Huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống
TCCS - Với vị trí quan trọng ở cửa ngõ phía Đông Bắc, thời gian qua, huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển kinh tế, hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống.
Nhìn lại chặng đường xây dựng nông thôn mới
Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí (năm 2010), trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt, như quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường..., đến năm 2021, tất cả 20/20 xã của huyện Gia Lâm đều đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, nhiều nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao, như 100% số đường trục chính, liên thôn được cứng hóa, bê tông, thảm nhựa; 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% số dân sử dụng nước sạch. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, 70/74 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 94,6%), toàn huyện không còn hộ nghèo... Các cơ sở dịch vụ thương mại, các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp). Năm 2020, huyện Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách đạt hơn 4.500 tỷ đồng, bằng 152% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/người/năm (tăng 29,3 triệu đồng so với năm 2015). Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, với tinh thần đoàn kết, chủ động, 6 tháng đầu năm 2021, huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả ấn tượng: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 5,98%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.364 tỷ đồng (bằng 54,5% dự toán thành phố giao); tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoàn thành thêm 10km đường giao thông đô thị, nâng tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,43km/km2.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020”, thực hiện có hiệu quả kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh năm 2020; tập trung phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Chuyển đổi thành công hơn 1.400ha cấy lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; duy trì 407ha sản xuất rau an toàn, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giá trị bình quân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt tới 306 triệu đồng/ha/năm, có mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi tất yếu xây dựng nông thôn mới ở huyện Gia Lâm phải gắn với phát triển đô thị. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm tập trung mọi nguồn lực đầu tư, quy hoạch, kết cấu hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, cũng là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu tập trung bảo tồn, phát huy theo định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch, tái cấu trúc làng nghề, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở; bảo đảm phát triển bền vững. Các làng nghề truyền thống trên địa bàn, như dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ, thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp, gốm sứ Bát Tràng,... tạo ra các giá trị đặc trưng, tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các làng nghề có xu hướng chuyển sang mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định xã hội, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng. Đặc biệt, làng nghề truyền thống Bát Tràng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển kết hợp với du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP, trở thành điểm du lịch thông minh thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Một số vấn đề tồn tại và giải pháp trong thời gian tới
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế, như một bộ phận cán bộ, đảng viên trách nhiệm chưa cao, người dân chưa nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng thu hẹp, ô nhiễm môi trường gia tăng, một bộ phận nông dân còn tâm lý giữ đất chờ dự án, không thiết tha với đồng ruộng. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và nguồn vốn xã hội hóa thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đề án được phê duyệt còn thấp. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chưa cao do năng lực quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế. Đối với các làng nghề, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch đi đôi với sản xuất và kinh doanh là những thách thức lớn.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ tính chất, mục tiêu, tinh thần nhân văn của Chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; quán triệt quan điểm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Hai là, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời để nhân dân cùng tham gia trao đổi, thống nhất thực hiện. Coi trọng quy hoạch các đường trục chính, khu trung tâm của các xã. Các đề án được xây dựng dựa trên quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả.
Ba là, Gia Lâm là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cần định hướng phát triển kinh tế gắn với văn hóa, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế của người dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng thông qua việc tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề, điểm du lịch; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên và người trông coi di tích để tăng sức hấp dẫn trong việc thuyết minh phục vụ du khách...
Bốn là, tiếp tục huy động mọi nguồn lực; duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt gắn với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, phấn đấu xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2022.
Năm là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện; tạo bộ mặt đô thị văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Sáu là, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện bị ảnh hưởng, việc lưu thông, luân chuyển hàng gặp nhiều khó khăn. Cần phải có giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, như hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ, giao dịch... triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, như giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, mở rộng quy mô vay vốn cho các doanh nghiệp...
***
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Gia Lâm ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng ngày càng được nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, huyện Gia Lâm quyết tâm tạo bước đột phá nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị, sớm trở thành quận theo lộ trình đã đề ra./.
Hà Nội phát huy thế mạnh mô hình giáo dục chất lượng cao  (19/08/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử  (15/08/2021)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm