Người dân Mexico kỳ vọng vào sự thay đổi để đưa đất nước tiến lên
Chiến thắng vang dội của Liên minh cánh tả
Ngày 01-7 vừa qua, hơn 54 triệu trong tổng số hơn 89 triệu cử tri Mexico đã tham gia vào cuộc tổng tuyển cử tại nước này với việc bầu ra tổng thống mới (nhiệm kỳ 6 năm và không tái cử) cùng 128 thượng nghị sỹ, 500 hạ nghị sỹ, 9 Thống đốc bang, Thị trưởng thủ đô Mexico City và gần 3.000 chủ tịch quận, huyện tại 30/32 bang. Đây là cuộc tổng tuyển cử lớn nhất trong lịch sử Mexico từ trước tới nay.
Tham gia tranh cử gồm 03 liên minh:
- Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” gồm Phong trào Tái thiết quốc gia (MORENA); Đảng Lao động Mexico (PT) và Đảng Gặp gỡ xã hội (PES) với ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador (AMLO, tên ngắn gọn trong chiến dịch tranh cử, lấy 4 chữ cái đầu theo tên đầy đủ).
- Liên minh cánh hữu “Tất cả vì Mexico” của Đảng Cách mạng thể chế (PRI) cầm quyền với Đảng Sinh thái Mexico (PVEM) và Đảng Liên minh mới (PANAI) với ứng cử viên Jose Antonio Meade Kuribrena.
- Liên minh cánh hữu “Vì Mexico tiến lên” gồm đảng Hành động quốc gia (PAN), đảng Phong trào Công dân (MC) - đảng Cách mạng Dân chủ (PRD) với ứng cử viên Ricardo Anaya.
Ngày 02-7-2018, Cơ quan Bầu cử quốc gia Mexico công bố kết quả kiểm phiếu cho biết ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador đã giành được hơn 53% số phiếu ủng hộ, trong khi các đối thủ chính của ông là Ricardo Anaya, thuộc liên minh “Vì Mexico tiến lên” giành được 22,1%, và ông Jose Antonio Meade Kuribrena, đại diện cho liên minh “Tất cả vì Mexico” nhận được 15% phiếu bầu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân chủ hiện đại của Mexico, một ứng cử viên giành được trên 50% số phiếu bầu ngay trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống.
MORENA là một đảng chính trị non trẻ, mới thành lập ngày 09-7-2014 với tính chất là đảng chính trị cánh tả, theo xu thế cải cách. MORENA nhanh chóng chiếm được sự ủng hộ của cử tri Mexico. Một năm sau khi chính thức hoạt động, MORENA đã đạt hơn 8% tổng số phiếu bầu trong cuộc bầu cử liên bang, và trở thành đảng chính trị thứ ba ở Mexico. Đến ngày 01-7-2018, trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2018-2022, Liên minh Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử của MORENA và hai đảng khác đã giành chiến thắng với 53% tổng số phiếu bầu. Ứng cử viên López Obrador, Chủ tịch Đảng MORENA sẽ trở thành tổng thống Mexico từ ngày 01-12-2018.
Như vậy, sau 3 lần ra tranh cử vào các năm 2006, 2012 và 2018, ông López Obrador, đại diện cho liên minh cánh tả “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử” đã đắc cử Tổng thống Mexico nhiệm kỳ 2018 - 2024. Đây là lần đầu tiên ở Mexico, quốc gia tiềm lực kinh tế thứ hai ở Mỹ - Latinh (sau Bra-xin), có đông người nói tiếng Tây Ban Nha nhất thế giới, có một tổng thống theo đường lối cánh tả.
Các ứng cử viên trong tranh cử M. Kuribrena, J. Rodriguez và R. Anaya đã thừa nhận thất bại và chính thức chúc mừng ông López Obrador. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto sắp mãn nhiệm cũng chúc mừng ông López Obrador, đồng thời cam kết phối hợp trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Nhiều lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới hoan nghênh kết quả bầu cử và chúc mừng sự lựa chọn của nhân dân Mexico.
Trong thông điệp đầu tiên gửi cử tri sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng thống đắc cử Mexico López Obrador cam kết mang đến “sự thay đổi sâu sắc”; khẳng định sẽ thực hiện cam kết với người dân Mexico trong các chiến dịch vận động tranh cử, đồng thời lãnh đạo đất nước một cách liêm chính và công bằng.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Mexico Nguyễn Hoài Dương tiếp Giám đốc báo Regeneracion, cơ quan phát ngôn của Đảng Phong trào Tái thiết quốc gia Mexico (MORENA), tháng 10-2018.
Kết quả bầu cử tại Hạ viện, Thượng viện và tại các bang cũng ghi nhận chiến thắng vang dội của Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” của López Obrador. Trong tổng số hơn 300 ghế của Hạ viện, Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” (MORENA-PT-PES) giành được 218 ghế, chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ viện. Liên minh cánh hữu “Vì Mexico tiến lên” (PAN-PRD-MC) về thứ hai với 67 ghế; Liên minh cánh hữu cầm quyền “Tất cả vì Mexico” (PRI-PVEM-NA) chỉ giữ được vẻn vẹn 15 ghế.
Tại Thượng viện, Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” cũng đạt kết quả rất cao với 54 ghế, chiếm đa số trong Thượng viện. Liên minh cánh hữu “Vì Mexico tiến lên” có được 29 ghế và Liên minh cánh hữu cầm quyền “Tất cả vì Mexico” được 13 ghế. Kết quả bầu cử tại các bang cũng ghi nhận chiến thắng vang dội của Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử”.
Sự lựa chọn cánh tả
Chiến thắng của AMLO - López Obrador, của Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” được giới quan sát đánh giá là bất ngờ. Nó kết thúc giai đoạn hàng trăm năm nắm quyền của các lực lượng chính trị cánh hữu và lần đầu tiên ở Mexico có một tổng thống theo đường lối chính trị cánh tả.
Tuy nhiên, phân tích một cách thấu đáo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Mexico thời gian gần đây thì thấy sự lựa chọn cánh tả của người dân Mexico là xuất phát từ sự mất niềm tin và “hết kiên nhẫn” đối với các chính phủ cánh hữu, bên cạnh đó là cương lĩnh tranh cử và chiến dịch vận động tranh cử thuyết phục của Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử”.
Mexico là nước có nền kinh tế khá phát triển, đứng thứ hai ở Mỹ Latinh chỉ sau Bra-xin và thứ 11 thế giới (thuộc nhóm G20). GDP năm 2014 của Mexico đạt khoảng 1.283 tỷ USD. Sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008-2009, kinh tế Mexico giai đoạn 2010-2012 tăng trưởng trở lại với mức trung bình 3,8-5%, giảm xuống còn 1,3% vào năm 2013, trên 2% năm 2014, trên 2,3% năm 2015, 2,2% năm 2016 và 2,3% trong năm 2017.
Cuộc tổng tuyển cử tại Mexico diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia này đang trong thời kỳ u ám. Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2012-2018, Tổng thống Peña Nieto, thuộc Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) chủ trương đoàn kết quốc gia, tìm kiếm sự ủng hộ của hai đảng chính đối lập là PAN và PRD đối với chương trình nghị sự của chính phủ; cố gắng xử lý mềm dẻo và linh hoạt đối với các đảng tham chính khác. Tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy thông qua một loạt các luật cải cách đối với giáo dục, viễn thông, tài chính, ngân sách, chính trị - bầu cử,… Chính phủ cũng thực hành chính sách tiết kiệm triệt để, không tăng và thêm thuế mới, phát hành trái phiếu giáo dục, khuyến khích doanh nghiệp trẻ, tăng cường hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thành lập những đặc khu kinh tế ở các vùng nghèo nhất của đất nước và các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng.
Về đối ngoại, trong 4 năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Peña Nieto vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong các vấn đề khu vực, tăng cường và củng cố quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi ông D. Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của Mexico đã xoay chiều theo hướng nghiêng về một phía trong các vấn đề của khu vực.
Mặc dù có những nỗ lực, tuy nhiên, nhìn chung trong 6 năm cầm quyền vừa qua, đảng Cách mạng thể chế đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với người dân. Dưới chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Peña Nieto, nền kinh tế Mexico tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến (cho dù tăng trưởng kinh tế của Mexico là khả quan nhất trong số các nền kinh tế lớn của khu vực Mỹ La tinh), tỷ lệ người nghèo có xu hướng tăng (tính đến cuối năm 2017, số người nghèo tại Mexico chiếm tới 53% tổng dân số); tỷ lệ việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao (hơn 51% lực lượng lao động). Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico cho biết, nợ nước ngoài của quốc gia này trong giai đoạn 2012 - 2017 đã tăng từ 10,3% lên 17,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các chuyên gia đánh giá nợ nước ngoài tăng mạnh là kết quả của “một chính sách sai lầm” vì chính phủ đã đặt cược vào các khoản vay từ nước ngoài “để tạo ra tăng trưởng kinh tế, thay vì thúc đẩy nền kinh tế từ nội lực”. Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico dự báo nợ công của nước này sẽ lên tới 47,3% GDP vào cuối năm 2018.
Hình ảnh trung tâm thủ đô Mexico.
Tình hình an ninh trật tự không được cải thiện. Tỷ lệ tội phạm tăng mạnh (chỉ tính riêng trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2018 đã có 133 ứng cử viên, chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội bị sát hại; 543 sự cố liên quan đến các ứng cử viên, bao gồm bắt cóc, tống tiền) và đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả.
Bên cạnh sự không hài lòng của cử tri đối với sự điều hành của chính phủ cánh hữu, trong chiến thắng của Liên minh cánh tả còn có vai trò quan trọng của cá nhân ông López Obrador và cuộc vận động tranh cử của Liên minh.
López Obrador xây dựng được hình ảnh về một chính trị gia giàu kinh nghiệm, trung thực, hiểu rất rõ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Thực tế cho thấy, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mexico, ông López Obrador được đánh giá là có cơ hội đắc cử cao với kinh nghiệm qua hai cuộc tổng tuyển cử năm 2006 và 2012. Thêm vào đó, trong thời gian đảm nhiệm cương vị thị trưởng thủ đô Mexico City giai đoạn 2000 - 2005, ông đã có những thành công nhất định như giảm tỷ lệ tội phạm, thúc đẩy các chương trình xã hội cho người cao tuổi, chỉ số đầu tư xã hội tăng đáng kể,... Đặc biệt, trong các chiến dịch vận động tranh cử, ông L. Obrador đã cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế Mexico vào các cường quốc, thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, xóa đói. giảm nghèo, phát triển bền vững, nâng cao mức sống, duy trì trật tự an ninh, tái thiết quốc gia...
Chiến dịch vận động tranh cử với những đề xuất cải cách hợp lý thu hút được nhiều cử tri trẻ, trí thức và những cử tri trung lập mong muốn một sự thay đổi. Công tác truyền thông trong chiến dịch tranh cử cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Báo Regeneracion là cơ quan phát ngôn của Đảng Phong trào Tái thiết quốc gia Mexico. Trong chiến thắng vang dội của Liên minh “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” có vai trò đặc biệt quan trọng của báo Regeneracion.
Ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của thông tin, truyền thông trong chiến dịch tranh cử, báo Regeneracion đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cương lĩnh tranh cử, quan điểm của Liên minh đối với những vấn đề trọng đại của đất nước, đem thông tin chân thật, sống động đến với cử tri. Trong cao điểm chiến dịch tranh cử, mỗi ngày báo phát hành lên tới 10 triệu bản, cung cấp đến tận mỗi gia đình người dân Mexico.
Ngoài ra, chiến thắng của Liên minh cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua còn có nguyên nhân từ mâu thuẫn giữa hai đảng cánh hữu lớn nhất Mexico là PRI và PAN. Mâu thuẫn gay gắt khiến hai chính đảng này không liên minh được với nhau, thậm chí công kích nhau kịch liệt trong chiến dịch tranh cử, hạ thấp uy tín của nhau, tạo điều kiện để nhiều cử tri quay sang ủng hộ ứng cử viên López Obrador và Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử”.
Những thách thức đối với tân Tổng thống López Obrador
Việc Liên minh cánh tả “Cùng nhau chúng ta làm nên lịch sử” nắm giữ thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện và đa số tại Thượng viện cũng như nắm chính quyền ở nhiều tiểu bang quan trọng của đất nước sẽ giúp Tổng thống đắc cử López Obrador có thể nhanh chóng và dễ dàng triển khai những cải cách triệt để như cam kết trong giai đoạn vận động tranh cử. Tuy nhiên, ông López Obrador cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó giải quyết trong thời gian tới:
- Cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư, nhất là các tầng lớp lao động nghèo; cải thiện an ninh, an toàn xã hội, trấn áp tội phạm ma túy, tình trạng bạo lực,…
- Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản của đội ngũ quan chức. Tình trạng tham nhũng đang là quốc nạn ở Mexico, liên quan đến nhiều quan chức các cấp, kể cả các quan chức cấp cao và cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn vấp phải sự kháng cự và bất hợp tác của các quan chức chính phủ.
- Cải thiện quan hệ với Mỹ, quốc gia láng giềng, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất. Điều này có thể nhận thấy qua một loạt các vấn đề như đề xuất của Tổng thống D. Trump xây dựng bức tường biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư trái phép và nguồn ma túy từ các quốc gia Trung Mỹ đổ vào Mỹ, đồng thời yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí cho dự án này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng chỉ trích Mexico đã gần như đã “ngồi yên” trong vấn đề người di cư trái phép đi qua nước này để tới biên giới chung với Mỹ. Trong khi đó, Mexico luôn khẳng định sẽ không thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho việc xây bức tường biên giới chung, cũng như chính sách di trú của nước này thuộc phạm vi chủ quyền và không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, việc ông López Obrador nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2018-2024 bắt đầu một giai đoạn mới trong sự phát triển của Mexico. Người dân Mexico kỳ vọng vào một sự thay đổi để đưa Mexico tiến lên./.
Triển khai thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh  (29/11/2018)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (29/11/2018)
Công bố kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng tại các bộ, ngành  (29/11/2018)
Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo  (29/11/2018)
- Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
- “Chạm thẻ JCB, vi vu Nhật Bản miễn phí” cùng VietinBank
- Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp