Đan Phượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển đô thị
TCCS - Năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với định hướng trở thành quận vào năm 2025, huyện Đan Phượng tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đáp ứng các tiêu chí phát triển thành quận.
Dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô
Với nền tảng là địa phương đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Từ năm 2016, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng “sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện huy động hơn 2.618 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, tăng hơn 574 tỷ đồng so với giai đoạn 2010 – 2015. Sau gần 10 năm xây dựng, diện mạo nông thôn huyện Đan Phượng ngày càng văn minh, hiện đại. Huyện có hơn 46,6km đường trục xã, thôn, ngõ xóm được xây dựng, 43,7km đường trục thôn được trải nhựa; có 44/48 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đưa vào khai thác và sử dụng 70 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số nhà văn hóa thôn, cụm dân cư lên 119/120 nhà văn hóa. Đến nay, huyện có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao đều bảo đảm chất lượng, dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội.
Về nông nghiệp, huyện thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiện đại, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi 2.000/4.000ha đất nông nghiệp, phát triển và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Huyện hiện có 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 3 vùng chuyên canh tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình: mô hình bưởi tôm vàng, xã Thượng Mỗ có diện tích 300ha, hiệu quả kinh tế đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/năm; mô hình hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài có diện tích 40.000m2, trong đó 2.200m2 nhà kính sản xuất giống hoa lan, 17.800m2 nhà kính sản xuất hoa thương phẩm, cung ứng cho thị trường hơn 800.000 cây hoa lan các loại mỗi năm, doanh thu mỗi năm ước tính đạt đến 24 – 25 tỷ đồng; mô hình hoa lily, xã Hạ Mỗ với diện tích sản xuất hơn 102ha đất nông nghiệp chuyển đổi, doanh thu gần 2 tỷ đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người làm việc tại cơ sở đạt 40,3 triệu đồng/người. Huyện cũng xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; triển khai, áp dụng công nghệ thông tin điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm.
Về kinh tế, huyện tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy, bảo tồn giá trị làng nghề, gắn liền với phát triển các sản phẩm chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm). Huyện hiện có 7 làng nghề truyền thống, 56 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, 27 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP cấp thành phố. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP, huyện thực hiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các chương trình do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức như: chợ đêm trên mây, ngày hội livestream, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến, hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp sản phẩm OCOP Hà Nội.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế huyện duy trì mức ổn định, ước tính đạt 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,53% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán thành phố giao, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/người. Cũng trong năm 2021, huyện phê duyệt 104 dự án mới với tổng vốn huy động là 603 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo trường học các cấp; nâng cấp trụ sở làm việc ở xã Liên Trung, Đồng Tháp; mở rộng đường từ tỉnh lộ 422 vào thôn Thượng Hội (xã Tân Hội)...
Hoàn thiện các tiêu chí phát triển thành quận
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đề ra nhiệm vụ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí phát triển đô thị.
Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2025, đến nay huyện đã đạt được 21/27 chỉ tiêu, 6 chỉ tiêu chưa hoàn thành. Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận với yêu cầu phát triển của đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mớ gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nân cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Dự kiến hết năm 2021, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong đó xã Đan Phượng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô. Huyện cũng lồng ghép các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí đô thị như đường giao thông, trường học, phát triển kinh tế... nhằm đáp ứng tiêu chí để huyện phát triển thành quận.
Phấn đấu hết năm 2025, huyện Đan Phượng đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, hoàn thiện tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt trên 12%/năm; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 4%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 90%; lao động qua đào tạo đạt 75% trở lên; phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 95 triệu đồng/người/năm, 95% số người dân tham gia bảo hiểm y tế; 99% số thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa; trên 60% tuyến phố văn minh đô thị. Huyện cũng đề nghị thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện phát triển thành quận cùng với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao để huyện chủ động đầu tư các hạng mục trọng điểm.
Để đạt mục tiêu trở thành quận vào năm 2025, phát triển theo hướng bền vững, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, huyện Đan Phượng cần tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tập trung phấn đấu xây dựng huyện thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, tạo tiền đề phát triển thành quận. Đồng thời, huyện cần giữ vững và nâng cao các tiêu chí đô thị đã đạt được, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn thành lập quận, phường; tập trung công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị, xây dựng cơ sở vật chất giáo dục; cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Hơn nữa, cần bảo đảm tiến độ dự án theo kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt, rà soát điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công phù hợp, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khởi công xây dựng công trình, đặc biệt chú trọng các dự án giao thông hạ tầng khung của huyện./.
Thủ đô Hà Nội: Quyết tâm chống dịch phục vụ nhân dân  (26/08/2021)
Huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống  (20/08/2021)
Hà Nội phát huy thế mạnh mô hình giáo dục chất lượng cao  (19/08/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử  (15/08/2021)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm