Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Cần tiếp tục xác định rõ hơn vai trò, vị trí
TCCS - Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được thực hiện thông qua nhiều kênh, nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Song hệ thống các trường chính trị (gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện khu vực, trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện), được coi là hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên trách, chuyên sâu về mảng kiến thức này.
Đơn vị giữ vai trò quan trọng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống trường chính trị cấp tỉnh được tổ chức bài bản, đúng tính chất là các trường đào tạo chuyên sâu về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt: từ cấp huyện trở lên đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện khu vực; từ cấp xã trở lên đối với trường chính trị cấp tỉnh. Chương trình đào tạo được kết cấu thành các môn học, phần học quy chuẩn. Các chế độ, chính sách về hoạt động của nhà trường cũng như người học, người dạy tại các trường này cũng được quy định rõ, thống nhất trong cả nước, bằng các quy định của Nhà nước.
Riêng trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (TTBDCT) chưa có những quy định thống nhất của Nhà nước, mà chủ yếu thông qua các hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, văn bản liên ban giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Vì thế, trong thực tế còn những vấn đề chưa đạt được sự thống nhất chung. Một số cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương về hoạt động của các TTBDCT cấp huyện cho thấy, mỗi địa phương lại có sự quan tâm, vận dụng khác nhau.
Từ năm 1995 trở về trước, chúng ta chủ trương tổ chức hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến cấp huyện. Trường Đảng cấp huyện là cơ quan trực thuộc ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, cán bộ làm việc tại trường Đảng huyện hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ làm việc tại các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy huyện. Đến ngày 03-6-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW “Về việc tổ chức Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, các trường Đảng cấp huyện được đổi tên thành TTBDCT cấp huyện. Ngày 03-9-2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Quyết định số 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT cấp huyện. Theo đó, ngày 27-7-2009, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn liên ban số 29-HD/BTCTW-BTGTW - Hướng dẫn thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; ngày 04-3-2010, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định 1853-QĐ/BTGTW về Quy chế Giảng dạy và học tập của TTBDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các quyết định trên đã làm rõ hơn vị trí, vai trò, vị thế của TTBDCT cấp huyện.
Theo đó, TTBDCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và ủy ban nhân dân cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện; có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên thực tế, TTBDCT cấp huyện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng rất quan trọng thực hiện nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Tất cả những ai muốn trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải trải qua các lớp tìm hiểu về Đảng, lớp lý luận cơ sở dành cho đảng viên mới do TTBDCT cấp huyện tổ chức. Đội ngũ chi ủy viên của các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở,... được trung tâm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cho đảng viên; tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho các đối tượng khác nhau theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.
Như vậy, mặc dù còn có những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, chuẩn hóa, song TTBDCT cấp huyện thực sự là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong truyền bá và giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; trang bị kỹ năng hoạt động cơ bản cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được ban hành tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, thời gian tới TTBDCT cấp huyện tiếp tục có sự điều chỉnh, sắp xếp lại. Mặt khác Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT cấp huyện cũng đã ban hành được 10 năm, rất cần có sự tổng kết, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Từ thực tiễn hoạt động của TTBDCT cấp huyện những năm qua, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề rất cơ bản liên quan đến TTBDCT cấp huyện như sau:
Một là, TTBDCT cấp huyện là trường học hay là đơn vị sự nghiệp? Tính đặc thù của loại hình cơ sở này cần được làm rõ, từ đó quy định thống nhất về cơ chế hoạt động; chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại trung tâm, cũng như học viên học tập tại trung tâm; sử dụng mẫu con dấu; xác định cơ quan chủ quản thống nhất,... không nên vừa trực thuộc huyện ủy, vừa trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện như hiện nay.
Hai là, cần thống nhất về tài liệu, giáo trình giảng dạy tại TTBDCT cấp huyện. Từ trước tới nay, TTBDCT cấp huyện sử dụng tài liệu, giáo trình do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, chứ không phải tài liệu, giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn như ở trường chính trị tỉnh. Cân nhắc và tính đến tính thống nhất của tài liệu, giáo trình học tập lý luận chính trị để bảo đảm sự nhất quán trong phân tích, giải thích, truyền bá kiến thức lý luận trong cả hệ thống các trường chính trị từ Trung ương đến cấp huyện.
Ba là, việc cấp giấy chứng nhận sau khi học viên học xong các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện và giá trị của các giấy chứng nhận đó như thế nào và cần bảo đảm sự thống nhất chung. Vừa qua, có tình trạng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương cùng đưa ra mẫu giấy chứng nhận học xong lớp lý luận cơ sở dành cho đảng viên mới dẫn đến việc vừa chồng chéo, vừa không thống nhất. Hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành văn bản quy định việc học chính trị phải từ thấp đến cao. Tức là phải học xong sơ cấp chính trị mới được học trung cấp chính trị, học xong trung cấp chính trị mới được học cao cấp chính trị, nhưng trên thực tế một số loại hồ sơ, quy trình khác lại chưa thống nhất việc quy định này, nên trong thực tế bằng sơ cấp lý luận chính trị chưa thực sự có giá trị ràng buộc đảng viên phải học tập.
Bốn là, việc đào tạo, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện cần hợp lý hơn. Hiện nay các TTBDCT cấp huyện có số lượng giảng viên chuyên trách rất hạn chế, chỉ từ 2-3 giảng viên, bao gồm cả giám đốc, phó giám đốc trung tâm, còn lại chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm chức. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, từ năm 2018 thống nhất bố trí đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT cấp huyện. Theo đó, số giảng viên chuyên trách sẽ tiếp tục giảm đi. Vấn đề đặt ra là bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên như thế nào, trong đó chủ yếu là giảng viên kiêm chức cho phù hợp để duy trì hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng giảng dạy của TTBDCT cấp huyện.
Về vấn đề này, một trong những đặc thù rất cần quan tâm nữa đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy tại TTBDCT cấp huyện đó là vừa truyền thụ cho người học những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa hướng dẫn họ về kỹ năng, nghiệp vụ để họ làm chi ủy viên, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi,... để xử lý những vấn đề của cuộc sống, của cộng đồng dân cư ngay từ thôn bản, tổ dân phố... Đòi hỏi giảng viên vừa nắm vững lý luận chính trị, vừa phải có kiến thức thực tiễn, giỏi chuyên môn, đồng thời lại có phương pháp sư phạm để truyền thụ kiến thức bớt trừu tượng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ thực hành, nhất là ở các tỉnh miền núi, một số học viên dự các lớp bồi dưỡng chủ yếu nghe, chứ việc ghi chép rất hạn chế.
Như vậy, để thực hiện bài giảng có chất lượng với đối tượng học viên học ở TTBDCT cấp huyện là điều không dễ dàng. Những giảng viên tuổi đời còn trẻ, chưa dày dạn, trải nghiệm cuộc sống thì càng khó khăn hơn. Giảng viên kiêm chức là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan cấp huyện giàu kiến thức thực tiễn, song không phải người nào cũng có kiến thức sư phạm, nên khi trình bày bài giảng bảo đảm yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn chưa đạt yêu cầu. Có bài giảng giảng viên thiên về kể chuyện thực tiễn. Đây là điều cần làm rõ về cả tiêu chuẩn và chế độ chính sách để động viên, thu hút những người có kinh nghiệm, người giỏi, có nhiều kiến thức thực tế ở địa phương tham gia giảng dạy ở các TTBDCT cấp huyện.
Năm là, tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò của TTBDCT cấp huyện, coi đó là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Theo đó có quy định thống nhất đưa các loại hình lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã, thôn, tổ dân phố về TTBDCT cấp huyện. Khắc phục tình trạng ngành nào có dự án tự mở lớp tập huấn, dẫn đến hiện tượng cũng là cán bộ xã, thôn nhưng đi dự các lớp tập huấn theo dự án thì chế độ đãi ngộ cao, còn đi dự các lớp bồi dưỡng ở TTBDCT thì chế độ thấp, tạo ra sự mất công bằng không cần thiết.
Đó là những vấn đề các cơ quan chức năng cần sớm có sự nghiên cứu làm rõ, chuẩn hóa tạo sự thống nhất chung để TTBDCT cấp huyện tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tiếp tục làm tốt công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ đảng viên của Đảng./.
Ngân hàng lưu động Agribank - Hiệu quả cao sau 06 tháng triển khai  (03/07/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25-6 đến ngày 01-7-2018)  (03/07/2018)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Cộng hòa Hy Lạp  (02/07/2018)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7-2018  (02/07/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  (02/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên