Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-10-2017

Đức Toàn tổng hợp
15:45, ngày 30-10-2017
TCCSĐT - Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hải Phòng thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính; Đồng Nai sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân; Vĩnh Phúc hỗ trợ cán bộ viên chức thôi việc theo nguyện vọng 6 triệu đồng/năm công tác; Vĩnh Long nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; là những tin nổi bật tuần qua.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chính phủ vừa thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, nội dung phương án đơn giản hóa liên quan đến 3 lĩnh vực: Thủy sản (8 thủ tục); thú y (2 thủ tục); bảo vệ thực vật (5 thủ tục).

Trong đó, với lĩnh vực thủy sản, đơn giản hóa thủ tục cấp phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng máy trưởng tàu cá. Cụ thể, bãi bỏ thành phần hồ sơ là sơ yếu lý lịch trong thủ tục hành chính này quy định tại khoản 3 Điều 9 Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30-6-2008 của Bộ trưởng về ban hành Quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá.

Bên cạnh đó, sửa một số trường thông tin liên quan đến cá nhân xin đi học đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30-6-2008 của Bộ trưởng về ban hành Quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá.

Đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đóng mới. Theo đó, bỏ nội dung về số chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp, địa chỉ thường trú và thay bằng số định danh cá nhân tại Phụ lục 4 Thông tư số 24/2011/TT-BNNPTNT ngày 06-4-2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15-12-2010 của Chính phủ.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hải Phòng thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính của thành phố Hải Phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó tập trung vào nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng đến hoàn thành sớm các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2017.

Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3323/QĐ-UBND về Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước thành phố Hải Phòng năm 2017, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cấp, các ngành; yêu cầu về kết quả, sản phẩm và dự trù kinh phí đảm bảo thực hiện kèm theo. Trên cơ sở đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 tại địa phương, đơn vị mình.

Để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định 522/QĐ-CT ngày 09-3-2017 về việc đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao đối với người đứng đầu sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện. Qua đó, UBND thành phố sẽ đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc của Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố...

Từ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong cải cách hành chính, tại Hải Phòng đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo mới, đang triển khai có hiệu quả, như: Mô hình "một cửa thân thiện", "một cửa điện tử liên thông"; điển hình là mô hình "một cửa về đầu tư cấp thành phố" của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hải Phòng.

Hải Phòng còn tăng cường công tác đối thoại, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chủ trì đối thoại với doanh nghiệp. Trong 9 tháng qua, UBND thành phố đã tổ chức được 6 hội nghị, với số lượng tham gia đối thoại là 234 doanh nghiệp. Kết quả, đã có 14/36 kiến nghị được giải quyết triệt để, 22 kiến nghị đang được UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết.

UBND thành phố cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chuyên mục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng thông tin điện tử của thành phố phù hợp Quy chế tổ chức tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời liên kết, tích hợp với Hệ thống thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Môi trường đầu tư thân thiện, thủ tục hành chính nhanh, gọn, nhẹ cùng với kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, đã mang lại hiệu quả rõ nét cho Hải Phòng. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục chọn Hải Phòng để đầu tư các dự án lớn. Hơn 9 tháng qua, Hải Phòng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 617 triệu USD, nâng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 501 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14,03 tỷ USD. Các Tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup, Him Lam, FLC, Xuân Trường, đã và đang triển khai hàng loạt dự án lớn về đô thị, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục, góp phần tạo nên một diện mạo mới đa sắc của một thành phố đang phát triển theo đúng định hướng là một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Đồng Nai: Sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân

Để giải quyết thủ tục hành chính, thay vì người dân phải đi đến nhiều cơ quan chức năng của địa phương để làm thủ tục thì nay chỉ cần ở nhà và yêu cầu nhân viên đến tận nhà hướng dẫn, nhận hồ sơ và trả kết quả. Đây là một trong những mô hình được Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai triển khai với phương châm “hành chính phục vụ”.

Ông Tạ Quang Trường - Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai cho biết, việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính tại nhà là mô hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ đánh giá Đồng Nai là địa phương có nhiều sáng tạo trong việc triển khai xây dựng và ứng dụng các mô hình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công, áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. Tại đây, người dân chỉ cần đến một địa chỉ để giải quyết thủ tục hành chính mà không cần phải đi đến nhiều cơ quan, đơn vị như trước. Việc ứng dụng mạng xã hội và phương thức giải quyết thủ tục hành chính tại nhà góp phần giúp người dân thuận tiện hơn, tiết kiệm được chi phí thời gian.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, với những sáng tạo trong việc triển khai các chương trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công Đồng Nai, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ sẽ nghiên cứu và nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.

Trung tâm hành chính công Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến ngày 24-10, các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 922.499 hồ sơ của người dân, trong đó có 921.126 hồ sơ đã giải quyết xong; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94,48%.

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ cán bộ viên chức thôi việc theo nguyện vọng 6 triệu đồng/năm công tác

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức thông qua Nghị quyết về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng. Theo đó, ngoài được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật hiện hành, công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng còn được tỉnh hỗ trợ 1 lần với mức 500.000 đồng/1 tháng công tác, tương ứng 6 triệu đồng/năm công tác. Như vậy, người có thời gian lao động, công tác từ 20 đến 25 năm khi thôi việc theo nguyện vọng có mức hỗ trợ 120 đến 150 triệu đồng.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành Đề án tinh giản biên chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh, ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Vĩnh Phúc còn có 890 đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, quỹ; 1.493 tổ chức hội các cấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28.548 biên chế. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể 1.126 người; khối chính quyền 27.422 người.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn. Nhiều nhiệm vụ được thực hiện đúng, vượt kế hoạch. Các cơ quan khối Đảng, đoàn thể ở cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 7 phòng. Các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy cấp huyện đã sắp xếp giảm 7 đơn vị. 8 trên 9 huyện đã xây dựng Đề án bố trí Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giảm một chi cục (do sáp nhập Chi cục đề điều và phòng chống lụt bão vào Chi cục Thủy lợi) và giảm 27 phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành...

Đến cuối tháng 6-2017, cấp tỉnh và cấp huyện ở Vĩnh Phúc đã giảm được 1.388 biên chế. Điều đáng quan tâm là số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tại Vĩnh Phúc hiện có 18.700 người, dự kiến sau khi thực hiện các Đề án, Nghị quyết về tỉnh giản biên chế Vĩnh Phúc chỉ còn 8.073 người (giảm so với số người đang hoạt động hiện nay là 10.627 người).

Nghị quyết về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng được đánh giá sẽ tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu thôi việc tự nguyện. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự hoặc do cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm...

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính

Ngày 24-10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long phối hợp với một số ban, ngành của tỉnh tổ chức tổng kết Hội thi Tìm hiểu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp và người dân năm 2017.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 29 giải thưởng cho các cá nhân có thành tích cao nhất; trong đó giải nhất được trao cho thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Ngân, công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 11 giải cho các tập thể có thành tích cao; trong đó giải nhất thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long.

Hội thi Tìm hiểu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp và người dân năm 2017 tỉnh Vĩnh Long diễn ra từ ngày 13 đến 20-10, thu hút 35 đơn vị đăng ký với tổng số 714 thí sinh dự thi. Các thí sinh dự thi với hình thức trắc nghiệm trực tuyến trên phần mềm do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long xây dựng. Mỗi bài thi được thực hiện trong 30 phút với 25 câu hỏi được sắp xếp ngẫu nhiên từ bộ đề thi gồm 300 câu hỏi.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh cho biết, đây là lần thứ 2 Hội thi được phát động. So với năm 2016, số lượng thí sinh dự thi lần này tăng gấp 1,5 lần. Hội thi được tổ chức đã tạo điều kiện để công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, góp phần phục vụ doanh nghiệp, người dân. Thông qua hội thi, cơ quan chức năng cũng đánh giá khả năng của đội ngũ công chức, viên chức trong việc sử dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác hàng ngày như: Soạn thảo văn bản, khai thác Internet, an toàn thông tin; đánh giá khả năng sử dụng một số dịch vụ công nghệ thông tin đã triển khai ở tỉnh Vĩnh Long như Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của tỉnh, phần mềm một cửa liên thông cấp huyện, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc…

Trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung hội thi theo hướng phù hợp với đặc điểm công việc, chức năng từng sở, ngành để thu hút nhiều đơn vị tham gia, đồng thời đảm bảo kiến thức từ hội thi sẽ phục vụ thiết thực cho công tác của từng đơn vị. Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết để công chức, viên chức nắm rõ kiến thức, kỹ năng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, từ đó ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quá trình công tác, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phục vụ doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả cao trong thời gian tới./.