Giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Di sản văn hóa là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, gắn kết cộng đồng; đồng thời là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới cũng như thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa. Bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa là hoạt động quan trọng của cộng đồng nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc. Và, cũng chính các giá trị ấy tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đây chính là nhiệm vụ thứ tư được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa càng trở nên bức thiết hơn khi các di sản văn hóa, nhất là văn hóa vật chất của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những biến động của thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cùng những hệ lụy của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ký ức kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) có ý nghĩa to lớn trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; đồng thời là sự đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Cội nguồn và giá trị văn hóa ký ức kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Cội nguồn kho mộc bản
Chùa Vĩnh Nghiêm ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do tam tổ Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Huyền Quang Lý Đạo Tái và Pháp Loa Đồng Kiên Cương xây dựng thành Thiền viện, đào tạo tăng đồ và quảng bá Phật giáo từ cuối thế kỷ XIII. Đến nay, chùa vẫn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đặc biệt quý giá là kho mộc bản gồm 3.050 tấm ván rời, được khắc để in kinh, sách, giới luật Phật giáo. Đây là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện nay được lưu giữ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Trong khoảng thời gian khá dài từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX, chùa Vĩnh Nghiêm luôn là nơi ấn hành kinh sách Phật quan trọng của Việt Nam. Nhà chùa đứng ra tổ chức in ấn và giám sát công việc chung như lưu trữ, phát hành ấn phẩm đến chư vị Phật tử ở các ngôi chùa khác trong cả nước. Trực tiếp chế tác mộc bản, in sách, đóng sách là những phường thợ chuyên nghề khắc mộc bản ở Liễu Tràng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) được nhà chùa mời đến tác nghiệp. Tuy nhiên, do chiến tranh liên miên và khí hậu khắc nghiệt, các mộc bản san khắc trước thế kỷ XIX đã thất tán nhiều, 3.050 tấm mộc bản hiện còn chủ yếu được chế tác từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Nội dung khắc trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm và các hệ phái kế tiếp biên soạn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII. Về hình thức, trong số 3.050 ván rời, có một số ít ván khắc có khuôn khổ ván khắc sớ, điệp, phục vụ nghi thức tang lễ của người theo đạo Phật, còn đa phần là mộc bản của 9 đầu sách, được chia thành ba nhóm:
- Kinh Phật: có hai bộ kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (gọi là kinh Hoa Nghiêm, cả phần kinh và phần chú giải) và A Di Đà kinh.
- Giới luật nhà Phật: gồm Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh.
- Sách: gồm Thần du Tây phương ký, Tây phương mĩ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình - Thiền tông bản hạnh.
Những giá trị văn hóa ký ức
Về giá trị tôn giáo
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sự hiện thực hóa, hữu hình hóa tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông - vị hoàng đế có “duyên nghiệp” với Phật giáo, đi tu sáng lập. Đây là chi phái Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu và thăng hoa Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thể hiện bản lĩnh Việt Nam trong việc tiếp biến tinh hoa văn hóa nước ngoài. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm đánh dấu quá trình Việt Nam hóa Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc.
Sự độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm là phương thức tu hành coi trọng tự lực, từ bỏ cách tu hành dựa vào tha lực; từ bỏ lòng ngưỡng mộ đối với các thế lực thần bí siêu nhiên, hướng đến việc coi Phật chính là vật báu bản thân mình (Phật tại tâm). Tinh thần tự lực của Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần tạo nên “hào khí Đông A” một thời. Bên cạnh đó là thuyết tùy duyên, sống thuận theo quy luật của tự nhiên, lạc quan trước mọi hoàn cảnh. “Tùy duyên” là sự tự do, tự tại, hành xử tự nhiên - một loại thuyết pháp “bình thường tâm là đạo” mà Thiền gia thường đề xướng, cùng với tâm của mình là Phật, mà ai ai cũng có đủ. Vật báu chính là “bản thể - tâm trong sáng” ở ngay trong mỗi con người. Những tư tưởng này được các thế hệ Thiền sư tiếp nối quảng bá và nhanh chóng được người Việt Nam tiếp nhận.
Về giá trị ngôn ngữ
Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Ngoài một số mộc bản được khắc bằng chữ Hán thì chữ Nôm được dùng khá phổ biến. Đó là loại văn tự của riêng người Việt Nam, được sáng tạo ra từ thế kỷ XI trên cơ sở các ký tự chữ Hán Trung Quốc, ghi âm tiếng Việt. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Những văn tự chữ Nôm này đã được sử dụng rất phổ biến, có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cao tăng trong Thiền phái Trúc Lâm cũng như các trí thức đương thời. Chữ Nôm được dùng để viết các lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, ngắn gọn, dễ hiểu qua lăng kính người Việt Nam nên rất thuận lợi cho việc phổ biến tư tưởng và giáo lý nhà Phật vào dân gian. Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm ở Mỹ đã chọn mẫu chữ Nôm từ sách Thiền tông bản hạnh trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm để đưa vào làm mẫu tự trong Tự điển. Điều đó khẳng định tính chuẩn mực của mẫu chữ Nôm trong mộc bản cũng như sự tinh tế, tính thẩm mỹ cao của tư duy và văn hóa Việt Nam.
Về giá trị văn học
Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, còn có nhiều tác phẩm có giá trị văn học như: Thần du Tây phương ký, Tây phương mĩ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình - Thiền tông bản hạnh.
Tập Thiền tông bản hạnh gồm 8 tác phẩm văn học viết theo thể phú hoặc diễn ca, dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền tụng. Thủ pháp “dùng thơ nói Thiền”, thể hiện quan niệm đậm chất triết lý Thiền bằng các hình tượng cụ thể sinh động nên người đọc dễ tiếp nhận. Vì vậy, dù miêu tả “thú lâm tuyền thành đạo”, hay miêu tả cảnh đẹp của sơn lâm, mỹ tự vẫn là sự thể hiện cảnh giới của tâm hồn người đắc đạo, có tác dụng trao truyền cho thế hệ nối tiếp hướng theo tinh thần đề cao, rèn luyện nội lực của Thiền.
Về giá trị mỹ học
Hệ thống mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được chia thành ba loại, mỗi đơn vị mộc bản lại có tiêu chí riêng thống nhất, mỗi trang ván chỉ là một đơn vị độc bản, điều đó cho thấy tính phức tạp, cầu kỳ, độ chính xác và tính nghệ thuật cao được thể hiện trên từng đơn vị điêu khắc. Người thợ khắc gỗ thường chọn loại gỗ thị thớ mịn, ít bị cong vênh để làm vật liệu chế tác. Công việc đòi hỏi người thợ phải rất thành thạo quy luật viết chữ Hán, chữ Nôm với trình độ thẩm mỹ cao, bàn tay tài hoa, đôi mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng. Con chữ được khắc ngược, hầu hết được tận dụng cả hai mặt ván, phần lớn là loại chữ chân dễ đọc, khắc sâu khoảng 1mm đến 1,5mm, kích thước khổ lớn nhất là các loại sớ điệp dài hơn 100cm, rộng 40cm đến 50cm nhưng thông thường là 33cm x 23cm x 2,5cm. Trên các tấm ván khắc, trang đầu hay trang cuối mỗi văn bản đều khắc chú thời gian chế tác, tên người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản rất cẩn thận. Bản khắc nào cũng rõ ràng, cân đối, đẹp như những tác phẩm thư pháp.
Về giá trị về y học
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn đúc kết những kinh nghiệm dân gian, tinh hoa về y dược đương thời. Những căn bệnh thường gặp về thời khí hay tai nạn như cảm, sốt, bệnh sởi, bệnh đậu, cấp cứu người đuối nước, giúp sản phụ sinh nở,… cùng những bài thuốc nam “cây nhà lá vườn” được ghi lại. Cách thức chữa bệnh và các phương thuốc dân gian dễ kiếm được lưu lại rất có giá trị cả về thực tiễn và khoa học trong việc phục vụ sức khỏe và đời sống nhân sinh. Tấm lòng “từ bi hỉ xả”, “cứu nhân độ thế” của các Thiền sư Trúc Lâm vừa được thực thi, thể nghiệm vừa được quảng bá. Đây là phương cách để hoằng dương Phật pháp, phát huy tối đa những chức năng nhân từ, độ thế của nhà chùa trong việc phổ độ chúng sinh.
Về giá trị trong giao lưu văn hóa
Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm được in ra từ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được bảo lưu, quảng bá trong một thời gian dài và không gian rộng lớn qua hệ thống chùa chiền khắp cả nước. Tư tưởng ấy đã thấm nhuần sâu trong đời sống cộng đồng và lan tỏa ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Ở Việt Nam, hiện có hàng trăm Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm, biểu tượng của nó không phải chỉ có ở Bắc Giang mà xuất hiện ở nhiều nơi, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm phát triển khá mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử nhiều nước trên thế giới. Thơ Nôm của các vị cao tăng Thiền phái Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu đậm đến ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. Nhiều người nước ngoài đã học chữ Nôm để nghiên cứu, khai thác kho tàng thơ, văn chữ Nôm Việt Nam và tìm hiểu, giới thiệu rộng rãi văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Văn học thuộc Thiền phái Trúc Lâm mang đậm âm hưởng Thiền sâu sắc, hòa với dòng văn học nhân đạo và yêu nước Việt Nam, mang tư tưởng nhân văn hướng thiện của đạo Phật, đã góp phần làm phong phú kho tàng văn học Thiền tông thế giới mà những tác phẩm được mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm bảo lưu là những đóng góp đáng kể.
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ký ức kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Khối lượng mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với những giá trị độc đáo về văn hóa vật thể và phi vật thể không chỉ là tài sản vô giá của dân tộc mà còn là di sản văn hóa thế giới. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này để tạo sự kết nối giữa truyền thống - hiện tại - tương lai, mở rộng giao lưu văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng di sản văn hóa này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại. Thứ nhất là, mộc bản đã cũ, tấm ván có niên đại muộn nhất cũng đã qua gần 80 năm nên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hại. Thứ hai là, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, độ ẩm cao và biến đổi bất thường rất dễ sinh nấm mốc và mối mọt. Bên cạnh đó, nguy cơ về thiên tai và sự thiếu cẩn trọng của con người cũng có thể dẫn đến việc kho tàng mộc bản này bị hủy hoại. Thứ ba, nguồn nhân lực và nguồn tài chính còn thiếu; nhận thức của người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa thật đầy đủ nên ý thức bảo vệ và gìn giữ nó chưa cao. Nếu việc bảo quản vẫn theo phương thức thủ công như hiện nay thì kho tàng văn hóa này không thể tồn tại lâu dài. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ký ức chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang, các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, trước hết, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này cần được đẩy mạnh, để các giá trị tiềm ẩn của di sản văn hóa ký ức chùa Vĩnh Nghiêm thấm sâu vào đời sống nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên. Hoạt động truyền thông cần được tiến hành thường xuyên và đa dạng hóa, cả về nội dung lẫn hình thức. Ví dụ, việc tổ chức các lễ hội, các hội thảo khoa học, các tuần lễ văn hóa,… cần được lồng ghép vào các nội dung hoạt động để vừa nâng cao giáo dục truyền thống vừa tạo ra động lực tinh thần của xã hội về văn hóa.
Hai là, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Quy hoạch hệ thống di sản văn hóa ký ức Vĩnh Nghiêm cần được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Giang và địa phương Yên Dũng. Cần coi trọng việc gắn quy hoạch phát triển du lịch và dịch vụ, diễn ra trong không gian văn hóa huyện Yên Dũng và mở rộng ra toàn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ngành văn hóa cần có sự phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương để khảo sát lại hiện trạng, tiến hành phân loại, sắp xếp thứ tự, đánh giá đúng về các giá trị của di sản để có hướng bảo lưu và phát huy phù hợp. Bên cạnh quy hoạch tổng thể, vẫn cần chủ động đưa ra những quy hoạch cụ thể ở các quần thể, các khu di tích trọng điểm. Ngành văn hóa Bắc Giang đã đề nghị trong quy hoạch chùa Vĩnh Nghiêm phải đầu tư xây một công trình với trang bị phương tiện hiện đại nhằm bảo quản tốt nhất kho mộc bản, thay vì bảo quản thủ công như hiện nay, quy hoạch lại vườn gỗ thị như một minh chứng cho nghề in khắc mộc bản đã từng diễn ra ở nơi đây hàng trăm năm trước… Ngoài ra, cần quan tâm tới quy hoạch liên vùng, giữa chùa Vĩnh Nghiêm với các di sản văn hóa khác trên địa bàn tỉnh để xây dựng được “bản đồ di sản” trong không gian văn hóa vùng.
Ba là, xây dựng và huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.
Cần quan tâm đầu tư nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, nguồn tài trợ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo quản lý và phân phối ngân sách sao cho phù hợp với từng đầu việc cụ thể của ngành văn hóa, đặc biệt cần bố trí một khoản ngân sách ổn định phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trọng điểm như kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn trong nghiệp vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể có nhiều giá trị tổng hợp về tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, y học,… như di sản văn hóa ký ức mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là một hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao và sự liên kết với các chuyên gia. Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trao truyền và giới thiệu rộng rãi giá trị di sản văn hóa ký ức Vĩnh Nghiêm. Kho mộc bản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tỉnh Bắc Giang kiểm kê, phân loại, đánh giá thực trạng, tiến hành mã hóa, số hóa nguồn di sản ký ức này để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn; đồng thời tập trung đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn hóa, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý di sản văn hóa này từ cấp tỉnh đến các huyện và cơ sở.
Năm là, cần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ký ức Vĩnh Nghiêm với hoạt động du lịch tỉnh Bắc Giang.
Ngành văn hóa Bắc Giang cần tổ chức thường xuyên các hoạt động nghiên cứu khoa học, quảng bá di sản, phối hợp giữa các địa phương để mở rộng không gian tôn giáo tâm linh của di sản ký ức Vĩnh Nghiêm gắn với không gian văn hóa tâm linh Trúc Lâm Yên Tử, với tinh thần kết nối truyền thống Thiền phái Trúc Lâm chốn Tổ rộng ra cả nước và quốc tế./.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê giành thắng lợi.  (22/07/2013)
"Sức mạnh thương mại nghiêng về nền kinh tế mới nổi"  (21/07/2013)
Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc  (21/07/2013)
Đại hội đại biểu Hiệp hội Paralympic Việt Nam khóa IV  (21/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên