Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
TCCS - Ngày 27-9, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các sở, ban, ngành của Hà Nội.
Các tham luận và ý kiến thảo luận trực tiếp tại tọa đàm tập trung làm rõ thực trạng môi trường đầu tư, kinh doanh ở Hà Nội thời gian qua; các nguyên nhân khách quan và chủ quan; từ đó, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực nhằm giúp Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững hơn; phát huy vai trò liên kết và lan tỏa động lực tăng trưởng chung cho vùng Thủ đô, khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Hà Nội hiện có 267.594 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian, chi phí tham gia và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình; chủ động phản ứng chính sách nhanh và cầu thị hơn; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thành phố thông minh…
Sau nhiều năm thực hiện các khâu đột phá nhằm xây dựng chính quyền phục vụ, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn thành phố đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt 98,4%; số doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử bảo hiểm xã hội đạt 98,8%.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đầu tư giảm 31,5% so với quy định hiện hành, trong lĩnh vực quy hoạch giảm 50%. Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể, như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực... Đặc biệt, từ ngày 1-8-2018, thành phố Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ: phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu, phí làm dấu, chuyển phát nhanh trả kết quả tại nhà cho doanh nghiệp thành lập mới.
Theo công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội nằm trong “tốp” 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất năm 2018. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Trong 6 năm (2012 - 2018), chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp và đạt được mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch Thành phố đã đề ra là “phấn đấu đến năm 2020, chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”.
Năm 2018, thành phố tiếp tục phấn đấu cải thiện điểm số và xếp hạng PCI so với năm 2017, trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số có xếp hạng thấp, như “Tiếp cận đất đai”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Gia nhập thị trường”, “Tính năng động của chính quyền tỉnh”, “Thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự”, “Chi phí không chính thức”. Đồng thời, thành phố duy trì điểm số và xếp hạng của các chỉ số thành phần có xếp hạng tốt, như “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và “Đào tạo lao động”.
Kết quả chỉ số PCI đã ghi nhận sự nỗ lực của thành phố đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với thành phố được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua.
Cũng trong năm 2018, Hà Nội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước và cao nhất sau 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng trong 3 năm (2016 - 2018) và 3 tháng đầu năm 2019 thu hút được 18,29 tỷ USD, bằng 2,92 lần giai đoạn 2011 - 2015... Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS, TS. Vũ Văn Hà nêu rõ, mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội thời gian qua đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn, như giữa điều kiện phát triển và mục tiêu phát triển; giữa quy mô rộng lớn của Thủ đô với năng lực và trình độ quản lý; giữa yêu cầu phát triển với nguồn lực phát triển; giữa cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư hiện có; giữa lực cản trở với lực thay đổi; giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu cải thiện môi trường.
Để tiếp tục có bước cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, Hà Nội cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp, như cần công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các quy hoạch, quy định chính sáchvà giải quyết nhanh chóng hơn trong các vấn đề xảy ra; chú ý liên kết vùng, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức; hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với hệ thống tài chính. Ngoài ra, Hà Nội cần tiếp tục khuyến khích đầu tư sáng tạo, chú trọng vấn đề môi trường, đào tạo nguồn lực, xây dựng hình ảnh cơ quan thân thiện, chuyên nghiệp… trong thời gian tới./.
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam