TCCS – Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén trong xây dựng và chỉnh đốn đảng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Vấn đề này luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong các bài nói, bài viết của Người dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, để xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng và sự tin yêu của nhân dân. Nghiên cứu, học tập những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người, góp phần tu dưỡng đạo đức người đảng viên; thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đảng uỷ Cục Kỹ thuật, Quân khu 2 kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII_Ảnh: quankhu2.vn

Tự phê bình và phê bình: Vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong mọi giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Qua những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám 1945, qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đều thể hiện rõ ý thức nghiêm khắc tự phê bình bản thân, cũng như chân thành phê bình những lỗi lầm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng bào, biến tự phê bình và phê bình thành phong trào rộng khắp, mong mọi người cùng tiến bộ, để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong bài viết có tiêu đề Cách tổ chức các ủy ban nhân dân, đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước ngày khai hội của Ủy ban, ai có điều gì đề nghị, chất vấn hay phê bình cứ gửi cho Chủ tịch” (1). Cũng trên Báo Cứu quốc, bài viết của Người với đầu đề Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích có đoạn: “Sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm… Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”(2). Ngày 20-11-1946, trong Thông lệnh Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Cứu quốc có đoạn: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(3).

Qua những bài báo nói trên, có thể thấy rõ cách tổ chức chính quyền cách mạng nhân dân, yêu cầu về thái độ làm việc của nhân viên chính quyền trước quốc dân, đồng bào; cũng như cách thức để người công chức tự đào tạo, nâng cao trình độ bản thân qua thực tế công việc chính là tự phê bình, qua đó rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn. Đặc biệt, qua Thông lệnh Tìm người tài đức, cũng như qua bài báo với nhan đề Tự phê bình, đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28-1-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận lỗi có đoạn: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”(4); qua đây, chúng ta có thể thấy rõ tinh thần tự phê bình nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người đứng ra nhận lỗi cao nhất với tư cách người đứng đầu Chính phủ trước quốc dân, đồng bào; đồng thời, khẳng định quyết tâm sửa chữa khi chỉ rõ nội dung yêu cầu cần thực hiện, các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện cũng như thời hạn phải hoàn thành. Đây có thể coi như mẫu mực của sự tự phê bình cách mạng, không hề chung chung, qua loa, đối phó, mà đầy tinh thần trách nhiệm cũng như quyết tâm sửa chữa lỗi lầm.

Thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất những nội dung về tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, được Người viết tháng 10-1947. Khi nói về vai trò của tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(5). Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,… là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn…”(6); “PHẢI RÈN LUYỆN TÍNH ĐẢNG”, “phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình… Có như thế Đảng mới chóng phát triển”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình với người cách mạng là: “Giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(8). Người cách mạng khi thực hiện tự phê bình và phê bình “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(9), “phải tự phê bình ráo riết, và lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”(10), “Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta phải cho họ hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm hay gặp phải trong tự phê bình và phê bình, đó là “Việc gì không phê bình trước mặt để nói sau lưng… Không bao giờ đề nghị gì với Đảng”, “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ vì công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”, “sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình”(12)

Đặc biệt, Người chỉ rõ những sai lầm về động cơ và thái độ cũng như nhận thức chính trị của một số cá nhân khi thực hiện tự phê bình và phê bình: “Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm… để đạt mục đích tự tư tự lợi… Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ”, “Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”, “đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng… đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế… họ đâm ra chán nản, thất vọng… Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ của những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”, “phạm cái khuyết điểm hẹp hòi”(13).

Thái độ và phương pháp đúng đắn trong tự phê bình và phê bình của người cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai”; muốn vậy phải “Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt”; “ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng”; ‘khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ”; “Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”(14)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đặc điểm cơ bản trong nhận thức do vị trí công tác quyết định, dẫn đến ứng xử khác nhau trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; từ đó Người hướng dẫn phương pháp thích hợp cho từng đối tượng để thực hiện tự phê bình và phê bình một cách có kết quả: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có giới hạn”, họ cần phải “có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(15), điều này giúp cho việc phê bình nói riêng, việc đưa ra những quyết định nói chung của những người giữ cương vị lãnh đạo không phạm phải sai lầm chủ quan, duy ý chí, không sa vào chủ nghĩa biệt lập, khép kín, cả với hoạt động tự phê bình và phê bình.

Với quần chúng nhân dân, Người chỉ rõ, do “đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh… Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết”… “Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ… nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”(16). Để quần chúng nhân dân phê bình cán bộ có kết quả, chất lượng, thực sự góp phần vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải bảo đảm các điều kiện như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Với nhân dân, “Trước ngày khai hội của Ủy ban, ai có điều gì đề nghị, chất vấn hay phê bình cứ gửi cho Chủ tịch”; với cán bộ, “sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm”; đồng thời, mỗi chủ trương, chính sách, quyết định của chính quyền cần đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người đều nắm được và cùng quyết tâm thực hiện.

Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo đề cập trực tiếp đến nội dung tự phê bình và phê bình, như bài Rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, bài Tự phê bình. Ngày 12-7-1951, Người có bài Phê bình, trong đó chỉ rõ: “Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm… Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa… Không phê bình là bỏ mất một quyền dân chủ của mình… Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ”(17). Ngày 14-2-1952, Báo Nhân Dân đăng bài báo Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đề ra các nội dung thực hiện tự phê bình và phê bình, gồm: Mục đích, Phương hướng, Trọng tâm, Cách làm. Trong đó, Cách làm bắt đầu từ Thống nhất tư tưởng, Nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn, Kiểm thảo công việc, Tiến hành từ trên xuống, Dưới sự lãnh đạo tập trung. Người cũng chỉ rõ các khuyết điểm hay gặp phải trong thực hiện tự phê bình và phê bình là chưa biết tập trung vào những vấn đề trọng tâm; vạch khuyết điểm nhiều, nêu ưu điểm ít; không có biện pháp sửa chữa khuyết điểm, không biểu dương nhân rộng ưu điểm.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chế độ xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam phục vụ mục tiêu chung thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục viết những bài báo về tự phê bình và phê bình để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và đạo đức. Ngày 14-6-1955, Người có bài báo Tự phê bình và phê bình, đăng trên Báo Nhân Dân. Cũng trên Báo Nhân Dân, ngày 4-7-1955, Người có bài viết Có phê bình phải có tự phê bình; ngày 26-7-1956, có bài Tự phê bình, phê bình, sửa chữa; ngày 21-8-1956, có bài Phải xem trọng ý kiến của quần chúng.

Tự phê bình và phê bình trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - kết tinh tư tưởng của Người về vũ khí sắc bén xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong bản Di chúc hoàn thành ngày 15-5-1965, sau những lời nhắn nhủ chân tình với các đồng chí, đồng bào, lời đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng. Để sự nghiệp cách mạng của dân tộc đạt được những thắng lợi vô cùng vẻ vang, theo Người, nguyên nhân cơ bản là Đảng đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; trong Đảng cũng xây dựng tình đoàn kết đồng chí gương mẫu của những người cộng sản, quyết hiến dâng tinh thần và sức lực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tinh thần đoàn kết đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh ví như con ngươi của mắt, có vai trò quan trọng trong nhận thức thế giới xung quanh của mỗi con người, có ý nghĩa lớn lao nhất cho sự hình thành và làm nên mỗi con người trong xã hội. Vì thế, đoàn kết có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với giai cấp vô sản và những người lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, xây dựng xã hội hòa bình, tươi đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, “cần thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, bởi theo Người đó “là cách tốt nhất”(18).

Trước đó, ngày 2-1-1965, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 88-CT/TW, Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1965. Chỉ thị chỉ rõ: “Trong cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trung cấp và cao cấp, bên cạnh tư tưởng hữu khuynh và ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại chưa được khắc phục một cách triệt để, hãy còn nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân… Tình hình ấy đã làm tổn thương đến tính chất tiền phong và gương mẫu của đảng viên, gây ảnh hưởng xấu trong Đảng, trong nhân dân và thiệt hại lớn cho sự nghiệp cách mạng, cần phải kiên quyết khắc phục”(19). Chỉ thị yêu cầu: “Các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo phải gương mẫu trong việc phê bình và tự phê bình, nhất là tự phê bình(20). Như vậy, sự quan tâm thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quán triệt, thể hiện rõ trong văn bản chỉ đạo của Đảng; từ đó, trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của tổ chức đảng các cấp, để góp phần gột rửa những tư tưởng lạc hậu, không xứng đáng với vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên và làm ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong bản Di chúc viết tháng 5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(21). Qua các bản Di chúc viết từ năm 1965 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời có thể thấy, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là mối quan tâm hàng đầu, bởi có thế Đảng mới xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân, mới gánh vác được trọng trách mà dân tộc giao phó, và bởi vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc. Để Đảng có sức mạnh tuyệt đối dẫn dắt dân tộc qua mọi thử thách, cần phải giữ vững tinh thần đoàn kết trong Đảng, giữa nhân dân với Đảng. Muốn vậy, cần thực hành dân chủ, giữ vững đạo đức đảng viên, bằng cách thực hiện thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình - vũ khí hiệu quả và sắc bén chống lại mọi biểu hiện vi phạm đạo đức đảng viên cũng như sự chia rẽ trong Đảng.

Những nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc, đều đã được Người nhiều lần nêu lên một cách cụ thể và chi tiết trong các tác phẩm ở những thời điểm khác nhau của cách mạng. Những tư tưởng đó phản ánh rõ nét quá trình hình thành, sự cụ thể hóa và được Người trình bày một cách hệ thống, để cuối cùng được nêu lên một cách cô đọng, tập trung nhất trong Di chúc.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền_Nguồn:  thanhuytphcm.vn

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung:

Thứ nhất, tự phê bình và phê bình cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, công tác tự phê bình và phê bình cần thực hiện thường xuyên, nghiêm chỉnh, sau mỗi công việc, sau mỗi ngày làm việc, mỗi người cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để thấy rõ những lỗi lầm mắc phải, từ đó tránh lặp lại trong những công việc về sau. Bởi vì tự phê bình và phê bình là nhằm vào công việc, tức kết quả cuối cùng sau khi hoàn thành công việc và thái độ thực hiện công việc, nên nếu sau khi hoàn thành nhiệm vụ không nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, chỉ rõ ưu, khuyết điểm thì sẽ khó tránh khỏi chủ quan, kiêu ngạo, hoặc lặp lại sai lầm trong công tác về sau, cũng như không nhân rộng, phát huy được những ưu điểm, từ đó bỏ sót những nhân tố có ích cho phong trào chung.

Thực tế thời gian qua đã minh chứng rõ điều này, khi hoạt động tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, việc phát động và tổ chức nhân dân góp ý xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa làm chưa nghiêm túc, dẫn đến những sai lầm từ nhỏ nhưng không được phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi, đã trở thành những sai phạm lớn, nghiêm trọng. Điều này đã được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách”(22).

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử; mặc dù thể hiện quyết tâm của Đảng, tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng. Trong đó, có nhiều vụ án, dù được cán bộ, quần chúng ở cơ sở, đơn vị sớm phát hiện, đấu tranh với đương sự và những người có liên quan nhưng không có kết quả; gửi đơn, thư tố cáo cũng “biệt vô âm tín”, thậm chí còn bị dọa dẫm, trù dập. Do đó, để phát huy tốt vai trò của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng thường kỳ, vai trò lãnh đạo và trách nhiệm đầu tiên chính là của người đứng đầu cấp ủy và tập thể cấp ủy cơ quan, địa phương, đơn vị. Ở đây, cần quán triệt chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”, gắn với việc thực hiện tốt Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Thứ hai, tự phê bình và phê bình cần thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả. Thiết thực, hiệu quả chính là tự phê bình và phê bình có nội dung cụ thể, gắn với công việc cụ thể được phân công, cương vị được đảm nhiệm; tránh tự phê bình và phê bình một cách chung chung, chỉ dựa trên những căn cứ trừu tượng, mà phải dựa trên lời nói và việc làm cụ thể của từng cá nhân.

Trong tự phê bình và phê bình về việc làm của cá nhân, cần tập trung chú trọng đánh giá về việc làm trên những nội dung cụ thể, như kế hoạch thực hiện, biện pháp cụ thể, quyết tâm khắc phục khó khăn, trở ngại để hoàn thành công việc. Tự phê bình và phê bình với lời nói của cá nhân có vai trò quan trọng, bởi mỗi cán bộ, đảng viên về nguyên tắc chính là hình mẫu về đạo đức cách mạng, do đó, phát ngôn của họ phải thể hiện sự chuẩn mực, nghiêm túc…; có như vậy, mới làm gương cho quần chúng nhân dân. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, mỗi phát ngôn không chuẩn mực, không đúng lúc, đúng chỗ của người có trách nhiệm dễ gây hậu quả không tốt, phương hại tới uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí gây ra “cơn bão truyền thông”. Do đó, nếu phát hiện lời nói của một cá nhân thể hiện suy nghĩ chưa đúng đắn, tổ chức đảng phụ trách cá nhân đó và các đảng viên cùng sinh hoạt cần phải góp ý để chấn chỉnh, giúp đỡ, tránh việc cá nhân tiếp tục phát ngôn trái với quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó giúp đồng chí mình không vi phạm kỷ luật phát ngôn.

Thứ ba, phát huy mạnh mẽ vai trò của quần chúng nhân dân trong nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, trong phê bình tổ chức đảng và chính quyền các cấp nói riêng. Người đã chỉ rõ đặc điểm tâm lý của quần chúng nhân dân và kết luận: để cho dân chúng phê bình cán bộ… nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng.

Để phát huy mạnh mẽ vai trò của quần chúng nhân dân trong nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết, cần tổ chức tốt việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, về “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Từ đó, tạo thành phong trào hành động thiết thực để nhân dân góp ý chung về công tác lãnh đạo, điều hành của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, để tạo ảnh hưởng lan truyền tới hoạt động tự phê bình và phê bình trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc, chân thành tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình của quần chúng nhân dân mọi lúc, mọi nơi, qua các “kênh” tiếp nhận của tổ chức đảng, chính quyền các cấp; coi việc tiếp xúc với nhân dân, nghiêm túc tiếp thu, trả lời ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng nhân dân là trách nhiệm chính trị của người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương./.

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 13
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 26
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 451
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 166
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 265
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 261
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 266 -267
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 232
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 232
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 239
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 283
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 257 - 260
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 264
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 264
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 286
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 295-296
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 242
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 497  
(19) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr. 3
(20) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 4
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 503
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 184