Chuyển đổi số y tế ở tỉnh Quảng Ninh: Lĩnh vực ưu tiên hàng đầu
TCCS - Chuyển đổi số y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp và là lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Do vậy, khi y tế số phát triển thì có thể chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc.
Quá trình chuyển đổi số y tế
Trải qua quá trình phát triển, đến nay Quảng Ninh có sự chuyển đổi số rất mạnh mẽ ở lĩnh vực y tế. Tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ và nền tảng khác nhau để mang lại lợi ích cho các cơ sở y tế, cũng như người bệnh. Cùng với Bệnh viện Bãi Cháy còn có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi là 3 bệnh viện được tỉnh đầu tư xây dựng bệnh viện thông minh, triển khai từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Đặc biệt, 3 bệnh viện trên của Quảng Ninh nằm trong số 10 bệnh viện trong cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, như kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, đồng thời có thể hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Từ đó, giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Để tiến tới xây dựng bệnh viện không giấy tờ, ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục đề xuất triển khai thí điểm phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (PACS) cho tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh chưa triển khai. Phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh giúp kết nối trực tiếp với các thiết bị để thu nhận hình ảnh chụp X-quang, cắt lớp, siêu âm; đồng thời kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS); kết nối với bệnh án điện tử. Qua đó, bác sĩ, chuyên gia của các đơn vị khám, chữa bệnh có thể sử dụng hệ thống PACS trung tâm cho công tác hội chẩn, tra cứu và làm việc từ xa. Bệnh nhân có thể tra cứu kết quả trên mạng internet tại các cổng trả kết quả của bệnh viện. Ưu điểm vượt trội của hệ thống PACS chính là cắt giảm quy trình khám, chữa bệnh; làm giảm tình trạng in phim khô sau chụp X-quang, cắt lớp, siêu âm, từ đó giúp bệnh nhân không phải chờ đợi kết quả chiếu chụp như trước đây, giúp các bệnh viện giảm chi phí vật tư đầu vào; đồng thời góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế.
Một trong những ứng dụng công nghệ thông tin sớm nhất cả nước và tiếp tục phát huy hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số mà tỉnh Quảng Ninh triển khai là dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là hệ thống Telemedicine). Từ năm 2012 đến nay, ngành y tế Quảng Ninh đã đầu tư và phát triển hệ thống Telemedicine với 31 điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu đặt tại phòng phẫu thuật. Thông qua hệ thống Telemedicine, ngành y tế đã tiến hành hàng trăm ca hội chẩn, tư vấn và hướng dẫn điều trị những ca bệnh khó từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh và từ tỉnh cho tuyến huyện; kịp thời triển khai cuộc họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn... Nhiều người bệnh ở các xã vùng sâu, xa, hải đảo đã thoát khỏi nguy kịch nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên thông qua hệ thống Telemedicine.
Với nền tảng sẵn có về hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị công nghệ được đầu tư đồng bộ từ dự án hệ thống Telemedicine, từ tháng 6-2020, ngành y tế Quảng Ninh đã nhanh chóng thực hiện đề án Khám, chữa bệnh từ xa (giai đoạn 2020 - 2025) của Bộ Y tế, tiếp tục mở rộng kết nối với Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến Trung ương. Các hoạt động chính được triển khai, như: Tư vấn sức khỏe; khám chữa bệnh ban đầu từ xa giữa các tuyến; hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn cận lâm sàng, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, sinh hoạt khoa học trực tuyến...
Mặc dù không thuộc tỉnh tham gia thí điểm thực hiện hồ sơ sức khỏe toàn dân, nhưng ngay từ năm 2017, tỉnh Quảng Ninh được chấp thuận tham gia. Đến nay, hơn 96% dân số trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về vấn đề này, giúp người dân được cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng sức khỏe một cách kịp thời. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến chống "giặc" COVID-19, việc khai báo, khám sức khỏe cho người dân để lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho toàn bộ cư dân biên giới ở Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và sau đó mở rộng toàn tỉnh là một trong những giải pháp rất thành công của Quảng Ninh. Có thể thấy, Quảng Ninh đã triển khai đúng thời điểm vàng để kịp thời chống “giặc” COVID-19 và cũng là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện khám sàng lọc, khai báo y tế toàn dân. Thông qua việc kiểm tra, khám sàng lọc sức khỏe toàn dân giúp ngành y tế Quảng Ninh cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe của từng người dân trên địa bàn. Như vậy, hồ sơ sức khỏe điện điện tử lúc này ngoài cập nhật các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số bảo hiểm y tế, đồng thời cập nhật thêm về tiền sử bệnh, quá trình khám chữa bệnh của mỗi người, qua đó tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh.
Tạo cơ hội để y, bác sĩ tiếp cận các tiến bộ khoa học
Một trong những trọng tâm của chuyển đổi số y tế là hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các bác sĩ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa và đưa công nghệ vào tự động theo dõi, cảnh báo, cũng như chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Nổi bật nhất hiện nay có thể kể đến phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ cuối năm 2021. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID được FDA chấp thuận cho sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu ở Mỹ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế đầu tiên ở miền Bắc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID; Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. Phần mềm RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Sau khi bệnh nhân đột quỵ được chụp CT hoặc MRI, phần mềm RAPID sẽ tính toán xử lý nhanh trong thời gian ngắn (30 giây-2 phút) và cho ra kết quả. Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, nhóm này hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ với những trường hợp xuất huyết não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác để có hướng điều trị phù hợp. Cùng với việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, ngành y tế cũng ứng dụng nhiều thiết bị y tế kết hợp công nghệ số để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Từ năm 2017 đến nay, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện được đầu tư hệ thống phẫu thuật nội soi có kết hợp công nghệ số để phẫu thuật cho người bệnh hiệu quả. Đối với tuyến tỉnh, các bệnh viện được đầu tư phòng mổ thông minh với những thiết bị y tế kết hợp công nghệ cao, như: Hệ thống phẫu thuật nội soi 3D, hệ thống định vị Navigation, CT di động phòng mổ, hệ thống máy chụp can thiệp mạch DSA, EMO (tim phổi nhân tạo)… Trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà tại các cơ sở khám, chữa bệnh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hiện nay, Sở Y tế đưa vào thực hiện 169 thủ tục hành chính, với 100% thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Triển khai thực hiện nghị quyết của tỉnh về chuyển đổi số, ngành y tế xác định con người là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, ngành y tế tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên, giúp ngành y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính; ứng dụng nhiều tiện ích của công nghệ số phục vụ nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển của tỉnh./.
Thị xã Đông Triều với mục tiêu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh  (04/11/2022)
Phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, làm mới sản phẩm du lịch ở Cô Tô  (04/11/2022)
Góp phần xây dựng văn minh đô thị ở tỉnh Quảng Ninh  (02/11/2022)
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở thành phố Móng Cái  (01/11/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm