Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên công nhân

TS. Nguyễn Bích Điểm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
14:52, ngày 05-12-2012
TCCSĐT - Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên công nhân là một trong những chủ đề quan trọng, sẽ được thảo luận tại Đại hội Đoàn toàn quốc sắp tới.

Những năm gần đây, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là Đoàn, Hội) trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tại một số địa phương, tổ chức Đoàn, Hội đã được thành lập trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh và đã triển khai hoạt động để đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên công nhân. Một số mô hình, một số cách làm có hiệu quả đã và đang xuất hiện. Các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức góp phần hỗ trợ thanh niên công nhân trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và đang đứng trước những thách thức như: số lượng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn hạn chế so với số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này; hoạt động Đoàn, Hội khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn yếu, nội dung nghèo nàn, hình thức đơn điệu, kém hấp dẫn; thời gian, địa điểm, kinh phí hoạt động của Đoàn, Hội còn gặp nhiều khó khăn.

Trước sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và song song với nó là sự gia tăng số lượng thanh niên công nhân làm việc trong các doanh nghiệp này, nhiệm vụ tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội tại doanh nghiệp nơi họ làm việc đã trở nên cấp bách.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra dư luận về đời sống, lao động, việc làm và nhu cầu của thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (do Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3-2012 với 600 thanh niên công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh), vấn đề tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của thanh niên về việc tham gia hoạt động trong các tổ chức Đoàn, Hội đã được nêu ra và được khảo sát, phân tích. Kết quả nghiên cứu này có thể góp phần vào việc tìm câu trả lời cho câu hỏi mà lâu nay dư luận xã hội vẫn băn khoăn: Có đúng là thanh niên hiện nay thờ ơ với Đoàn, với Hội?

Qua những kết quả mà cuộc điều tra thu được, có thể bước đầu nhận thấy một số nét chính như sau:

Về nhu cầu tham gia tổ chức Đoàn, Hội

Hiện nay, số lượng thanh niên công nhân (đang làm việc tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh) có mong muốn được tham gia tổ chức Đoàn, Hội là rất lớn. Đa số thanh niên tham gia khảo sát (73,8%) cho rằng việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp là cần thiết; một số ít (22%) có quan điểm trung lập, cho rằng việc này có cũng được, không có cũng được; rất ít người (4,2%) cho rằng việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp là không cần thiết.

Số lượng thanh niên công nhân có nhu cầu tham gia tổ chức Đoàn là lớn nhất so với số lượng những người có nhu cầu tham gia các tổ chức khác như các hội nghề nghiệp hay các nhóm hoạt động theo sở thích. Đây là một điều kiện thuận lợi để tổ chức Đoàn có thể đẩy mạnh việc thành lập tổ chức cũng như đẩy mạnh hoạt động đoàn kết, tập hợp lực lượng này.

Với những người đã là đoàn viên nhưng hiện không tham gia sinh hoạt Đoàn thì mong muốn được tham gia sinh hoạt Đoàn của họ là khá lớn (84,2%). Chỉ một số ít (15,8%) không muốn tiếp tục tham gia sinh hoạt Đoàn vì lý do chủ yếu là thích được tự do, không phải chịu sự quản lý của tổ chức (44,4%) và thích tham gia vào các hoạt động do doanh nghiệp tổ chức (33,3%).

Về mô hình hoạt động phù hợp của tổ chức Đoàn, Hội

Thanh niên công nhân mong muốn việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp sẽ được triển khai theo hướng hình thành chi Đoàn, chi Hội tại doanh nghiệp. Gần 2/3 số thanh niên tham gia điều tra (62,3%) mong muốn tổ chức Đoàn, Hội sẽ được thành lập và hoạt động với hình thức chi Đoàn, chi Hội tại chính doanh nghiệp. Lý do chủ yếu khiến thanh niên công nhân mong muốn thành lập tổ chức Đoàn, Hội tại doanh nghiệp là để họ có điều kiện thuận lợi (về thời gian, địa điểm…) khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt của Đoàn, Hội; được doanh nghiệp tạo điều kiện tham gia và ghi nhận những thành tích trong việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội; các đoàn viên, thanh niên sẽ được gần gũi, hiểu nhau hơn khi cùng tham gia sinh hoạt, hoạt động Đoàn, Hội tại doanh nghiệp.

Các mô hình tổ chức Đoàn, Hội ngoài doanh nghiệp (tại khu nhà trọ; tại khu nhà lưu trú; hoạt động theo Đoàn cơ sở của địa phương) không được thanh niên đề xuất và đánh giá cao (tỷ lệ lựa chọn trên dưới 10%) với những lý do chủ yếu là họ sẽ gặp khó khăn về thời gian, địa điểm khi tham gia sinh hoạt và hoạt động Đoàn, Hội tại nhà trọ, nhà lưu trú hoặc tại địa phương vì thanh niên, người lao động thường có sự thay đổi chỗ ở. Điều này gây khó khăn cho thanh niên trong việc tham gia sinh hoạt và các hoạt động Đoàn, Hội một cách ổn định, lâu dài.

Mong muốn loại hình hoạt động của Đoàn, Hội phù hợp

Thanh niên công nhân đánh giá cao sự cần thiết của các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức (trên 57% ý kiến). Trong số các hoạt động đó thì giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí và thăm quan, du lịch …là những loại hình hoạt động mang giá trị tinh thần giao lưu, hiểu biết lẫn nhau được đại đa số thanh niên lựa chọn. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ (78,0%); trang bị kiến thức về sức khỏe và an toàn lao động (70,8%); trang bị các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống (71,0%) cũng được thanh niên công nhân cho rằng Đoàn, Hội cần triển khai khi được thành lập. Một nhu cầu nữa mà thanh niên công nhân mong muốn sẽ được Đoàn, Hội giúp đỡ thông qua hoạt động của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (74,0%).

Về điều kiện thành lập tổ chức Đoàn, Hội và triển khai hoạt động

Thanh niên công nhân đưa ra 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội và triển khai các hoạt động Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Nhóm yếu tố thứ nhất liên quan đến cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách của doanh nghiệp (trong đó quan trọng nhất là sự đồng thuận, tạo điều kiện của doanh nghiệp) là rào cản lớn nhất trong việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội cũng như triển khai các hoạt động của Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Nhóm yếu tố khó khăn thứ hai liên quan đến tính chất công việc trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Do tính chất công việc (căng thẳng cả về thời gian và về cường độ, nhất là ở các doanh nghiệp mà thu nhập phụ thuộc vào năng suất lao động tính trên đầu sản phẩm) nên hầu hết thanh niên lao động không có hoặc ít có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội. Vì thế, việc doanh nghiệp tạo điều kiện về mặt thời gian cho công nhân để họ có thể tham gia hoạt động Đoàn, Hội là thực sự cần thiết. Và cuối cùng là nhóm yếu tố từ phía bản thân thanh niên, tuy không có ảnh hưởng nhiều nhưng cũng góp phần tạo nên khó khăn cho việc thành lập và tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hơn 1/5 thanh niên công nhân (21,2%) cho rằng họ thích tham gia vào các hoạt động theo nhóm sở thích hơn là sinh hoạt theo tổ chức. Thực trạng này đòi hỏi tổ chức Đoàn, Hội phải có những hình thức, nội dung sinh hoạt phù hợp với tâm lý của giới trẻ, có như thế mới có thể thu hút, tập hợp được đông đảo thanh niên công nhân.

Như vậy, để việc thành lập các tổ chức Đoàn, Hội tại doanh nghiệp thu được kết quả tốt thì yếu tố quyết định chính là sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất thì Đoàn, Hội mới có thể hoạt động được. Đến lượt mình, chính những hoạt động tập hợp, đoàn kết thanh niên công nhân của Đoàn, Hội sẽ lại tạo ra nhiều hiệu ứng tốt cho doanh nghiệp, góp phần tạo ra và gìn giữ mối quan hệ hài hòa giữa công nhân và doanh nghiệp.

Một số khuyến nghị

Trên cơ sở kết quả điều tra, có thể đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong thời gian tới như sau:

Đối với tổ chức Đoàn, Hội tại những địa phương chưa có tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp:

- Cần tiếp cận với lãnh đạo các doanh nghiệp để giới thiệu về tổ chức Đoàn, Hội. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rằng, thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua, tổ chức Đoàn, Hội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thanh niên và cho chính doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ ủng hộ và tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội.

- Cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc điểm công việc, đặc điểm tâm lý của thanh niên công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp ngoài quốc doanh để tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm thu hút sự tham gia của họ vào tổ chức Đoàn, Hội.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội tại những địa phương đã có tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp:

- Rà soát, kiện toàn các tổ công tác tập hợp thanh niên tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đối với những đơn vị mới thành lập được chi Đoàn, chi Hội nhưng chưa có cán bộ Đoàn, cán bộ Hội, cần phải sớm tham mưu thành lập hoặc cử cán bộ Đoàn ở địa phương tham gia.

- Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Đoàn trong doanh nghiệp; chú trọng tới việc nâng cao trình độ, kỹ năng thu hút, đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên của họ.

- Phân công cán bộ theo dõi lĩnh vực hoạt động Đoàn tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

- Tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ban hành các loại tài liệu tuyên truyền về Đoàn, Hội dành riêng cho thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp.

- Định kỳ tổ chức tôn vinh, biểu dương những doanh nghiệp, tổ chức Đoàn, Hội làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong đó có thanh niên; các doanh nghiệp làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Đối với các tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp:

- Thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội nhằm thu hút thanh niên lao động tham gia.

- Cần tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí; tổ chức các hoạt động hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ tay nghề; tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên, thanh niên lao động về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, các chính sách liên quan đến người lao động… đồng thời tổ chức Đoàn, Hội phải bảo đảm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích cho thanh niên lao động.

Đối với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nơi có doanh nghiệp ngoài quốc doanh:

- Cần quan tâm và ủng hộ bằng các biện pháp tích cực công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của tổ chức Đoàn.

- Có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức công đoàn trong việc vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức Đoàn, Hội.

Đối với doanh nghiệp:

Cần ủng hộ và tạo điều kiện cho việc thành lập và triển khai các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội (tạo điều kiện về thời gian và địa điểm tổ chức sinh hoạt, hoạt động Đoàn, Hội; hỗ trợ kinh phí cần thiết để tổ chức các hoạt động của Đoàn, Hội). Điều này góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, có tác động tích cực đến tình cảm, sự gắn bó của công nhân với doanh nghiệp, đến năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp./.