Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-9-2017
Phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết 13 luật, nghị quyết
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 89 văn bản quy định chi tiết 13 luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo 5 Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo 3 Nghị định, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 1 Nghị định quy định chi tiết Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mỗi bộ chủ trì soạn thảo 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo 2 Nghị định, 18 Thông tư quy định chi tiết Luật Đường sắt (sửa đổi);...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung ưu tiên, bố trí nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định này; đồng thời chủ động ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Khoảng 50% điều kiện kinh doanh sẽ được Bộ Công Thương cắt giảm
Bộ Công Thương cho biết, chiều 15-9, tổ công tác về cải cách hành chính cùng đại diện các vụ, cục đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bản báo cáo rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đồng thời đề xuất lộ trình cắt giảm các thủ tục điều kiện kinh doanh cũng như phương án giám sát cụ thể.
Theo báo cáo của tổ công tác, qua tổng hợp kết quả tự rà soát của các đơn vị, tính đến ngày 12-9-2017, tổng số điều kiện kinh doanh trước rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28). Hai phương án đề xuất cắt giảm đã được đưa ra. Phương án 1: Cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2: Cắt giảm 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với 50,3%. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, đề xuất cắt giảm 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.
Trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo (lĩnh vực này đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn); tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài. 17 ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.
Đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính ngành Giáo dục và Đào tạo
Chính phủ vừa thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 30 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo (24 thủ tục); tiêu chuẩn nhà giáo (2 thủ tục); quy chế thi tuyển sinh (2 thủ tục); hệ thống văn bằng, chứng chỉ (2 thủ tục).
Trong đó, với lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, đơn giản hóa thủ tục đề nghị miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, bỏ thành phần hồ sơ: Bản sao giấy khai sinh, bản sao sổ hộ khẩu (đối với các đối tượng có yêu cầu nộp các thành phần hồ sơ này); giảm bớt các yêu cầu thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, họ tên cha, mẹ học sinh sinh viên, hộ khẩu thường trú tại mẫu đơn đề nghị miễn, giảm học phí; mẫu đơn đề nghị cấp bù tiền miễn, giảm học phí (dùng cho học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập hoặc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế) và thay các thông tin trên bằng số định danh cá nhân.
Với thủ tục chuyển trường đối với học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, bỏ thành phần hồ sơ bản sao giấy khai sinh.
Còn với lĩnh vực quy chế thi tuyển sinh, đơn giản hóa thủ tục đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia. Cụ thể, bỏ thành phần hồ sơ: Bản sao giấy khai sinh (đối với đối tượng thí sinh tự do), bản sao sổ hộ khẩu (đối với đối tượng ưu tiên theo hộ khẩu); giảm bớt các yêu cầu thông tin về giới tính, nơi sinh, hộ khẩu thường trú, ảnh, mã tỉnh, mã huyện, mã trường tại Phiếu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; thay các thông tin trên bằng số định danh cá nhân và chỉ yêu cầu nộp 1 phiếu.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết quả bước đầu trong cải cách hành chính ở Bến Tre
Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ phục vụ nhân dân ở Bến Tre đã đạt được những kết quả bước đầu. Tỉnh đang tiếp tục khắc phục những trì trệ, vướng mắc nhằm từng bước chuyển từ chính quyền quản lý hành chính sang phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả.
Năm 2009, thành phố Bến Tre được UBND tỉnh chọn là đơn vị thí điểm thực hiện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. UBND thành phố được đầu tư các thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông như: Ghế ngồi chờ, máy lấy số thứ tự tự động, ca-mê-ra, máy điều hòa..., các thao tác xử lý công việc của cán bộ, công chức tại đơn vị đều được thực hiện trên máy tính theo quy trình từ đầu vào đến đầu ra, có sự kiểm soát của lãnh đạo. Người dân và doanh nghiệp chủ động hơn về thời gian và kịp thời bổ sung hồ sơ còn thiếu để sớm có kết quả giải quyết cuối cùng. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2016, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố Bến Tre đã giải quyết gần 190.000 hồ sơ, thủ tục hành chính cho các tổ chức và người dân, với tỷ lệ giải quyết đúng hạn chiếm hơn 98%.
Tỉnh Bến Tre cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị các cấp; xây dựng phương pháp đánh giá tác động của thủ tục hành chính đến chi phí xã hội, chi phí quản lý hành chính nhà nước; đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng đơn giản, liên thông, liên kết, hiện đại và thể hiện rõ văn hóa phục vụ. Chất lượng của bộ phận một cửa ngày càng nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn từ 97% trở lên; nhiều đơn vị đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết so với thời hạn quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính ở Bến Tre vẫn còn nhiều vướng mắc, cần nhanh chóng khắc phục, đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người. Theo Chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ công bố năm 2016, Bến Tre vẫn đạt điểm trung bình, với 70,47 điểm, xếp 47 trong số 63 tỉnh, thành phố. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo khẳng định: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định cải cách hành chính là bước đột phá quan trọng, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi không riêng đối với nhà đầu tư mà ở tất cả các lĩnh vực, từng bước và xóa hẳn những phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ đối với người dân. Nỗ lực phấn đấu xây dựng chính quyền phục vụ, chứ không phải "ban phát", "xin cho". Công tác cải cách hành chính được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ này bằng Chương trình hành động, đề án về cải cách hành chính. Trong đó, sự thay đổi nhận thức, hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, coi việc mình làm là phục vụ nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.
Vĩnh Phúc: Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức toàn diện, đáp ứng công việc trong tình hình mới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, các cơ quan thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính, văn bản chồng chéo, bất cập liên quan; xây dựng Đề án chính quyền điện tử, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy trình, quy định, nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính được rà soát, thực hiện công khai, rút ngắn thời gian giải quyết, giúp các tổ chức, công dân hạn chế được thời gian chờ đợi, đi lại.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử; ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc quản lý, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, kết nối cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; hơn 90% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, 95% cán bộ cấp tỉnh có máy tính. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng với trục đường cáp quang, thiết bị đầu cuối được lắp đặt tại 55 đơn vị... Tỉnh đã bàn giao, cấp phát gần 7.900 hộp thư điện tử công vụ cho 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức; triển khai cài đặt hệ thống chữ ký điện tử tại nhiều đơn vị, địa phương. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp công nghệ, tích hợp hệ thống điện tử công vụ.
Nhờ đầu tư đồng bộ hạ tầng, trang thiết bị, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc đang có bước tiến triển khả quan. Tỉnh đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 166 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, gồm: 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thị, thành phố... Toàn tỉnh có 1.652 thủ tục hành chính thuộc 170 lĩnh vực giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Từ năm 2015 đến nay, bộ phận một cửa các cấp nhận tổng số 1.996.213 hồ sơ, đã giải quyết 1.980.186 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 99%...
Chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản
Nhiều kinh nghiệm trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phân cấp, phân quyền và sáp nhập các đơn vị hành chính tại Nhật Bản đã được đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng các chuyên gia, các vị khách mời chia sẻ tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2017. Hội thảo do Bộ Nội vụ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức ngày 14-9.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai nhận định, Việt Nam đang tiến hành cải cách nền hành chính với nhiều thách thức. Bà Nozomi Iwama - Phó Trưởng đại diện cao cấp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cho rằng, cải cách hành chính cũng như cải cách quản trị nền hành chính được coi là một nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam. Nhật Bản sẽ hỗ trợ bằng cách cử chuyên gia tập huấn cho cán bộ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng thường trực, Chánh Văn phòng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Takeshi Miyaji, Nhật Bản và Việt Nam có sự khác biệt về quy mô dân số, mô hình chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương ở Nhật Bản là một hệ thống hai cấp gồm tỉnh, thành phố Trung ương (đô - đạo - phủ - tỉnh) và quận, huyện, thị xã (thị - trấn - thôn). Chính quyền địa phương có nghị viện (HĐND) gồm các nghị viên (ủy viên hội đồng) được người dân bầu cử trực tiếp.
Ngoài các quyết định về ngân sách, HĐND còn có quyền lập pháp trong phạm vi pháp luật quy định. Hoạt động hành chính được thực hiện bởi người đứng đầu được bầu (thống đốc tỉnh, chủ tịch quận, huyện, thị xã). So với các công việc của Nhà nước, khối lượng công việc chính quyền địa phương thực hiện nhiều hơn. Nhiều công việc hành chính mà chính quyền địa phương đảm nhận là các nghĩa vụ được quy định trong pháp luật quốc gia.
Tháng 7-1871, Nhật Bản có 305 tỉnh, thành phố nhưng đến năm 1888, con số này chỉ còn 47 và cơ cấu này được giữ nguyên từ đó đến nay. Từ chỗ có hơn 7 vạn quận, huyện, thị xã vào năm 1888, qua 3 lần sáp nhập lớn vào các đời vua Minh Trị, Chiêu Hòa, Bình Thành, đến nay Nhật Bản còn 1.718 quận, huyện, thị xã. Việc sáp nhập quận, huyện, thị xã đã tạo ra hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng chính quyền địa phương tăng về quy mô nên cơ chế điều hành dịch vụ hiệu quả hơn, ứng phó được với tình hình dân số già, xây dựng thành phố trên diện rộng và tăng cường hiệu quả hành chính, tài chính của các cơ quan công quyền và bố trí nhân sự. Song, cũng có luồng ý kiến cho rằng việc sáp nhập này đã đánh mất sức sống của các quận, huyện, thị xã cũ, không phải khu vực trung tâm. Tiếng nói của người dân khó được phản ánh đến cơ quan hành chính dẫn đến dịch vụ cho người dân giảm sút. Cũng có ý kiến cho rằng việc làm này đã đánh mất truyền thống văn hóa, các địa danh lịch sử trước đây, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân. Như vậy, việc mở rộng quy mô các đơn vị hành chính không hoàn toàn mang lại kết quả tốt, người dân thấy hoạt động hành chính trở nên xa lạ với mình hơn - ông Takeshi Miyaji nói.
Thảo luận tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng dân số Nhật Bản gấp gần 1,5 lần Việt Nam nhưng bộ máy chính quyền tinh gọn hơn rất nhiều. Việt Nam hiện có tới trên 11.000 đơn vị hành chính cấp xã. Các thành phố trọng tâm có xu hướng tách khỏi các khu vực xung quanh, trở thành thành phố độc lập trực thuộc Trung ương. Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong tổ chức chính quyền địa phương Việt Nam nên nghiên cứu học tập./.
Thanh Hóa phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  (18/09/2017)
Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"  (18/09/2017)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-9-2017)  (18/09/2017)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga không ngừng được củng cố  (17/09/2017)
Việt Nam - Đối tác sẵn sàng và mong muốn hợp tác với Canada  (17/09/2017)
Thủ tướng Chính phủ Lào gửi điện thăm hỏi về thiệt hại do bão số 10  (17/09/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên