Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến ngày 15-4-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
16:15, ngày 16-04-2018
TCCSĐT - Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần khắc phục tồn tại trong công tác quản lý biên chế công chức; Bình Phước: Giải quyết thủ tục hành chính chậm, cán bộ phải giải trình; Phú Thọ: Giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế; Bắc Ninh quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; Thừa Thiên - Huế nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập; là những tin nổi bật tuần qua.

Thanh tra Bộ Nội vụ: Bộ Thông tin và Truyền thông cần khắc phục tồn tại trong công tác quản lý biên chế công chức

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố nội dung kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo kết luận, các cơ quan, đơn vị của Bộ sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (lao động hợp đồng 68) trong phạm vi chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, có hai cơ quan, đơn vị sử dụng 3 lao động hợp đồng 68 để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ và có 1 đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng số lượng người làm việc vượt 2 lao động hợp đồng so với chỉ tiêu số lượng người làm việc được Bộ Thông tin và Truyền thông giao. Ngoài ra, đến thời điểm thanh tra, có 4 cơ quan, đơn vị hành chính sử dụng 15 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhìn chung, 1 kỳ thi tuyển công chức của Bộ và 5 kỳ thi tuyển công chức của 4 cơ quan, đơn vị đã thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, thời hạn tiếp nhận hồ sơ dự tuyển đối với 2 kỳ thi của 2 cơ quan, đơn vị không đủ ít nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo tuyển dụng được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Hội đồng tuyển dụng của 3 kỳ thi thành lập trước khi hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển. Trong giai đoạn thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện việc tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt đúng quy định đối với 11 trường hợp.

Về tuyển dụng viên chức, 6 kỳ thi tuyển viên chức của 5 cơ quan, đơn vị và 5 kỳ xét tuyển viên chức của 2 cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, thời hạn tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của 1 kỳ thi tuyển và 1 kỳ xét tuyển chưa đủ ít nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày thông báo tuyển dụng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. 1 kỳ thi tuyển và 5 kỳ xét tuyển thành lập Hội đồng tuyển dụng trước khi hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển. Có 4 kỳ xét tuyển thực hiện việc tính điểm, xác định người trúng tuyển không đúng quy định (đơn vị đã thực hiện việc ký hợp đồng lao động để thay thế hợp đồng làm việc đã ký kết đối với các trường hợp trúng tuyển).

Về cơ bản, việc tiếp nhận 13 hồ sơ xét tuyển đặc cách của 7 cơ quan, đơn vị đã thực hiện theo quy định về hồ sơ, thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch, tổ chức sát hạch và báo cáo kết quả để Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận kết quả... Tuy nhiên, có 1 trường hợp được xét tuyển đặc cách trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản công nhận kết quả.

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tuyển dụng công chức, viên chức và chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức; tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách công chức, công vụ; rà soát và hủy bỏ, thu hồi các quyết định về tuyển dụng không đúng quy định.

Chấm dứt việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo số lượng người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi chỉ tiêu số lượng người làm việc được Bộ Thông tin và Truyền thông giao; thực hiện việc ký hợp đồng 68 và bố trí công việc đúng đối tượng, việc làm theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên để có hình thức xử lý phù hợp.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Bình Phước: Giải quyết thủ tục hành chính chậm, cán bộ phải giải trình

Ngày 11-4, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Phước, đồng thời triển khai kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018.

Sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận 56.350 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm đã giải quyết 54.987 hồ sơ, đang giải quyết 1.363 hồ sơ. Tổng số hồ sơ trễ hạn đến thời điểm báo cáo là 397 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,7% trên tổng số hố sơ đã tiếp nhận. Những đơn vị có hồ sơ trễ hạn nhiều là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và Ban Quản lý khu kinh tế.

Đối với các sở, ngành có hồ sơ quá hạn nhiều, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi yêu cầu phải giải trình cụ thể, quá hạn do đâu, ách tắc ở khâu nào để đưa ra hướng giải quyết; giải quyết các hồ sơ tồn đọng ngay trong tháng 4 này. Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề nghị, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, rà soát lại thủ tục nhằm bỏ bớt khâu trung gian; lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho biết, đối với những cán bộ để quá hạn hồ sơ lần 1 thì sử dụng biện pháp nhắc nhở, lần 2 yêu cầu kiểm điểm, lần 3 sử dụng hình thức hạ bậc lương hoặc chuyển công tác.

Về cải cách trung tâm hành chính, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các huyện, thị phải thành lập trung tâm hành chính công nhưng không tăng bộ máy, hạn chế tối đa xây mới trụ sở; trong năm 2018 phải kết nối trung tâm huyện, thị xã với tỉnh và chọn ít nhất 50% xã kết nối về cấp huyện, thị.

Phú Thọ: Giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế

Giảm đầu mối phải gắn với tinh giản biên chế - Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc tại Hội nghị tổng kết công tác đánh giá chất lượng và khen thưởng đối với tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017 được tổ chức ngày 13-4.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt trong công tác đảng là chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giảm biến chế. Trong thời gian tới các cơ quan đơn vị cần phải được làm chặt chẽ ngày từ khâu quy hoạch, quy trình bổ nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong đảng, người đứng đầu và mỗi đảng viên. Thực hiện tốt cơ chế giám sát. Đặc biệt, việc thực hiện giảm đầu mối ở cả các ban đảng, đoàn, thể, cấp huyện, cấp xã, khu dân cư phải gắn với tinh giản biên chế.

Để thực hiện tốt việc đánh giá xếp loại đảng viên, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc yêu cầu các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cần tiếp tục xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí để đánh giá sát thực tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đánh giá xếp loại ở từng tổ chức cơ sở đảng cần phải được theo dõi đánh giá thường xuyên, phải có sự phối hợp kiểm tra chéo thậm chí phúc tra. Công tác khen thưởng kịp thời sẽ động viên khuyến khích nhưng cũng phải xử lý nghiêm những vi phạm kịp thời. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 1.925 tập thể thuộc đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình, trong đó có 56 tập thể cấp tỉnh; 392 tập thể cấp huyện và tương đương; 374 tập thể là các cơ quan, đơn vị cấp huyện và tương đương; 1477 tập thể cấp cơ sở. 92.845 cá nhân thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo quy định, tăng 2,2% so với năm 2016 trong đó cấp tỉnh có 221 đồng chí, cấp huyện và tương đương có 217 đồng chí, cấp cơ sở có 92.207 đảng viên.

Bắc Ninh quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế được tỉnh Bắc Ninh triển khai từ đầu năm 2016; đặc biệt từ sau khi có Nghị Quyết Trung ương 6 khóa XII, Bắc Ninh đã quyết liệt thực hiện hơn. Trong quý I-2018, Bắc Ninh đã giải thể Sở Ngoại vụ, sáp nhập những đơn vị có nhiệm vụ tương đồng tại phòng, ban các sở, tổ chức hành chính với văn phòng. Tỉnh thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Ninh (sáp nhập từ hai Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Ninh); thành lập Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh (sáp nhập Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Bắc Ninh). Tỉnh cũng sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp thành Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh.

Việc sáp nhập bộ máy các đơn vị không chỉ giảm gánh nặng về kinh tế còn nâng cao hiệu quả công việc. Tiêu biểu trong đó có hoạt động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh. Năm 2017, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 5 trung tâm, đơn vị, gồm: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và bộ phận bảo vệ sức khỏe lao động môi trường thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động môi trường và giám định y khoa. Khi chưa sáp nhập, 5 trung tâm có 5 giám đốc, 8 phó giám đốc, 15 trưởng khoa, trưởng phòng, 26 phó trưởng khoa, phó trưởng phòng và nhân viên. Đến nay, sau khi sáp nhập, bộ máy được tinh giản gọn nhẹ gồm 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, 12 trưởng khoa, trưởng phòng và nhân viên.

Sau khi sáp nhập, Trung tâm vẫn duy trì các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của cả 5 đơn vị trước đây và còn tăng cường sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động giữa các chương trình, dự án của các đơn vị. Theo bà Ngô Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, sau 5 tháng đi vào hoạt động, số bệnh nhân đến khám, tiêm tăng, doanh thu của đơn vị tăng; các chi phí của đơn vị giảm từ 9 - 30% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, mặc dù tận dụng những cơ sở vật chất cũ nhưng các cơ sở nằm ở các địa điểm khác nhau, không tập trung, thiếu phòng làm việc và các phòng làm việc đạt tiêu chuẩn chuyên môn nên vấn đề điều kiện làm việc của các đơn vị sáp nhập gặp không ít khó khăn.

Thời gian qua, Bắc Ninh đã thực hiện nghiêm vấn đề tinh giản biên chế, tuy nhiên tỷ lệ tinh giản còn thấp, quá trình tổ chức thực hiện chậm, chưa đồng bộ. Phần lớn các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án có tỷ lệ tinh giản giai đoạn 2016 - 2021 chỉ tối thiểu 10% theo quy định của Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Do đó, chỉ có một số đơn vị có tỷ lệ trong Đề án cao như: Sở Tư pháp 15,19%, Thanh tra tỉnh 13,51%, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 11,74%. Một số đơn vị xây dựng tỷ lệ thấp như: Sở Công Thương 2,99%, Sở Khoa học và Công nghệ 2,47%… Điều này gây khó khăn cho quá trình thẩm định và việc xây dựng đề án tinh giản biên chế chung toàn tỉnh; làm cho tỷ lệ tinh giản biên chế theo kế hoạch toàn tỉnh thấp (dự kiến, tỉnh chỉ tinh giản biên chế được 10,15% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn 2016 - 2021).

Một trong các nguyên nhân chính của tình trạng trên là do người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang trong quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện…

Thời gian tới, song song với tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước, Bắc Ninh chú trọng công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành, để đưa ra khỏi đội ngũ những người có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với số viên chức và số người lao động vượt quá số biên chế được giao, có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm, đồng thời chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Đến năm 2021, toàn tỉnh giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế giao năm 2015…

Thừa Thiên - Huế nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 13-4, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị lần thứ 11, khóa XV để bàn và ra Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tập trung quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương để tham gia cụ thể vào mục tiêu, nội dung thực hiện; trọng tâm là xem xét, cân nhắc có cơ sở khoa học để xác định số lượng, cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập, khả năng xã hội hóa đối với từng lĩnh vực, số đơn vị sự nghiệp công lập có thể chuyển thành công ty cổ phần…Trước hết, các cấp ủy Đảng căn cứ theo thực tiễn địa bàn để xác định cụ thể việc sáp nhập, giảm đầu mối bảo đảm mục tiêu đề ra; tạo sự đồng thuận xã hội cũng như trong từng ngành, lĩnh vực được sắp xếp, sáp nhập; bảo đảm hoạt động bình thường trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất thực hiện mô hình ở cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng; rà soát, sắp xếp hợp nhất các các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành một đầu mối; sáp nhập, giải thể các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành một đầu mối; tập trung chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành và UBND thành phố Huế có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, công ty hợp doanh. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm để đưa ra khỏi đội ngũ những người có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong năm 2018 và năm 2019, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm Festival Huế theo hướng xã hội hóa; hoàn thành Đề án đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đổi tên Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh thành Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh và tổ chức lại bộ máy, nhân sự, nhiệm vụ mới; thực hiện thí điểm xã hội hóa từ 1 - 2 trường tiểu học, trường mầm non ở thành phố Huế theo hướng tự chủ./.