Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-6 đến ngày 01-7-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
20:25, ngày 02-07-2018
TCCSĐT - Thủ tướng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin; Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới; Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan; Kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại Bộ Nội vụ; Kiên Giang sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là những tin nổi bật tuần qua.

Thủ tướng: Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng Chính phủ điện tử.

Thông báo kết luận nêu rõ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, có thể thấy còn nhiều nội dung triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như còn thiếu các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhận thức đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó công nghệ thông tin là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.

Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký giúp Chủ tịch Ủy ban theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động của Ủy ban. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối xây dựng Chính phủ điện tử. Định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện.

Ủy ban có Tổ công tác giúp việc kiêm nhiệm, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các chuyên gia Chính phủ điện tử trong nước và quốc tế đến từ các Tập đoàn nhà nước và khối tư nhân. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ là đơn vị thường trực của Tổ công tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2018.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành có liên quan xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; trình Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho ý kiến hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6-2018.

Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trong tháng 6 năm 2018, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết lập Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2018.

Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin và thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.

Các bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó chú trọng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP; chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Nội vụ đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong thực hiện giải pháp "không giấy tờ".

Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước; cắt giảm và đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; chỉ thực hiện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

Đồng thời, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, cách thức và phương pháp kiểm tra.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm tên hàng và mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017 và gắn mã HS đối với danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa kèm mã HS; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, hoàn thành trước 30-7-2018.

Kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ tại Bộ Nội vụ

Chiều 27-6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu, đã làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với chức năng là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ gánh vác rất nhiều trọng trách. Bộ đã phối hợp xây dựng nghị định về quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ khi kiện toàn bộ máy Chính phủ mới, tham mưu xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, thực hiện nhiều chương trình đề án, dự án luật với 11 Nghị định, 16 Thông tư, 4 Nghị quyết, 3 đề án.

Nêu 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc biên chế và tiền lương là vấn đề rất quan trọng. Trong khi chỉ tiêu 6 năm phải giảm 10% biên chế và viên chức đang theo hướng tự chủ tài chính, hướng tới tự chủ toàn bộ, thì vấn đề quản lý công chức, viên chức, sử dụng hợp đồng lao động, quản lý quỹ lương cần phải lưu ý. Qua kiểm toán tại 13 bộ và 14 địa phương về giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, cho thấy sử dụng vượt thẩm quyền (nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập) tới hơn 63.200 người, việc kiểm tra, kiểm soát ở dưới không nắm hết.

Cho rằng hiện nay việc sắp xếp tổ chức bộ máy là rất khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị vận dụng theo hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nếu văn bản ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, quy định chưa đáp ứng được, Bộ Nội vụ cần đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng thí điểm. “Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sâu sát, đốc thúc quyết liệt để giúp Thủ tướng thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, biên chế, đầu tư xây dựng. Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc”, ông Mai Tiến Dũng nêu.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, trong tham mưu xây dựng thể chế, cần phải có thực tiễn, sâu sát cơ sở để có đề xuất đúng, trúng. Lấy cải cách từ trong Bộ để đốc thúc các bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự minh bạch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời lưu ý của Thủ tướng.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, công tác thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ đã đề xuất và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra công vụ ít nhất 30%. Trong các đơn vị trực thuộc Bộ cũng phải thanh tra, kiểm tra 30%.

Liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng đây là một trong những công tác trọng tâm sắp tới. Ông đề nghị trong năm 2018 phải cắt giảm được ít nhất 20% thủ tục.

Nói về việc sắp xếp bộ máy trong Bộ, Bộ trưởng Nội vụ cho hay không còn cấp phòng trong các vụ chuyên môn và cam kết với Chính phủ sẽ giảm biên chế từ 15% trở lên. Công tác quản lý nhà nước của ngành cần tập trung làm 3 việc: xây dựng chiến lược phát triển ngành; xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó phải chú trọng đến vấn đề phân cấp, phân quyền. Dẫn chứng từ việc phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh duyệt đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập và Bộ cũng sửa đổi 2 Thông tư phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính, Bộ Nội vụ chỉ làm việc tổ chức kế hoạch thi, ra đề thi, Bộ trưởng này cho biết các địa phương rất phấn khởi, làm rất nhanh. Tới đây Bộ tiếp tục phân cấp và đẩy mạnh một số lĩnh vực khác, trong đó có cả việc tinh giản biên chế.

Kiên Giang sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp phải đảm bảo với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Trong quá trình sắp xếp phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các cơ quan, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau khi sắp xếp lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng các nguồn lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức đúng quy định và đảm bảo quyền lợi. Bên cạnh đó, phải xác định rõ trọng tâm, lộ trình, các giải pháp chủ yếu để các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp của tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đảm bảo đạt được mục tiêu, hiệu quả công tác sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp.

Đối với cấp tỉnh, Kiên Giang sắp xếp tinh gọn bộ máy bên trong của từng, sở, ngành theo hướng sáp nhập phòng chuyên môn có quy mô nhỏ, biên chế ít (dưới 5 biên chế), nhiệm vụ ít hoặc phân tán; giảm các tổ chức trung gian làm cồng kềnh bộ máy, chuyển các chi cục, ban có quy mô từ 17 biên chế trở xuống thành phòng, ban chuyên môn trực thuộc sở, ngành, chỉ giữ lại các chi cục, ban được phân cấp, ủy quyền của cấp có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực, có khối lượng công việc yêu cầu có biên chế tối thiểu từ 17 biên chế trở lên.

Cấp huyện, sắp xếp lại phòng chuyên môn cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; giải thể Phòng y tế, Phòng dân tộc và bố trí chuyên viên làm công tác quản lý nhà nước về y tế, dân tộc tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện.

Đối với cấp xã, thực hiện rà soát, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định của Luật tổ chức hành chính địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (trừ các xã đảo, biên giới). Đồng thời, rà soát, sắp xếp, sáp nhập các ấp, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố.

Nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% (bằng 100 đơn vị) đầu mối, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, hạn chế tối đa sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; giảm 10% (3.318 biên chế) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 và bổ sung năm 2016, 2017; chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo tự chủ tài chính; phấn đấu 10% (100 đơn vị) tự chủ hoàn toàn về tài chính và 15% (150 đơn vị) tự chủ một phần về tài chính, giảm bình quân 10% (100 đơn vị) chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn năm 2011 - 2015. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% (90 đơn vị) đơn vị công lập và 10% (2.986 biên chế) sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021; năm 2030, tiếp tục giảm đầu mối, giảm 10% (2.687 biên chế) sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với 2025./.