Thành phố Hà Nội tập trung khắc phục khó khăn bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng
TCCS - Hà Nội là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hằng năm, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 công trình xây dựng được khởi công (trung bình 41 công trình/ngày). Khối lượng công trình trên đòi hỏi công tác quản lý trật tự xây dựng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này còn một số khó khăn, bất cập cần sớm tháo gỡ, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự đô thị.
Những khó khăn, bất cập từ thực tiễn
Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ phát triển đô thị diễn ra khá nhanh. Đến nay, cả nước có khoảng 743 đô thị, trong đó có gần 100 thành phố và thị xã. Đô thị hóa nhanh đồng nghĩa với việc các hạng mục công trình nhanh chóng được xây dựng nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu về nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất phát triển của cộng đồng dân cư đô thị. Việc xây dựng các công trình này ở các đô thị đòi hỏi phải được xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép đối với từng khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vi phạm trật tự xây dựng không còn là chuyện xa lạ ở các đô thị. Không phải công trình nào cũng bảo đảm đúng trật tự xây dựng. Tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã và đang là một vấn đề nóng bỏng trong thực tế các đô thị nước ta hiện nay. Tại thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2022, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 11.427 công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 218 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 1,9%). Đến nay, các địa phương đã xử lý dứt điểm 156/218 trường hợp vi phạm và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81/179 trường hợp. Các quận, huyện, thị xã đã ban hành 614 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng.
Trong 9 tháng vừa qua, thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã thực hiện 77 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực như việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và công sở... Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ đầu tư có vi phạm, ban hành 31 quyết định xử phạt với tổng số tiền 920 triệu đồng. Sở Xây dựng tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành 5 quyết định xử phạt với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Song phải thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội đang đứng trước những bất cập lớn về quy hoạch nhà ở và quy hoạch giao thông đô thị. Trong khi khu vực ngoại thành có diện tích rộng lớn nhưng quy hoạch giao thông, kết cấu hạ tầng lại chưa đồng bộ thì ngược lại, khu vực nội đô lại tập trung quá đông dân cư, cơ quan, công sở, gây tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu chỗ đỗ xe, môi trường sống ngột ngạt. Các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có tốc độ đô thị cao, nhu cầu về cải tạo, sửa chữa nhà ở của nhân dân rất lớn và bức thiết, tuy nhiên công tác quản lý trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn, trong đó có những vướng mắc đến từ quy định pháp luật. Đơn cử như Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 quy định, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn thuộc khu vực có quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đều phải xin cấp phép. Song, chế tài xử lý đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép chưa có, nên cơ quan chức năng còn lúng túng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng
Ngay từ cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chuyên đề số 03 về “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”. Chuyên đề hướng tới mục tiêu tất cả hoạt động xây dựng đều phải được kiểm tra, giám sát; vi phạm trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm; từng bước xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục các tồn tại; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác cấp phép, quản lý trật tự xây dựng... Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khắc phục. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng còn chủ trì tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc giám sát thực hiện quản lý đô thị, trật tự xây dựng; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý đô thị và trật tự xây dựng.
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao về công tác quản lý đô thị. Cụ thể là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện; hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch giai đoạn 2021 - 2025; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2021 - 2025; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của thành phố trong việc bảo đảm trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị, đó là: Thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định; kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại 2 bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vứt rác, xả rác trên phố...
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý; kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm đê điều, thủy lợi, vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, đồng thời, tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng./.
Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh  (10/09/2022)
Hà Nội: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính  (08/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay