Đầu tư vào vốn tự nhiên - bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học phục vụ xây dựng mô hình “kinh tế xanh” ở Việt Nam
TCCS - Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu có về đa dạng sinh học với nguồn vốn tự nhiên dồi dào, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Nhìn từ bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu và hiện trạng môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam, việc xây dựng, phát triển các mô hình “kinh tế xanh” dựa vào đa dạng sinh học sẽ góp phần thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên với “kinh tế xanh”
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), vốn tự nhiên là các tài sản của thiên nhiên được sử dụng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bao gồm sinh vật và các cấu phần vật chất của tự nhiên, như đất, nước, khoáng sản và các nguyên liệu hóa thạch. Hàng hóa và dịch vụ được cung cấp từ nguồn vốn tự nhiên có giá trị quan trọng cho đời sống và sự phát triển của con người, như lương thực, nước, không khí, các dịch vụ văn hóa, tinh thần và hỗ trợ điều tiết chu trình sinh địa hóa. Vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái cung cấp các lợi ích kinh tế đáng kể. Do đó, vốn tự nhiên luôn là nền tảng cho các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh sinh thái nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Trước bối cảnh vốn tự nhiên đang bị đe dọa do nhiều nguyên nhân, như dân số gia tăng, mô hình phát triển, tiêu thụ kém bền vững, ô nhiễm môi trường và khai thác cạn kiệt tài nguyên, Hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Hội nghị Rio+20 (tháng 6-2012) đã kêu gọi “cộng đồng thế giới cần chuyển dịch nhanh sang nền “kinh tế xanh” toàn cầu để cứu Trái đất và nhân loại”, nhấn mạnh nền “kinh tế xanh” vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
“Kinh tế xanh” với đặc trưng tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế, bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải các-bon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của Trái đất.
Ở chiều ngược lại, vốn tự nhiên sẽ góp phần bảo vệ bền vững các thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Các hệ sinh thái, như rừng đầu nguồn, đất ngập nước, rừng ngập mặn và các đụn cát, cung cấp các dịch vụ điều tiết vô cùng giá trị, hỗ trợ ứng phó với các tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão lũ và hạn hán. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, như bảo tồn và khôi phục rừng, đất ngập nước và đất than bùn; bảo tồn vùng biển; áp dụng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường là sự ứng phó hiệu quả về mặt chi phí đối với biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, 2011), các khoản “đầu tư xanh” trong các lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp sẽ giúp đảo ngược xu thế suy giảm đất lâm nghiệp hiện nay, tái tạo khoảng 4,5 tỷ héc-ta nguồn tài nguyên quan trọng này trong vòng 40 năm tới. Đầu tư vào nông nghiệp xanh vừa nâng cao năng suất, sản xuất ra nhiều lương thực hơn, vừa giúp giảm 6% lượng đất sử dụng cho nông nghiệp, chăn nuôi và cải thiện chất lượng đất nông nghiệp lên 25% vào năm 2050. Ngoài ra, đầu tư để tăng nguồn cung cấp nước, mở rộng khả năng tiếp cận, cũng như cải thiện quản lý sẽ cung cấp thêm 10% nguồn nước toàn cầu cả trước mắt và lâu dài, thêm vào đó có thể góp phần duy trì nguồn tài nguyên nước ngầm và nước mặt.
Đa dạng sinh học - nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và “tăng trưởng xanh” của Việt Nam.
Việt Nam nằm ở phần đông bán đảo Đông Dương, trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu tiếp cận với xích đạo, có cả khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Sự đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu đã tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú và đặc sắc của Việt Nam, bao gồm đa dạng các hệ sinh thái, loài và nguồn gen. Việt Nam được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp và y tế. Đến nay, hơn 14.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi được bảo tồn và lưu giữ phục vụ cho bảo tồn và phát triển kinh tế. Tính đến tháng 5 năm 2018, Việt Nam đã được công nhận 9 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) và 6 Vườn Di sản ASEAN.
Mặc dù chưa được thường xuyên ghi nhận nhưng đa dạng sinh học Việt Nam đã đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và y tế. Đa dạng sinh học là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực của đất nước; duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu xây dựng và các nguồn nguyên liệu, dược liệu.
Đa dạng sinh học không chỉ cung cấp những lợi ích vật chất trực tiếp mà còn đóng góp vào những nhu cầu lớn hơn của xã hội. Các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao cung cấp giá trị vô cùng to lớn cho các ngành giải trí ở Việt Nam với các loại hình du lịch sinh thái đang dần dần phát triển, hứa hẹn đem lại nhiều giá trị kinh tế và góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và công tác bảo tồn thiên nhiên. Khoảng 70% tăng trưởng du lịch là từ các vùng duyên hải có các hệ sinh thái tự nhiên giàu đa dạng sinh học. Các loài đặc hữu, các hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam mặc dù có giá trị cho khoa học và chứa đựng lợi thế đặc biệt cho phát triển du lịch, nhưng lại chưa được đánh giá và khai thác đúng mức.
Các hệ sinh thái còn có vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu thông qua lưu trữ các-bon và kiểm soát lượng mưa, lọc không khí và nước, phân hủy các chất thải trong môi trường, giảm nhẹ những tác hại của thiên tai, như lở đất hay bão lũ. Giá trị lưu giữ và hấp thụ các-bon của rừng Việt Nam là rất đáng kể, đặc biệt là rừng tự nhiên. Trong đó, những vùng đa dạng sinh học chủ chốt và hành lang đa dạng sinh học có thảm rừng phát triển như vùng núi Đông bắc, Tây bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên là những nơi có tổng lưu trữ các-bon sinh khối cao nhất. Các dải rừng ngập mặn ven biển Việt Nam góp phần giảm khoảng 20% - 50% thiệt hại do bão, nước biển dâng và sóng thần gây ra. Đặc biệt, hệ thống rừng ngập mặn trồng ven đê còn đóng vai trò là tấm lá chắn xanh, giảm 20% - 70% năng lượng của sóng biển, bảo đảm an toàn cho các con đê biển, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho việc duy tu, sửa chữa đê biển.
Nguồn vốn tự nhiên ở Việt Nam có giá trị to lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên, nguồn vốn tự nhiên của Việt Nam đã và đang suy giảm, nghèo kiệt, thậm chí là mất mát do các quy hoạch phát triển kinh tế chạy theo lợi ích trước mắt, không chú ý hoặc lãng quên lợi ích lâu dài, không dựa trên luận cứ khoa học, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ thành thị đến nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, gây xáo trộn không có lợi đến sức khỏe hệ sinh thái. Chính vì vậy, cần có giải pháp trong việc sử dụng bền vững vốn tự nhiên - đa dạng sinh học phục vụ kinh tế xanh, tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Đầu tư vào vốn tự nhiên - đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thuận lợi và thách thức
Hiện nay, việc đầu tư vào vốn tự nhiên - đa dạng sinh học ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, cụ thể là:
Một là, trong nước, Việt Nam đã xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về phát vốn tự nhiên trong “tăng trưởng xanh”, tăng cường đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1939/QĐ-TTg, về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đề ra một số mục tiêu cụ thể, như cấu trúc lại và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng “xanh hóa” các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, “dịch vụ xanh”, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển “kết cấu hạ tầng xanh”…
Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính” thông qua nghiên cứu và áp dụng “công nghệ xanh”, hiện đại, phù hợp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” khẳng định quan điểm: “Tăng trưởng xanh” dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí gậy “hiệu ứng nhà kính”, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhiệm vụ “xác định, đánh giá các giá trị của vốn tự nhiên và xây dựng hệ thống hạch toán vốn tự nhiên” cũng đã được nêu trong Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hai là, với quốc tế, Việt Nam đã tham gia thực hiện nhiều khởi xướng, sáng kiến đầu tư vốn tự nhiên và đa dạng sinh học.
Việt Nam là thành viên tham gia Sáng kiến Hạch toán tài sản và định giá dịch vụ hệ sinh thái (WAVES) do Ngân hàng Thế giới khởi xướng từ năm 2010. Thông qua các chương trình hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, như UNEP, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác phát triển của Đức (GIZ), Tổ chức Phát triển quốc tế của Mỹ (Winrock International)… bước đầu đã triển khai xây dựng năng lực về đánh giá vốn tự nhiên, dịch vụ hệ sinh thái, chi trả dịch vụ hệ sinh thái; nghiên cứu xây dựng tài khoản rừng và lộ trình xây dựng các tài khoản vốn tự nhiên khác, như nước, đất, năng lượng… Chương trình về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD), quản lý rừng bền vững, kết hợp với đa dạng hóa sinh kế cho người dân địa phương đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam.
Các chương trình hợp tác để tăng cường hiệu quả quản lý khu bảo tồn, bảo tồn loài, nguồn gen đã được thúc đẩy để tạo cơ hội cho tăng cường năng lực, chia sẻ các kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học.
Ba là, các khu bảo tồn có các giá trị đa dạng sinh học cao được quan tâm đầu tư.
Chính sách đầu tư cho vốn tự nhiên hiện nay chủ yếu tập trung vào việc thành lập và quản lý khu bảo tồn, trồng rừng, phục hồi một số hệ sinh thái, như rạn san hô, rừng ngập mặn, đặc biệt là đầu tư cho quản lý rừng đặc dụng. Nhờ đó, các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao đang được bảo vệ, phục hồi. Trong hơn nửa thập niên qua, với sự hỗ trợ của quốc tế và sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Việt Nam đã hình thành được hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (rừng đặc dụng, đất ngập nước và khu bảo tồn biển). Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 219 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích khoảng 3.067.000 ha. Tuy nhiên, mức độ đầu tư chưa đáp ứng với yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức trong việc tăng cường đầu tư vốn tự nhiên - bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung vào mấy nhóm chính như sau:
Thứ nhất, vai trò quan trọng của vốn tự nhiên - bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được nhận thức đầy đủ ở các cấp chính quyền cũng như trong toàn xã hội, vì vậy giá trị dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học chưa được lồng ghép và triển khai hiệu quả trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; sự cân nhắc hài hòa lợi ích tối đa giữa bảo tồn và phát triển còn nhiều trở ngại. Trong khid dó, dân số gia tăng nhanh, nhu cầu quỹ đất cho phát triển kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng cao, ô nhiễm môi trường, mô hình tiêu thụ đang kém bền vững, biến đổi khí hậu là những áp lực tác động mạnh mẽ lên vốn tài nguyên đa dạng sinh học.
Thứ hai, hạn chế về nguồn lực tài chính, tỷ lệ chi cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học từ dòng ngân sách này là không đáng kể nên ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý đa dạng sinh học - nguồn vốn tự nhiên quan trọng đối với sự phát triển “kinh tế xanh” ở nước ta. Do đó, việc đầu tư để giảm các áp lực tới đa dạng sinh học chưa được chú trọng, vì thế đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm nhanh.
Thứ ba, năng lực, công cụ để thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra, đặc biệt là mục tiêu làm giàu vốn tự nhiên đạt 3% - 4% GDP theo Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” đến năm 2020 còn thiếu, ví dụ như năng lực thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường như đầu tư cho “kết cấu hạ tầng xanh” vẫn còn hạn chế.
Giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư vào vốn tự nhiên - bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học phát triển “kinh tế xanh”.
Để thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư hiệu quả vào vốn tự nhiên, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển mô hình “kinh tế xanh”, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về giá trị của vốn tự nhiên trong xây dựng nền “kinh tế xanh” và tầm quan trọng của bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế đồng bộ, trong đó cần hạch toán vốn tự nhiên trong tài khoản quốc gia và cân nhắc giá trị vốn tự nhiên trong các chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển. Điều này đòi hỏi nhận thức và quyết tâm cao của các cấp ra quyết định, đồng thời có sự đổi mới về tài chính, thể chế, luật pháp và chính sách phát triển các ngành kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học.
Hai là, xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư vào phát triển vốn tự nhiên như chính sách huy động các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình và hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến vốn tự nhiên. Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học và xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu tác động tới nguồn vốn tự nhiên về đa dạng sinh học; chú trọng bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái trong các ngành sản xuất có tác động lớn đến nguồn tài nguyên này.
Ba là, xây dựng lộ trình triển khai thực hiện hạch toán vốn tự nhiên trong tài khoản quốc gia, chú trọng đến giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái trong việc lập và triển khai quy hoạch ở các cấp: quốc gia, ngành, vùng và tỉnh, cũng như triển khai các dự án đầu tư cần cân nhắc hiệu quả khai thác, sử dụng vốn tự nhiên.
Bốn là, thực hiện điều tra, đánh giá và kiểm kê hiện trạng nguồn vốn tự nhiên (bao gồm các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước) để có quy hoạch, kế hoạch quản lý phù hợp, tạo cơ sở cho việc cân đối trong việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Sáu là, tăng cường năng lực quản lý và đầu tư cho bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phát huy kết cấu hạ tầng tự nhiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận sinh thái cảnh quan trong quản lý và phát triển mô hình “kinh tế xanh”./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm