TCCS - Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội không thể bỏ qua vai trò của các ngành điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang, thiết kế…, trong đó, điện ảnh và nhiếp ảnh là những ngành có nhiều lợi thế. Thủ đô Hà Nội sẽ được giới thiệu, quảng bá đến du khách trong nước cũng như quốc tế qua những triển lãm tranh, ảnh sống động, về cuộc sống người dân, sự thay đổi và phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, các làng nghề, tư liệu lịch sử… về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Một số ngành, nghề, lĩnh vực tiềm năng
Điện ảnh là một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa, là loại hình “hàng hóa” đặc biệt, là sản phẩm của sáng tạo và công nghệ sản xuất, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng, đồng thời cũng có khả năng thu lợi nhuận cao để góp phần phát triển kinh tế.
Hiện nay, ngành điện ảnh đã chuyển đổi từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số, đem lại những tác phẩm điện ảnh có chất lượng hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo cao trên nền tảng truyền thống để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo sức bật cho ngành nghệ thuật này. Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) mới đây đã đầu tư hệ thống chiếu phim kỹ thuật số laser 4K, có độ phân giải cao, sống động, hình ảnh rực rỡ, âm thanh vượt trội, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu xem phim chất lượng ngày càng cao của khán giả Thủ đô, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, không chỉ đối với các nhiếp ảnh gia trong nước mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhiếp ảnh gia trên thế giới. Một trong các sự kiện thu hút sự chú ý là, từ ngày 21-4-2023 đến ngày 3-6-2023, hơn 100 nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật trên khắp thế giới đã quy tụ tại Triển lãm nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi’23 – Biennale (diễn ra tại các không gian văn hóa, sáng tạo của Hà Nội, như: phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Không gian Nghệ thuật Manzi, Hanoi Studio, Tổ hợp Complex 01, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA… ). Đây là chương trình triển lãm có quy mô lớn trong lĩnh vực nhiếp ảnh, giúp thúc đẩy các sự kiện giao lưu về nghệ thuật của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, là cơ hội để đông đảo khán giả hiểu rõ hơn về ngôn ngữ hình ảnh, kỹ thuật nhiếp ảnh. Triển lãm lần này cũng giúp các doanh nghiệp nhận thức được sự đóng góp tiềm năng, quan trọng của nhiếp ảnh trong ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô nói chung. Triển lãm “Hà Nội - Thành phố trong nhiếp ảnh”, khai mạc vào chiều ngày 21- 4-2023 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (số 22 Hàng Buồm), trưng bày nhiều tác phẩm là những sáng tác xuyên suốt trong nhiều năm, trải qua nhiều thời kỳ phát triển của Hà Nội (Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời bao cấp, Hà Nội thời mở cửa, Hà Nội thời hội nhập quốc tế…). Qua triển lãm, hiện lên hình ảnh một Hà Nội với vẻ đẹp tiềm ẩn, quyến rũ được trải dài từ xưa đến nay qua bao thăng trầm của lịch sử. Có thể thấy, chuỗi sự kiện diễn ra chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng nhưng đã thu hút đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô. Sự kiện cũng cho thấy, Hà Nội là một trong hai thành phố của cả nước dẫn đầu về hoạt động nhiếp ảnh với đông đảo đội ngũ nhiếp ảnh có bề dày kinh nghiệm, luôn năng động cập nhật công nghệ theo xu hướng phát triển tiên tiến.
Cũng trong năm 2023, tại phố sách Hà Nội, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ X đã được tổ chức (từ ngày 29-7 đến 6-8-2023). Tại liên hoan ảnh, có 1.089 tác phẩm của 163 tác giả, thể hiện trong tác phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng khác nhau, nhưng nhìn chung đều tạo được góc nhìn sáng tạo về mọi lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các hoạt động giao lưu hội nhập quốc tế cũng như giá trị truyền thống của Hà Nội. Qua chương trình liên hoan ảnh, du khách thấy được hình ảnh một Hà Nội đang vươn lên hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, Hà Nội trong lao động sản xuất, trong cuộc sống đời thường, trong nghệ thuật biểu diễn… Các cuộc triển lãm ảnh cũng tạo điều kiện cho các nhiếp ảnh gia công bố các tác phẩm của mình, giới thiệu hình ảnh Hà Nội đến du khách cả trong nước và quốc tế.
Với định hướng nuôi dưỡng và phát triển các tài năng thiết kế trẻ của Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022”, với mục tiêu tạo ra môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo, đồng thời tìm kiếm các nhà đầu tư giúp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Cuộc thi đã thúc đẩy các nhà thiết kế, nhất là các nhà thiết kế trẻ, kiến trúc sư, thiết kế đồ họa, thời trang,… tham gia xây dựng và đóng góp cho thủ đô Hà Nội, hướng tới các giải pháp công nghệ trên nền tảng số.
Những năm gần đây, lĩnh vực xuất bản đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tiếp cận được trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được phát hành, đặc biệt là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát hành sách nói, đã tạo ra sức hấp dẫn đối với khách hàng, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp phát hành xuất bản với doanh nghiệp công nghệ, đã và đang tạo diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Có thể thấy, các lĩnh vực điện ảnh, nhiếp ảnh, thiết kế, xuất bản… của Hà Nội đã có những thành tựu nổi bật, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Về điện ảnh
Sự phát triển của công nghệ mới đã đem lại nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ nâng cao trình độ chuyên môn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, như phải liên tục trau dồi kiến thức, cập nhật trang thiết bị trong sản xuất, phát hành phim để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Bộ máy hành chính và quản lý nghệ thuật điện ảnh của Hà Nội hoạt động chưa nhanh nhạy, chưa bắt kịp theo xu thế mới và hội nhập quốc tế. Điện ảnh thủ đô chưa phát huy được hết những tiềm năng sẵn có với những nét văn hóa riêng đang từng ngày chuyển động.
Về nhiếp ảnh và triển lãm
Tuy Hội Nhiếp ảnh Hà Nội quy tụ được hơn 400 hội viên, có 21 câu lạc bộ nhưng kỹ năng về nghề của hội viên chưa đồng đều, các triển lãm được tổ chức nhưng có những triển lãm chưa tạo được ấn tượng sâu sắc, chưa thu hút được nhiều du khách. Một số triển lãm còn nặng về tính báo chí, chưa chú ý nhiều đến ảnh nghệ thuật, trong khi có không ít ảnh nghệ thuật có nội dung, ý tưởng tốt, có chiều sâu; chưa có nhiều tác phẩm về ảnh chân dung, ảnh về các vùng ngoại thành đang đổi mới và phát triển.
Về ngành xuất bản
Ngành xuất bản Hà Nội còn nhiều hạn chế, như tình trạng sao chép và làm giả các ấn phẩm. Khi sách trong nước hoặc nhập khẩu về thường bị in lậu, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Hà Nội nói chung. Mặt khác, năng lực tài chính của các doanh nghiệp xuất bản còn hạn chế, lãi suất cho vay của ngân hàng còn cao. Các văn bản, quy chế đối với ngành xuất bản nhiều khi còn chưa đồng bộ, còn bất cập so với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Truyện tranh là một trong những mảng lĩnh vực đa dạng, phong phú, thu lợi nhuận cao, song còn nhiều hạn chế (kịch bản cho truyện tranh manga, comic tương đối phức tạp, tranh và lời phải có kết cấu chặt chẽ, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian và công sức...).
Giải pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, để điện ảnh Hà Nội phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, cần phát huy nội lực văn hóa ở hai lĩnh vực là sáng tác - sản xuất và phát hành - phổ biến phim. Dựa trên nền tảng lịch sử của Thủ đô, con người Hà Nội để sáng tác những tác phẩm mang đậm bản sắc của người Hà Nội, phát triển hài hòa các dòng phim, cả phim lịch sử, giải trí và nghệ thuật. Hà Nội cần có những tác phẩm hay về đất và người Hà Nội trong quá khứ và hiện tại, cần có những tác phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh như đội ngũ sáng tác, chuyên viên kỹ thuật, các nhà làm phim thành thạo công nghệ để đưa điện ảnh Hà Nội bắt kịp điện ảnh thế giới. Phối hợp chặt chẽ giữa điện ảnh Hà Nội và các ngành khác, như du lịch, truyền hình…, mở rộng hợp tác làm phim với các nước trong khu vực và thế giới.
Về ngành nhiếp ảnh và triển lãm
Cần tiếp tục khai thác những tiềm năng về Thủ đô ngàn năm văn hiến, phản chiếu trong các tác phẩm của mình, từ đó giúp cho công chúng hiểu về truyền thống, lịch sử, giá trị văn hóa của Hà Nội. Đẩy mạnh lĩnh vực sáng tác, thẩm định ảnh, tăng cường mảng lý luận phê bình cho nhiếp ảnh, quan tâm đầu tư cho các câu lạc bộ, nâng cao trình độ chuyên môn của các hội viên.
Bên cạnh các triển lãm truyền thống, nên mở rộng thêm triển lãm online, triển lãm đường phố, triển lãm du lịch. Tiếp tục tổ chức các triển lãm, như Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ X, nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ công bố các tác phẩm của mình đến công chúng, cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ngành xuất bản
Ngành xuất bản Hà Nội cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường xuất bản, xử lý nghiêm khắc tình trạng in, xuất bản lậu làm mất uy tín và hình ảnh của ngành xuất bản Hà Nội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, chuyển đổi số thành công. Xây dựng xuất bản trở thành một ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất và nhập khẩu được nhiều đầu sách có chất lượng, đi đúng định hướng, chính sách, phát hành với số lượng lớn, tác động tích cực vào nhận thức xã hội./.
Học và làm theo Bác góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội  (25/11/2023)
Hà Nội: Đổi mới công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng  (25/11/2023)
Hà Nội tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số  (25/11/2023)
Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính  (16/10/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay