Năm 2012: tiếp một mùa xuất khẩu thắng lợi
Kết quả ấn tượng
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 114,6 tỷ USD - lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, so với năm 2011 tăng khoảng 18,3% (vượt kế hoạch 10%, tương đương 18 tỷ USD). So sánh với các năm trước, chỉ riêng mức tăng tuyệt đối năm nay đã gần bằng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả 2 năm 1997 (9,1 tỷ USD) và năm 1998 (9,3 tỷ USD). Trong bối cảnh kinh tế khó khăn từ cuối năm trước đeo bám dai dẳng đến nay, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải điều chỉnh, thì kết quả xuất khẩu của năm 2012 là rất ấn tượng.
Từ ngày cả nước thống nhất đến năm 1988 xuất khẩu mới vượt mốc 1 tỷ USD. Sau 11 năm - năm 1999 xuất khẩu mới vượt 10 tỷ USD, từ đó lên 100 tỷ USD chỉ sau 13 năm. |
Trong số những hàng "sáng giá", nổi bật có các hàng công nghệ chế biến có mức độ tăng trưởng cao, thậm chí gấp đôi năm ngoái. Điều này đã tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng hàng thô, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến lên trên 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đà này, mục tiêu trong “Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030” là tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng lên từ 40,1% năm 2010 đến 62,9% vào năm 2020 sẽ sớm đạt được.
Sáng từ những trụ cột
Các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, nhân điều, cao su đã xuất khẩu với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng được cải thiện, hấp dẫn cả ở thị trường cao cấp, duy trì được vị thế cao trên thương trường quốc tế. Năm 2012 xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ (khoảng 9,7 triệu tấn). Cà phê đã vượt qua Bra-xin, Cô-lôm-bi-a để giành ngôi đầu. Hạt tiêu vẫn giữ ngôi “quán quân” thế giới, chiếm khoảng 40% - 50% lượng hồ tiêu giao dịch toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên và đứng thứ 4 về xuất khẩu cao su. Cao su nguyên liệu và các sản phẩm từ cao su như lốp xe hơi, xe tải, các thiết bị y tế, chỉ cao su, ống cao su, dây cao su, găng tay đã được xuất sang nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức,... trong đó sang thị trường Trung Quốc chiếm 62%.
Trong khi nhiều mặt hàng tăng trưởng thì than đá, quặng và các loại khoáng sản lại giảm cả về kim ngạch và tỷ trọng trong cấu thành của nhóm nhiên liệu và khoáng sản nói riêng và xuất khẩu của tất cả các mặt hàng nói chung. Điều này cũng phù hợp với chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, theo đó, tỷ trọng của nhóm hàng này cần giảm từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Hàng Việt Nam với những thương hiệu uy tín đã có mặt trên khắp các châu lục, thị trường trọng điểm, truyền thống, tiềm năng, láng giềng và thị trường mới. Nếu như năm 2000, Việt Nam mới có 160 thị trường, thì tới năm 2012 con số này đã tới trên 200, trong đó, xác lập được một số đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Cũng trong năm 2012, Việt Nam có 24 thị trường xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, với TOP đầu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tiếp đến là 20 thị trường, gồm: 8 thuộc châu Âu, 10 thuộc châu Á, 1 thuộc châu Mỹ, 1 thuộc châu Đại Dương là Ốt-xtrây-lia. Trong số 24 thị trường nói trên, Việt Nam xuất siêu với kim ngạch đáng kể vào các thị trường Mỹ và 7 thị trường thuộc châu Âu, 5 thuộc châu Á và châu Đại Dương.
Nhìn về cơ cấu thành phần tham gia xuất khẩu càng khẳng định vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh thu hút FDI từ đầu năm nay trầm lắng. Khối các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, nhất là trong những tháng cuối năm.
Công cụ thúc đẩy hữu hiệu
Đạt được những kết quả ấn tượng trên phải kể đến vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại đã chủ động và tích cực bằng nhiều hình thức sinh động, chủ yếu là tổ chức các hội chợ theo những thị trường trọng tâm, mặt hàng trọng điểm nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.
Tham gia Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 9 - một trong 10 hội chợ hàng đầu của Trung Quốc là cơ hội không thể tốt hơn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các bạn hàng Trung Quốc, các nước ASEAN và nhiều đối tác ngoài khu vực. Hội chợ Quốc tế Havana - Cu Ba lần thứ 30 (có quy mô lớn nhất và sự tham gia đông đảo nhất của các doanh nghiệp nước ngoài trong 10 năm trở lại đây) giúp Việt Nam khẳng định quyết tâm tiến vào thị trường Mỹ La-tinh giàu tiềm năng. Hội chợ thương mại Việt - Lào với quy mô lớn nhất từ trước đến nay không chỉ giúp đạt kế hoạch kim ngạch song phương giữa hai nước năm 2012 mà còn hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi vào năm 2015. Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012 - Hanoi Gift Show 2102 đã có sự tham gia của 500 nhà nhập khẩu đến từ 41 thị trường trọng điểm, tiềm năng.
Hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã giúp các doanh nghiệp bắt kịp luồng gió mới từ Mi-an-ma nhanh chân bước vào thị trường này, khiến thị phần hàng Việt Nam ở Mi-an-ma nâng lên rõ rệt. Hiện, Việt Nam có 50 doanh nghiệp với khoảng 500 mặt hàng với lượng tiêu thụ tăng khá nhanh ở đây.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam còn phối hợp với đối tác Nhật Bản luân phiên tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, triển lãm lần thứ 9 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản cung ứng các nguyên vật liệu, thiết bị, linh kiện phụ tùng chất lượng tốt ngay tại Việt Nam, giảm được chi phí nhập khẩu, hạ giá thành, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Vấn đề phát triển thương hiệu tiếp tục được triển khai ở cấp quốc gia - địa phương - cơ sở. Thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, trong năm 2012 bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu ở trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, Việt Nam đã lựa chọn được hơn 50 sản phẩm đạt thương hiệu chuẩn. Cùng với các trung tâm kinh tế lớn, tỉnh Quảng Ninh đã có Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tới năm 2015 với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho khoảng 20 - 25 nông sản và từ 25 - 30 hợp tác xã, làng nghề truyền thống.
Các hoạt động xúc tiến được thực hiện vừa bằng nguồn vốn của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thông qua 114 đề án, có tổng kinh phí là 93,04 tỷ đồng; vừa bằng nguồn lực của một số bộ/ngành, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Nhờ những nỗ lực này cùng với việc triển khai mạnh các giải pháp quan trọng khác về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn, chúng ta vẫn từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, giảm tồn kho một cách tích cực.
Song song với những hoạt động trên, trong lộ trình hội nhập, Việt Nam đã có những bước tiến mới, như: thực hiện những Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Hàn Quốc, Liên Minh châu Âu, Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ka-dắc-xtan... Điều này là rất cần thiết bởi tham gia vào khu vực thương mại tự do, hàng xuất khẩu của Việt Nam nhất là các loại nông, lâm, thuỷ sản, hàng công nghiệp chế biến sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan. Năm 2014, khi TPP có hiệu lực, Mỹ sẽ là đích nhắm đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp dệt may. Các FTA còn giúp ổn định nguồn và hạ giá đầu vào nhập khẩu. Hiện, Việt Nam còn phải nhập khẩu tương đương 80% GDP nên việc ổn định và hạ giá đầu vào hàng nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng trưởng bền vững xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội nhập được nhiều máy móc, thiết bị công nghệ gốc từ những nền kinh tế hàng đầu để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Do tính hai mặt của bất cứ thoả thuận nào, thoáng cửa ra, cũng phải mở rộng cửa vào, một số sản phẩm, vài lĩnh vực trong nước sẽ gặp những khó khăn nhất định, song “cân - đong” hai mặt thì cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nếu chủ động nắm thời cơ và nhanh nhạy đối phó với rào cản, chúng ta sẽ vượt qua và phát triển.
Nhìn nhận những hạn chế
Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ, khả năng cạnh tranh của hàng hóa thấp, chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc, hiệu quả kinh tế không cao. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tuy đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
Về cán cân thương mại, nhìn tổng thể nhập siêu hàng hóa đã được khắc phục, song phần nhập khẩu và nhập siêu từ châu Á vẫn cao, trong khi nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu còn thấp. Nghĩa là, chúng ta chưa nhập khẩu nhiều từ các thị trường có công nghệ cao, nên chậm tạo nền tảng cho sản xuất nói chung và hàng xuất khẩu hướng tới hiện đại.
Những bất cập trong điều hành càng bộc lộ rõ sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như bước đầu thực hiện các FTA, điều này chứng tỏ chúng ta chưa chủ động trong việc hạn chế những thách thức từ tiến trình này. Việc đối phó với các biến động lớn của thị trường thế giới nhiều khi còn lúng túng…Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay và sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp phải ngừng hoặc giảm nhịp độ sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp để đi lên
Trong Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030 đã đề ra mục tiêu xuất khẩu thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 11%-12%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 12%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 11%/năm. Thời kỳ 2021 - 2030 tăng khoảng 10%/năm. Đối chiếu với mục tiêu trên, hai năm 2011 và 2012 xuất khẩu đều vượt mức đề ra.
Song, mong muốn của chúng ta còn hơn thế, bởi sự gia tăng của xuất khẩu luôn tạo ra sung lực kép, thậm chí theo cấp số nhân đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vào thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, thị trường thế giới chậm được cải thiện, tiềm ẩn những diễn biến khó lường, hành trình tiến tới sự công bằng trong thương mại quốc tế nhiều gập ghềnh. Trong nước, tuy đã có thế và lực mới nhưng phía trước vẫn còn những khó khăn chưa được khắc phục triệt để, một vài mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ công đang có dấu hiệu bị thương nhân nước ngoài “ngấm ngầm” thâu tóm.
Vì vậy, năm 2013 - năm bản lề của giai đoạn 2011 - 2015, cần có những quyết sách mạnh vừa mang tính chiến lược, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt để tiếp tục thành công làm đà cho hai năm còn lại và hướng tới năm 2020. Theo đó, cần phải tính tới các giải pháp:
- Phát triển sản xuất trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đổi mới kỹ thuật các ngành công nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Hoàn chỉnh quy hoạch, áp dụng tiến bộ của công nghệ sinh học, tạo vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi có khối lượng sản phẩm lớn, ổn định, chất lượng cao. Phát triển các trung tâm làm đầu mối cung ứng nguyên, phụ liệu; giảm trung gian trong cung ứng; liên doanh giữa các địa phương đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Nhân rộng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc;
- Tăng cường quản lý nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được; vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.., tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị, máy móc hiện đại;
- Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương. Rà soát các cơ chế chính sách phù hợp với những cam kết quốc tế và thực hiện đồng bộ các cam kết đó. Đạt được sự công nhận lẫn nhau về kết quả giám định sản phẩm. Chủ động có các đối sách phù hợp bảo đảm sự công bằng trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam;
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại với các điểm nhấn là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia, khẩn trương xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng chủ lực. Liên kết, huy động tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Phát triển thương mại biên mậu lành mạnh. Nâng cao hiệu quả thu thập, dự báo, xử lý, cung cấp thông tin;
- Ưu tiên vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rà soát, điều chỉnh những chính sách về thu hút nguồn vốn, giải ngân, cơ cấu đầu tư, tín dụng xuất khẩu. Điều hành lưu thông tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt;
- Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại. Xã hội hóa phát triển lô- gíc-tíc (logistics). Chuyển mạnh sang phương thức mua FOB, bán CIF. Kiểm soát chặt chẽ tạm nhập - tái xuất;
- Đổi mới đào tạo nhân lực gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển xuất khẩu của từng ngành hàng và các doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế. Áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Mở rộng bạn hàng, khai thác thị trường mới. Dùng nhiều đồng tiền thanh toán. Tăng cường vai trò các hiệp hội;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ cơ chế đến điều hành phải đồng bộ, nhịp nhàng, tránh “phanh gấp” bằng mệnh lệnh;
- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, sáng tạo khi điều hành và quyết liệt trong mỗi giải pháp, khẩn trương trong từng giai đoạn./.
Khẩn trương hoàn thiện kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc  (07/01/2013)
Tinh thần ngày 7-1 mãi khắc sâu trong lịch sử Campuchia  (07/01/2013)
Giao ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội  (07/01/2013)
Vun đắp truyền thống đoàn kết đồng bào công giáo  (07/01/2013)
Ngừng sử dụng lô vắcxin gây tai biến ở Hà Nội  (07/01/2013)
Khánh Hòa góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (07/01/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay