TCCSĐT - Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra phương châm hành động cho năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành: Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đầu Xuân mới, các Bộ trưởng - Thành viên Chính phủ đã đánh giá về cải cách hành chính của bộ, ngành mình phụ trách trong năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Với nỗ lực rất lớn, lần đầu tiên “siêu bộ” Công Thương đã chủ động cắt giảm từ 35 đơn vị đầu mối trong bộ xuống còn 30 đơn vị. Và đặc biệt, để giảm bớt mức độ cách biệt trong thủ tục hành chính, Bộ đã giảm tới 72 phòng trong các Cục, Vụ tức là giảm đến 35%.

Trong quyết định 4846 của Bộ Công Thương, chúng tôi đã quyết tâm và triển khai thực hiện khi cắt giảm tới 123 thủ tục hành chính, chưa kể đến việc đưa các thủ tục hành chính sang dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 2-4 với mức độ ngày càng tăng hơn nữa, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thuận tiện, hiệu quả, minh bạch, công khai đối với người dân doanh nghiệp.

Điểm chốt cuối cùng là câu chuyện 3610A trong việc cắt giảm những quyết định kinh doanh để việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ đặt ra trong môi trường kiến tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường và với việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh chiếm 55% điều kiện kinh doanh mà ngành Công Thương đang quản lý.

Có thể thấy, bước tiến ở đây không đơn thuần là con số, quan trọng là trong phạm vi các lĩnh vực quản lý nhà nước thì cách tiếp cận mới với những điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho việc khai thác thị trường của các doanh nghiệp.

Từ đây, tạo cho chúng ta một định hướng, một nhận thức rõ ràng về cơ chế và hình thức quản lý nhà nước, tức là một nhà nước từ quản lý của tiền kiểm chúng ta sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm với việc xây dựng hệ thống các quy chuẩn tiêu chuẩn, vẫn đảm bảo được hiệu lực quản lý nhà nước nhưng theo nghĩa giải phóng nguồn lực sản xuất, tạo điều kiện ổn định, đảm bảo những yêu cầu chung chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, cũng như khía cạnh khác liên quan đến lợi ích người tiêu dùng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chương trình hành động và tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp trong ngành.

Về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh, đổi mới thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp: Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 08/08 nghị định theo nguyên tắc các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm loại bỏ giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Sau khi các Nghị định được ban hành, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Giao thông vận tải, đảm bảo mục tiêu ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ đang phối hợp với bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh theo hướng cắt giảm các ngành nghề, điều kiện, thủ tục hành chính không thực sự cần thiết.

Về đổi mới thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ đã tích cực đổi mới, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến (tổng số 501 thủ tục hành chính, trong đó mức 4 là 60 thủ tục hành chính, mức 3 là 186 thủ tục hành chính, còn lại mức 2 là 255 thủ tục hành chính) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Bộ đã chủ động đối thoại, làm việc, tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị lớn theo hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước về các lĩnh vực vận tải biển và cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không.

Bộ cũng đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng và đến nay, đã tiếp nhận trên 3.000 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông tin, đề nghị cho các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ nỗ lực để giao thông tiếp tục đi trước mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Nếu như năm 2016 là năm toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua khó khăn, thì năm 2017 chính là năm tạo nền tảng. Toàn ngành tập trung vào 4 mục tiêu lớn là giải quyết tồn tại của quá trình phát triển nóng để lại; tháo gỡ, cởi trói các điểm nghẽn về chính sách đưa nguồn lực tài nguyên và môi trường vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cải cách thủ tục hành chính; tổng kết đánh giá một số chính sách, chiến lược quan trong như đất đai, môi trường, khoáng sản, biển đảo để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển của giai đoạn mới. Kết thúc năm 2017, toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặt ra, thể hiện ở các kết quả chủ yếu sau:

Về hoàn thiện thể chế: Trong năm 2017 nhiều chính sách mới đã được ban hành, theo sát yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ được nhiều khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác quản lý, xóa bỏ nhiều điểm nghẽn, đơn giản hóa thủ tục về đất đai để thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường bất động sản. Đặc biệt, đã bổ sung quy định được đánh giá là “cởi trói” cho nông nghiệp khi cho phép tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất mà không phải chuyển sang thuê đất để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; cho phép nông dân được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.

Đồng thời với việc hoàn thiện thêm một bước về pháp luật, cơ chế chính sách về tài nguyên và môi trường với việc cơ bản hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, công tác chỉ đạo liên ngành và quản lý tổng hợp, sự kết nối hữu cơ của các lĩnh vực quản lý của Bộ ngày càng được củng cố và tăng cường. Điều đó thể hiện qua 2 nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được Bộ hết sức chú trọng và đạt được những kết quả quan trọng, nên đã thực hiện việc tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục hành chính; thực hiện liên thông 11 thủ tục hành chính trong 3 lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017 đã có sự chuyển biến tích cực từ quy định đến thực thi. Cả nước đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với 96,6% diện tích cần cấp, tăng 1,8 triệu giấy so với năm 2016. Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

Trong năm 2018, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai với quyết tâm cao một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường cấp cơ sở, nêu cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân được quán triệt thực hiện nghiêm túc, thể hiện trong việc cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của địa phương, cơ sở, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý về tài nguyên và môi trường phù hợp với thực tiễn trong nước, hài hoà với các quy định quốc tế. Trước mắt tập trung đánh giá một cách khách quan tình hình thi hành để xác định, khắc phục những bất cập, lỗ hổng về chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; đề xuất những chính sách có tính mới, phù hợp với thực tiễn để tạo sự bước đột phá cho phát triển. Củng cố, nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Tập trung triển khai quyết liệt để tạo được chuyển biến mạnh mẽ công các cải cách hành chính trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số cải cách hành chính (PAPI). Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công của ngành. Công bố công khai thủ tục tại nơi tiếp nhận, thiết lập hệ thống tiếp nhận đánh giá, phản hồi của người dân và doanh nghiệp để đánh giá kết quả cải cách các thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị.

Năm 2018 tiếp tục là năm Bộ đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh bởi đây chính một trong những then chốt để giải quyết các thách thức nêu trên, cũng như tạo động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tiếp tục coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng dịch vụ công nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý, cách thức điều hành; từng bước hiện đại hóa ngành; trước mắt cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành. Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; thiết lập hệ thống kết nối, chia sẻ, phản hồi thông tin giữa Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thu ngân sách trong năm 2017 hoàn thành xuất sắc, vượt dự toán 71.000 tỷ đồng (tương đương 5,9% dự toán), bội chi ngân sách giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so dự toán. Nợ công từ mức ngấp nghé trần 65% GDP đã lùi về ngưỡng 61,3% GDP. Việt Nam đã đủ bản lĩnh để từ chối những khoản vay lãi cao, hiệu quả thấp.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước vượt dự toán Quốc hội giao nhưng một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh không hoàn thành dự toán; thu ngân sách Trung ương khó khăn, một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách cần có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương để đảm bảo cân đối. Ngoài ra, công tác xử lý thuế nợ đọng chưa đạt kết quả mong muốn. Công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm, đến hết năm nguồn vốn ngân sách Nhà nước mới giải ngân được khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 23,5% dự toán.

Bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và thế giới năm 2018 có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, tác động hai mặt tích cực và tiêu cực tới hoạt động thu chi ngân sách. Cụ thể, mặt tích cực là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng, dẫn đến số thu ngân sách tăng. Trong khi đó các yếu tố tiêu cực như cắt giảm thuế quan theo các cam kết, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn,...

Dự toán ngân sách năm 2018 đã tính đến các yếu tố nêu trên. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào điều hành chính sách tài khóa thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp khác cần nhắc tới là quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Toàn ngành cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Năm 2017, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng lưu ý, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 8 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 9 dự án khác (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với 3 luật, 1 nghị quyết). Nhiều dự án quan trọng được các bộ, ngành xây dựng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý ngoại thương...

Các bộ, cơ quan cũng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.105 văn bản (tăng 18 văn bản so với năm 2016). Bên cạnh đó, thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc, tổ chức làm việc với các bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản. Nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại các địa phương, cơ quan tư pháp, pháp chế đã tham mưu ban hành hơn 4.000 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh; trên 3.600 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (giảm 38,3% so với năm 2016); gần 18.500 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã (giảm khoảng 55% so với năm 2016). Kết quả này cho thấy, việc thực hiện nghiêm túc các quy định về giảm số lượng văn bản ở cấp huyện, cấp xã trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng văn bản nợ đọng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn; chất lượng một số văn bản chưa cao. Nhiều hồ sơ gửi thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định còn sơ sài, không đủ thành phần theo quy định.

Năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tư pháp đề ra và quyết tâm thực hiện là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng vào bảo đảm tính khả thi của văn bản. Để tạo ra bước đột phá trong công tác này, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015./.