TCCSĐT - Ngày 05-12-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND về việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục mô hình chuỗi thực phẩm được cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là sự nỗ lực của chính quyền và các doanh nghiệp, sự hỗ trợ và triển khai các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn của tỉnh.

Kế hoạch trên nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ giống nòi, sức khỏe của người tiêu dùng, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nội dung kế hoạch tập trung vào công tác tuyên truyền; đào tạo, tập huấn kiến thức, xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Thanh Hóa đặt mục tiêu đến tháng 6-2018, có 20% trở lên và đến năm 2020, bảo đảm có 50% trở lên thực phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu dùng trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố được cung cấp qua các chuỗi liên kết, được kiểm tra giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn. Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách khuyến khích về phát triển các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Nhiều địa phương cũng có chính sách riêng về tích tụ đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tham gia phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm soát và chứng nhận chất lượng từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện và năng lực của cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế/giết mổ/chế biến, bảo quản, vận chuyển đến kinh doanh (bán cho tổ chức, cá nhân tiêu dùng trực tiếp) trên địa bàn, ưu tiên lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh và tiêu thụ liên tỉnh; sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm (gạo; rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; sản phẩm thủy sản).

Việc lựa chọn cơ sở tham gia mô hình chuỗi được căn cứ theo các tiêu chí: có quy trình giám sát về an toàn thực phẩm cho từng công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm chất lượng. Thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và được cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết hoặc phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sản phẩm trước khi đưa vào tiêu dùng phải được cơ quan chức năng xác nhận sản phẩm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Tự nguyện đăng ký tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với trường hợp chuỗi có từ 2 cơ sở tham gia trở lên thì phải có hợp đồng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản cần chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất của cơ sở; tự nguyện tham gia và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần thiết để đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tính đến tháng 9-2017, toàn tỉnh có 11 mô hình chuỗi thực phẩm được cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chuỗi thực phẩm an toàn này đạt 3 tiêu chí về điều kiện sản xuất, thực hiện chương trình quản lý chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể kể đến chuỗi cửa hàng “Bò Úc Minh Giang” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Anh Minh Giang, xã Lộc Thịnh (huyện Ngọc Lặc). Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội tỉnh và trên cả nước về sản phẩm thịt bò sạch, Công ty Anh Minh Giang đã đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt nhập khẩu từ Ô-xtrây-li-a số lượng 8.000 con bò thịt/năm, quá trình nhập khẩu, chăm sóc, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường chịu sự giám sát chặt chẽ. Công ty đầu tư vùng nguyên liệu ngô dày hơn 2.000ha tại các huyện miền núi, phối hợp với Viện Ngô Trung ương tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất ngô dày làm thức ăn cho bò không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi đạt trọng lượng, bò sẽ được giết mổ tại cơ sở đạt chuẩn theo quy định về giết mổ nhân đạo, sau đó phân phối cho thị trường trong nước bằng cách ký hợp đồng bán trực tiếp cho các công ty thực phẩm. Có thể nói, dù số lượng chưa nhiều, song sự ra đời của các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại Thanh Hóa góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại./.