Đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ
TCCSĐT - Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm những ngày gần đây.
Hơn 290 người đã thiệt mạng
Ngày 17-7, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người thiệt mạng trong vụ đảo chính bất thành vừa qua tại nước này đã lên đến hơn 290 người, ngoài ra còn có hơn 1.400 người khác bị thương.
Theo bộ trên, trong số những người thiệt mạng có hơn 100 người đã tham gia đảo chính. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc đảo chính trên được thực hiện bởi những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.
Ông F. Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đã phủ nhận việc dính líu đến cuộc đảo chính trên và ông coi đây là một sự sỉ nhục đối với nền dân chủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề nghị chính quyền Washington dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Ankara cần phải cung cấp bằng chứng và cơ sở pháp lý rõ ràng về việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen.
Đụng độ giữa lực lượng an ninh và một số phần tử âm mưu đảo chính
Ngày 17-7, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng an ninh nước này đã đụng độ với một số phần tử âm mưu đảo chính tại sân bay Sabiha Gokcen ở thành phố Istanbul và căn cứ không quân Konya ở miền Trung nước này.
Theo quan chức trên, tại khu vực gần sân bay Sabiha Gokcen, lực lượng an ninh đã nổ súng cảnh cáo buộc những phần tử âm mưu đảo chính buông súng và một số đối tượng đã bị bắt ngay sau đó. Trong khi đó, tại căn cứ không quân Konya, một số vụ đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và những đối tượng âm mưu đảo chính chống lại lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, tình hình sau đó đã trong tầm kiểm soát. Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết 6 sĩ quan đã bị bắt giữ sau vụ đụng độ này.
Liên quan đến chiến dịch bắt giữ những phần tử liên quan, kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cố vấn quân sự số một của Tổng thống Tayyip Erdogan, ông Ali Yazici đã bị bắt giữ do liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành. Kênh truyền hình Al Arabiya sau đó cũng thông báo Saudi Arabia đã bắt giữ Tùy viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Kuwait theo yêu cầu của Ankara khi quan chức này có mặt tại sân bay Dammam của Saudi Arabia. Tính đến thời điểm hiện tại hơn 6.000 đối tượng đã bị bắt giữ, trong đó 70 tướng và sĩ quan cấp cao liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tuyên bố của quân đội nước này nêu rõ cuộc đảo chính hòng lật đổ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị vô hiệu hóa và quân đội hiện phục tùng quyền lãnh đạo của nhà nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tuyên bố trên, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn nhất trong việc ngăn chặn cuộc đảo chính đêm 15-7 vừa qua.
Tái áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp ở Istanbul
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin giới chức nước này đã tái áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp ở thành phố Istanbul và triển khai thêm 1.800 binh sĩ thuộc các lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới địa điểm này. Cũng theo nguồn tin trên, người đứng đầu lực lượng cảnh sát đã được lệnh bắn hạ các máy bay trực thăng hoạt động trái phép trong vùng trời của thành phố Istanbul. Trong khi đó, các đội cảnh sát được tăng cường sẽ tuần tra trên khắp các tuyến phố.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn xin gia nhập EU và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại sử dụng hình phạt tử hình sau vụ đảo chính bất thành đêm 15-7, đồng thời cho biết chính phủ nước này sẽ trao đổi vấn đề này với các đảng đối lập. Phát biểu trước đám đông ủng hộ sau khi tham dự lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính, ông T. Erdogan cho rằng, không thể trì hoãn việc tái sử dụng hình phạt tử hình bởi theo ông những kẻ tiến hành đảo chính phải trả giá cho hành động này.
EU lo ngại chính quyền Ankara bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố
Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-7 đã bày tỏ quan ngại việc chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan bắt giữ rất nhiều thẩm phán, công tố viên sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, đồng thời cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên danh sách bắt giữ này từ trước.
Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn cho biết, chính quyền Ankara đã bắt giữ gần 3.000 người tình nghi âm mưu đảo chính quân sự, đồng thời ra lệnh bắt giữ gần 3.000 thẩm phán và công tố viên. Ông J. Hahn cho rằng, hành động bắt giữ hàng loạt này dường như đã được chuẩn bị từ trước và danh sách bắt giữ cũng đã có sẵn. Ông bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng các quy định của luật pháp sau khi dẹp được cuộc đảo chính quân sự vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels (Bỉ), bà Mogherini cho rằng các quy định của luật pháp cần được bảo vệ và không có sự bào chữa nào cho việc không thực hiện nguyên tắc này. Bà Mogherini cho biết EU sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể nối lại án tử hình sau vụ đảo chính quân sự vừa qua. Ông S. Kurz cho rằng, không nên có các cuộc thanh trừng và trừng phạt nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp và hệ thống tư pháp.
Mỹ bác bỏ cáo buộc liên quan đến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 17-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ cáo buộc rằng Mỹ có vai trò trong âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương giữa hai nước.
Trước đó, một nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ám chỉ Washington đứng sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ./.
Hội nghị thượng đỉnh AU: Ai Cập thúc đẩy thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi  (18/07/2016)
UNESCO đưa thêm 21 địa danh vào Danh sách Di sản thế giới  (18/07/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-7-2016  (18/07/2016)
Không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường  (17/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên