Sudan: Không dễ tháo ngòi xung đột Bắc - Nam
Cuộc nội chiến thứ ba?
Trước khi miền Nam Sudan tách khỏi Cộng hòa Sudan, thành lập quốc gia độc lập với tên gọi chính thức là Cộng hòa Nam Sudan và được quốc tế công nhận vào tháng 7-2011 (dưới đây gọi là hai miền Bắc và Nam Sudan), người ta vẫn hy vọng rằng, với sự phụ thuộc chung vào ngành công nghiệp dầu mỏ - xương sống của cả hai nền kinh tế Bắc và Nam Sudan, có thể sẽ ngăn chặn được xung đột, bởi trong khi miền Nam chiếm phần lớn sản lượng dầu mỏ thì lại rất cần có tuyến đường ống trải dài trên lãnh thổ miền Bắc để xuất khẩu mặt hàng này.
Thế nhưng, cuộc tranh cãi kéo dài và căng thẳng về các vấn đề thanh toán, biên giới, sự khác biệt về các hình thái sắc tộc, tôn giáo và một loạt vấn đề khác đã làm đình trệ gần như toàn bộ nền sản xuất trên khắp cả hai miền Bắc và Nam Sudan. Hai đối thủ lâu năm đã liên tiếp đụng độ với nhau ở các khu vực biên giới - nơi đang tranh chấp sản xuất dầu mỏ và chứa chất những oán thù sâu sắc từ hai cuộc nội chiến trước đây - và có lẽ đụng độ sẽ còn kéo dài cho đến khi một trong hai chính phủ sụp đổ.
Nguồn lợi dầu mỏ vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến tranh mới nhất này. Trong một động thái leo thang quân sự bất ngờ, Nam Sudan đã đưa quân vào khu vực nhiều dầu mỏ Heglig, nơi cung cấp gần một nửa nhu cầu dầu mỏ cho Bắc Sudan. Thông điệp của Juba (thủ đô của Nam Sudan) trong hành động này là gây khó khăn cho nền kinh tế Bắc Sudan, để trả đũa vì Khartoum (thủ đô của Bắc Sudan) đòi thu phí quá cảnh xuất khẩu dầu mỏ quá cao. Juba bực tức vì Khartoum muốn thu mức phí này bằng 1/3 giá trị xuất khẩu dầu. Trong khi đó, Khartoum cho rằng họ đã xây dựng hạ tầng cơ sở ngành công nghiệp dầu mỏ rất tốn kém, nên họ xứng đáng được thu mức phí tương xứng.
Miền Bắc đòi trả phí quá cảnh quá cao. Miền Nam không trả. Miền Bắc lấy trộm dầu từ đường ống. Thấy thế, miền Nam rất bất bình, không khai thác và bơm dầu vào đường ống nữa. Juba quyết định ngừng sản xuất dầu, đồng nghĩa với việc loại bỏ 98% thu nhập quốc dân của mình. Hậu quả của động thái này gây tổn hại cho cả Juba và Khartoum. Trong khi Juba không còn nguồn thu để chi trả cho các cơ quan non trẻ của mình cũng như khôi phục nền kinh tế, thì Khartoum cũng không còn nguồn dầu mỏ xuất khẩu, vốn trước đó đứng ở mức nửa triệu thùng/ngày. Khartoum đã mất 3/4 nguồn thu dầu mỏ, sau khi Cộng hòa Sudan chia tách làm hai nước. Thậm chí, đã có những lời cảnh báo rằng, nếu không sáng suốt và mềm dẻo trong ứng xử với Juba và các mối quan hệ quốc tế khác, thì Khartoum cũng có thể sẽ mất nốt số còn lại!
Hai miền Bắc và Nam Sudan đã không thể tiến hành các cuộc đàm phán. Đấu khẩu không được, hai bên quay ra đấu súng. Khartoum phản ứng rất quyết liệt, Tổng thống Omar al-Bashir đã ra tuyên bố chính thức, coi miền Nam là nước thù địch và thề sẽ dạy bài học cho lũ “sâu bọ” và sẽ “giải phóng Juba” khỏi chính quyền hiện nay. Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, không quân Bắc Sudan thường xuyên oanh tạc các khu vực khai thác dầu mỏ ở Nam Sudan. Các lực lượng vũ trang Bắc và Nam Sudan liên tục giao tranh tại các địa phương dọc đường biên giới.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế thấy rõ rằng, nếu không nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh này, nó sẽ trở thành một cuộc diệt chủng mới ở châu Phi. Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng như nhiều nước và các tổ chức quốc tế khác đang ra sức khuyến cáo và kêu gọi các bên Bắc và Nam Sudan đình chỉ ngay các hành động chiến tranh, trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Khartoum và Juba đều chưa chịu dừng bước. Có thể cả hai bên đều muốn chiếm được nhiều lãnh thổ hơn, nhất là những khu vực nhiều dầu mỏ, để khi ngồi vào bàn đàm phán có thể giành thế thượng phong.
Cơ duyên thành lập Cộng hòa Nam Sudan
Cộng hòa Sudan nằm ở Đông Bắc Phi, lãnh thổ lớn thứ 16 trên thế giới, với diện tích 2,5 triệu km2 (gấp gần 8 lần nước ta), trong đó phần lớn là sa mạc (ở miền Tây Bắc đất nước) và đầm lầy (ở miền Nam), dân số không đông lắm, khoảng 30 triệu người (chưa có thống kê đầy đủ).
Từ xa xưa, Sudan đã hình thành hai miền Bắc - Nam và có sự phân hóa rõ rệt. Sinh sống ở miền Bắc chủ yếu là người theo đạo Hồi có quan hệ mật thiết với thế giới Arab, còn ở miền Nam là thổ dân da đen theo đạo Thiên chúa và đa thần. Người dân của những sắc tộc và tôn giáo khác nhau ở hai miền Bắc và Nam Sudan có hận thù sâu sắc lâu đời, đã xảy ra nhiều cuộc xung đột và chiến tranh bắn giết lẫn nhau.
Cuộc nội chiến thứ nhất kéo dài 17 năm (1955 - 1972) đã làm gần nửa triệu người thiệt mạng. Cuộc nội chiến thứ hai kéo dài tới 22 năm (1983 - 2005) đã cướp đi mạng sống của 2 triệu người. Đấy mới chỉ là hai cuộc chiến tranh có quy mô lớn, còn những cuộc xung đột lẻ tẻ, những vụ bắn giết lẫn nhau giữa các sắc tộc, các bang, các tôn giáo, hay các phe cánh khác nhau, thì xảy ra liên miên, ít khi người dân nước này được hưởng cuộc sống yên bình.
Tháng 1-2011, Chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir đã buộc phải chấp thuận tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc thành lập một nhà nước Nam Sudan độc lập. Kết quả, tuyệt đại đa số (98,83%) cử tri đã lựa chọn sự ly khai giữa hai miền. Không thể nào làm khác, Tổng thống Omar al-Bashir đã ra sắc lệnh phê chuẩn kết quả cuộc trưng cầu ý dân này. Sau một thời gian đàm phán phân chia lãnh thổ và tài sản quốc gia, chuẩn bị các điều kiện và phương tiện cho nhân dân Nam Sudan “ra ở riêng”, ngày 9-7-2011 nước Cộng hòa Nam Sudan đã chính thức tuyên bố độc lập. Đến nay, đây là quốc gia non trẻ nhất không chỉ ở “lục địa đen” mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, thất bại lớn nhất của hai miền Bắc và Nam Sudan là đã không đạt được một thỏa thuận nào về sở hữu, khai thác và phân phối dầu mỏ. Việc Nam Sudan tách ra và trở thành một quốc gia độc lập được cho là sẽ giải quyết một số vấn đề hiện hữu. Nhưng điều đó lại làm nảy sinh một loạt vấn đề mới: từ chỗ không thể thỏa thuận trong việc phân chia thu nhập từ dầu mỏ đã làm cho cả hai nền kinh tế suy yếu, kiệt quệ, đến toàn bộ các vấn đề pháp lý liên quan tới quyền cư trú và đi lại của hàng nghìn người dân bị kẹt lại phía bên kia biên giới. Thất bại của hai chính phủ Bắc và Nam Sudan trong việc giải quyết những vấn đề này đang gây nghi ngờ về khả năng của họ trong việc đem lại sự tiến bộ và thịnh vượng cho xứ sở Đông Bắc Phi, như đã được hứa hẹn.
Hệ lụy nặng nề
Mặc dù quân đội Nam Sudan ngày 20-4 đã rút khỏi Heglig, điều đó phần nào làm giảm bớt căng thẳng, nhưng hậu quả nặng nề của cuộc tấn công khiến cho hai bên khó có khả năng vượt qua được những lập luận cố hữu trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua, và đương nhiên, càng không dễ giải quyết những vấn đề đang tranh cãi. Người ta thấy, cuộc chiến ở Heglig đang làm gia tăng những nghi ngờ sắc tộc vốn có, kích động tính hiếu chiến, làm cho lãnh đạo cả hai bên tin chắc rằng không thể có hòa bình khi đối thủ cũ của mình vẫn còn sức mạnh.
Giới phân tích địa phương và quốc tế ở Khartoum và Juba cho rằng, lãnh đạo hai nước đang phải đối mặt với áp lực từ các nhà chính trị đầy quyền lực trong nước, những người chủ trương đối đầu và không muốn thỏa hiệp với đối thủ. Những người theo đường lối cứng rắn đang chiếm ưu thế ở cả hai miền Bắc và Nam Sudan, nơi cả hai nền kinh tế đều bị suy giảm nghiêm trọng, khiến các nhà lãnh đạo Khartoum và Juba phải giữ vững quan điểm cứng rắn trước kẻ thù hơn bao giờ hết, để có thể đứng vững.
Các nhà quan sát quốc tế còn cho rằng, một lý do nữa khiến ông Salva Kiir phải “chơi rắn” với Khartoum là để tập hợp sự ủng hộ của dân chúng, nhất là các sĩ quan và binh sĩ quân đội, mà theo một số quan chức dự tính hiện có khoảng 200.000 người.
Xung đột còn có thể giúp ông Salva Kiir đánh lạc hướng sự tức giận của dân chúng trước cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng tồi tệ đi nhanh chóng do việc ngừng sản xuất khoảng 350.000 thùng dầu/ngày của nước này như hồi đầu năm nay. Và một phần nữa là do những tranh cãi với Khartoum về vấn đề thanh toán, giá thực phẩm tăng vọt trong khi nhiên liệu, xi măng và các loại dược phẩm trở nên khó kiếm - vì các nhà nhập khẩu gặp khó khăn khi thiếu dola trong tay. Nam Sudan phải nhập khẩu mọi thứ, từ các mặt hàng lương thực cơ bản tới nhiên liệu.
Tình hình ở miền Bắc Sudan cũng chẳng khá gì hơn, khi đồng bảng của nước này tụt giá chưa từng thấy trong lịch sử so với đồng dola sau vụ Heglig bị chiếm đóng, khiến các nhà nhập khẩu tạm thời phải ngừng kinh doanh do không có đủ ngoại tệ.
Cơ hội tốt nhất để ngăn chặn việc tiếp tục chiến tranh và thảm họa kinh tế cho cả hai nước, chính là thông qua các cuộc đàm phán do Liên minh châu Phi làm trung gian. Tuy nhiên, việc khôi phục lại các cuộc đàm phán đó xem ra chưa thể có được khi cả hai bên đều đoán già đoán non rằng, chính phủ bên kia sắp sụp đổ./.
Công tác phát triển Đảng ở huyện Đức Phổ  (11/05/2012)
“Phong bì sạch”, “phong bì bẩn”  (11/05/2012)
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt thuộc diện Thành ủy quản lý - một số bài học từ thực tiễn Thành phố Cần Thơ  (11/05/2012)
Chuẩn bị các hoạt động Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2012  (10/05/2012)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển