Tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ trong điều kiện mới
TCCS - Nhằm phân tích, đánh giá những kết quả, khó khăn và một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn liên quan đến lĩnh vực đất đai và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, ngày 20-9-2019, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo: “Tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ trong điều kiện mới”.
Các đồng chí PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đông cho biết, sau gần 2 năm áp dụng hình thức tích tụ, tập trung đất đai, đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 650ha, tích tụ trên 375ha đất cho doanh nghiệp thuê, thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào sản xuất, trở thành hạt nhân liên kết chuỗi với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Hiện nay, có 81 xã tổ chức tích tụ, tập trung, liên kết sản xuất trên diện tích hơn 1.600ha của hơn 5.270 hộ, với 151 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả tham gia chuỗi liên kết. Toàn tỉnh Hà Nam thành lập mới 13 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, 24 cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Việc tập trung, tích tụ ruộng đất giúp tỉnh Hà Nam đạt được hai mục tiêu lớn, là: Quyền lợi của các hộ dân được bảo đảm, người dân đồng thuận, yên tâm, không có khiếu kiện; doanh nghiệp chấp nhận về giá thuê đất, thời gian thuê đất, những cam kết với địa phương, yên tâm đầu tư sản xuất, bước đầu đặt nền móng quan trọng cho quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Hà cho biết, chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta là hết sức đúng đắn, thực sự “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất khá đa dạng, phong phú, góp phần mở rộng quy mô sản xuất cũng như thúc đẩy hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Trên thực tế, nhờ việc “dồn điền, đổi thửa” nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước tăng từ 1.619,7m2 (năm 2011) lên 1.843,1m2 (năm 2016), trong đó, đồng bằng Bắc Bộ tăng từ 489m2/ thửa lên 604,4m2/ thửa... Nhờ vậy, đất sản xuất nông nghiệp bớt nhỏ lẻ, manh mún, mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương; bước đầu khơi thông nguồn lực đất đai, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung xuất hiện, đem lại giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp… Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ở nhiều địa phương đã xuất hiện không ít những vướng mắc, cần giải pháp tháo gỡ kịp thời để việc tích tụ ruộng đất được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.
Hội thảo nhận được 52 tham luận; có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp. Theo GS, TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, tình trạng các hộ nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý là tình trạng có nơi có đất, nhưng không tham gia tập trung đất đai do e ngại mất đất. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa tổng kết lại các mô hình tích tụ, tập trung đất để đưa ra chính sách, hoàn chỉnh khung pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành nông nghiệp quy mô, công nghệ cao, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp. GS, TS. Đặng Hùng Võ chỉ ra 3 hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất: một là, dựa vào quy mô hộ gia đình dưới dạng trang trại lớn; hai là, hợp tác xã của nhiều hộ, trong đó có hợp tác xã nhóm hộ, hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mới; ba là, doanh nghiệp và nông dân với nhiều hình thức hợp tác (hình thức này vẫn gặp một số vướng mắc, đặc biệt là mối quan hệ và độ tin cậy giữa doanh nghiệp - nông dân còn lỏng lẻo). Doanh nghiệp cần xem trọng trách nhiệm xã hội lớn hơn lợi ích kinh tế. Đồng thời, do thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa được quan tâm như ở khu vực đô thị, nên cần có sự trợ giúp nhất định đối với lĩnh vực này để thị trường đất đai ở khu vực nông thôn trở nên minh bạch, hấp dẫn.
Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, để phát triển nông nghiệp cần liên kết hộ, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp. Mối quan hệ sản xuất chủ yếu vẫn là hộ nông dân - doanh nghiệp với các hình thức, như: chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê (ngắn hạn, dài hạn), góp vốn cổ phần cùng doanh nghiệp… Tuy nhiên, nông dân chưa giám sát được hoạt động, lợi tức của doanh nghiệp nên chưa “mặn mà” với hình thức này. Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho thị trường đất đai hoạt động và bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của nông dân…
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, đất đai là một nguồn lực quan trọng phải được khai thông để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát huy lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cố gắng định vị các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất vô cùng sinh động trong thực tiễn, trong đó nhấn mạnh hình thức cho thuê, hình thành hợp tác xã kiểu mới. Suy cho cùng, việc tích tụ hay tập trung ruộng đất đều hướng đến mục tiêu thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả và giá trị cao hơn, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người nông dân. Muốn bảo đảm sản xuất không bị manh mún, áp dụng sản xuất theo công nghệ hiện đại và sử dụng hiệu quả ruộng đất, những nông dân làm nông nghiệp phải là những nông dân hiện đại.
Những kết quả của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức xây dựng báo cáo kiến nghị tới Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như được Tỉnh ủy Hà Nam chắt lọc đưa vào báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh mô hình của Hà Nam và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Cộng sản tiếp tục mở rộng nghiên cứu, tổng kết mô hình của các tỉnh, thành phố phía Nam./.
Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX: Tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân  (21/09/2019)
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”  (20/09/2019)
Giá trị văn hóa chính trị qua Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/09/2019)
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Thủ đô  (18/09/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam