TCCSĐT - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Năm 2017 là năm Hà Giang đẩy mạnh việc triển khai đến tận cơ sở, qua đó ngăn chặn có hiệu quả đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn giá cả thị trường và thúc đẩy sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Theo đánh giá từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện việc mua sắm, tiêu thụ hàng nội địa do Việt Nam sản xuất. Chỉ đạo các ngành thành viên tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá… Các ngành liên quan đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, đồng thời lồng ghép đưa các nội dung của Cuộc vận động vào công tác chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện cùng với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc thực hiện tốt công tác đưa hàng Việt về nông thôn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Năm 2017, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên triển khai thực hiện một số chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, như: tổ chức Tuần lễ cam sành Hà Giang tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm tỉnh Hà Giang tại Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017; mời các doanh nghiệp, các hợp tác xã tham gia hội nghị, hội chợ triển lãm trong nước năm 2017; làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn AXXIIS Việt Nam về việc hỗ trợ dự án nông dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn trồng hoa tam giác mạch; tham gia gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm sản phẩm hàng hóa các nước Nam Á, Đông Nam Á năm 2017 và Diễn đàn trao đổi đầu tư thương mại tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch về xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc Hà và cam sành trong năm 2017; kế hoạch xúc tiến sản phẩm thịt lợn và gia cầm giai đoạn 2017 - 2020; lựa chọn xây dựng điểm bán hàng nông sản của tỉnh dọc tuyến Quốc lộ 2…

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý tốt thị trường trên địa bàn tỉnh (trong 6 tháng đầu năm 2017 tiến hành kiểm tra 515 vụ, xử lý vi phạm hành chính 463 vụ với 490 hành vi vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước 1.478,382 triệu đồng, trị giá tiêu hủy 329,358 triệu đồng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra 268 cơ sở kinh doanh…). Trong công tác quản lý thương mại, đã tổng hợp, báo cáo tình hình xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016 - 2017; cung cấp thông tin tổ chức lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè; hướng dẫn phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố về phí, lệ phí; triển khai chương trình bảo vệ thương hiệu Việt Nam; triển khai thực hiện kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà chua an toàn sản xuất tại tỉnh Hà Giang năm 2017; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thịt gà đông lạnh, cá đông lạnh, thịt lợn, mỡ lợn chế biến đóng can tiêu thụ trên địa bàn tỉnh… Đối với công tác quản lý xuất, nhập khẩu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh sách 41 thương nhân đủ điều kiện hoạt động mua, bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; 44 doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu; tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thị trường nông, lâm sản tại châu Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc); triển khai phương án thí điểm quản lý, giám sát dịch bệnh gia súc thương phẩm từ ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh...

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, đó là: phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu qua biên giới và các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp...; tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế tại các đơn vị. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hội chợ thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gắn với công tác an sinh xã hội, kết hợp tổ chức tốt việc giới thiệu, quảng bá hàng hóa, nông sản của tỉnh với du khách trong nước và quốc tế; tăng cường bình ổn giá thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển đưa hàng Việt về nông thôn, sử dụng nhiều mặt hàng là thế mạnh của địa phương để cạnh tranh với mặt hàng nước ngoài.../.