Thanh niên Việt Nam với phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa
TCCS - Trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hóa trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa trở thành yêu cầu cấp thiết, trong đó, thanh niên có vai trò đặc biệt, có ảnh hưởng to lớn đến định hướng phát triển và lan tỏa văn hóa ở Việt Nam.
Thanh niên - lực lượng nòng cốt trong phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa
Khái niệm “quyền lực mềm”/“sức mạnh mềm” ngày càng được chú trọng và thường xuyên được nhắc đến trong những năm gần đây, đặc biệt là khi đề cập đến lĩnh vực quan hệ quốc tế. Một trong những cách hiệu quả nhất để sử dụng “quyền lực mềm” là thông qua văn hóa, còn lực lượng chuyển tải, phát huy “sức mạnh mềm” phù hợp hơn cả chính là thanh niên - những người trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết; đồng thời, có vai trò quan trọng trong việc định hình, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của quốc gia.
Thực tiễn cho thấy, văn hóa là một thành phần quan trọng của “quyền lực mềm”, cho phép các quốc gia thể hiện bản sắc, giá trị, truyền thống độc đáo của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và trên trường quốc tế. Đặc biệt, thanh niên đóng một vai trò quan trọng trong phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, vì họ có sức sáng tạo dồi dào, có quan điểm mới mẻ về các vấn đề văn hóa, cởi mở hơn với những ý tưởng mới. Thanh niên hết sức năng động, có thể dễ dàng phát triển các sản phẩm văn hóa và quảng bá chúng ra thế giới với nhiều hình thức phong phú khác nhau.
Việt Nam là quốc gia có di sản văn hóa giàu có, đa dạng, được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuổi trẻ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, là nhân tố đi đầu tạo nên “sức mạnh mềm” cho đất nước thông qua văn hóa. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) chính thức đề cập đến khái niệm “sức mạnh mềm” văn hóa, khi khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”(1). Quan điểm này cho thấy, Đảng, Nhà nước Việt Nam ngày một coi trọng vai trò, sức mạnh của văn hóa trong xây dựng đất nước và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực cho đột phá phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Cần nhấn mạnh thêm rằng, để thực sự phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là thanh niên - những người vừa góp phần sáng tạo nên văn hóa, vừa là chủ thể, là sản phẩm của văn hóa dân tộc. Thanh niên là lực lượng năng động, tích cực, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm. Năng lượng của tuổi trẻ và sức sáng tạo của thanh niên không chỉ có khả năng phát triển một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, mà còn uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế.
Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong lan tỏa “sức mạnh mềm” văn hóa, trước tiên, cần quan tâm, tạo điều kiện cho lực lượng này phát triển, để thực sự là “rường cột của nước nhà”, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người, chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Đặc biệt, Đảng đặt ra yêu cầu “tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Như vậy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng vai trò đi đầu của thanh niên Việt Nam với tư cách là chủ thể tương lai quốc gia, có vai trò xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó có phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa. Để thực hiện vai trò đó, thanh niên Việt Nam cần phát huy các thuận lợi căn bản sau:
Luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo. Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ đề ra mục tiêu: Hằng năm, 100% số học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% số sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Tỷ lệ biết đọc, biết viết của thanh niên Việt Nam là khá cao, sự chênh lệch giữa tỷ lệ biết chữ của nam và nữ là không đáng kể. Có thể thấy, thanh niên Việt Nam đa phần có trình độ, có năng lực, có khả năng đóng góp to lớn vào phát triển văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ thanh, thiếu niên cao nhất trong lịch sử và dự kiến thời kỳ này sẽ kéo dài đến sau những năm 2030. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tối đa tiềm lực của đất nước bằng đẩy mạnh vai trò của lực lượng thanh niên. Thanh niên Việt Nam có số lượng đông đảo, có trí tuệ, có sức khỏe, có sự nhiệt tình, ham học hỏi, thuận lợi cho việc phát huy cao độ các giá trị văn hóa Việt Nam, phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước qua con đường văn hóa. Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng - những yếu tố tạo điều kiện cho thanh niên dễ dàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thanh niên không chỉ biết đến nhiều thông tin mới, sử dụng thành thạo các công cụ hiện đại, mà còn có khả năng chủ động trong mọi hoạt động. Thanh niên có thể xây dựng một cộng đồng hết sức đông đảo, sôi nổi và có sức ảnh hưởng to lớn cả ở thế giới thực và trên không gian mạng, tạo nên các trào lưu, dễ dàng khuấy động dư luận; từ đó tạo nên những thực thể văn hóa mạnh mẽ và đầy sáng tạo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và có sự đồng hành, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thanh niên có nhiều hoạt động phong trào vô cùng sôi nổi, có ý nghĩa tích cực, như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”… Phần lớn thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão, yêu nước, yêu thương con người và tích cực cống hiến cho đất nước. Những hoạt động, phong trào của thanh niên đã góp phần không nhỏ làm giàu thêm truyền thống văn hóa dân tộc.
Bên cạnh phát huy những thuận lợi, ưu điểm, thanh niên Việt Nam hiện nay cần phải đối diện với những thách thức, chủ động khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại để phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa.
Trước tiên, một bộ phận thanh niên còn thiếu tri thức nền, tri thức chuẩn về văn hóa Việt Nam (thiếu hiểu biết về truyền thống dân tộc, chưa nắm bắt được các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống và ngoại lai, đôi khi đánh giá quá cao các giá trị văn hóa bên ngoài…). Do chưa hiểu đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của văn hóa, một bộ phận thanh niên chưa đánh giá đúng “sức mạnh mềm” văn hóa và tác động của văn hóa đến mọi hoạt động của đời sống. Khả năng cảm nhận các giá trị văn hóa chưa sâu sắc, dễ chạy theo các yếu tố thời thượng mà chưa nhận thức được các giá trị chân, thiện, mĩ thực sự.
Bên cạnh đó, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau, một bộ phận thanh niên quan tâm nhiều hơn đến các chuyên ngành khoa học - kỹ tuật, tin học, ngoại ngữ…, thiếu quan tâm đến văn hóa. Nhiều thanh niên thiếu chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp thu các giá trị văn hóa dân tộc. Một số thanh niên chưa chú ý trang bị cũng như chưa có cách thức vận dụng phù hợp các giá trị văn hóa vào học tập, lao động, phát triển và tạo dựng sự nghiệp; một bộ phận thanh niên dao động về lý tưởng, còn lệch lạc trong nhận thức về văn hóa. Trong xu thế mở cửa, hội nhập với văn hóa thế giới, việc học tập, tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa thế giới là cần thiết, nhưng do nhận thức chưa đầy đủ, “màng lọc” văn hóa chưa hoàn thiện, nên nhiều thanh niên đã tiếp nhận cả những biểu hiện văn hóa chưa phù hợp, thậm chí trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nhược điểm của thanh niên Việt Nam trong phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng, bồi đắp nhận thức, bản lĩnh văn hóa cho thanh niên, để họ có thể tiếp nhận được các giá trị văn hóa phù hợp, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một số giải pháp nâng cao vai trò của thanh niên Việt Nam trong phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa
Để thanh niên nhận thức đúng vai trò của văn hóa và nâng cao năng lực phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong việc nâng cao vai trò của thanh niên trong phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Để “sức mạnh mềm” văn hóa được phát huy một cách thực chất, cần có chỉ thị, nghị quyết của Đảng tập trung làm rõ nội hàm của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, đề ra các yêu cầu cụ thể nhằm phát huy sức mạnh đó trong bối cảnh và điều kiện cụ thể của đất nước, trong đó có vai trò của đội ngũ thanh niên.
Cần xây dựng các chiến lược, các đề án phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với các mục tiêu, tiêu chí, các quy chuẩn cụ thể, rõ ràng, thiết thực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của từng khu vực, từng thời điểm, bối cảnh. Đề án, chiến lược đó cần chỉ rõ vai trò của các tổ chức, đoàn thể và của đội ngũ thanh niên, sinh viên, trí thức với việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa. Đặc biệt, cần tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông xã hội… trong tuyên truyền, giáo dục, giúp thanh niên mở rộng tầm nhìn, tạo phong trào văn hóa mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng văn hóa trong cuộc sống thực và trên không gian mạng.
Hai là, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần góp phần xây dựng bản lĩnh văn hóa, nâng cao khả năng cảm nhận và phát huy các giá trị văn hóa cho thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam.
Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục tạo nên những học sinh, sinh viên có đạo đức, có lý tưởng, chủ động học tập, tiếp thu, sử dụng và phát triển tri thức. Một nền giáo dục như vậy sẽ tạo nên những thanh niên, những người lao động hiểu rõ mong muốn của bản thân, có ý thức cống hiến cho đất nước, làm chủ suy nghĩ, làm chủ hành động, có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Tiếp cận từ góc độ văn hóa, cần có lộ trình giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học, với nội dung học tập đa dạng, phong phú, giúp người học hiểu biết hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, có bản lĩnh, lập trường vững vàng khi tiếp thu các giá trị văn hóa từ bên ngoài, có năng lực tiếp biến và xây dựng các giá trị văn hóa mới, tiến bộ.
Các trường đại học, cao đẳng, học viện, các trung tâm đào tạo cần chủ động trong xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, phát động các hoạt động ngoại khóa, các phong trào văn hóa thiết thực, gần gũi, xây dựng môi trường giáo dục thực sự là môi trường văn hóa.
Ba là, thanh niên Việt Nam cần tích cực tiếp thu tri thức về văn hóa, nhận thức rõ và chủ động đề cao năng lực phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa.
Thanh niên Việt Nam có thể thúc đẩy “sức mạnh mềm” văn hóa thông qua việc thể hiện ý kiến; tham gia vào các phong trào đoàn thể quần chúng, các hoạt động tình nguyện; tiến hành khảo sát thị trường, tích cực sáng tạo, khởi nghiệp trên lĩnh vực văn hóa. Cũng có thể chỉ đơn giản đưa ra nhận xét về một sự kiện văn hóa, một sản phẩm văn hóa hoặc một hoạt động biểu diễn cụ thể…, tạo nên các luồng góp ý, bình luận; từ đó, góp phần đưa các yếu tố văn hóa (như các giá trị truyền thống, lối sống, giá trị đạo đức, chuẩn mực nghệ thuật…) đến với đông đảo cộng đồng một cách đúng hướng, trực tiếp. Sự tham gia chủ động và có trách nhiệm của đội ngũ thanh niên vào cộng đồng mạng cũng giúp tác động, điều chỉnh dư luận xã hội hướng về những giá trị, chuẩn mực văn hóa tích cực.
Khi nắm bắt được các tác động của văn hóa đến các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thị trường…., thanh niên, sinh viên cũng sẽ chú ý nâng cao giá trị của bản thân, của sản phẩm từ góc độ văn hóa, chú trọng xây dựng các “thương hiệu” văn hóa và khởi nghiệp bằng văn hóa. Các giá trị hữu hình và vô hình của văn hóa sẽ được lớp trẻ phát huy, tận dụng tối đa trong mọi hoạt động xã hội.
Bốn là, thanh niên Việt Nam cần tham gia sâu rộng vào các hoạt động ngoại giao văn hóa.
Ngoại giao văn hóa được các quốc gia khai thác để tăng cường sự đa dạng văn hóa của thế giới, đồng thời, mở đường cho hợp tác và đối thoại. Trong một thế giới toàn cầu hóa, khi các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, ngoại giao văn hóa rất quan trọng để thúc đẩy hòa bình và ổn định. Hình thức đối thoại liên văn hóa độc đáo này có khả năng thúc đẩy, đổi mới hợp tác đa phương, vượt ra ngoài các lợi ích cạnh tranh để giải quyết một số vấn đề cấp bách của thời đại. Với những ý nghĩa đó, ngoại giao văn hóa như một công cụ đắc lực phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, thúc đẩy thanh niên trở thành động lực của hoạt động đó.
Trên thực tế, thanh niên Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa thông qua ngoại giao văn hóa trên nhiều bình diện khác nhau. Họ đem sự sáng tạo và niềm đam mê của mình để giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam với thế giới bằng nhiều phương tiện khác nhau. Văn hóa Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến với thế giới trong những năm gần đây có nỗ lực lớn của giới trẻ trong nước. Từ các lễ hội âm nhạc, các hoạt động nghệ thuật đường phố, đến các buổi trình diễn thời trang, sự kiện ẩm thực… do thanh niên thực hiện đã và đang giành được thiện cảm, sự yêu mến của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, thanh niên Việt Nam đã và đang nắm bắt công nghệ, phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá văn hóa bằng những hoạt động cũng như các phương thức đặc sắc. Một ví dụ điển hình là phong trào nghệ thuật đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh đang hết sức sôi động, phong phú và cuốn hút các nghệ sĩ trẻ sử dụng các bức tường, các tòa nhà của thành phố sáng tạo ra những bức tranh sinh động, các tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, đầy màu sắc, thu hút được lượng người theo dõi đáng kể ở cả trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, để ngoại giao văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn nữa, cần sự tham gia của thanh niên chủ động, tích cực và có chất lượng cao hơn, mở rộng về diện. Có như vậy, vai trò phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa của thanh niên mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra./.
-------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.168
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt thanh niên tiên tiến Khối các cơ quan Trung ương làm theo lời Bác  (25/05/2023)
Bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/11/2022)
Bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/11/2022)
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên