Xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Hiện nay, trước tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa công vụ càng là yêu cầu cấp thiết. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Văn hóa công vụ là văn hóa đặc thù của một tổ chức được xây dựng trên nền tảng các giá trị, chuẩn mực của cơ quan công quyền; được đội ngũ công chức tôn trọng, chia sẻ, thực hành, xác lập niềm tin, đạo đức, nếp sống, truyền thống và bản sắc của nền công vụ; giúp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Về cơ bản, văn hóa công vụ hàm chứa bốn đặc trưng: 1- Tính hệ thống, gồm các yếu tố hữu hình và vô hình đan xen nhau cùng tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi thành viên trong hoạt động công vụ; 2- Tính giá trị, giúp mỗi chủ thể công vụ nhận diện, đánh giá hiện trạng văn hóa công vụ trong hệ thống; 3- Tính nhân sinh, để từng thành viên, đặc biệt là người đứng đầu trong đơn vị, tổ chức, cơ quan công quyền kiến tạo sự khác biệt về văn hóa; 4- Tính lịch sử, với quá trình hình thành, phát triển của các giá trị truyền thống và hiện đại trong thực thi công vụ.
Văn hóa công vụ không chỉ là cơ sở để khẳng định chất và lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, của tổ chức trong hiện tại, mà còn thể hiện phẩm chất đạo đức, năng lực cá nhân của họ xét về mặt hệ giá trị con người Việt Nam, thể hiện hiệu lực, hiệu quả công vụ xét về mặt nền văn hóa công vụ trên con đường phát triển bền vững. Với nghĩa như vậy, việc xây dựng văn hóa công vụ là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang “nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đồng thời khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ”(1). Xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay còn đặt trong quan hệ với xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và là nền tảng quyết định sự thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(2). Trong bối cảnh đó, xây dựng văn hóa công vụ có vai trò sau:
Thứ nhất, xây dựng văn hóa công vụ là điều kiện cơ bản bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng văn hóa công vụ như bộ tiêu chí để định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, hình thành nền văn hóa công vụ Việt Nam: dân chủ, chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo, phát triển; nâng cao vị thế và trình độ quản trị quốc gia.
Thứ hai, tạo động lực gia tăng khát vọng, lý tưởng xã hội và sự cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng văn hóa công vụ hiệu quả, chất lượng là nền tảng thực thi kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm xã hội đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, đối với cả tổ chức, cơ quan; giúp kiến tạo gương tốt cho xã hội tin tưởng, noi theo. Trong quá trình này, mỗi người trong tổ chức vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của xây dựng văn hóa công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ có ý nghĩa quan trọng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; giúp mỗi cá nhân luôn tự nhận thức, tự giáo dục, tự điều chỉnh, tự hoàn thiện các giá trị cá nhân, phẩm chất đạo đức, năng lực phù hợp với hoạt động công vụ, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thực hiện thật đúng, thật tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(3).
Thứ ba, là cơ sở, nền tảng chống lại các hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan công quyền, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần tạo cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ sức mạnh nội lực, trí lực, tâm lực, đủ khả năng đề kháng, chống lại những cám dỗ làm tha hóa bản thân.
Thực trạng xây dựng văn hóa công vụ
Nhận thức vai trò quan trọng của việc xây dựng văn hóa công vụ đối với sự phát triển bền vững đất nước, thời gian qua, nhiều đạo luật, văn bản đã được ban hành nhằm xây dựng, nâng cao văn hóa công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức(4). Các đạo luật, văn bản này đều nhấn mạnh đến việc xây dựng tinh thần, thái độ, đạo đức, lối sống, bổn phận phục vụ nhân dân tận tụy, tâm huyết, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Qua đó, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc; nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Nghị quyết số 76/NQ-CP còn nêu rõ cải cách hành chính nhà nước mười năm tới tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, với trọng tâm là “hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”(5).
Tác động sâu sắc của các đạo luật, văn bản trên đến xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được khẳng định. Nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước các cấp đã “hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực...; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”(6). Việc xây dựng văn hóa công vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thể hiện thông qua việc cải cách hành chính phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đến ngày 31-12-2019, đã giảm được 539.926 người(7) trong hệ thống đội ngũ công vụ. “Cổng dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành, đến năm 2020, đã có 2,6 nghìn dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6,7 nghìn thủ tục hành chính,... với hơn 99 triệu lượt truy cập”(8). Tính riêng năm 2020, đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh... Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý... Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm(9).
Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa công vụ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đa phần các cán bộ, công chức, viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật; có thái độ tôn trọng, lắng nghe, tận tụy trong xử lý công việc, tiếp xúc với dân; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Từng chủ thể đã nâng cao được tính chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao tính tự giác, tinh thần hợp tác, tính liêm chính, tự chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ công.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu trên thì việc xây dựng văn hóa công vụ ở một số nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao thoái hóa, biến chất, quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, thậm chí có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tinh thần, thái độ giao tiếp phục vụ nhân dân có lúc, có nơi còn chưa tốt. Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”(10).
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”(11), thời gian tới, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa công vụ, tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ tiêu chí văn hóa công vụ trong từng cơ quan, tổ chức nhà nước. Các tiêu chí đó cần dựa trên đặc điểm nghề nghiệp và nguyên tắc hoạt động công vụ, bảo đảm: 1- Mục đích là phục vụ nhân dân và xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ mang tính phi lợi nhuận; tuân thủ, thực hiện đúng theo hiến pháp, pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, đơn vị, ngành, nghề, công dân và từng thành viên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; 2- Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền; hệ thống thứ bậc, đồng bộ, hiệu quả định tính và định lượng được; 3- Dân chủ, nhân văn, liêm chính, công bằng, trách nhiệm, chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật. Xác định giá trị và chuẩn mực cốt lõi của nền văn hóa công vụ: giá trị và chuẩn mực chung; giá trị và chuẩn mực xã hội; giá trị và chuẩn mực chính trị; giá trị và chuẩn mực ngành, nghề; giá trị và chuẩn mực đạo đức, nhân văn; giá trị và chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, hệ thống các tiêu chí của văn hóa công vụ. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện văn hóa công vụ gắn với cải cách hành chính. Phát huy các điểm mạnh, tích cực trong thể chế gắn với đòi hỏi của thực tiễn; loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, lỗi thời. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học về chế độ công vụ, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. Tổng kết việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cùng các đạo luật trước đó, rút ra bài học kinh nghiệm. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, bộ, ngành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp về nội dung, vai trò không thể thiếu của văn hóa công vụ trong sự nghiệp đổi mới, hướng tới xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ ba, xây dựng văn hóa công vụ gắn với nền hành chính phục vụ. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy nền hành chính phục vụ. Phát huy vai trò năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng văn hóa công vụ hướng đến sự hài lòng của người dân, của tổ chức. Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi văn hóa công vụ; xác định rõ vai trò cán bộ, công chức, viên chức là “đầy tớ trung thành”, là “công bộc của dân”. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đề cao vai trò quan trọng của nhân dân trong đánh giá việc thực hiện văn hóa công vụ, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ công vụ và các cơ quan nhà nước các cấp. Mở rộng dân chủ, huy động nhân dân tham gia vào quản trị đất nước, hoạch định chính sách, ra các quyết định, thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(12). Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong các cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng, phát triển và từng bước hoàn thiện văn hóa công vụ.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính; thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện thể chế trong chính phủ điện tử, chính phủ số. Nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch khi thực hiện công vụ thông qua hiện đại hóa nền hành chính nhà nước bằng cách xây dựng hệ thống liên kết, liên thông các nguồn tài nguyên số, dữ liệu số trong cả khu vực công và khu vực tư. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho xây dựng văn hóa công vụ và các nhiệm vụ công trong quá trình cải cách hành chính. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học##- công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động công vụ của hệ thống cơ quan nhà nước nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cần gấp rút đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quản trị, điều hành chính phủ số, hệ thống công nghệ số, gia tăng tài sản, tài chính công đáp ứng thực tiễn hội nhập và kết nối toàn cầu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thế bứt phá, “đi tắt, đón đầu” để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đội ngũ thực thi công vụ thông qua việc hoàn thiện vị trí việc làm trên toàn hệ thống bộ máy nhà nước, từ khâu tuyển dụng đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển một cách minh bạch, rõ ràng; có tiêu chí định lượng và định tính; triệt để phòng và chống tham nhũng... Triển khai đồng bộ thi tuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ lãnh đạo, quản lý bằng hệ thống phần mềm công nghệ tin học. Các yêu cầu và nội dung về trình độ, năng lực thi tuyển cần công khai, phổ cập rộng khắp; công tác đánh giá, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thực thi công vụ cũng cần được cải cách đồng bộ, khoa học, minh bạch, có kiểm tra, giám sát thực chất, thường xuyên, đa chiều. Đổi mới phương thức quản lý nguồn nhân lực hành chính nhà nước để chuyển từ chế độ chức nghiệp sang chế độ xác định vị trí việc làm, chú trọng năng lực thực hiện công vụ, chú trọng thu hút, trọng dụng người thực tài tham gia khu vực công, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc, hưởng lương theo năng lực và vị trí việc làm bằng các tiêu chí và công cụ đo lường chất lượng cụ thể, minh bạch. Xây dựng chế độ lương và cơ chế khen thưởng dựa trên năng lực và việc thực hiện văn hóa công vụ. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. Biểu dương và khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng, thực hiện văn hóa công vụ. Thúc đẩy tính tự giác và tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống cơ quan công quyền. Ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tích cực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đối với Đảng và Nhà nước./.
------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.##I, tr. 42, 115 – 116
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 21
(4) Như Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Luật Phòng, chống tham nhũng; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 2-8-2007, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”; Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ”; Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT, ngày 31-12-2019, của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0”; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030””; Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15-7-2021, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”...
(5) Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15-7-2021, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”
(6) Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ”
(7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 52, 53
(9) Xem: Gia Huy: “Tiết kiệm 8.500 tỷ đồng/năm từ các hệ thống nền tảng Chính phủ điện tử”, http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Tiet-kiem-8500-ty-dongnam-tu-cac-he-thong-nen-tang-Chinh-phu-dien-tu/202012/29293.vgp, truy cập ngày 10-8-2021
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 89
(11) Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15-7-2021, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 192
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước  (02/03/2021)
Hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch ở Hà Nội  (27/09/2020)
Vai trò của văn hóa công sở với sự phát triển nền hành chính công vụ ở nước ta hiện nay  (07/07/2020)
Đạo đức công vụ - Yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ, công chức thời kỳ phát triển mới  (19/05/2020)
Xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay  (10/03/2020)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay