Phát triển nghề dệt thổ cẩm, giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
TCCS - Để nâng cao thu nhập, giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cùng nhau góp sức, đứng ra thành lập Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc. Kế thừa và phát huy sáng tạo nghề truyền thống ở địa phương, các chị em trong hợp tác xã sản xuất được những sản phẩm chất lượng, hình thức, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Các thành viên hợp tác xã còn sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm ở các thị trường trong và ngoài nước.
Nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn
Sống giữa núi rừng trùng điệp, dệt vải, thêu thùa là công việc thường ngày của các cô thôn nữ dân tộc Pà Thẻn. Từ khi còn rất nhỏ, các bé gái đã được mẹ cho làm quen với việc tước lanh, làm sợi… Khi chưa đến tuổi cập kê, các sơn nữ đã rất thạo việc dệt vải, nhuộm màu, trang trí hoa văn cho chiếc khăn, tấm áo. Từ những sợi lanh, sợi bông thô ráp, với đôi tay khéo léo, sớm chiều cần mẫn bên khung cửi, các sơn nữ dệt thành những tấm thổ cẩm cầu kỳ, nền nã, đẹp tươi. Cũng làm sợi, cũng nhuộm màu, dệt vải…, nhưng với bản sắc văn hóa riêng, mỗi dân tộc lại có một kiểu cách, công thức độc đáo để tạo ra hình dáng, màu sắc, hoa văn cho những tấm thổ cẩm. Đồng bào dân tộc Dao có sở thích mặc trang phục màu đỏ sáng. Dân tộc Tày thích tạo hoa văn hình thoi màu sẫm trên nền trắng. Những thiếu nữ dân tộc Mông thường dệt vải màu hồng nhạt pha sắc xanh, sắc tím để may những bộ trang phục xinh xắn… Còn với dân tộc Pà Thẻn, chẳng biết tự bao giờ, dệt thổ cẩm, may yếm, thêu khăn,… đã trở thành công việc quen thuộc, niềm đam mê của các cô sơn nữ. Thổ cẩm là trang phục, sắc màu không thể thiếu của thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn trong những ngày tết, lễ hội, lễ cưới và ở các phiên chợ đông vui.
Trải qua thời gian, năm tháng cuộc sống biến đổi, nhiều nghề thủ công truyền thống gắn bó, thân thiết lâu đời với đời sống người dân ở các thôn bản vùng cao đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Nhận thức về giá trị, ý nghĩa sâu sắc của nghề dệt thổ cẩm đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, các chị em dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình cùng nhau vận động, đứng ra thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc. Khi mới thành lập năm 2017, hợp tác xã có 10 chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa. Do hoạt động phong phú, hiệu quả và có ý nghĩa nên số chị em tham gia hợp tác xã ngày càng đông hơn. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã là 13 người. Kế thừa, học hỏi nghề dệt từ các bà, các mẹ và các nghệ nhân trong thôn bản, với những đôi bàn tay khéo léo thạo việc, hay làm từ nhỏ, chị em ở đây luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, làm ra nhiều sản phẩm cầu kỳ, đẹp mắt như túi đựng điện thoại, ví, khăn trải bàn, áo truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã được khách hàng ưa thích như khăn trải bàn thổ cẩm với những hoa văn hình quả trám đan chéo nhau, bộ trang phục truyền thống màu cam đỏ đan xen với đường kẻ màu vàng nơi tay áo...
Không chỉ là vật dụng thường ngày, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của hợp tác xã còn là món quà lưu niệm có ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của người Pà Thẻn dành cho du khách. Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã không chỉ cung ứng tại địa phương mà còn được sản xuất theo đơn hàng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ công việc thường ngày, nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang lại những giá trị, lợi ích thiết thực cho đời sống của nhiều chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn. Ngoài nương rẫy, nghề dệt thổ cẩm mang đến cho mỗi thành viên hợp tác xã khoản thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp chị em nâng cao đời sống, nguồn vốn đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.
Ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp thị sản phẩm
Sử dụng điện thoại thông minh, livestream bán hàng online là những hình ảnh quen thuộc của các chị em ở Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc. Từ những buổi bán hàng như thế, những sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn ngày càng đi xa hơn, vượt qua núi non ngàn dặm đến với khách hàng ở những nơi xa. So với cách bán hàng truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong bán hàng và quảng bá sản phẩm mang đến cho hợp tác xã lợi nhuận cao gấp 2 lần. Chị Tải Thị Mai, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc - cho biết: “Để quảng bá sản phẩm của mình, chúng tôi đã đăng tải lên zalo, facebook và website. Vì thế, các sản phẩm thổ cẩm của chúng tôi xuất hiện ở khắp nơi, không chỉ ở trong nước mà rất nhiều khách hàng ở nước ngoài biết đến”. Các thành viên hợp tác xã luôn chia sẻ, hướng dẫn nhau nâng cao khả năng sử dụng những ứng dụng của điện thoại thông minh để giới thiệu, tiếp thị các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Hợp tác xã đã tạo trang web “Hợp tác xã thổ cẩm Pà thẻn Tân Bắc” để giới thiệu đầy đủ, chân thực về các loại sản phẩm của mình và nghề dệt thổ cẩm. Tất cả chị em trong hợp tác xã luôn tích cực tương tác thông qua trang “Nhóm tiên phong vì tiếng nói của dân tộc thiểu số”.
Chị Phù Thị Quyên, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc - chia sẻ: “Từ khi bán hàng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian do đó sản xuất thêm được nhiều áo, khăn, túi thổ cẩm nên doanh thu cũng tăng đáng kể”.
Những câu chuyện đời, chuyện nghề và những điều mơ ước được các truyền nhân của nghề dệt gửi gắm trong từng màu sắc, hoa văn trên các tấm thổ cẩm. Với nét riêng độc đáo, mỗi một sản phẩm ở đây không chỉ có giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ mà còn là nét đẹp, biểu tượng văn hóa của dân tộc Pà Thẻn. Kế thừa, phát triển nghề dệt cổ truyền, các chị em của hợp tác xã đang là những người đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.
Để tạo niềm tin và cung cấp thông tin sản phẩm kịp thời cho khách hàng ở những nơi xa, chị Mai thường xuyên ghi hình và livestream các công đoạn sản xuất các mặt hàng thổ cẩm. Tất cả các mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã đều có mã vạch, tem truy xuất, bảo đảm chất lượng thương hiệu OCOP của sản phẩm. Khăn trải bàn dệt hoa văn thổ cẩm Pà Thẻn của Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc là sản phẩm thổ cẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận OCOP năm 2017.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống dân tộc, nâng cao thu nhập và quảng bá du lịch, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Giang luôn quan tâm đến việc hỗ trợ người dân phát triển nghề thủ công truyền thống. Ông Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Bắc, huyện Quang Bình - cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cơ sở dệt thổ cẩm Pà Thẻn phát triển sản xuất mặt hàng truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Với xuất phát điểm là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang luôn cố gắng thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình cũng đổi thay khá nhiều, theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần học hỏi, chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, các chị em của Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc đã “chắp cánh” cho các sản phẩm thổ cẩm truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình “bay” đi khắp mọi miền đất nước, vượt qua những đại dương mênh mông “bay” đến nhiều quốc gia xa xôi trên thế giới./.
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay