Tín tâm và quyết tâm trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Tạ Quang Đạo Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng, Bắc Ninh
21:37, ngày 28-04-2013

TCCSĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của việc quán triệt và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng. Người coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí sắc bén”, là “thang thuốc đặc trị” những căn bệnh nguy hiểm mà một số cán bộ, đảng viên mắc phải như tham ô, lãng phí, quan liêu,…

Để thang thuốc này thực sự có tác dụng, bên cạnh thái độ nghiêm túc, trung thực, Người còn đòi hỏi ở mọi người mà trước hết là ở từng cán bộ, đảng viên phải có tín tâm và quyết tâm trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: “Trong Đảng, nơi có một vũ khí mạnh nhất để khắc phục khó khăn là phê bình và tự phê bình. Nó là vũ khí sắc bén, dùng nó thì phải đau khổ. Mà đau khổ thì sẽ đi đến thành công. Mà muốn thành công thì phải tín tâm và quyết tâm” (1).

Tín tâm không gì khác chính là lòng tin. Lòng tin ở trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quán triệt, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Bởi suy đến cùng, tự phê bình và phê bình là quá trình tự đấu tranh không khoan nhượng diễn ra trong nội tại mỗi cán bộ, đảng viên; trong nội tại từng tổ chức, đơn vị: Đấu tranh giữa cái tích cực với cái tiêu cực, giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể,… Cuộc đấu tranh này diễn ra liên tục, gay go và quyết liệt vì nó trực tiếp liên quan tới lợi ích, tới thể diện và lòng tự trọng của mỗi người. Do đó, từng cán bộ, đảng viên chỉ có thể thực hiện tự phê bình và phê bình một cách có hiệu quả khi và chỉ khi họ có tín tâm, có lòng tin: Tin vào ý chí cố gắng, nghị lực phấn đấu của bản thân; tin vào tinh thần đấu tranh, tính chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng;… Lòng tin là cơ sở thôi thúc họ vươn lên khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, là động lực giúp họ tự đấu tranh và đánh bật những cái tiêu cực, lạc hậu ra khỏi bản thân mình, tổ chức mình.

Song nếu chỉ dừng lại ở tín tâm, dừng lại ở lòng tin thì chưa đủ. Muốn thực hiện tự phê bình và phê bình một cách hiệu quả, để công tác xây dựng Đảng thực sự có chất lượng, cùng với tín tâm mỗi người còn cần phải có quyết tâm. Tín tâm là cơ sở của quyết tâm, nếu không có tín tâm thì không thể có quyết tâm. Mục đích cuối cùng của tự phê bình và phê bình là gì? Đó chính là giúp cho từng cán bộ, đảng viên cũng như các đơn vị nhận rõ và khắc phục được những khuyết điểm, hạn chế mà mình đã mắc phải, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động để mọi người cùng nhau tiến bộ hơn, công tác tốt hơn. Để thực hiện được mục đích này hoàn toàn không đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi người nhất là cán bộ, đảng viên phải có ý chí quyết tâm rất cao. Quyết tâm để tự chiến thắng chính mình, đấu tranh và loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực ở ngay trong chính con người mình, tại chính đơn vị mình.

Tín tâm và quyết tâm luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, đóng vai trò là những nhân tố quan trọng không thể thiếu để tiến hành tự phê bình và phê bình có hiệu quả. Tình trạng cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, tổ chức còn tự phê bình và phê bình một cách chung chung, hình thức chính là do họ chưa có đủ tín tâm và quyết tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có quyết tâm, tín tâm thì tiến bộ. Người kém tranh đấu thì thoái bộ” (2).

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, một năm qua chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng mừng trong công tác xây dựng Đảng trên cơ sở đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng”, nâng cao chất lượng thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Phát huy những kết quả đã đạt được, thiết nghĩ từng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, bồi dưỡng tín tâm và quyết tâm ở mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp quyết định đến hiệu quả thực hiện tự phê bình và phê bình nói riêng và hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng hiện nay nói chung./.

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 8, tr. 9

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 8, tr. 5