Một số bài học kinh nghiệm của công tác tôn giáo ở tỉnh Tuyên Quang
TCCSĐT - Những năm qua, công tác tôn giáo ở tỉnh Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của đội ngũ chức sắc, đồng bào các tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tình hình tôn giáo ở Tuyên Quang
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 54% tổng số dân. Trên địa bàn tỉnh có 03 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành. Thực hiện nhất quán đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề về tôn giáo và công tác tôn giáo, kịp thời xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật. Số lượng tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay đều có sự gia tăng, cụ thể như: Phật giáo tăng từ 5.678 tín đồ lên 14.377 tín đồ; Công giáo tăng từ 20.703 tín đồ lên 25.976 tín đồ; đạo Tin lành tăng từ 5.817 tín đồ lên 8.137 tín đồ.
Trong sinh hoạt tôn giáo, đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng đường hướng hành đạo, hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận, được biểu hiện cụ thể thông qua các hoạt động của Phật giáo với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, qua đó tích cực góp phần ngăn chặn hoạt động của một số “đạo lạ, tà đạo”, giảm thiểu các loại hình mê tín dị đoan; các hoạt động của Công giáo theo Lịch Phụng vụ Công giáo hằng năm của các giáo phận; các hoạt động của các tổ chức và điểm nhóm đạo Tin lành theo hiến chương, điều lệ, quy định về sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương...
Có thể nói, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thời gian qua về cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung vào việc củng cố đức tin, đào tạo, thuyên chuyển chức sắc; thực hiện chia, tách, thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các công trình tôn giáo.... Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đội ngũ chức sắc các tôn giáo cũng ngày càng cởi mở, thân thiện hơn trong tiếp xúc với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực trong hoạt động của 03 tôn giáo lớn ở Tuyên Quang, tình hình tôn giáo ở đây còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự, do sự xuất hiện và hoạt động của một số tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo”, như tổ chức Dương Văn Mình, các nhóm theo “Long Hoa Di Lặc”,..., khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Công tác tôn giáo ở Tuyên Quang - Kết quả và những bài học kinh nghiệm
Thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng và tích cực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đồng thời xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, ngay khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 22-4-2003, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, “Về công tác tôn giáo”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU “Về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về công tác tôn giáo””. Sau đó, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của cấp ủy các cấp về công tác tôn giáo, gắn với phổ biến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP (sau được thay thế bằng Nghị định số 92/2012/NĐ-CP), của Chính phủ, về “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”; và các văn bản có liên quan đến công tác tôn giáo (như Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 04-02-2005, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số công tác đối với đạo Tin lành”; Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ, “Về nhà đất liên quan đến tôn giáo”…). Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được các cấp, các ngành của tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân, qua đó làm chuyển biến một bước nhận thức, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết giữa hệ thống chính trị và đồng bào các tôn giáo cùng toàn thể nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 8,0% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm… Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tương đối toàn diện trên các mặt, như quản lý đối với hoạt động của các tôn giáo; giải quyết nhà, đất có liên quan đến tôn giáo; đấu tranh chống các hành vi lợi dụng tôn giáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ở Tuyên Quang còn chủ động phối hợp với nhau trong công tác, như Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho các chức sắc, chức việc và các tổ chức tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán; ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các ngành trong giải quyết các kiến nghị, đề nghị của các tổ chức tôn giáo về quy hoạch cơ sở thờ tự, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo... Trên cơ sở ký kết chương trình phối hợp của các cơ quan ở Trung ương, cơ quan chuyên môn ở địa phương đã xây dựng chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc, tôn giáo, như giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, Ban Dân tộc Tỉnh ủy; giữa Sở Nội vụ và Công an tỉnh; giữa Sở Nội vụ và Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh... Việc quản lý hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo” tuy gặp nhiều khó khăn do còn thiếu các quy định, song bước đầu được các cơ quan chức năng phối hợp tham mưu, giải quyết hiệu quả, không để ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Xác định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo chính là công tác vận động quần chúng, những năm qua, công tác tôn giáo ở Tuyên Quang không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, mà còn tăng cường tập hợp, vận động đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đạo, việc kết nạp đảng viên là tín đồ tôn giáo và việc tham gia sinh hoạt tôn giáo của các đảng viên là tín đồ tôn giáo luôn được các ngành, các cấp địa phương quan tâm, chú trọng. Tỉnh còn tạo điều kiện để tín đồ tôn giáo tham gia vào các tổ chức, cơ quan đảng, chính quyền các cấp, tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp có 02 chức sắc và 105 tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo cũng đạt được kết quả tốt, đã phát huy được vai trò của họ trong vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Để công tác vận động đồng bào các tôn giáo thật sự hiệu quả, đi vào chiều sâu, việc chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào luôn được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp ở Tuyên Quang quan tâm thực hiện. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, trong đó đặc biệt tập trung vào các chương trình 134, 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào các tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Kết quả đó đã góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào các tôn giáo vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như đã nêu trên, song công tác tôn giáo ở Tuyên Quang còn tồn tại những hạn chế nhất định, mà nguyên nhân trước hết là do tình hình tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là sự xuất hiện và hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo” đã và đang lôi kéo nhiều người ở địa phương tham gia. Bên cạnh đó, do đặc thù là một tỉnh miền núi, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế, nên đời sống của một bộ phận nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào các tôn giáo còn khó khăn và do vậy, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tôn giáo.
Từ tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm qua, nhằm tiếp tục phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được, khắc phục những điểm còn hạn chế, thực hiện quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật” (1), một số bài học kinh nghiệm được đúc rút để làm cơ sở cho công tác tôn giáo ở Tuyên Quang trong thời gian tới là:
Trước hết, để làm tốt công tác tôn giáo, cần có sự thống nhất nhận thức của toàn hệ thống chính trị trên cơ sở thấm nhuần các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới. Sự thống nhất về nhận thức chính là cơ sở để triển khai có hiệu quả công tác tôn giáo, tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo và nhân dân thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần thấy rõ rằng, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, bởi vậy, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp ở địa phương đối với công tác tôn giáo là rất quan trọng, đồng thời phải nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp đối với tôn giáo, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong thực hiện công tác tôn giáo và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, vận động thời gian tới, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01-01-2018.
Thứ hai, trong công tác tôn giáo, cần thấu suốt quan điểm: Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo phải thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Việc tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo không thể chỉ bằng lời nói, mà còn phải thông qua những hành động cụ thể, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, để đồng bào được “no ấm phần xác, thong dong phần hồn” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Có như vậy, đồng bào mới thêm phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thuận, đoàn kết cùng chính quyền và các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình và đóng góp được nhiều nhất cho xã hội. Để có điều kiện chăm lo cho đời sống của đồng bào các tôn giáo nói riêng, nhân dân địa phương nói chung, việc triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng, đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào các tôn giáo. Việc vận động đồng bào các tôn giáo tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần tranh thủ sự ủng hộ của đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong đồng bào.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo muốn đạt hiệu quả tốt, trước hết cần nắm thật chắc tình hình tôn giáo ở địa phương, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, qua đó, một mặt, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nội dung quản lý một cách “hợp tình, hợp lý”, theo đúng quy định về trình tự, thủ tục hành chính; mặt khác, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung xem xét, giải quyết các vấn đề về nhà, đất liên quan đến tôn giáo theo đúng tinh thần Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ và theo quy định của pháp luật hiện hành; việc thành lập, chia tách tổ chức tôn giáo cơ sở và tổ chức tôn giáo trực thuộc cần được giải quyết theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 54/KH-BNV, ngày 05-5-2016, của Bộ Nội vụ, về triển khai công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2016 - 2020. Về tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thời gian qua được thực hiện trên cơ sở Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, ngày 04-02-2008, của Chính phủ, “Quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương” và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP, ngày 04-02-2008, của Chính phủ, “Quy định về tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”; trong thời gian tới, cần tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và căn cứ vào tình hình tôn giáo cũng như những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tôn giáo ở địa phương.
Thứ tư, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh là yếu tố rất quan trọng để làm tốt công tác tôn giáo, đặc biệt là ở vùng đồng bào các tôn giáo. Theo đó, cần phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng trong lãnh đạo, đoàn kết nhân dân ở cơ sở, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Khi các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở đều vững mạnh thì sẽ làm tốt việc phối hợp nắm bắt, bám sát các diễn biến tình hình tôn giáo ở địa phương để vừa có thể tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tôn giáo từ cơ sở, giải quyết hợp tình, hợp lý những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, vừa phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động truyền đạo trái pháp luật và đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, không để họ lợi dụng các vấn đề tôn giáo gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hướng đến khối đại đoàn kết toàn dân.
Thứ năm, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Hiệu quả của công tác tôn giáo phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này. Những kết quả tích cực trong công tác tôn giáo ở Tuyên Quang những năm qua cho thấy, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo đã góp phần rất quan trọng vào những kết quả đó. Thời gian qua, việc quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này hằng năm được thực hiện theo Quyết định số 83/QĐ-TTg, ngày 08-6-2007, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo giai đoạn 2006 - 2010” và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh. Trong thời gian tới, cần bám sát Quyết định số 174/QĐ-TTg, ngày 09-02-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2017 - 2020”. Tỉnh cần tiếp tục phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này thông qua thực tiễn công tác, trong đó chú trọng việc khuyến khích họ học tiếng dân tộc thiểu số, đi thực tế ở vùng đồng bào các tôn giáo có nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, qua đó giúp họ thêm gần gũi, gắn bó, hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động có hiệu quả, được đồng bào tin tưởng, yêu mến./.
---------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 165
Bàn về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội  (29/11/2017)
Việt Nam-Italy cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch  (28/11/2017)
Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore  (28/11/2017)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, đón, hội kiến Tổng thống Ba Lan  (28/11/2017)
Chủ tịch nước chủ trì Quốc yến chào mừng Tổng thống Ba Lan  (28/11/2017)
Tăng cường công tác giao lưu báo chí Việt Nam-Thụy Sỹ  (28/11/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên