Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-11-2017
Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo về: Giảm phí liên quan đến chi phí đầu vào doanh nghiệp của Bộ Tài chính; rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đề xuất các biện pháp cắt, giảm mức phí, chi phí cho doanh nghiệp của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 75/NQ-CP của Chính phủ ngày 09-8-2017. Đồng thời, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, giảm mức thu phí, bãi bỏ một số phí không cần thiết. Tích cực phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; lấy ý kiến các bộ, ngành, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương xác định, sửa đổi biện pháp quản lý trước thông quan, sau thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành để bảo đảm loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan so với hiện nay; thực hiện việc công bố, công khai kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh trên Cổng Thông tin điện tử của bộ, cơ quan; xây dựng, trình ban hành văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với quản lý biên chế
Khảo sát chính sách tiền lương tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 09-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công khẳng định cải cách chính sách tiền lương phải gắn với quản lý biên chế, quản lý chi phí thường xuyên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng giám sát và phản ánh tiếng nói của người dân sẽ giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trình Trung ương Đảng thảo luận vào năm 2018.
Phó Thủ tướng cho rằng cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế trong khối hành chính và sự nghiệp công lập, trong đó tinh giản biên chế phải được thực hiện trước một bước. Đưa ra thông tin hiện nay có cơ quan của Chính phủ xin đề nghị thành lập tới 14 trung tâm là đơn vị sự nghiệp nhưng hạch toán phụ thuộc ở 2 đơn vị cấp Cục, Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo dừng việc này lại để làm rõ. Nếu vấn đề này không xử lý vẫn còn tồn tại việc cấp phép thủ tục hành chính và không giảm được các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hay tinh giản bộ máy.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng không thể tính chi phí hoạt động của bộ máy vào thu nhập của người lao động vì không đúng với bản chất của tiền lương. “Sau sắp xếp lại, bộ máy đi vào hoạt động ổn định thì lúc đó người lao động sẽ sống được bằng lương do nhà nước trả. Còn phần tiết kiệm được từ chi phí thường xuyên sẽ do cơ quan đó dùng để bổ sung, khoán cho các nhiệm vụ khác”, Phó Thủ tướng cho hay.
Đối với mức lương cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, phải xác định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị chứ không phải là cơ quan đoàn thể xã hội, nên cần phải ghi nhận và giải quyết những bật cập về lương cho cán bộ Mặt trận hiện nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cắt giảm hàng trăm thủ tục “hành” doanh nghiệp
Ông Đặng Vũ Trân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi rà soát hơn 508 thủ tục hành chính hiện hành, Bộ sẽ đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính để cắt giảm, đơn giản hóa. Bộ cũng đang dự thảo sửa 13 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành. Các thông tin trên được ông Trân đưa ra tại hội thảo "Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp và thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Cũng theo ông Trân, trên lĩnh vực nông nghiệp hiện có 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 345 điều kiện. Qua công tác rà soát, Bộ đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%). Để thực hiện lộ trình cắt giảm các điều kiện đầu tư - kinh doanh, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động, đề xuất sửa đổi 4 Nghị định, 2 Pháp lệnh. Trong thời gian chờ sửa đổi, Bộ đã chỉ đạo cải tiến quy trình công nhận các điều kiện đầu tư - kinh doanh hiện hành theo hướng không bắt buộc cứng nhắc đối với danh mục điều kiện đang đề xuất hướng tới loại bỏ, cắt giảm.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước
Ngày 07-11, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu khẳng định, cải cách hành chính là khâu đột phá chiến lược nhằm xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, ổn định và thống nhất, đảm bảo việc tổ chức thực thi pháp luật được hiệu quả. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng trung tâm cải cách hành chính cấp tỉnh, hoàn chỉnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức và công dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu các cấp ủy, chính quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; đổi mới quy trình, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp khi ban hành văn bản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, quy định hành chính để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các quy định hành chính của tỉnh.
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh, gắn với thực hiện đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính các cấp cần đổi mới nội dung và phương thức theo yêu cầu vị trí công tác (kiến thức, kỹ năng và thái độ, hành vi ứng xử) sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác.
Qua 10 năm thực hiện (2007-2017), công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chuyển biến trong lề lối làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến, theo đó thống nhất đầu mối duy nhất trên mạng internet về việc công bố thủ tục hành chính trên toàn tỉnh; kênh tiếp nhận khiếu nại, góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân về thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thống kê và so sánh quá trình thực hiện thủ tục hành chính giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, 100% các cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, tư pháp...; duy trì ứng dụng quy trình tiêu chuẩn quốc gia TCQG ISO 9001:2008 trong hoạt động quản lý nhà nước tại cơ quan. Tỉnh Vĩnh Long hiện có 1.825 thủ tục hành chính, trong đó có 1.338 thủ tục hành chính cấp tỉnh. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức được sắp xếp theo hướng tinh gọn, đa ngành, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên, đổi mới mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân; khắc phục cơ bản được tình trạng “xin - cho”.
TP. Hồ Chí Minh đề xuất giải thể gần 200 ban chỉ đạo
Ngày 12-11, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết UBND thành phố đã đồng ý chủ trương liên quan đến đề xuất của Sở về việc giải thể gần 200 ban chỉ đạo, ủy ban, hội đồng, tổ công tác, tổ liên ngành (gọi chung là ban chỉ đạo).
Tuy nhiên, lộ trình giải thể, cụ thể sẽ do Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh tính toán, quyết định. Giải pháp thay thế cho việc giải thể các ban chỉ đạo, theo Sở Nội vụ, Thành phố đang có chủ trương áp dụng liên thông một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ công tác.
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ, hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 200 ban chỉ đạo, ủy ban, tổ công tác, tổ liên ngành… gọi chung là ban chỉ đạo. Việc thành lập ban chỉ đạo có sự cần thiết nhất định, có ban chỉ đạo thành lập dựa trên chỉ đạo của Trung ương như Ban Chỉ đạo về Cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại…. Muốn thành lập ban chỉ đạo, sở, ban, ngành quận, huyện phải đề xuất với UBND thành phố. Sau khi thành phố đồng ý, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổ chức bộ máy,…
Theo ông Lê Hoài Trung, nếu mỗi sở, ngành, quận, huyện phát huy hết trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước của mình thì không cần lập ban chỉ đạo. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Tài nguyên Môi trường, nếu làm hết chức năng của mình thì không cần lập ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, ban Thu hồi đất… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm, chứ không phải lập ban chỉ đạo, hội đồng để xin ý kiến, khi có chuyện xảy ra lại né trách nhiệm, đùn đẩy cho tập thể…
Hiện, thành phố có 200 ban chỉ đạo, nhưng chỉ có khoảng 20 ban hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, nhiều ban lập ra không có kế hoạch, nề nếp sinh hoạt, không tồn tại được. Trưởng ban chỉ đạo không phát huy hết trách nhiệm, không có họp định kỳ, không triển khai chương trình thực hiện cụ thể cho Ban, dẫn tới thành lập xong để đó.
Ông Trung khẳng định: Việc giải thể 200 ban chỉ đạo là không hề đơn giản, gây nhiều tranh cãi trong các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, qua đề xuất của Sở Nội vụ, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương. Nhưng bỏ ban nào, duy trì ban nào, lại thuộc thẩm quyền của Thường trực UBND thành phố. Bên cạnh đó, theo ông Trung, Thành phố đang có chủ trương áp dụng các chương trình liên thông một cửa điện tử thì không cần ban chỉ đạo, hội đồng.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè lại cho rằng, việc này, Thành phố cần phải rà soát, xem xét lại thật kỹ và thống kê con số cụ thể. Tại huyện Nhà Bè, các ban chỉ đạo vẫn đang hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng. Nếu giải thể, bắt buộc phải có nhân sự thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường thay thế. Trong khi đó, theo quy định, mỗi phòng, ban tại các quận, huyện đều được giao chỉ tiêu nhân sự nhất định, nhiệm vụ cụ thể. Nếu tiếp nhận công việc mới, đòi hỏi phòng phải bổ sung thêm nhân sự để giải quyết công việc. Do vậy, khi đề xuất giải thể, phải xem xét kỹ, đánh giá hoạt động của Ban rồi mới đưa ra đề xuất”.
Còn tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thì đánh giá đề xuất giải thể 200 ban chỉ đạo của Sở Nội vụ là rất quan trọng. Vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước. Giảm số người hưởng ngân sách nhà nước, bộ máy hành chính tinh gọn hơn… Tuy nhiên, để thực hiện được việc này thì sẽ rất khó khăn./.
Petrovietnam và Mitsui đẩy mạnh hợp tác để đạt được lợi ích chung  (13/11/2017)
Petrovietnam và Mitsui đẩy mạnh hợp tác để đạt được lợi ích chung  (13/11/2017)
Binh chủng Tăng thiết giáp phát động đợt thi đua cao điểm  (13/11/2017)
Thanh niên Thành phố mang tên Bác: Mạnh mẽ về bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước  (13/11/2017)
Chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc  (12/11/2017)
Tổng thống Nga, Mỹ phê chuẩn một tuyên bố chung về Syria  (12/11/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển