Tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
TCCS - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh Kiên Giang tích cực quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với nhiều giải pháp sát hợp với thực tiễn.
Học tập và làm theo Bác mang lại hiệu quả thiết thực
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nên sau khi có Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc gắn với các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Về quán triệt và học tập, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa việc học tập và làm theo Bác vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với những chủ đề cụ thể hằng năm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Cụ thể, năm 2018, đề ra chủ đề: “Về kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”; năm 2019: “Về tổ chức thực hiện tốt chế độ đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”; năm 2020: “Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh”. Việc nghiên cứu, học tập Chỉ thị số 05-CT/TW và các chuyên đề được tổ chức dưới nhiều hình thức, như tổ chức các hội nghị truyền đạt trực tiếp, hội nghị trực tuyến...; đã tổ chức cho 18.087 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang… học tập chuyên đề hằng năm.
Về triển khai thực hiện làm theo Bác, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị không chỉ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, cam kết làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn chú trọng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực; tạo sự lan tỏa những việc “làm theo” trong xã hội. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, như: “Mỗi ngày làm một việc tốt vì dân”, “Nụ cười thân thiện trong khám bệnh”, “Đội dân phòng cựu chiến binh”, “Đến tận nhà làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh nhân dân cho người dân” (thuộc diện gia đình khó khăn, neo đơn, gia đình chích sách), mô hình “Ngày thứ bảy không nghỉ”...
Thông qua việc tổ chức thực hiện kế hoạch “làm theo”, lồng ghép với các phong trào hành động cách mạng, nhiều tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân thể hiện tính tiền phong, gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ; nhiều cá nhân đã hiến đất xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền, của giúp đỡ người nghèo, bệnh tật..., góp phần tích cực vào thực hiện an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.
Về công tác tuyên truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về học tập và làm theo Bác. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cơ quan báo, đài địa phương đã mở và duy trì chuyên trang, chuyên mục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Báo Kiên Giang đã đăng 779 lượt mẩu chuyện, tin, bài, ảnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đã phát sóng hơn 1.600 tin, phóng sự; các đài truyền thanh cấp huyện đã phát gần 5.000 tin, bài có nội dung liên quan đến việc học tập và làm theo Bác. Các trang, cổng thông tin điện tử của các cấp, ngành trong tỉnh thường xuyên đăng tải tin, bài về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, về gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác, gắn với các phong trào thi đua yêu nước.
Các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác tuyên truyền đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế, như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ... Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, lắp đặt hệ thống pano, khẩu hiệu, bổ sung thêm các sách viết về tấm gương đạo đức của Bác. Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh” được triển khai thực hiện, đã tạo ấn tượng và sức lan tỏa trong xã hội, có 57 tác phẩm đoạt giải cấp tỉnh, đã chọn 55 tác phẩm gửi dự thi cấp Trung ương. Đối với giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ I, II, III, IV, V (từ năm 2016 - 2020), có 46 tác phẩm đoạt giải cấp tỉnh và 2 tác phẩm đạt giải cấp Trung ương. Đặc biệt, trong năm 2019 - năm cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - toàn tỉnh đã tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo, tọa đàm khoa học thu hút sự quan tâm hưởng ứng đông đảo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, như: Chuyên đề “Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc Hồ Chí Minh, những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác” ở huyện Châu Thành; sinh hoạt chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành tựu và bài học kinh nghiệm” ở thành phố Hà Tiên; Tọa đàm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Hội trại “Tuổi trẻ giữ nước” của Công an tỉnh; hay huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức hội thi “Khắc ghi lời Bác” và “Tuổi trẻ Vĩnh Thuận làm theo lời Bác”… Hoạt động giới thiệu, thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với tổ chức và người Việt Nam ở nước ngoài cũng được quan tâm thông qua các cuộc gặp gỡ, các hoạt động thường niên, như: “Xuân quê hương”, “Trại hè Việt Nam”, Giỗ tổ Hùng Vương...
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Quá trình học tập làm theo Bác đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, các điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội được tôn vinh và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, đó là: “Tiếp nhận giải quyết các phản ánh, kiến nghị bức xúc của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng”, “Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, đoàn viên, hội viên để giải quyết các phản ánh, kiến nghị, bức xúc”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp dân, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản”, “Thực hiện dân chủ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị” của Đảng bộ An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Đảng bộ Sở Y tế… Nhiều địa phương, đơn vị đẩy mạnh các phong trào chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, như: “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội”, “Huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất” của Đảng bộ An Biên, Rạch Giá… Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cải cách hành chính được chú trọng, tiêu biểu như các mô hình: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, “Sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh, tăng cường lực lượng cho công an cơ sở”, “Chấn chỉnh lề lối làm việc đi đôi với tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong các mặt công tác”, “Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin”... của Đảng bộ An Biên, Rạch Giá, Kiên Lương, Công an tỉnh, Đảng bộ Khối các Cơ quan - Doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu niên, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thông qua cuộc vận động phong trào: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; “Thiếu nhi Kiên Giang thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, phong trào “Sáng tạo trẻ”; “3 trách nhiệm”; “Khi tôi 18”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt”; Đoàn thanh niên các huyện với các phong trào “Tuổi trẻ An Biên nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, “Tuổi trẻ Phú Quốc với biển đảo quê hương”, “Tuổi trẻ Hòn Đất làm theo lời Bác”... và các hoạt động như: “Xuân tình nguyện”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Hiến máu tình nguyện”, “Ngày hội thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”...
Một số hạn chế và những bài học kinh nghiệm quý
Quá trình học và làm theo Bác của tỉnh Kiên Giang, bên cạnh những hiệu quả thiết thực vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là: (i) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW có lúc, có nơi còn chưa được coi trọng đúng mức. Một số cấp ủy chưa chủ động, còn bị động trong việc xác định nội dung đột phá, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị, việc triển khai thực hiện chủ đề riêng của tỉnh có năm còn chậm so với kế hoạch; (ii) Việc xây dựng bản cam kết cá nhân ở một số nơi còn hình thức, sao chép, chưa cụ thể, chưa sát với nhiệm vụ, vị trí công tác nên việc thực hiện chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương, còn thiếu tự giác trong nhận diện và khắc phục các biểu hiện suy thoái; tình trạng nể nang, ngại va chạm, đùn đẩy, sợ trách nhiệm vẫn còn xảy ra. (iii) Hiệu quả, sức lan tỏa của công tác tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng lúc chưa cao. Công tác định hướng thông tin, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả còn hạn chế.
Từ thực tiễn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW tại tỉnh Kiên Giang, một số bài học kinh nghiệm quý được rút ra:
Thứ nhất, các cấp ủy phải thực sự xem việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời, nghiêm khắc phê bình, uốn nắn kịp thời những biểu hiện, cách làm lệch lạc, hình thức, kém hiệu quả.
Thứ hai, từng cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải chủ động, sáng tạo; xác định đúng vấn đề đột phá, bức xúc cần phải giải quyết để xây dựng chương trình, kế hoạch sát hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả, sức lan tỏa trong việc học tập và làm theo Bác.
Thứ tư, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; của các cơ quan báo chí, truyền thông, từ công tác triển khai, học tập, quán triệt, tuyên truyền, vận động đến quá trình tổ chức và kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Tiếp tục học và làm theo Bác ngày càng thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới
Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng có liên quan, nhất là thực hiện các nhóm giải pháp của Kết luận, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ… Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương tại Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, với phương châm “ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đánh giá được kết quả thực hiện”.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác định những vấn đề hạn chế, nổi cộm, bức xúc trong xã hội, từ đó, đề ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục thực hiện công khai kế hoạch của cấp ủy, bản cam kết của người đứng đầu trong phạm vi địa phương, đơn vị, ngành mình. Lấy kết quả thực hiện làm cơ sở để đánh giá tập thể và cá nhân hằng năm. Thực hiện đồng bộ giữa đánh giá, phê bình, kiểm điểm với khen thưởng hằng năm đối với tập thể và cán bộ, đảng viên.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và các chuyên đề hằng năm; thực hiện tốt Công văn số 83-CV/TU, ngày 3-3-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet và các trang mạng xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị.
Bốn là, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội bằng việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Bí thư khóa XII, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 3-1-2018, của Ban Bí thư, “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và làm trái quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên./.
“Khoán sản phẩm” cho người đứng đầu: Bước đột phá mới trong học và làm theo gương Bác  (18/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay