Một số điểm trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm
TCCSĐT - Phân tích của chính các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, với chính sách của Tổng thống Đ. Trăm, châu Á - Thái Bình Dương có thể trở thành một khu vực mất ổn định do việc cạnh tranh những ưu tiên quốc gia tạo ra các mối quan hệ quốc tế bất ổn hơn, không chỉ giữa các đối thủ mà còn giữa Mỹ và các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Những điểm cơ bản trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Đ. Trăm
Trong khi châu Á - Thái Bình Dương không nằm ở vị trí cao trong tầm nhìn thế giới của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm, chính quyền của ông dường như chấp nhận một chính sách an ninh cứng rắn hơn đối với khu vực này. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, thuật ngữ “nước Mỹ trên hết” và chính sách khó đoán định đối với các đồng minh, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã khuấy động mối quan ngại của khu vực về sự rút lực lượng của Mỹ khỏi hai nước này.
Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Đ. Trăm đã phác thảo một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, điều đó cho thấy châu Á - Thái Bình Dương có thể vẫn phải đối diện với chính sách châu Á thực dụng và cứng rắn hơn của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, chính sách an ninh cứng rắn hơn trong khu vực của Tổng thống Đ. Trăm sẽ gây ra mối quan hệ không ổn định với Trung Quốc, cũng như với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Đó là:
- Đối đầu với Trung Quốc. Tổng thống Đ. Trăm và các cố vấn của ông đã phác thảo một chính sách cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề quan hệ song phương và xem Bắc Kinh như một đối thủ cạnh tranh chiến lược cần phải bị sức mạnh Mỹ ngăn cản.
- Ủng hộ nhưng thực hiện giao dịch với các đồng minh. Chính quyền Mỹ sẽ đề cao sự bảo đảm an ninh ở châu Á đồng thời với việc xem xét kỹ hơn tới lợi ích của Mỹ. Mỹ sẽ tìm cách để các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng nhiều hơn với Mỹ, bao gồm cả các sáng kiến tạo ra việc làm mới ở Mỹ.
- Tái cân bằng quân sự trên hết. Chính quyền Mỹ sẽ thúc đẩy các yếu tố an ninh của “điểm then chốt đối với châu Á” của cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma trong khi gắn ít tầm quan trọng hơn tới sự can dự vào Đông Nam Á hoặc các mục tiêu quốc tế của chiến lược tái cân bằng.
Các ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực có thể kể đến là vấn đề Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và tự do thương mại trên biển. Đối với vấn đề Trung Quốc, các chiến lược của ông Đ. Trăm không nhằm vào lĩnh vực quân sự mà vào kinh tế với cam kết thắt chặt các rào cản kinh tế đối với hàng hóa của Trung Quốc. Ngoài ra các vấn đề về phát triển hạt nhân của Triều Tiên cũng là quan tâm của Đ. Trăm, ông khẳng định sẽ không để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Đ. Trăm cũng cho biết không ủng hộ những việc Trung Quốc làm tại Biển Đông. Với tuyên bố này, Đ. Trăm quan tâm nhiều hơn đến sự kiềm chế Trung Quốc và vấn đề thương mại tự do có lợi cho Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, Mỹ có thể vẫn giữ vai trò quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng sẽ tiếp cận với một khía cạnh khác thay vì hướng đến bốn trụ cột trong chính sách của người tiền nhiệm B. Ô-ba-ma nhằm ổn định an ninh toàn khu vực. Dưới thời Đ. Trăm, các chính sách sẽ mang tính tập trung và bảo đảm lợi ích của Mỹ ở khu vực nhiều hơn, chủ động phát triển kinh tế trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, điều này cũng có lợi về một vài mặt cho an ninh khu vực như kiềm chế sự khuếch trương quân sự của Trung Quốc, hạt nhân Triều Tiên hay giảm tranh chấp ở Biển Đông.
Chấm dứt chiến lược xoay trục
Khái niệm “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương” lần đầu được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma nhằm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi và tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Trọng tâm của “xoay trục” là kinh tế và ngoại giao, đồng thời siết chặt hợp tác quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực, trong đó chú trọng khía cạnh quân sự để đối phó với những động thái ngày một tăng của các quốc gia mới nổi liên quan tới vấn đề an ninh, trong đó có an ninh hàng hải. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được coi là trụ cột kinh tế của chính sách “xoay trục”. Với quyết định này, nhiều người cho rằng, chính sách “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương đã kết thúc trong thời kỳ cầm quyền của ông Đ. Trăm.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Xu-xan Tho-tơn (Susan Thornton), chính quyền dưới thời Tổng thống Đ. Trăm sẽ không còn áp dụng chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 14-3 tại Thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ, bà X. Tho-tơn cho biết, các thuật ngữ, như trục, tái cân bằng... thường được dùng để chỉ chính sách của chính quyền trước đối với châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng hiện nay, Mỹ sẽ có những công thức và cách làm riêng. Chỉ ra những nguyên nhân khiến chiến lược “tái cân bằng” không thể tồn tại, tờ The Washington Times dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Giôn Mắc-kên (John McCain), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã thất bại dưới thời của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Theo ông G. Mắc-kên, trật tự thế giới do Mỹ tạo ra đã không còn nữa. Đặc biệt nguy hiểm là Mỹ ngày càng tỏ ra bất lực trước một số cường quốc mới nổi, mà trong quan hệ đối ngoại, điều nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, dù đó là đối thủ, đối tác hay đồng minh, để rồi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Tuy nhiên, bà X. Tho-tơn khẳng định, ngay cả khi có sự thay đổi, chính quyền mới vẫn sẽ duy trì cam kết của mình đối với khu vực này bởi nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ. Theo nhận định của giới chuyên gia, cho dù chiến lược riêng của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm chưa được tiết lộ, song những gì mà Ngoại trưởng Mỹ R. Ti-lơ-xơn (Rex Tillerson) thể hiện trong chuyến công du một loạt nước Đông Bắc Á đã phần nào hé lộ. Đó là một chính sách cứng rắn hơn với các nước không phải là đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Mỹ cũng trấn an các đồng minh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rằng, chính quyền Đ. Trăm vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với khu vực, sẽ tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, nên Mỹ sẽ tiếp tục với các vấn đề, như thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh, như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc
Theo các nhà phân tích, quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Đ. Trăm có thể tạo ra sự xung đột trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Trung Quốc sẽ hạn chế hợp tác với Mỹ, làm cho những thỏa hiệp trở nên khó khăn nếu không có “trao và nhận”. Điều này sẽ gây trở ngại cho sự hợp tác vì lợi ích chung, chẳng hạn như quản lý an ninh mạng, phối hợp chính sách đối với CHDCND Triều Tiên và mở rộng các cơ chế quản lý khủng hoảng. Tất cả những điều này sẽ mang lại hậu quả tiêu cực đến toàn bộ khu vực.
Chính sách cứng rắn với Trung Quốc có thể tạoao ra những khó khăn. Quan điểm “nước Mỹ trên hết” cùng với quan điểm với các đồng minh và sự tái cân bằng cũng sẽ gây trở ngại cho sự gắn kết với mạng lưới đồng minh. Trong đó, sự phản ứng của Trung Quốc với chính sách cứng rắn của ông Đ. Trăm có thể kéo căng sự bất ổn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nhà phân tích quan ngại rằng ông Đ. Trăm có thể hành động theo những tuyên bố “khiêu khích” và “không đoán được” của ông, đặc biệt về vấn đề Đài Loan. Do đó, Trung Quốc có thể tìm cách đánh dấu “ranh giới đỏ” bằng cách: phản ứng lại việc nối lại quan hệ Mỹ - Đài Loan, như hủy các cuộc đối thoại hoặc tiến hành các cuộc tập trận; tăng cường hải quân, không quân và hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Không thống nhất và mong manh trong mạng công tác đồng minh của Mỹ
Tổng thống Đ. Trăm có thể bị thuyết phục về giá trị to lớn của các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á mạnh mẽ, nhưng ông không thể đánh giá xu hướng trung tâm của một liên minh và mạng công tác đối tác lớn hơn ở châu Á. Mạng công tác là một mạng các liên minh chính thức, đối tác an ninh và khuôn khổ quan hệ nhỏ, nối các đồng minh và các đối tác với nhau và với Oa-sinh-tơn. Mục đích của nó là ngăn chặn một đối thủ tiềm năng thách thức trật tự khu vực như chống lại sự cân bằng quyền lực của khu vực và phá hủy các quy tắc và quy chuẩn của khu vực. Giống như bất kỳ sự ngăn chặn nào, mạng làm việc phải được tín nhiệm, có nghĩa là các thành viên của nó cần khỏe mạnh, gắn kết và sẵn sàng hành động. Để điều này khả thi, khái niệm lợi ích và mối đe dọa phải sắp thành hàng và được hiểu khác nhau.
Có một sự rủi ro là, chính sách cứng rắn với Trung Quốc, quan điểm “nước Mỹ trên hết” đối với đồng minh và sự tái cân bằng sẽ ngăn cản sự gắn kết của mạng làm việc liên minh. Khi cách tiếp cận sức mạnh ở bên ngoài bước đi của các đồng minh và đối tác, nó có thể gây ra hoặc làm căng thẳng cuộc xung đột lợi ích giữa Oa-sinh-tơn và các nước trong mạng làm việc. Việc làm sâu hơn mối quan hệ Mỹ - Đài Loan hoặc đưa ra hàng rào thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc sẽ ngăn trở sự ủng hộ đối với Mỹ, đặc biệt ở những nơi mà Trung Quốc áp đảo về kinh tế.
Ở Đông Nam Á, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang lo về hậu quả của chính sách tái cân bằng quân sự của Mỹ và băn khoăn rằng sự can dự Mỹ - ASEAN, đổi mới quản trị, các vấn đề phát triển và việc xây dựng các thể chế sẽ bị phớt lờ. Nếu không được quản lý, những vết nứt này sẽ tạo ra những khó khăn trong phối hợp giữa Oa-sinh-tơn và mạng làm việc, để lại các thành viên dễ bị tổn thương trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và các chiến thuật chia rẽ khác.
Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng, các chính sách mới của Mỹ tuy sẽ giảm bớt ảnh hưởng chung của Mỹ ở khu vực, nhưng các động thái giải quyết các vấn đề trọng điểm ở khu vực cũng đồng nghĩa với việc cân bằng quyền lực ở khu vực và ngăn chặn mâu thuẫn kinh tế, quân sự, chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương. Về mặt kinh tế nói riêng, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể phần nào được kiềm chế, tạo điều kiện cho các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á phát triển thương mại với Mỹ nếu tận dụng tốt thời cơ và thay đổi linh hoạt theo tình hình tài chính - kinh tế thế giới.
Hơn nữa, việc sử dụng sức mạnh có mặt trái của nó. Các chuyên gia phân tích dự báo, khi ngoại giao trở thành thứ yếu, quyền lực cứng được sử dụng nhiều, hậu quả có thể sẽ khiến châu Á lao vào cuộc chạy đua vũ trang trong đó có vũ khí hạt nhân. Bởi nếu Mỹ giảm can dự ở châu Á, rút quân khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc... thì nhiều nước châu Á và bản thân Mỹ đều bị thiệt hại, khả năng chạy đua vũ trang hạt nhân tăng lên khi các nước châu Á tìm cách tự lực.
Nếu điều đó là sự thực, tình hình khu vực châu Á có xu hướng ngày càng bất ổn. Một báo cáo của Quỹ châu Á (Mỹ) cảnh báo, nếu Mỹ dùng quyền lực cứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí khuyến khích đồng minh phát triển vũ khí hạt nhân, khả năng cao sẽ xảy ra chạy đua vũ trang hạt nhân, trong đó vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngày càng khó giải quyết.
Tuy nhiên, so với các khu vực khác, châu Á vẫn giành được sự quan tâm khá đặc biệt của chính quyền Đ. Trăm. Điều đó thể hiện ở chỗ: chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có hai thành viên nội các hàng đầu đã đến Đông Bắc Á (Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Mát-tít (James Mattis) thăm Nhật Bản và Hàn Quốc; Bộ trưởng Ngoại giao R. Ti-lơ-xơn thăm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc); Phó Tổng thống Mỹ M. Pen-xơ (Mike Pence) thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a và Ô-xtrây-li-a; Tổng thống Mỹ Đ. Trăm tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phlo-ri-đa (Mỹ). Từ đó cho thấy, Đ. Trăm có thể không quyết định theo đuổi chủ nghĩa biệt lập với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà vẫn can dự mạnh mẽ vào khu vực, mặc dù chính sách mới đối với châu Á - Thái Bình Dương của ông bị chính các đồng minh xem là gây bất ổn cho khu vực./.
---------------------------------------
Nguồn:
US Asia policy under President Trump
America first: US Asia policy under President Trump
Risks for the Asia-Pacific region
Donald Trump’s Asia-Pacific policy still a work in progress…
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực ở Việt Nam hiện nay  (31/05/2017)
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực ở Việt Nam hiện nay  (31/05/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên