kinh tế cửa khẩu theo Điều 2, khoản 1 của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới; tuy nhiên, từ năm 2005, chính sách này không được áp dụng nữa).
Thứ hai, tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án giao thông, như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai để tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông (hiện nay, tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc đã khai thông và chờ đấu nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), phương tiện vận tải, phương tiện thông tin liên lạc… phục vụ hoạt động xuất-nhập khẩu và du lịch. Triển khai nghiên cứu lập báo cáo đầu tư dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng.
Thứ ba, tích cực thực hiện cải cách hành chính, trong đó đặc biệt chú trọng công tác hiện đại hóa hải quan và cải cách hành chính thuế. Cần đẩy mạnh việc thực hiện hải quan điện tử, thuế điện tử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quy hoạch và phát triển các trung tâm thương mại quốc tế, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hiện đại hóa Trung tâm Hội chợ triển lãm Kim Thành (Lào Cai - Việt Nam) để đủ sức tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế. Cần có sự hỗ trợ từ Trung ương để Lào Cai xây dựng Trung tâm Thông tin xúc tiến Thương mại với miền Tây Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN, đặc biệt với các nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào trong tuyến xuyên Á Đông Tây.
Thứ tư, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trong thời kỳ mới, phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý cửa khẩu (nhất là đội ngũ cán bộ quản lý liên ngành cửa khẩu như: hải quan, biên phòng, kiểm dịch...) cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và năng lực quản lý theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại để nắm bắt kịp thời những thay đổi về chính sách quản lý xuất-nhập khẩu, các chính sách thuế quan và phi thuế quan của hai nước Việt Nam - Trung Quốc, các nước trong khối ASEAN, WTO… cũng như những biến động về nhu cầu thị trường nhằm hỗ trợ kịp thời thông tin cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu cũng như tham mưu những chính sách về giao lưu kinh tế qua biên giới cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ năm, Đề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai (Việt Nam) - Hồng Hà (Trung Quốc) lấy Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành (Lào Cai) - Khu Bắc Sơn (Trung Quốc) làm hạt nhân để phát triển đã được hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam nghiên cứu xây dựng nhằm đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; do đó, rất cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành và Chính phủ hai nước để hiện thực hóa sự hợp tác này, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu của mỗi nước.
Thứ sáu, để khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai xứng đáng với tiềm năng và lợi thế khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư để địa phương mở rộng phát triển Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành từ 156ha hiện nay lên quy mô 360ha. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác xây dựng cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu ngày càng văn minh, hiện đại và tiến tới thực hiện thông quan “Một điểm dừng” để thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu và góp phần đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc./.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai trong thời kỳ hội nhập  (12/08/2013)
Những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Tĩnh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (12/08/2013)
Những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Tĩnh sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (12/08/2013)
Mỹ mở cửa lại Đại sứ quán tại Trung Đông và Bắc Phi  (12/08/2013)
Chỉ số cải cách hành chính thể hiện quản lý của từng cơ quan  (12/08/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên