Một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước hiện nay
TCCSĐT - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN): “Doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại một bước (từ 5.374 doanh nghiệp giảm xuống còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ; đứng vững và có bước phát triển, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; chi phối được những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước”(1). Đồng thời, Hội nghị cũng đánh giá những yếu kém, hạn chế của các DNNN thời gian qua. Trên cơ sở tổng kết những thành tựu và hạn chế của các DNNN, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ DNNN, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô”(2).
Trên thực tế, DNNN đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Có thể thấy rằng đa số các DNNN, đứng đầu là các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có hiệu quả, có lãi, đóng góp số thu lớn vào ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2011 cho thấy: “Năm 2006 khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 317.647 tỷ đồng, đến hết năm 2010 vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 653.166 tỷ đồng, bằng 204% so với năm 2006”(3). Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty hằng năm tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế; đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Doanh thu và lợi nhuận hằng năm của DNNN từ năm 2007 đến năm 2010 không ngừng tăng lên, mức tăng năm sau thường cao hơn năm trước:
Doanh thu của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước | ||||
Năm | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
Mức (tỷ đồng) | 642.004 | 842.758 | 1.098.553 | 1.488.273 |
Tỷ lệ % (tăng so với năm trước) | 29 | 31 | 30 | 35 |
Lợi nhuận của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước | ||||
Năm | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
Mức (tỷ đồng) | 71.491 | 88.478 | 97.537 | 162.910 |
Tỷ lệ % (tăng so với năm trước) | 6 | 24 | 10 | 66 |
Đi cùng với mức tăng lên về lợi nhuận và doanh thu, các DNNN cũng thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước:
Mức nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước | ||||
Năm | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 |
Mức (tỷ đồng) | 133.108 | 223.260 | 189.991 | 231.526 |
Tỷ lệ % (so với năm trước) | giảm 8 | tăng 67 | giảm 15 | tăng 21 |
Bên cạnh đó, các DNNN mà tiêu biểu là các tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định xã hội, ngăn ngừa sự suy giảm kinh tế, duy trì việc làm cho người lao động và bảo đảm thu nhập cho người lao động, thực sự là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết và định hướng vĩ mô nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, các DNNN cũng có nhiều hạn chế, bất cập: “Quá trình cơ cấu lại và đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tổ chức triển khai chưa tốt, chỉ đạo thiếu chặt chẽ; một số doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Vai trò công nhân tham gia cổ phần hóa trong các doanh nghiệp nhà nước còn mờ nhạt; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư, chưa làm tốt vai trò đầu tàu, mở đường, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý chủ sở hữu nhà nước còn bất cập. Mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung chưa phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý doanh nghiệp”(4).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN
Quá trình cổ phần hóa các DNNN ở nước ta thời gia qua diễn ra chậm chạp, không đúng tiến độ, cho tới nay vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc các thủ tục pháp lý và tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động ở các DNNN đó. Phương hướng đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI xác định là: “Các DNNN phải được tổ chức lại theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với Luật Doanh nghiệp; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán”(5). Để đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới, cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho cổ phần hóa cũng như chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các tập đoàn, tổng công ty và các công ty nhà nước lớn. Bên cạnh đó, các DNNN cũng cần phải nghiêm túc và nỗ lực trong việc xây dựng và thực hiện lộ trình cổ phần hóa. Lãnh đạo các DNNN, các bộ, ngành chức năng cần đứng trên quan điểm phát triển để nhận thức rằng, cổ phần hóa là con đường tất yếu để có thể tồn tại trong bối cảnh hội nhập đang đến gần. Những đặc quyền, đặc lợi cá nhân hay cục bộ cần phải được loại bỏ. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý làm nhanh không có nghĩa là làm ẩu, tránh cổ phần hình thức hoặc “bán rẻ” tài sản Nhà nước.
Mặt khác, có biện pháp tuyên truyền cho người lao động nhận thức đúng đắn, đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm của họ đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Nhà nước cần giúp đỡ đội ngũ cán bộ, công nhân viên mua cổ phần ở các DNNN tiến hành cổ phần hóa, như cho vay tín dụng với lãi suất thấp, thời hạn dà, tương tự như cho nông dân vay vốn để sản xuất. Đây là kinh nghiệm tốt mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện trong quá trình cổ phần hóa các DNNN.
Thứ hai, thực sự trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho DNNN
Là một chủ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, DNNN phải được bảo đảm quyền tự chủ trong sản xuất - kinh doanh và phải tự chịu trách nhiệm với kết quả sản xuất - kinh doanh. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ cũng cần phải nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của DNNN về kết quả sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là chủ trương được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI nêu ra: “Đồng thời, với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước”(6). Về mặt kinh tế tài chính, điều này có nghĩa là trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh, DNNN phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước, có tích luỹ để phát triển và không ngừng nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để thực hiện được yêu cầu mở rộng quyền tự chủ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các DNNN, cần phải bảo đảm một số điều kiện sau:
Xác định quyền của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu vốn DNNN. Với vai trò người đầu tư vốn hình thành DNNN, Nhà nước có đầy đủ quyền của người chủ sở hữu. Nhưng Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN, mà chỉ đề ra các mục tiêu và yêu cầu cần đạt được đối với những người được giao quyền quản lý điều hành, thực hiện giám sát và kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN bằng những hình thức thích hợp.
Lựa chọn và bố trí đúng đội ngũ cán bộ quản lý điều hành DNNN. Đó là những người có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh để thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ thi tuyển các chức danh chủ chốt và chế độ hợp đồng quản lý điều hành DNNN. Những người được lựa chọn không nhất thiết phải là viên chức nhà nước mà cần được mở rộng ra các đối tượng ngoài biên chế nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người dự kiến được bổ nhiệm sẽ thương thảo kỹ hợp đồng, trong đó nêu đầy đủ các quyền lợi, quyền hạn, trách nhiệm và các chế tài cụ thể nếu không thực hiện được các điều khoản đã cam kết.
Hoàn thiện mô hình tổ chức quản trị DNNN, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên - là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước thực hiện chức năng quản lý DNNN. Các hội đồng này được chủ sở hữu nhà nước ủy nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước chủ sở hữu về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao, trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong sản xuất - kinh doanh, tổ chức bộ máy điều hành của DNNN. Nhà nước cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh tổng giám đốc, giám đốc các DNNN.
Thứ ba, xác lập mô hình thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước
Chủ sở hữu của các DNNN là Nhà nước. Theo đó, Chính phủ sẽ phải thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với DNNN. Hiện nay có tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách đối với DNNN. Tình trạng này dẫn đến DNNN bị chi phối bởi nhiều đầu mối, quyền tự chủ trong sản xuất - kinh doanh bị hạn chế và trong nhiều trường hợp xảy ra tình trạng không thống nhất về chính sách và chỉ đạo thực hiện. Quyền chủ sở hữu đối với tài sản của Nhà nước bị phân tán ở nhiều cơ quan và nhiều cấp trung gian. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN lại can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong việc ra các quyết định đầu tư, chuyển nhượng,... Bởi vậy, gắn liền với việc mở rộng quyền tự chủ và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước đổi mới một cách cơ bản cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước theo hướng thu hẹp và tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ chủ quản và ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các DNNN theo đúng chủ trương được khẳng định trong Hội nghị Trung ương 6 khóa XI: “Nghiên cứu hình thành cơ quan nhà nước thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công, phối hợp trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN”(7).
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN
Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho DNNN, cần đặc biệt chú trọng cơ chế tự kiểm tra, giám sát hoạt động của các DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã nêu: “Đồng thời, với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”(8). Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế tự giám sát chặt chẽ DNNN, giúp cho việc kiểm soát các hoạt động kinh tế trong trật tự kỷ cương, đồng thời là điều kiện tối quan trọng để bảo toàn và phát triển vốn thuộc sở hữu nhà nước hướng vào thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện cơ chế tự kiểm tra, giám sát nội bộ DNNN như đã đề cập ở trên, cần tăng cường chức năng kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu Nhà nước với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN. Việc đổi mới chức năng kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước phải được đặt trong tổng thể việc điều chỉnh chức năng của Nhà nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường. Để làm tốt vấn đề này, chúng ta cần chú trọng những giải pháp phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra trong hoạt động quản lý sản xuất - kinh doanh; đổi mới cơ chế và tổ chức thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế; hình thành một cơ quan quản lý cấp bộ đối với các DNNN với chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát các DNNN về quản lý sử dụng vốn Nhà nước ở cả DNNN và phần vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp đa sở hữu; xây dựng và thực thi nghiêm ngặt các chế độ trách nhiệm cá nhân với mỗi thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc điều hành các DNNN nếu để xảy ra sai phạm trong doanh nghiệp.
Thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của người đứng đầu DNNN theo các mục tiêu cụ thể hàng năm như tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hằng năm, mức độ và trình độ đổi mới công nghệ trong một thời gian nhất định, năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, vị thế hay thị phần trên thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới, năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ doanh nghiệp và sản phẩm… Trên cơ sở đó, có biện pháp quản lý phù hợp đối với từng DNNN và người đứng đầu DNNN./.
(1), (2) Thông báo của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-10-2012
(3) Chính phủ: Báo cáo Thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội, 23-11-2011
(4) Thông báo của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-10-2012
(5) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-10-2012
(6), (7), (8) Thông báo của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-10-2012.
Tuần tin cải cách hành chính từ 26-11 đến 03-12-2012  (03/12/2012)
Sâu sát thực tiễn, tôn trọng tính đặc thù - một hướng phát triển giáo dục vùng dân tộc, miền núi trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện  (03/12/2012)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc  (02/12/2012)
Hà Tĩnh cần chăm lo hơn nữa đến công tác xóa đói, giảm nghèo  (02/12/2012)
Hội nghị khí hậu tại Đôha vẫn bế tắc sau tuần thảo luận đầu tiên  (02/12/2012)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên