Đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
* Sáng 20-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, tiến bộ; tiếp cận nhiều giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn đất nước hiện nay, đặc biệt vấn đề quyền con người được nhấn mạnh và đề cao hơn. Cùng với đó Dự thảo đã tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ta là Nhà nước nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước.
Bàn về chế định dân chủ trong Dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến đề nghị, cần kế thừa tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp năm 1946: Dân chủ là cốt lõi của mọi vấn đề và nhân dân ở vị trí cao nhất trong xã hội. Những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Mọi người, trong đó có đảng viên và cán bộ công chức đều là công bộc của dân. Định chế dân chủ gắn liền với xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
GS. Lưu Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Nhân dân phải là chủ thể của quá trình lập hiến. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân. Cùng với đó, Nhà nước tạo điều kiện và đảm bảo cho nhân dân thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức là giám sát và phản biện.
Góp ý vào Điều 5, đại biểu Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị xác định và bổ sung “Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược và lâu dài”, vấn đề này đã được Văn kiện các Đại hội của Đảng ta xác định. Đồng thời Hiến pháp cần thể chế các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết giúp nhau phát triển tiến bộ.
Liên quan đến vấn đề hệ thống chính trị, các ý kiến khẳng định đây là vấn đề quan trọng, quyết định mọi hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Do đó, cần làm rõ vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân... Các đại biểu đồng tình và đánh giá cao các Điều liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam. Đồng thời mong muốn bổ sung chức năng của MTTQ Việt Nam là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân Việt Nam và khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và Nhà nước bảo đảm hoạt động của MTTQ.
Góp ý vào Điều 25 liên quan đến vấn đề tôn giáo, một số ý kiến đề xuất, nên bổ sung quy định Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống tôn giáo. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tôn trọng lẫn nhau. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật...
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ và quy định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng của các dân tộc. Bên cạnh đó là các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, phát huy nội lực của các dân tộc...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý vào các vấn đề liên quan quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vấn đề lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, vấn đề hôn nhân, nhất là cấm hôn nhân cận huyết thống, quyền sống của con người, vấn đề bảo vệ môi trường...
* Ngày 20-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thành phần tham dự Hội nghị, ngoài các đại biểu Quốc hội khoá 13, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa, còn có các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trên địa bàn tỉnh, tham gia đóng góp ý kiến.
Hầu hết các đại biểu đều tán thành với những nội dung mà Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 đưa ra. Một số ý kiến cho rằng Chương II về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã khẳng định rõ giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Các đại biểu tập trung góp ý về các vấn đề: xây dựng Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử, sự cần thiết phải xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong Hiến pháp, đồng thời khẳng định vai trò của đại biểu Quốc hội trong xã hội hiện nay.
Ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu và cho rằng, ngoài việc tổng hợp các ý kiến, đây sẽ là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới.
* Tại phiên thảo luận ngày 20-3, các đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã đóng góp nhiều ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Về phần lời nói đầu, có ý kiến đóng góp đề nghị thay cụm từ “mấy nghìn năm lịch sử” bằng cụm từ “hàng ngàn năm lịch sử”; đề nghị bổ sung cụm từ “yêu nước” vào đoạn đầu sau cụm từ “truyền thống”, vì yêu nước là một truyền thống đã được nhân dân ta hun đúc nên và trải qua mấy ngàn năm lịch sử; đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN” vào đoạn cuối để thay cụm từ “thi hành Hiến pháp” và sửa lại như sau: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tại Khoản 3, Điều 13 có nêu: Quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm tác giả bài hát; đề nghị quy định rõ “Ngày quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”. Tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có ý kiến đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn quyền và những quyền không thể bị giới hạn.
Tại Khoản 3, Điều 110 quy định: “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán; việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật định”, có ý kiến đề nghị Hiến pháp nên quy định cụ thể hơn, nhiệm kỳ của thẩm phán là 5 năm. Có ý kiến thay cụm từ “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương” cho phù hợp với tên Chương. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần có điều quy định về thanh niên, vì đây là lực lượng xã hội hùng hậu, Bác Hồ xem thanh niên là rường cột của nước nhà, Đảng ta xem thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, được đặt ở vị trí trung tâm để chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1958, 1992 đều có quy định về thanh niên.
* Ngày 20-3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng các sở, ngành trong tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số hạn chế, mới chỉ chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới, mà chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những đảo lộn về cuộc sống, nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này, đồng thời bổ sung nguyên tắc: Trước khi thu hồi đất, phải lập phương án tái định cư rõ ràng, để tránh những vướng mắc trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ hơn về tiền thuê đất, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực, thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết: Người dân hiện quan tâm nhất đến giá đất, các khiếu nại trong thời gian qua trên lĩnh vực đất đai đa số cũng từ giá đất mà ra. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định được giá đất đúng theo cơ chế thị trường. Hiện nay, việc định giá đất chưa hợp lý, cần giao cho một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp, bảo đảm công bằng, thỏa đáng. Dự thảo cũng mới chỉ đề cập hình thức thu hồi, song thực tế còn có các hình thức trưng mua, trưng thu, vì vậy Luật cần bổ sung những chương, điều quy định rõ vấn đề này.
Về cơ chế giá đền bù đất, hiện vấn đề thu hồi đất có 2 dạng: Phục vụ lợi ích quốc gia và cho các doanh nghiệp. Theo các đại biểu, đối với trường hợp đền bù để giao đất cho doanh nghiệp thì phải có thỏa thuận về giá, nếu phục vụ lợi ích quốc gia thì áp dụng theo khung giá của Nhà nước. Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), một số đại biểu nêu thực tế hiện nay có những khu đất hợp pháp nhưng do thiếu giấy tờ (đất do cha, ông để lại) nên không được cấp sổ đỏ. Để tạo thuận lợi cho người dân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên có những quy định cụ thể về các trường hợp này.
* Ngày 20-3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng và nguyên Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh các khóa về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực với đời sống nhân dân.
Hội nghị nhất trí đánh giá: Sau 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai, vận hành thị trường bất động sản. Dự thảo Luật Đất đai lần này còn có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong thời gian qua, đã luật hóa nhiều thông tư, văn bản dưới luật, người dân rất đồng tình, phấn khởi. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lần này vẫn chưa bám sát thực tế. Mặc dù Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung, nhưng nhiều đại biểu không yên tâm với quyết định thu hồi đất, đề nghị nên thu hẹp diện đất thu hồi; bỏ điều khoản thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội; ... Luật nên quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai khi thu hồi, phải giải quyết ngay việc bồi thường bởi trong thực tiễn sau rất nhiều năm mới giải quyết bồi hoàn, đồng tiền mất giá, chưa kể đến việc thay đổi quy hoạch kéo dài, không đáp ứng được quyền lợi của nhân dân như mục đích và ý nghĩa của Luật.
Hầu hết các ý kiến đóng góp đều cho rằng: Đất đai là tài sản gắn liền với sản xuất, đời sống của nhân dân, là điều kiện tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước, như vậy không nên quy định thời hạn sử dụng 50 năm và mức hạn điền, bởi Nhà nước "có giao" thì phải "có gia hạn" sẽ làm lãng phí công sức thời gian và tiền của. Trong thực tế, phần lớn điện tích đất nông nghiệp hiện đã quá thời hạn sử dụng, nên giao đất nông nghiệp trong mức hạn điền 3 ha "được cấp Giấy ổn định lâu dài", không quy định thời gian và định mức hạn điền bởi Nhà nước đã cho phép nông dân "có quyền được chuyền nhượng".
Luật Đất đai liên quan đến tất cả cộng đồng và hầu hết các lĩnh vực của xã hội, khi thực thi sẽ mang lại quyền lợi và nghĩa vụ rất lớn đối với nhân dân và sự phát triển của đất nước. Hầu hết các ý kiến đề nghị Quốc hội nên lùi thời gian thông qua luật, ít nhất là sau khi Hiến pháp được thông qua để tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp tục nghiên cứu sâu sát hơn, để khi Luật thực thi sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
* Ngày 20-3, UBND tỉnh Thái Nguyên và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đại diện một số doanh nghiệp, trường học, xã, phường trên địa bàn tỉnh…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 14 Chương, 206 Điều, trong đó nhấn mạnh những Chương mới như: Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, gồm 2 mục, 16 Điều (từ Điều 12 đến Điều 27) quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai. Chương IX về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai gồm 5 Điều, từ Điều 115 đến Điều 119. Tại các Chương có nhiều điểm mới như: Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng là 50 năm; còn thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá 50 năm. Hoặc quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp; những điểm mới trong nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất (ví dụ: Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, sau đó giao đất, cho thuê đất... đồng thời bỏ cơ chế giao đất theo dự án, hạn chế giao đất không thu tiền sử dụng đất...).
Hội nghị đã có gần 20 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao các nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời đề nghị bổ sung nhiều nội dung, tập trung vào các vấn đề: địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tài chính đất đai và giá đất; giám sát thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
Đến nay, Thái Nguyên đã có 100% huyện, thành phố, thị xã tổ chức xong hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân với trên 700 ý kiến tham gia trực tiếp và gián tiếp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp gửi tới cơ quan cấp trên.
* Ngày 20-3, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 200 cán bộ lãnh đạo từ cấp xã đến cấp tỉnh tham dự.
UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) phải đảm bảo các yêu cầu: Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân nhân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo; ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm…
Về nội dung, hình thức: Lấy ý kiến toàn bộ Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) gồm các Chương, Điều, Khoản; hiệu lực của Luật; kỹ thuật trình bày các quy định của Luật. Việc lấy ý kiến đóng góp thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị; góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm, đối với cá nhân góp ý bằng văn bản gửi qua đường bưu điện không phải dán tem; góp ý thông qua Báo Ðắk Nông, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Sở Tài nguyên & Môi trường. Ðối tượng lấy ý kiến gồm HÐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp; các tầng lớp nhân dân…/.
"Việt Nam ủng hộ Myanmar là Chủ tịch ASEAN 2014"  (20/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long  (20/03/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh  (20/03/2013)
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội  (20/03/2013)
Xây dựng Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc  (20/03/2013)
Tổng thư ký ASEAN: Nga là đối tác quan trọng của ASEAN  (20/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên